Bao giờ mới tự phát hiện? Đối với thực phẩm sử dụng hàng ngày như bánh phở, bún… nhiều người chia sẻ kinh nghiệm mua về cứ bỏ ngoài tiết nóng, nếu sau 3-5 giờ mà chuyển mùi chua là an toàn, nếu không thì chắc chắn có chất gì đó khiến vi sinh vật “bó tay”. Còn anh bạn tôi thì mách nước muốn ngâm ớt không lên mốc thì cứ mua chai nước chấm Nam Ngư hoặc Chinsu mà dùng. Tôi làm theo, quả đúng vậy. Hiện nay thực phẩm chế biến sẵn chiếm phần lớn trong danh mục sử dụng hằng ngày của mọi gia đình, nó cũng chiếm hầu hết diện tích kệ hàng từ siêu thị đến các quầy tạp hóa nhỏ và “đánh bay” nhiều sản phẩm truyền thống. Nhiều nhất là các loại nước chấm, nước tương, gia vị, các loại mì gói, phở, cháo… với hàng chục nhãn hàng. Có một thực tế dù chiếm phần lớn trong giỏ hàng thiết yếu song khá hiếm hoi thấy các sản phẩm này bị cơ quan quản lí của ta tự phát hiện các vi phạm chất cấm mà chủ yếu nhờ… nước ngoài! Năm 2019 xôn xao câu chuyện 18.000 chai tương ớt Chinsu có chất cấm (acid benzoic) bị phát hiện khi nó sang thị trường Nhật Bản. Bẵng đi mấy năm, vừa qua dư luận lại bất ngờ khi một số sản phẩm thực phẩm chế biến sẵn bị châu Âu, Ireland phát hiện có chất cấm nguy hại (gây ung thư). Mỳ Hảo Hảo bị nước ngoài phát hiện có chất Ethylene Oxide Cụ thể, Văn phòng SPS Việt Nam nhận được cảnh báo của Liên minh châu Âu (EU) đối với sản phẩm mì khô vị bò gà của Công ty cổ phần thực phẩm Thiên Hương có chất cấm Ethylene Oxide. Rồi cơ quan an toàn thực phẩm Ireland trước đó cũng thông báo thu hồi các lô sản phẩm mì ăn liền hương tôm chua cay nhãn hiệu Hảo Hảo (Hao Hao Sour-Hot Shrimp Flavour Instant Noodle Dish) và miến ăn liền hương sườn non nhãn hiệu Good (Good Spare Ribs Flavour Instant Noodle Dish) của Công ty cổ phần Acecook Việt Nam có thuốc bảo vệ thực vật Ethylene Oxide. Thực ra cách đây 15 năm, việc tự phát hiện chất cấm trong thực phẩm đã từng được chỉ tên. Đó là nước tương Chinsu của Vitecfood cùng hàng chục nhà sản xuất khác cũng có mẫu nước tương vi phạm về hàm lượng chất 3-MCPD (gây ung thư) trong sản phẩm. Kiểm tra 30 đơn vị sản xuất khi đó thì 21 đơn vị có mẫu nước tương chứa chất gây ung thư vượt tiêu chuẩn cho phép. Mức vượt tiêu chuẩn có sản phẩm lên đến 2.215,6 lần! Hiện các ngành quản lí như y tế, công thương, nông nghiệp… đều có hệ thống văn bản, thông tư, quy chuẩn, tiêu chuẩn… về an toàn lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng khá đầy đủ. Có thể nói lực lượng nhân sự cùng hành lang pháp lí không thiếu, thậm chí có cả hiệp hội chuyên bảo vệ người tiêu dùng. Vậy tại sao bao nhiêu năm chẳng thấy sản phẩm nào bị phát hiện chất cấm? Phải chăng các doanh nghiệp đang chấp hành quá tốt? Điều này rất đáng nghi ngờ khi mà sản phẩm vi phạm chỉ bị nước ngoài phát hiện! Chất gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng hiện hữu trong các sản phẩm tiêu dùng nếu cơ quan chức năng không quản lí được là điều vô cùng lo ngại. Liệu đây có phải là một trong các nguyên nhân chính của việc “tăng trưởng” căn bệnh ung thư với hàng trăm nghìn người chết mỗi năm?/. Đinh Hoàng Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 07 tháng 09 năm 2021 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét