Thứ Hai, 4 tháng 10, 2021

Xu hướng ngành y văn minh

 

 Làm sao giảm tải bệnh viện

Tôi có người thân bị bệnh nền, hằng tháng đều đặn phải đến bệnh viện khám, lấy thuốc và “sống chung với thuốc”.

Thực tiễn đưa người thân khám định kì tôi nhận thấy mỗi tháng đơn thuốc có sự điều chỉnh, không hoàn toàn giống nhau. Khi đại dịch Covid-19 xảy ra thì đợt khám định kì đã được bác sĩ kê đơn thuốc kéo dài thêm nửa tháng. Dù không có chuyên môn ngành y nhưng tôi nghĩ, tác dụng và độ chính xác của thuốc sẽ không thể tối ưu như chu kì một tháng. Nhưng rồi qua kì 1,5 tháng tái khám lại rơi đúng vào cao điểm dịch Covid-19 nên tôi không dám mạo hiểm đưa người thân đi khám. Vốn quen một anh bạn là bác sĩ, tôi điện hỏi để tư vấn xem có thể dùng đơn thuốc cũ đi mua ngoài bệnh viện hoặc nên điều chỉnh đơn thuốc thế nào, anh bảo: “Khi không được khám, đặc biệt là làm xét nghiệm thì không thể khẳng định nên dùng thuốc thế nào và điều chỉnh ra sao, vì như vậy là rất mạo hiểm”. Anh khuyên tôi, tốt nhất nên đưa người thân đến một bệnh viện ít nguy cơ dịch bệnh để kiểm tra và lấy thuốc. Nếu không thì có thể liên hệ cơ sở y tế tư nhân để bác sĩ đến khám tại nhà rồi tư vấn dùng thuốc.


                  Tư vấn khám, chữa bệnh từ xa là một giải pháp giúp giảm tải bệnh viện

Đại dịch Covid-19 bùng phát tại nhiều tỉnh phía Nam cho thấy nhu cầu tư vấn bác sĩ tại nhà tăng cao. Hàng trăm bác sĩ đã tình nguyện tư vấn trực tuyến hỗ trợ rất hiệu quả cho những người nhiễm và nguy cơ nhiễm Covid-19. Thực tiễn hoạt động này cho thấy hiệu quả, giúp người bệnh cả về cách thức xử lí, ứng phó với triệu chứng bệnh và tạo tâm lí yên tâm, an toàn trong lúc khó khăn.

Cách đây gần chục năm Bộ Y tế đã thực hiện thí điểm đề án “Xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình”, và khi đó cả nước đã có 6 sở y tế tổ chức thực hiện mô hình bác sĩ gia đình, phòng khám bác sĩ gia đình là TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Thừa Thiên Huế, Tiền Giang, Khánh Hòa. Mục tiêu khi đó là đến hết năm 2020 sẽ có ít nhất 80% tỉnh thành triển khai phòng khám bác sĩ gia đình, đồng thời phấn đấu đào tạo được ít nhất 9.000 bác sĩ định hướng y học gia đình.

Tuy nhiên, cho đến nay sự phát triển của mô hình này trên thực tế có vẻ rất khiêm tốn, ngay cả với khu vực đô thị. Từ bệnh nhẹ đến nặng, mọi người có tâm lí chung là phải đến bệnh viện mới yên tâm. Sự quá tải ở hầu hết các bệnh viện tuyến trung ương và các tỉnh thành đã minh chứng điều này. Bên cạnh đó còn nỗi lo chi phí vì hiện vẫn chưa có quy định cụ thể việc thanh toán bảo hiểm y tế cho mô hình bác sĩ gia đình. Khi đã sử dụng dịch vụ này thì dù tư vấn online hay khám trực tiếp người bệnh cũng phải chi trả cho y, bác sĩ. Đã có bảo hiểm y tế mà vẫn phải thanh toán ngoài bảo hiểm thì sẽ khó khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ.

Mô hình bác sĩ gia đình đã rất thông dụng, hiệu quả tại nhiều nước phát triển, giúp giảm tải bệnh viện. Hi vọng ngành y tế sẽ “tái khởi động”, thúc đẩy nhanh mô hình này mà trước tiên là có những chính sách cụ thể, phù hợp./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 30 tháng 9 năm 2021

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét