Sát hạch bằng sâu sát Tác phong gần dân, sâu sát, nắm chắc cơ sở là đức tính cần có với mọi cán bộ quản lí các cấp. Cũng như Thủ tướng tiền nhiệm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thực hiện nhiệm vụ chưa đầy một năm song đã để lại ấn tượng trong người dân bằng tác phong năng nổ, bám sát cơ sở. Chính vì vậy mọi diễn biến tình hình dịch bệnh ở những điểm nóng được nắm bắt kịp thời và chỉ đạo nhanh chóng bằng các giải pháp sát, trúng. Đại dịch Covid-19 bùng phát ở đâu là nhanh chóng thấy sự hiện diện của người đứng đầu Chính phủ ở đó, từ Bắc Giang, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương đến Hà Nội… Hội nghị online, chỉ đạo trực tuyến được triển khai mở rộng đến cấp xã phường mang lại hiệu quả thiết thực và tiết kiệm chi phí tiền của. Người đứng đầu Chính phủ như vậy, song không ít cán bộ các địa phương đang mắc căn bệnh quan liêu, xa rời thực tiễn, không nhận thức được vị trí, trách nhiệm của mình. Những tồn tại này chỉ bị phát lộ khi Thủ tướng trực tiếp nắm bắt tình hình một số địa phương. Khi đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra công tác phòng chống dịch ở phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội), một điểm nóng vừa bùng phát dịch đã lộ ra chuyện có Sở Chỉ huy phòng chống Covid-19 nhưng chẳng có người trực; lãnh đạo phường khuyết bí thư mấy tháng vẫn chưa được kiện toàn trong lúc tình hình dịch như một đám cháy đang lan. Đặc biệt qua đó còn lộ nhận thức lơ mơ của cán bộ về chủ trương, chiến lược chống dịch của Chính phủ khi vị Chủ tịch phường “hồn nhiên” trả lời Thủ tướng rằng “quan điểm chỉ đạo chống dịch mỗi phường xã là một… lô cốt”! Thủ tướng hỏi thăm lực lượng trực chốt kiểm soát dịch trên địa Hà Nội Còn cán bộ cấp tỉnh, qua buổi kiểm tra trực tuyến của Chính phủ với tỉnh Kiên Giang, khi Thủ tưởng hỏi số ca Covid-19 mắc mới trong ngày, vị lãnh đạo đầu tỉnh đã luống cuống “như gà mắc tóc”, mãi mới ngắc ngứ trả lời được một con số mà có lẽ cũng chẳng biết có đúng hay không. Hỏi số ca dương tính đó ở đâu thì lãnh đạo này thực sự bó tay và đã buột miệng “hổng nhớ nổi”! “Chống dịch như chống giặc”, vậy mà lãnh đạo chẳng nắm được bao nhiêu “giặc” và “giặc” đang trú ở đâu thì thất bại là “trong tầm tay”! Có lẽ cũng vì tác phong của người đứng đầu như vậy nên tỉnh Kiên Giang “từ xanh rờn thành đỏ quạch” như lời nhận định của Thủ tướng. Lẽ thường cán bộ cấp phường phải nắm chắc tình hình tại phường mình, cấp quận huyện nắm chắc quận huyện mình và cấp tỉnh phải nắm chắc tình hình địa phương mình thì mới có thể đưa ra chủ trương, giải pháp, biện pháp sát đúng để ứng phó. Đại dịch Covid-19 với biến thể Delta như một loại “giặc” vô cùng “tinh nhuệ”, nếu người đứng đầu quan liêu, xa rời thực tiễn thì chẳng bao giờ đuổi kịp và chiến thắng được dịch bệnh. Đại dịch bùng phát rộng cũng là tiền đề dẫn tới thất bại về kinh tế và bất ổn xã hội. Mong cán bộ các cấp cũng có tác phong sâu sát như người đứng đầu Chính phủ để “sát hạch” đội ngũ cán bộ dưới quyền, có như vậy mới xây dựng được đội ngũ đủ năng lực và trách nhiệm phục vụ Nhân dân./. Đinh Hoàng Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 16 tháng 09 năm 2021 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét