Giữ gìn “cái gốc” Bác Hồ từng nhắc nhở đội ngũ cán bộ “Trước mặt quần chúng không phải ta cứ viết lên trán hai chữ “cộng sản” mà ta được mọi người yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn Nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước... Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Theo tư tưởng của Bác, đạo đức là cái gốc của người cán bộ, khi cái gốc bị sâu mọt, mục ruỗng thì cái cây sớm muộn sẽ đổ gục. Muốn có đội ngũ cán bộ tốt thì phải thường xuyên chăm sóc, giữ gìn cái gốc. Những năm qua, người dân phải chứng kiến những vụ việc đáng buồn, đó là không ít cán bộ giữ trọng trách cao, luôn đi rao giảng về tư cách, đạo đức nhưng một ngày bỗng bị tra tay vào còng vì vi phạm đạo đức, lối sống, tham nhũng hàng triệu đô la! Những tấm gương xấu nói một đằng, làm một nẻo, xa rời về tư tưởng, đạo đức, lối sống của người cán bộ như những đòn mạnh đánh vào uy tín của Đảng, của chế độ. Hai cựu bộ trưởng TTTT tham nhũng hàng triệu đô la Hành vi tiêu cực xuất phát từ khi người ta sa vào chủ nghĩa cá nhân, việc nhỏ tới lớn, làm cái gì cũng nghĩ đến cá nhân, đến lợi ích của mình, đó là quá trình thẩm thấu làm “hư mục” cội rễ của đạo đức. Tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan Nội chính triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tổ chức mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Đạo đức không trong sáng, lành mạnh sinh ra tham ô, đi ăn cắp vặt, rồi dần dần ăn cắp lớn, rồi cấu kết với nhau để làm hại ngân khố của Nhà nước, hủy hoại đạo đức xã hội, làm mất niềm tin của dân”. Vừa qua Bộ Chính trị bổ sung thêm nhiệm vụ phòng chống tiêu cực cho Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng. Đây là tiếp nối quan điểm chỉ đạo trong Đại hội XIII của Đảng, đó là kết hợp giữa xây và chống, trong đó xây là chính, cũng giống như việc ngăn chặn từ xa, từ sớm, chủ động, tích cực để phát hiện, không để các vụ việc sai phạm xảy ra rồi mới khắc phục hậu quả. Có ý kiến cho rằng rất khó vạch mặt, chỉ tên hành vi tiêu cực. Song, nếu dựa vào dân, vào quần chúng sẽ không khó để nhận diện những hành vi này, dù nó tinh vi. Cán bộ có trách nhiệm nọ cố tình gây khó khăn khi giải quyết công việc cụ thể, nhằm buộc người cần giải quyết phải chi tiền hoặc quà biếu vật chất; cán bộ lãnh đạo kia cố tình tạo lí do như sinh nhật, tân gia... để người lệ thuộc phải tặng tiền hoặc quà; hay đang là người đứng đầu nhưng lại gợi ý cấp dưới tham mưu tuyển dụng, bổ nhiệm người thân của mình dù không đủ tiêu chuẩn quy định… Những việc làm đó, từ nhân viên, công chức trong hệ thống hay người dân thường đều có thể nhận ra. Các việc làm không trong sáng, hành vi tiêu cực như trên đã diễn ra, từng bị dự luận phê phán song vẫn chủ yếu chỉ kiểm điểm, rút kinh nghiệm hoặc xử lí nhẹ tựa “phất chổi lông”.. Đấu tranh chống tiêu cực cần dũng khí và sự nghiệm minh, như vậy mới có thể chăm bón và bảo vệ được “cái gốc” của đội ngũ cán bộ./. Đinh Hoàng Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 28 tháng 09 năm 2021
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét