Thứ Hai, 20 tháng 9, 2021

Một kiến trúc đang gây tranh luận

 

 Thủ đô cần thêm những cây cầu đẹp

Với các đô thị nhiều sông hồ thì cây cầu ngoài chức năng lưu thông còn cần có một chức năng và tiêu chí khác không kém quan trọng, đó là kiến trúc mĩ thuật để tô điểm gương mặt thành phố.

Là một Thủ đô bên sông, vậy mà cho đến những năm 80 thế kỉ trước Hà Nội chỉ có một cây cầu Long Biên, di sản trăm năm người Pháp để lại. Cho đến nay dù cũ kĩ, cây cầu này vẫn có nét đẹp riêng và cần được tu bổ xứng tầm một di sản của Hà Nội và cả nước.

Cầu Thăng Long do Liên Xô viện trợ được xây dựng vào những năm đất nước khó khăn thiếu thốn nên tiêu chí mĩ thuật có lẽ chưa phải là quan trọng nhất so với nhu cầu giao thông đang gia tăng. Vì vậy yếu tố mĩ thuật của cây cầu này có thể chưa đạt so với mục tiêu ban đầu và chi phí bỏ ra.

Các cây cầu tiếp theo được xây dựng gồm Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì với tiến độ nhanh “chạy theo” sự phát triển vũ bão của giao thông đô thị. Có lẽ vì vậy mà yếu tố mĩ thuật chưa được quan tâm dù chi phí xây dựng mỗi cây cầu cũng tới hàng nghìn tỉ đồng. Ngoài cầu Nhật Tân được Nhật Bản giúp xây dựng có kiến trúc đẹp xứng tầm với Thủ đô, còn lại các cây cầu khác vẫn đơn thuần là công trình giao thông.

Vừa qua Ban Quản lí dự án (BQLDA) đầu tư xây dựng các công trình giao thông đã trình UBND TP Hà Nội kết quả phê duyệt phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng được dư luận và đông đảo người dân quan tâm.

Phối cảnh cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng

Với 3 phương án kèm theo phối cảnh (1. Cầu Extrados bê tông cốt thép hiện đại; 2. Cầu vòm thép kết hợp dây văng tạo hình cánh hạc bay và 3. Cầu dầm hộp bê tông cốt thép dự ứng lực kết hợp trụ tháp kiểu cổ điển) thì Phương án 3 được đã được số thành viên hội đồng lựa chọn nhiều nhất (13/15) và số điểm cao nhất. Các phương án 1 và 2 có kiến trúc và mĩ thuật không khác nhiều so với các cây cầu đã có trên cả nước. Chỉ có phương án 3 để lại dấu ấn với một phối cảnh mới lạ và dư luận đánh giá cao.

Với phối cảnh phương án 3 có thể nhận thấy kiến trúc cây cầu mang phong cách cổ điển, thấp thoáng dáng nét kiến trúc Pháp xưa, gợi nhớ về vẻ đẹp cổ kính thơ mộng của đất kinh đô văn hiến nghìn năm tuổi. Kiến trúc này sẽ phù hợp và hòa nhập với các công trình người Pháp xây dựng tại nội đô như Nhà hát Lớn, Bảo tàng Lịch sử..., những công trình dù hàng trăm năm vẫn không phai mờ nét đẹp riêng.

Ban QLDA đề xuất UBND thành phố Hà Nội kết quả phê duyệt phương án kiến trúc cầu với phương án 3 và UBND thành phố đã nhất trí với đề xuất của Ban QLDA. Dự án được giao Công ty cổ phần Him Lam lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT có chi phí hơn 8.900 tỉ đồng.

Theo quy hoạch, ngoài cầu Trần Hưng Đạo, Hà Nội sẽ xây dựng thêm nhiều cây cầu qua sông Hồng (Việt Trì - Ba Vì, Vân Phúc, Hồng Hà, Thượng Cát, Tứ Liên, Ngọc Hồi, Mễ Sở, Phú Xuyên…).

Hi vọng các cây cầu mới, nhất là cầu tại vùng nội đô sẽ là những công trình có kiến trúc, mĩ thuật xứng tầm, tô đẹp cho một Thủ đô văn hiến, văn minh và hiện đại./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 18 tháng 09 năm 2021

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét