Thứ Ba, 28 tháng 9, 2021

Chống tiêu cực

 

Giữ gìn “cái gốc”

Bác Hồ từng nhắc nhở đội ngũ cán bộ “Trước mặt quần chúng không phải ta cứ viết lên trán hai chữ “cộng sản” mà ta được mọi người yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn Nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước... Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.

Theo tư tưởng của Bác, đạo đức là cái gốc của người cán bộ, khi cái gốc bị sâu mọt, mục ruỗng thì cái cây sớm muộn sẽ đổ gục. Muốn có đội ngũ cán bộ tốt thì phải thường xuyên chăm sóc, giữ gìn cái gốc.

Những năm qua, người dân phải chứng kiến những vụ việc đáng buồn, đó là không ít cán bộ giữ trọng trách cao, luôn đi rao giảng về tư cách, đạo đức nhưng một ngày bỗng bị tra tay vào còng vì vi phạm đạo đức, lối sống, tham nhũng hàng triệu đô la! Những tấm gương xấu nói một đằng, làm một nẻo, xa rời về tư tưởng, đạo đức, lối sống của người cán bộ như những đòn mạnh đánh vào uy tín của Đảng, của chế độ. 

Hai cựu bộ trưởng TTTT tham nhũng hàng triệu đô la

Hành vi tiêu cực xuất phát từ khi người ta sa vào chủ nghĩa cá nhân, việc nhỏ tới lớn, làm cái gì cũng nghĩ đến cá nhân, đến lợi ích của mình, đó là quá trình thẩm thấu làm “hư mục” cội rễ của đạo đức.

Tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan Nội chính triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tổ chức mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Đạo đức không trong sáng, lành mạnh sinh ra tham ô, đi ăn cắp vặt, rồi dần dần ăn cắp lớn, rồi cấu kết với nhau để làm hại ngân khố của Nhà nước, hủy hoại đạo đức xã hội, làm mất niềm tin của dân”.

Vừa qua Bộ Chính trị bổ sung thêm nhiệm vụ phòng chống tiêu cực cho Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng. Đây là tiếp nối quan điểm chỉ đạo trong Đại hội XIII của Đảng, đó là kết hợp giữa xây và chống, trong đó xây là chính, cũng giống như việc ngăn chặn từ xa, từ sớm, chủ động, tích cực để phát hiện, không để các vụ việc sai phạm xảy ra rồi mới khắc phục hậu quả.

Có ý kiến cho rằng rất khó vạch mặt, chỉ tên hành vi tiêu cực. Song, nếu dựa vào dân, vào quần chúng sẽ không khó để nhận diện những hành vi này, dù nó tinh vi.

Cán bộ có trách nhiệm nọ cố tình gây khó khăn khi giải quyết công việc cụ thể, nhằm buộc người cần giải quyết phải chi tiền hoặc quà biếu vật chất; cán bộ lãnh đạo kia cố tình tạo lí do như sinh nhật, tân gia... để người lệ thuộc phải tặng tiền hoặc quà; hay đang là người đứng đầu nhưng lại gợi ý cấp dưới tham mưu tuyển dụng, bổ nhiệm người thân của mình dù không đủ tiêu chuẩn quy định… Những việc làm đó, từ nhân viên, công chức trong hệ thống hay người dân thường đều có thể nhận ra.

Các việc làm không trong sáng, hành vi tiêu cực như trên đã diễn ra, từng bị dự luận phê phán song vẫn chủ yếu chỉ kiểm điểm, rút kinh nghiệm hoặc xử lí nhẹ tựa “phất chổi lông”..

Đấu tranh chống tiêu cực cần dũng khí và sự nghiệm minh, như vậy mới có thể chăm bón và bảo vệ được “cái gốc” của đội ngũ cán bộ./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 28 tháng 09 năm 2021

 

Thứ Ba, 21 tháng 9, 2021

Chính sách và cạnh tranh

 

Bất cập giá sàn

Can thiệp giá để giải cứu, mang lại lợi ích cục bộ là tư duy ỷ lại của một số doanh nghiệp đã và đang xảy ra, khi ta đang nỗ lực xây dựng một nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Cục Hàng không Việt Nam vừa đề xuất áp giá sàn vé máy bay nội địa với mức tối thiểu vé máy bay bằng 20% mức giá tối đa quy định, tùy từng nhóm đường bay. Giá sàn được đề xuất từ 320.000 đồng đến 750.000 đồng một chiều.

Cục Hàng không lí giải khung này sát với thực tế về mặt bằng chi phí bình quân của các hãng hàng không trong nước, cũng như xấp xỉ mức giá cơ bản của dịch vụ đường sắt và ngang bằng với dịch vụ vận chuyển đường bộ. Đề xuất đưa ra nhằm giải quyết khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cho các hãng hàng không, đặc biệt giảm nguy cơ phá sản của Vietnam Airlines. Nếu chấp nhận đề xuất này đồng nghĩa sẽ không còn dịch vụ hàng không giá rẻ, nhất là giá 0 đồng vốn đã giúp nhiều hành khách thu nhập trung bình tiếp cần dịch vụ cao cấp.

  Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, không chỉ ngành hàng không, mọi ngành nghề, dịch vụ khác đều bị tác động nặng nề. Một ngành kinh doanh có sự liên quan mật thiết, bổ trợ cho nhau với hàng không là du lịch cũng đang chịu một “đòn” nặng từ dịch Covid-19, các doanh nghiệp lữ hành hầu như đang “đứng im”. Không biết khi đề xuất giá sàn, ngành hàng không có nghĩ tới “người bạn thân thiết” là ngành du lịch?

Được biết 70% khách du lịch trong và ngoài nước liên quan đến hàng không và chi phí vé máy bay chiếm 40-50% giá tour. Trong khi đó giá là một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng của việc kích cầu, thu hút khách du lịch. Việc áp giá sàn của hàng không chắc chắn tác động tiêu cực đến sự tăng trưởng du lịch khi được mở cửa trở lại.

Trong khi đó, theo quy định của Luật Giá, tại Điều 19 thì hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá chỉ gồm: Hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước sản xuất, kinh doanh; Tài nguyên quan trọng; Hàng dự trữ quốc gia; Sản phẩm, dịch vụ công ích và dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước. Trong danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá với các dịch vụ hàng không chỉ có dịch vụ cất cánh, hạ cánh; điều hành bay đi, đến; hỗ trợ bảo đảm hoạt động bay; soi chiếu an ninh.

Cục Hàng không là cơ quan quản lí chắc cũng nắm rõ quy định pháp luật, vậy tại sao lại đưa ra đề xuất tạo tiền lệ can thiệp vào một thị trường cần sự cạnh tranh? Chỉ có sự cạnh tranh công bằng mới tạo động lực cho các doanh nghiệp nâng cao chất lượng quản lí và hiệu quả kinh doanh, phục vụ.

Doanh nghiệp Nhà nước hay tư nhân khi vận hành trong nền kinh tế thị trường cạnh tranh đều cần bình đẳng trong thụ hưởng chính sách của Nhà nước. Sự bình đẳng cần cả trong trường hợp giải cứu doanh nghiệp trước một khó khăn chung hiện nay./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 21 tháng 09 năm 2021

Thứ Hai, 20 tháng 9, 2021

Một kiến trúc đang gây tranh luận

 

 Thủ đô cần thêm những cây cầu đẹp

Với các đô thị nhiều sông hồ thì cây cầu ngoài chức năng lưu thông còn cần có một chức năng và tiêu chí khác không kém quan trọng, đó là kiến trúc mĩ thuật để tô điểm gương mặt thành phố.

Là một Thủ đô bên sông, vậy mà cho đến những năm 80 thế kỉ trước Hà Nội chỉ có một cây cầu Long Biên, di sản trăm năm người Pháp để lại. Cho đến nay dù cũ kĩ, cây cầu này vẫn có nét đẹp riêng và cần được tu bổ xứng tầm một di sản của Hà Nội và cả nước.

Cầu Thăng Long do Liên Xô viện trợ được xây dựng vào những năm đất nước khó khăn thiếu thốn nên tiêu chí mĩ thuật có lẽ chưa phải là quan trọng nhất so với nhu cầu giao thông đang gia tăng. Vì vậy yếu tố mĩ thuật của cây cầu này có thể chưa đạt so với mục tiêu ban đầu và chi phí bỏ ra.

Các cây cầu tiếp theo được xây dựng gồm Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì với tiến độ nhanh “chạy theo” sự phát triển vũ bão của giao thông đô thị. Có lẽ vì vậy mà yếu tố mĩ thuật chưa được quan tâm dù chi phí xây dựng mỗi cây cầu cũng tới hàng nghìn tỉ đồng. Ngoài cầu Nhật Tân được Nhật Bản giúp xây dựng có kiến trúc đẹp xứng tầm với Thủ đô, còn lại các cây cầu khác vẫn đơn thuần là công trình giao thông.

Vừa qua Ban Quản lí dự án (BQLDA) đầu tư xây dựng các công trình giao thông đã trình UBND TP Hà Nội kết quả phê duyệt phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng được dư luận và đông đảo người dân quan tâm.

Phối cảnh cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng

Với 3 phương án kèm theo phối cảnh (1. Cầu Extrados bê tông cốt thép hiện đại; 2. Cầu vòm thép kết hợp dây văng tạo hình cánh hạc bay và 3. Cầu dầm hộp bê tông cốt thép dự ứng lực kết hợp trụ tháp kiểu cổ điển) thì Phương án 3 được đã được số thành viên hội đồng lựa chọn nhiều nhất (13/15) và số điểm cao nhất. Các phương án 1 và 2 có kiến trúc và mĩ thuật không khác nhiều so với các cây cầu đã có trên cả nước. Chỉ có phương án 3 để lại dấu ấn với một phối cảnh mới lạ và dư luận đánh giá cao.

Với phối cảnh phương án 3 có thể nhận thấy kiến trúc cây cầu mang phong cách cổ điển, thấp thoáng dáng nét kiến trúc Pháp xưa, gợi nhớ về vẻ đẹp cổ kính thơ mộng của đất kinh đô văn hiến nghìn năm tuổi. Kiến trúc này sẽ phù hợp và hòa nhập với các công trình người Pháp xây dựng tại nội đô như Nhà hát Lớn, Bảo tàng Lịch sử..., những công trình dù hàng trăm năm vẫn không phai mờ nét đẹp riêng.

Ban QLDA đề xuất UBND thành phố Hà Nội kết quả phê duyệt phương án kiến trúc cầu với phương án 3 và UBND thành phố đã nhất trí với đề xuất của Ban QLDA. Dự án được giao Công ty cổ phần Him Lam lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT có chi phí hơn 8.900 tỉ đồng.

Theo quy hoạch, ngoài cầu Trần Hưng Đạo, Hà Nội sẽ xây dựng thêm nhiều cây cầu qua sông Hồng (Việt Trì - Ba Vì, Vân Phúc, Hồng Hà, Thượng Cát, Tứ Liên, Ngọc Hồi, Mễ Sở, Phú Xuyên…).

Hi vọng các cây cầu mới, nhất là cầu tại vùng nội đô sẽ là những công trình có kiến trúc, mĩ thuật xứng tầm, tô đẹp cho một Thủ đô văn hiến, văn minh và hiện đại./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 18 tháng 09 năm 2021

Thứ Năm, 16 tháng 9, 2021

Phong cách sâu sát của người đứng đầu

 

 Sát hạch bằng sâu sát

 Tác phong gần dân, sâu sát, nắm chắc cơ sở là đức tính cần có với mọi cán bộ quản lí các cấp.

Cũng như Thủ tướng tiền nhiệm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thực hiện nhiệm vụ chưa đầy một năm song đã để lại ấn tượng trong người dân bằng tác phong năng nổ, bám sát cơ sở. Chính vì vậy mọi diễn biến tình hình dịch bệnh ở những điểm nóng được nắm bắt kịp thời và chỉ đạo nhanh chóng bằng các giải pháp sát, trúng. Đại dịch Covid-19 bùng phát ở đâu là nhanh chóng thấy sự hiện diện của người đứng đầu Chính phủ ở đó, từ Bắc Giang, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương đến Hà Nội… Hội nghị online, chỉ đạo trực tuyến được triển khai mở rộng đến cấp xã phường mang lại hiệu quả thiết thực và tiết kiệm chi phí tiền của.

Người đứng đầu Chính phủ như vậy, song không ít cán bộ các địa phương đang mắc căn bệnh quan liêu, xa rời thực tiễn, không nhận thức được vị trí, trách nhiệm của mình. Những tồn tại này chỉ bị phát lộ khi Thủ tướng trực tiếp nắm bắt tình hình một số địa phương. Khi đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra công tác phòng chống dịch ở phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội), một điểm nóng vừa bùng phát dịch đã lộ ra chuyện có Sở Chỉ huy phòng chống Covid-19 nhưng chẳng có người trực; lãnh đạo phường khuyết bí thư mấy tháng vẫn chưa được kiện toàn trong lúc tình hình dịch như một đám cháy đang lan. Đặc biệt qua đó còn lộ nhận thức lơ mơ của cán bộ về chủ trương, chiến lược chống dịch của Chính phủ khi vị Chủ tịch phường “hồn nhiên” trả lời Thủ tướng rằng “quan điểm chỉ đạo chống dịch mỗi phường xã là một… lô cốt”!


Thủ tướng hỏi thăm lực lượng trực chốt kiểm soát dịch trên địa Hà Nội

Còn cán bộ cấp tỉnh, qua buổi kiểm tra trực tuyến của Chính phủ với tỉnh Kiên Giang, khi Thủ tưởng hỏi số ca Covid-19 mắc mới trong ngày, vị lãnh đạo đầu tỉnh đã luống cuống “như gà mắc tóc”, mãi mới ngắc ngứ trả lời được một con số mà có lẽ cũng chẳng biết có đúng hay không. Hỏi số ca dương tính đó ở đâu thì lãnh đạo này thực sự bó tay và đã buột miệng “hổng nhớ nổi”! “Chống dịch như chống giặc”, vậy mà lãnh đạo chẳng nắm được bao nhiêu “giặc” và “giặc” đang trú ở đâu thì thất bại là “trong tầm tay”! Có lẽ cũng vì tác phong của người đứng đầu như vậy nên tỉnh Kiên Giang “từ xanh rờn thành đỏ quạch” như lời nhận định của Thủ tướng.

Lẽ thường cán bộ cấp phường phải nắm chắc tình hình tại phường mình, cấp quận huyện nắm chắc quận huyện mình và cấp tỉnh phải nắm chắc tình hình địa phương mình thì mới có thể đưa ra chủ trương, giải pháp, biện pháp sát đúng để ứng phó. Đại dịch Covid-19 với biến thể Delta như một loại “giặc” vô cùng “tinh nhuệ”, nếu người đứng đầu quan liêu, xa rời thực tiễn thì chẳng bao giờ đuổi kịp và chiến thắng được dịch bệnh. Đại dịch bùng phát rộng cũng là tiền đề dẫn tới thất bại về kinh tế và bất ổn xã hội.

Mong cán bộ các cấp cũng có tác phong sâu sát như người đứng đầu Chính phủ để “sát hạch” đội ngũ cán bộ dưới quyền, có như vậy mới xây dựng được đội ngũ đủ năng lực và trách nhiệm phục vụ Nhân dân./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 16 tháng 09 năm 2021

Nghiên cứu-Trao đổi

 

Về câu nói của Bác với những trích dẫn khác nhau

Ngày nay, mỗi khi được xem những thước phim lịch sử về buổi lễ Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 ai nấy vô cùng xúc động khi nghe giọng trầm ấm, gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Có một câu nói vô cùng thân thương thường được trích nhắc, đó là khi Bác dừng lại hỏi xem mọi người có nghe rõ giọng Người đọc bản Tuyên ngôn. Tuy nhiên, toàn bộ những thước phim, băng gốc đều không lưu lại được câu nói đó. Câu nói chỉ được một số nhân chứng nhắc trong các bài báo, hoặc trong nghệ thuật, thơ văn. Câu được trích phổ biến nhất hiện nay là “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”.

Nhưng trong Trường ca “Theo chân Bác” của nhà thơ Tố Hữu thì câu nói đó lại được viết: Người đọc Tuyên ngôn… Rồi chợt hỏi: “Ðồng bào nghe tôi nói rõ không?/ Ôi câu hỏi, hơn một lời kêu gọi/ Rất đơn sơ mà ấm bao lòng!…”.

Còn theo ông Vũ Kỳ, thư kí riêng của Bác thì chính xác Người nói là: “Đồng bào nghe rõ tiếng tôi không?”.  

Hồ Chủ Tịch đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945. Ảnh tư liệu

Vì sao câu nói đó của Bác không có trong các băng gốc?

Theo lời kể của ông Trần Lâm, nguyên Tổng Giám đốc Ðài Tiếng nói Việt Nam, ba ngày sau khi khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội thành công, đồng chí Xuân Thủy gặp các ông Trần Lâm và các ông Trần Kim Xuyến, Chu Văn Tích truyền đạt chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giao nhiệm vụ nhanh chóng thành lập đài phát thanh. Lúc bấy giờ, các ông Lâm, Xuyến, Tích còn rất trẻ, chưa từng làm báo và không biết kĩ thuật phát thanh.

Nhóm của ông Trần Lâm đã tìm cách để liên hệ các kĩ sư từng làm việc cho Pháp ở Sở Vô tuyến điện cũ và là những người hiểu biết kĩ thuật vô tuyến điện. Từ gợi ý của các nhà kĩ thuật, các ông đã tiếp quản lại đài phát sóng Bạch Mai của Pháp và cho cải tiến những máy phát tín hiệu thành máy phát sóng phát thanh AM. Về nội dung, nhóm đã mời được nhiều trí thức trẻ cùng tham gia biên tập, biên dịch tiếng Pháp, tiếng Anh để xây dựng chương trình.

Ðiều đặc biệt là kể từ khi bắt đầu “phát sóng thử nghiệm”, Ðài Tiếng Nói Việt Nam đã phải phát trực tiếp. Các phát thanh viên đọc trực tiếp ra máy phát và chương trình phát sóng. Lí do theo ông Trần Lâm, vì một thời gian dài Ðài không có máy ghi âm. Mãi đến sau này, các nước XHCN anh em mới viện trợ máy móc và giúp đỡ công nghệ làm phát thanh hiện đại. Từ đó, các chương trình mới được ghi âm trước.

Tại thời điểm Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, Ðài Tiếng Nói Việt Nam chưa phát sóng chính thức nhưng nhóm ông Trần Lâm đã quyết định kéo tín hiệu giọng đọc Bác Hồ từ lễ đài thông qua một micro đặt ở loa và dòng dây trần truyền từ Ba Ðình về số 4 Ðinh Lễ để thử phát. Nhưng đó cũng chỉ như một buổi phát thanh thử nghiệm theo cách nói ngày nay. Vào 11giờ 30 ngày 7/9/1945, buổi phát thanh đầu tiên bằng tiếng Việt mới được thực hiện.

Buổi phát thanh ngày 23/10/1946, Bác Hồ đã đến phòng thu của Ðài để nói chuyện trực tiếp với đồng bào cả nước về Tạm ước 14/9/1946 qua làn sóng của Ðài Tiếng nói Việt Nam.

Sau năm 1954, khi hòa bình lập lại trên miền Bắc, Ðài Tiếng Nói Việt Nam được trang bị máy móc thiết bị tốt hơn và có máy ghi âm băng cối để thực hiện nhiều chương trình phát thanh thu trước. Lúc này ông Trần Lâm mới gặp trực tiếp Bác Hồ và kính mời Người đến phòng thu để đọc lại bản Tuyên ngôn độc lập như một tư liệu.

Ngày nay, chúng ta nghe lại đoạn băng ghi âm trên với chất lượng âm thanh tốt, không có tạp âm, tiếng ồn hiện trường, nghe được rõ hơn chất giọng ấm áp thiêng liêng của Người và dĩ nhiên không có câu “Đồng bào nghe rõ tiếng tôi không”.

Trong đoạn phim tư liệu lấy từ Pháp về (của một người quay phim Việt Nam giấu tên), do chất lượng không tốt, chỉ gạn được 6 phút song không ghi được câu khi Bác hỏi đồng bào.

Vậy ba bản trích khác nhau về câu nói của Bác hiện nay nên theo bản nào?

Câu “Ðồng bào nghe tôi nói rõ không?” của nhà thơ Tố Hữu cũng rất đáng tin bởi ông là cán bộ tuyên truyền cao nhất trong những năm kháng chiến. Tuy nhiên, vào thời điểm năm 1945, khi Cách mạng tháng Tám bùng nổ, ông là Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Thừa Thiên - Huế. Cuối năm 1947, ông mới lên Việt Bắc làm công tác văn nghệ, tuyên huấn. Như vậy ông không phải là nhân chứng trực tiếp nghe Bác đọc Tuyên ngôn độc lập. Câu nói trong bài thơ của ông có thể đã được nghe lại từ người khác.


Bác Hồ thăm nông dân đang gặt lúa trên cánh đồng xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, Thái Nguyên. Ảnh tư liệu

Đối với khẳng định của ông Vũ Kỳ về câu nói trên, trong một bài trả lời phỏng vấn trên Báo Nhân dân, ông đã nói: “Nhân đây tôi cũng nói luôn, câu nói: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?” mà mọi người biết đến từ nhiều năm qua thực ra là sai. Sở dĩ tôi biết tỉ mỉ như vậy là vì tôi có thói quen ghi nhật kí”.

Theo các tư liệu hiện nay, từ ngày 28/8/1945, ông Vũ Kỳ làm thư kí riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến năm 1953 ông mới được cử làm Đoàn trưởng đoàn Thanh niên xung phong Trung ương. Với nhiệm vụ của một thư kí riêng cho lãnh tụ, ít có khả năng ông nhớ và ghi chép sai khác so với lời của Bác.

Một số ý kiến trên báo chí còn lí giải cụ thể hơn vì sao Bác hỏi câu trên: Bác là người nói tiếng miền Trung, giọng pha Bắc nên khi đọc tuyên ngôn Người lo Nhân dân trên quảng trường không nghe được rõ tiếng của mình nên mới hỏi: “Đồng bào nghe rõ tiếng tôi không?”. Về logic, bản Tuyên ngôn độc lập được Bác soạn trước, giấy trắng mực đen được Người đọc trịnh trọng chứ không phải là nói, do đó Bác không thể hỏi: “Tôi nói…”.

Nhiều ý kiến hiện nay cũng cho rằng, Bác là người luôn trọng dân, chữ Đồng bào, Nhân dân… luôn được người đặt trước chữ tôi. Rất hiếm thấy trong văn bản, lời nói nào của Bác có chữ tôi đặt trước, khi nó đi cùng chữ Nhân dân, Đồng bào… Đó là nhân cách của Người.

Cả hai câu trích của nhà thơ Tố Hữu và ông Vũ Kỳ, chữ Đồng bào được đặt trước, có lẽ đúng hơn nếu theo một trong hai nhân chứng này. Câu Bác hỏi: “Đồng bào nghe rõ tiếng tôi không” theo ông Vũ Kỳ là giả thuyết tin tưởng hơn cả.

Còn câu “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?” dù lâu nay nghe khá nhiều, đã quen  song có thể chưa đúng với nhân cách của Bác - một tấm gương vĩ đại cả đời hi sinh cống hiến cho Nhân dân và dân tộc Việt Nam và Ngươi luôn chỉ coi mình là một đầy tớ trung thành của Nhân dân./.

Đinh Hoàng

Bài nghiên cứu-trao đổi đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 16 tháng 09 năm 2021

Thứ Ba, 14 tháng 9, 2021

Phía sau bệnh thành tích

 

Bệnh thành tích trong giáo dục là của ai?

Bệnh thành tích trong giáo dục là câu chuyện đã được nhắc tới nhiều năm qua và đến nay vẫn chưa có “thuốc đặc trị”.

Vừa qua một thông tư mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thắp lên hi vọng sẽ tiết giảm “căn bệnh trầm kha” mang tên thành tích. Đó là Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Thông tư này chính thức bỏ danh hiệu học sinh tiên tiến ở hai cấp học, chỉ còn giữ lại danh hiệu học sinh xuất sắc và học sinh giỏi. Thông tư cũng không còn quy định xếp loại học lực của học sinh dựa vào điểm trung bình các môn học như trước đây, tránh học lệch. Thay vào đó, học sinh được đánh giá bằng hình thức nhận xét và điểm số. Các mức đánh giá học sinh bao gồm: Tốt, Khá, Đạt và Chưa đạt thay cho 5 mức Giỏi, Khá, Trung bình, Yếu, Kém trước đây.

Phía sau thành tích. Tranh minh họa

Nhiều chuyên gia cho rằng, bỏ danh hiệu học sinh tiên tiến là phù hợp, sẽ đánh giá đúng thành tích của học sinh. Bỏ đi cách gọi yếu, kém thay bằng đạtchưa đạt cũng nhẹ nhàng, nhân văn hơn.

Vậy bệnh thành tích trong giáo dục đến từ đâu, có phải từ học sinh hay từ chính phụ huynh, giáo viên và nhà trường? Ai khẳng định rằng có tình trạng học sinh chạy theo thành tích, khi mà thành tích được ghi nhận đúng lại chính là động lực, nguồn động viên để các em phấn đấu đạt kết quả cao hơn?

Phụ huynh muốn con em mình có điểm số cao, được khen thưởng để thỏa mãn sĩ diện cá nhân mà đôi khi coi nhẹ việc xem học lực thực sự của con em mình mức nào.

Thành tích là động lực phấn đấu của học sinh

Giáo viên (cả chủ nhiệm và bộ môn) muốn nhiều học sinh của mình đạt điểm số cao (đôi khi chưa thực chất) để khẳng định năng lực, thành tích cá nhân.

Nhà trường muốn nhiều lớp có thành tích tốt để tô điểm thành tích tập thể, đồng nghĩa là thành tích của lãnh đạo.

Đó là những thành tố “nhiễm” căn bệnh thành tích chứ không phải học sinh!

Dù thay đổi cách đánh giá nhưng nếu không có nhận thức một cách đúng đắn, khoa học, đưa về đúng bản chất dạy thật, học thật, thi thật để có chất lượng thật thì đến một thời gian nào đó sẽ trở về như bao năm qua - số học sinh tốt, khá lại chiếm đa số giống học sinh tiên tiến.

Chống bệnh thành tích là việc làm cấp thiết nhưng cũng cần tránh khuynh hướng triệt tiêu phong trào thi đua dạy tốt, học tốt trong nhà trường. Lứa tuổi học sinh rất cần sự động viên khích lệ khi các em có sự nỗ lực và đạt được sự tiến bộ nhất định.

Sau này nếu chỉ khen thưởng học sinh tốt thì sẽ có rất ít học sinh được nhận tấm giấy khen cuối năm học trong khi học sinh khá cũng cần có hình thức biểu dương, khích lệ. Khen thưởng với học sinh không lo khen quá nhiều, điều quan trọng nhất là phải khen đúng, đánh giá đúng thực chất sự rèn luyện, phấn đấu của các em, không cào bằng.

Khi thành tích của học sinh là thực chất thì căn bệnh thành tích mới được tiết giảm./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 14 tháng 09 năm 2021

Thứ Bảy, 11 tháng 9, 2021

Làm từ thiện không chuyên nghiệp và hệ qủa

 

Người nổi tiếng cần thay đổi cách làm từ thiện

Chuyện nghệ sĩ làm từ thiện chưa minh bạch lại đang nóng lên với từ khóa sao kê.

Từ việc một cá nhân linestream trên mạng xã hội nghi vấn vài người nổi tiếng thiếu minh bạch số tiền quyên góp từ thiện. Lời qua tiếng lại khiến dư luận nóng lên với nhiều bình luận, phán xét trái chiều.

Chuyện đúng sai chưa biểt thế nào nhưng cái mất mát lớn nhất lúc này chính là hình ảnh của một số cá nhân đã vận động tiền làm từ thiện. Thời gian, tâm trí, sức lực cho việc ứng phó với dư luận chắc chắn ảnh hưởng không ít đến công việc chính của họ là cống hiến tài năng cho công chúng.

Hiện nay trong một bộ phận cá nhân hình như đang có cách nhìn nhận chưa đúng về một việc làm nhân văn mang tên Từ Thiện.

Bạn có nhiều tiền của, trích một phần đó mang đi chia sẻ cho những hoàn cảnh khó khăn - đó chính là làm từ thiện. Cách làm này đơn giản, hiệu quả, chẳng mấy khi gây điều qua tiếng lại.


Lùm xùm nghệ sĩ sao kê từ thiện đang nóng dư luận

Bạn kêu gọi cộng đồng đóng góp thông qua tài khoản cá nhân để chia sẻ, giúp đỡ những người khó khăn hoạn nạn - đó là bạn đang gây Quỹ tự thiện chứ không phải làm từ thiện đơn thuần.

Với hai khoản trên, một của cá nhân, một của cộng đồng thì cách làm không thể giống nhau, độ phức tạp cũng khác “một trời một vực”.

Tiền của cá nhân thì pháp luật không can thiệp nhưng là Quỹ từ thiện của cộng đồng buộc phải tuân theo quy định của pháp luật hiện hành. Đó là chưa kể, với uy tín cá nhân, họ phải tuân thủ quy tắc đạo đức xã hội thông thường.

Theo quy định tại Điều 5, Nghị định số 64/2008/NĐ-CP của Chính phủ thì chỉ có Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Hội chữ thập đỏ Việt Nam; cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương; Ủy ban MTTQ và Hội Chữ thập đỏ các cấp và các Quỹ xã hội từ thiện được vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân. Ngoài ra, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.

Việc một số cá nhân vận động quỹ cho việc làm từ thiện kể trên thực chất là không đúng quy định của pháp luật hiện hành. Dù sao thì họ đã vận động được nguồn quỹ không nhỏ, do vậy nếu chiếu theo quy định thì lẽ ra các cá nhân phải tuân theo Nghị định số 93/2019/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện với nhiều điều khoản chặt chẽ, rõ ràng. Song tất cả các cá nhân vận động quỹ hiện nay hoàn toàn chưa tuân thủ theo quy định luật pháp. Chính vì vậy đã xảy ra chuyện lùm xùm cùng nhiều hệ lụy không mong muốn, ảnh hưởng tới uy tín, danh dự cá nhân dù họ có thể không trục lợi.

Người của công chúng hay bất kì cá nhân nào nếu có tâm muốn làm từ thiện thì trước hết cần tìm hiểu kĩ quy định của luật pháp. Làm từ thiện ngoài cái tâm trong sáng ra cũng nên biết rằng đây là một việc cần tính chuyên nghiệp cao. Nếu chỉ làm theo cảm hứng thì hiệu quả không những không đạt mà còn tổn hại đến chính người bỏ công sức đi làm từ thiện./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 11 tháng 08 năm 2021

 

Mở cửa từng bước có điều kiện

 

 Mở cửa, không “mở toang”

Đại dịch Covid-19 không chỉ gây thiệt hại to lớn về sinh mạng, sức khỏe người dân mà còn khiến nền kinh tế thiệt hại khó đong đếm, hoạt động xã hội xáo trộn sẽ để lại hệ quả lâu dài.

Chủ trương thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa giữ vững và phát triển kinh tế của Nhà nước ta đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

So với các nước dân số đông trong khu vực, hiện Việt Nam vẫn là quốc gia có số ca nhiễm mới, ca tử vong thấp hơn các nước như Thái Lan, Malaysia, Philipines hay Indonesia.

Không nhìn nhận những thành tựu chống dịch của ta dù được quốc tế ghi nhận, gần đây đã có một vài ý kiến tự coi là “tâm thư” gửi người đứng đầu chính phủ đưa ra những đánh giá, nhận định không xuất phát từ thực tiễn. Họ phán quyết xanh rờn rằng “cuộc chiến chống lại covid của chúng ta đã đi sai lạc ngay từ đầu. Dẫn đến hiện nay mọi việc ngày càng rối ren. Thậm chí ở TP Hồ Chí Minh có thể gọi chính xác những gì đang diễn ra là thảm họa”! Từ đó, ý kiến này đòi hỏi mở cửa cho mọi sinh hoạt bình thường như tại một số nước châu Âu…

Virus Corona biến thể Delta nguy hiểm hiện đang là sự “đau đầu” của mọi quốc gia, kể cả các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, chưa có nước nào dám mạo hiểm mở cửa hoàn toàn, vô điều kiện. Chỉ cần một vài ca nhiễm lẩn khuất trong cộng đồng, sau 5-7 ngày đã có thể trở thành một ổ dịch lớn. Trường hợp tại phường Thanh Xuân Trung là ví dụ nhãn tiền. Các bước đi thận trọng trong cách đối phó đại dịch của Hà Nội theo ba vùng hiện nay là đúng hướng. Với một đô thị gần chục triệu dân nếu quá vội vàng thì khả năng lâm vào tình trạng như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương… là khó tránh khỏi. Không một ai mong muốn kịch bản mỗi ngày có 300-400 ca tử vong vì Covid-19.

Để tránh đứt gẫy chuỗi sản xuất, đổ vỡ của các doanh nghiệp, Nhà nước ta đang có những điều chỉnh trong sách lược chống dịch kết hợp duy trì phục hồi nền kinh tế. Quá trình này luôn phải gắn liền với thúc đẩy và phủ rộng diện tiêm vaccine. Khi những vùng xanh đạt tỉ lệ tiêm chủng đáp ứng miễn dịch cộng đồng thì cần thiết mở cửa có điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Người lao động đã tiêm vaccine sống trong vùng xanh hoàn toàn có thể tới doanh nghiệp để sản xuất trong các điều kiện phòng dịch được khuyến cáo của Bộ Y tế cùng việc thực hiện một cung đường, hai điểm đến.


Cần mở cửa từng bước để doanh nghiệp trở lại sản xuất

Học sinh, đặc biệt là hệ tiểu học tại các vùng xanh cũng cần từng bước nghiên cứu để mở cửa trường học trong một trạng thái mới, bảo đảm an toàn giãn cách tương đối. Học trực tuyến với cấp học này rất khó đạt được chất lượng theo yêu cầu và nguy cơ “đứt gãy” kiến thức cũng rất nguy hại.

Mở cửa từng bước và sống chung với Covid-19 là tất yếu song không có nghĩa là “mở toang”. Nếu dịch bùng phát trên cả nước thì bao thành quả cùng những chi phí thiệt hại chống dịch gần hai năm qua sẽ là vô nghĩa./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 10 tháng 08 năm 2021

 

Thứ Ba, 7 tháng 9, 2021

An toàn thực phẩm

 

Bao giờ mới tự phát hiện?

Đối với thực phẩm sử dụng hàng ngày như bánh phở, bún… nhiều người chia sẻ kinh nghiệm mua về cứ bỏ ngoài tiết nóng, nếu sau 3-5 giờ mà chuyển mùi chua là an toàn, nếu không thì chắc chắn có chất gì đó khiến vi sinh vật “bó tay”.

Còn anh bạn tôi thì mách nước muốn ngâm ớt không lên mốc thì cứ mua chai nước chấm Nam Ngư hoặc Chinsu mà dùng. Tôi làm theo, quả đúng vậy.

Hiện nay thực phẩm chế biến sẵn chiếm phần lớn trong danh mục sử dụng hằng ngày của mọi gia đình, nó cũng chiếm hầu hết diện tích kệ hàng từ siêu thị đến các quầy tạp hóa nhỏ và “đánh bay” nhiều sản phẩm truyền thống. Nhiều nhất là các loại nước chấm, nước tương, gia vị, các loại mì gói, phở, cháo… với hàng chục nhãn hàng.

Có một thực tế dù chiếm phần lớn trong giỏ hàng thiết yếu song khá hiếm hoi thấy các sản phẩm này bị cơ quan quản lí của ta tự phát hiện các vi phạm chất cấm mà chủ yếu nhờ… nước ngoài!

Năm 2019 xôn xao câu chuyện 18.000 chai tương ớt Chinsu có chất cấm (acid benzoic) bị phát hiện khi nó sang thị trường Nhật Bản.

Bẵng đi mấy năm, vừa qua dư luận lại bất ngờ khi một số sản phẩm thực phẩm chế biến sẵn bị châu Âu, Ireland phát hiện có chất cấm nguy hại (gây ung thư).


Mỳ Hảo Hảo bị nước ngoài phát hiện có chất
Ethylene Oxide

Cụ thể, Văn phòng SPS Việt Nam nhận được cảnh báo của Liên minh châu Âu (EU) đối với sản phẩm mì khô vị bò gà của Công ty cổ phần thực phẩm Thiên Hương có chất cấm Ethylene Oxide.

Rồi cơ quan an toàn thực phẩm Ireland trước đó cũng thông báo thu hồi các lô sản phẩm mì ăn liền hương tôm chua cay nhãn hiệu Hảo Hảo (Hao Hao Sour-Hot Shrimp Flavour Instant Noodle Dish) và miến ăn liền hương sườn non nhãn hiệu Good (Good Spare Ribs Flavour Instant Noodle Dish) của Công ty cổ phần Acecook Việt Nam có thuốc bảo vệ thực vật Ethylene Oxide.

Thực ra cách đây 15 năm, việc tự phát hiện chất cấm trong thực phẩm đã từng được chỉ tên. Đó là nước tương Chinsu của Vitecfood cùng hàng chục nhà sản xuất khác cũng có mẫu nước tương vi phạm về hàm lượng chất 3-MCPD (gây ung thư) trong sản phẩm. Kiểm tra 30 đơn vị sản xuất khi đó thì 21 đơn vị có mẫu nước tương chứa chất gây ung thư vượt tiêu chuẩn cho phép. Mức vượt tiêu chuẩn có sản phẩm lên đến 2.215,6 lần!

Hiện các ngành quản lí như y tế, công thương, nông nghiệp… đều có hệ thống văn bản, thông tư, quy chuẩn, tiêu chuẩn… về an toàn lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng khá đầy đủ. Có thể nói lực lượng nhân sự cùng hành lang pháp lí không thiếu, thậm chí có cả hiệp hội chuyên bảo vệ người tiêu dùng.

Vậy tại sao bao nhiêu năm chẳng thấy sản phẩm nào bị phát hiện chất cấm? Phải chăng các doanh nghiệp đang chấp hành quá tốt? Điều này rất đáng nghi ngờ khi mà sản phẩm vi phạm chỉ bị nước ngoài phát hiện!

Chất gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng hiện hữu trong các sản phẩm tiêu dùng nếu cơ quan chức năng không quản lí được là điều vô cùng lo ngại. Liệu đây có phải là một trong các nguyên nhân chính của việc “tăng trưởng” căn bệnh ung thư với hàng trăm nghìn người chết mỗi năm?/.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 07 tháng 09 năm 2021