Bằng cấp và dùng người Lãnh tụ thiên tài Hồ Chí Minh được cả thế giới nghiêng mình ngưỡng mộ. Người mà trên ngực áo không một tấm huân chương, trong túi áo không tấm bằng cử nhân, tiến sĩ. Song trí tuệ và nhân cách của Người đã thu hút biết bao những tài năng xuất chúng trên nhiều lĩnh vực, từ quân sự, chính trị, kinh tế, khoa học kĩ thuật đến văn hóa, giáo dục... Những con người tài năng sẵn sàng bỏ vinh hoa phú quý ở nước ngoài để trở về phụng sự Tổ quốc, dấn thân vào công cuộc kháng chiến gian khổ của dân tộc. Có lẽ lí do đơn giản là họ thấy với một lãnh tụ như Hồ Chí Minh, mình hoàn toàn có thể tin tưởng và cống hiến tốt nhất cho dân tộc. Nhìn vào tấm gương của Bác cho chúng ta thấy đâu là phẩm chất, năng lực cần có với một cán bộ, đặc biệt là lãnh đạo, quản lí - người có vai trò lựa chọn và sử dụng con người. Tiến sĩ là bậc học cao nhất trong hệ thống đào tạo của các quốc gia. Đây là lực lượng tinh hoa phục vụ cho công tác nghiên cứu và giáo dục chuyên sâu trong mỗi lĩnh vực. Họ là những người bằng trí tuệ của mình đào sâu nghiên cứu phát hiện ra những quy luật mới của tự nhiên, xã hội để từ đó ứng dụng vào thực tiễn, thúc đẩy phát triển hoặc truyền bá, giảng dạy tạo ra những nhân lực chất lượng cao phục vụ sự phát triển.
Hiện nay đang có quan niệm không đúng hoặc nhầm lẫn về vai trò, vị trí của những tiến sĩ và tấm bằng tiến sĩ. Nhà lãnh đạo, quản lí trong phạm vi, vị trí của mình, là người có trách nhiệm vận hành thực tiễn nhằm đạt kế hoạch, mục tiêu đã đề ra. Họ sử dụng nguồn lực con người, vật chất một cách phù hợp quy luật khách quan để tạo ra những giá trị mới về vật chất và tinh thần. Do vậy kiến thức của lãnh đạo, quản lí cần rất rộng chứ không phải là những chuyên ngành hẹp một của tiến sĩ. Muốn được như vậy họ phải không ngừng học tập để nhân cách và tri thức giàu lên cùng quá trình vận hành thực tiễn, như Lênin từng dạy “học, học nữa, học mãi”. Quan niệm không đúng dẫn tới việc xây dựng thể chế đưa ra những tiêu chí, tiêu chuẩn không phù hợp với những cán bộ lãnh đạo, quản lí. Một ví dụ như Thành ủy Hà Nội đã thông qua chủ trương phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 40% cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lí phải có bằng thạc sĩ, tiến sĩ, trong khi đây không hẳn là lực lượng chuyên nghiên cứu khoa học hay giáo dục chuyên sâu. Trong số hơn 24.000 tiến sĩ cả nước hiện nay chắc chắn có một tỉ lệ không nhỏ đang làm lãnh đạo, quản lí, đây là sự lãng phí lớn cả trong đào tạo và sử dụng lực lượng nhân sự khoa học. Và không ít cán bộ lãnh đạo, quản lí khi có tấm bằng tiến sĩ nảy sinh tư tưởng “đóng đinh” năng lực, trình độ, xem mình chẳng cần học hỏi gì thêm. Lúc này, tấm bằng tiến sĩ của những người như vậy chỉ còn giá trị duy nhất là làm tiêu chuẩn cho những bước thăng tiến quyền lực./. Đinh Hoàng Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 09 tháng 10 năm 2021 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét