Bệnh thành tích trong giáo dục là của ai? Bệnh thành tích trong giáo dục là câu chuyện đã được nhắc tới nhiều năm qua và đến nay vẫn chưa có “thuốc đặc trị”. Vừa qua một thông tư mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thắp lên hi vọng sẽ tiết giảm “căn bệnh trầm kha” mang tên thành tích. Đó là Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông. Thông tư này chính thức bỏ danh hiệu học sinh tiên tiến ở hai cấp học, chỉ còn giữ lại danh hiệu học sinh xuất sắc và học sinh giỏi. Thông tư cũng không còn quy định xếp loại học lực của học sinh dựa vào điểm trung bình các môn học như trước đây, tránh học lệch. Thay vào đó, học sinh được đánh giá bằng hình thức nhận xét và điểm số. Các mức đánh giá học sinh bao gồm: Tốt, Khá, Đạt và Chưa đạt thay cho 5 mức Giỏi, Khá, Trung bình, Yếu, Kém trước đây. Phía sau thành tích. Tranh minh họa Nhiều chuyên gia cho rằng, bỏ danh hiệu học sinh tiên tiến là phù hợp, sẽ đánh giá đúng thành tích của học sinh. Bỏ đi cách gọi yếu, kém thay bằng đạt và chưa đạt cũng nhẹ nhàng, nhân văn hơn. Vậy bệnh thành tích trong giáo dục đến từ đâu, có phải từ học sinh hay từ chính phụ huynh, giáo viên và nhà trường? Ai khẳng định rằng có tình trạng học sinh chạy theo thành tích, khi mà thành tích được ghi nhận đúng lại chính là động lực, nguồn động viên để các em phấn đấu đạt kết quả cao hơn? Phụ huynh muốn con em mình có điểm số cao, được khen thưởng để thỏa mãn sĩ diện cá nhân mà đôi khi coi nhẹ việc xem học lực thực sự của con em mình mức nào. Thành tích là động lực phấn đấu của học sinh Giáo viên (cả chủ nhiệm và bộ môn) muốn nhiều học sinh của mình đạt điểm số cao (đôi khi chưa thực chất) để khẳng định năng lực, thành tích cá nhân. Nhà trường muốn nhiều lớp có thành tích tốt để tô điểm thành tích tập thể, đồng nghĩa là thành tích của lãnh đạo. Đó là những thành tố “nhiễm” căn bệnh thành tích chứ không phải học sinh! Dù thay đổi cách đánh giá nhưng nếu không có nhận thức một cách đúng đắn, khoa học, đưa về đúng bản chất dạy thật, học thật, thi thật để có chất lượng thật thì đến một thời gian nào đó sẽ trở về như bao năm qua - số học sinh tốt, khá lại chiếm đa số giống học sinh tiên tiến. Chống bệnh thành tích là việc làm cấp thiết nhưng cũng cần tránh khuynh hướng triệt tiêu phong trào thi đua dạy tốt, học tốt trong nhà trường. Lứa tuổi học sinh rất cần sự động viên khích lệ khi các em có sự nỗ lực và đạt được sự tiến bộ nhất định. Sau này nếu chỉ khen thưởng học sinh tốt thì sẽ có rất ít học sinh được nhận tấm giấy khen cuối năm học trong khi học sinh khá cũng cần có hình thức biểu dương, khích lệ. Khen thưởng với học sinh không lo khen quá nhiều, điều quan trọng nhất là phải khen đúng, đánh giá đúng thực chất sự rèn luyện, phấn đấu của các em, không cào bằng. Khi thành tích của học sinh là thực chất thì căn bệnh thành tích mới được tiết giảm./. Đinh Hoàng Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 14 tháng 09 năm 2021 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét