Thứ Ba, 21 tháng 9, 2021

Chính sách và cạnh tranh

 

Bất cập giá sàn

Can thiệp giá để giải cứu, mang lại lợi ích cục bộ là tư duy ỷ lại của một số doanh nghiệp đã và đang xảy ra, khi ta đang nỗ lực xây dựng một nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Cục Hàng không Việt Nam vừa đề xuất áp giá sàn vé máy bay nội địa với mức tối thiểu vé máy bay bằng 20% mức giá tối đa quy định, tùy từng nhóm đường bay. Giá sàn được đề xuất từ 320.000 đồng đến 750.000 đồng một chiều.

Cục Hàng không lí giải khung này sát với thực tế về mặt bằng chi phí bình quân của các hãng hàng không trong nước, cũng như xấp xỉ mức giá cơ bản của dịch vụ đường sắt và ngang bằng với dịch vụ vận chuyển đường bộ. Đề xuất đưa ra nhằm giải quyết khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cho các hãng hàng không, đặc biệt giảm nguy cơ phá sản của Vietnam Airlines. Nếu chấp nhận đề xuất này đồng nghĩa sẽ không còn dịch vụ hàng không giá rẻ, nhất là giá 0 đồng vốn đã giúp nhiều hành khách thu nhập trung bình tiếp cần dịch vụ cao cấp.

  Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, không chỉ ngành hàng không, mọi ngành nghề, dịch vụ khác đều bị tác động nặng nề. Một ngành kinh doanh có sự liên quan mật thiết, bổ trợ cho nhau với hàng không là du lịch cũng đang chịu một “đòn” nặng từ dịch Covid-19, các doanh nghiệp lữ hành hầu như đang “đứng im”. Không biết khi đề xuất giá sàn, ngành hàng không có nghĩ tới “người bạn thân thiết” là ngành du lịch?

Được biết 70% khách du lịch trong và ngoài nước liên quan đến hàng không và chi phí vé máy bay chiếm 40-50% giá tour. Trong khi đó giá là một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng của việc kích cầu, thu hút khách du lịch. Việc áp giá sàn của hàng không chắc chắn tác động tiêu cực đến sự tăng trưởng du lịch khi được mở cửa trở lại.

Trong khi đó, theo quy định của Luật Giá, tại Điều 19 thì hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá chỉ gồm: Hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước sản xuất, kinh doanh; Tài nguyên quan trọng; Hàng dự trữ quốc gia; Sản phẩm, dịch vụ công ích và dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước. Trong danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá với các dịch vụ hàng không chỉ có dịch vụ cất cánh, hạ cánh; điều hành bay đi, đến; hỗ trợ bảo đảm hoạt động bay; soi chiếu an ninh.

Cục Hàng không là cơ quan quản lí chắc cũng nắm rõ quy định pháp luật, vậy tại sao lại đưa ra đề xuất tạo tiền lệ can thiệp vào một thị trường cần sự cạnh tranh? Chỉ có sự cạnh tranh công bằng mới tạo động lực cho các doanh nghiệp nâng cao chất lượng quản lí và hiệu quả kinh doanh, phục vụ.

Doanh nghiệp Nhà nước hay tư nhân khi vận hành trong nền kinh tế thị trường cạnh tranh đều cần bình đẳng trong thụ hưởng chính sách của Nhà nước. Sự bình đẳng cần cả trong trường hợp giải cứu doanh nghiệp trước một khó khăn chung hiện nay./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 21 tháng 09 năm 2021

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét