Thứ Sáu, 15 tháng 10, 2021

Pháp luật và tội phạm

 

Ăn trộm, phạt thế nào cho xứng?

Theo quy định pháp luật hiện hành, hành vi trộm cắp tài sản từ mức giá trị 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, mức hình phạt từ 6 tháng đến 3 năm tù. Cùng với đó đương nhiên tài sản trộm cắp phải được tịch thu để trả lại cho bị hại.

Xem ra pháp luật của ta rất nghiêm minh với phường trộm cắp.

Thế nhưng có những hành vi ăn trộm hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỉ đồng lại chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính. Đó là một số hành vi mà thực chất là ăn trộm nhưng được pháp luật gọi tên một cách văn minh, nhẹ nhàng, ví như nạn khai thác khoáng sản trái phép. Tội trộm cắp tài sản theo quy định của pháp luật hiện nay tại sao không gọi một cách nhẹ nhàng là lấy trái phép tài sản của người khác?

Công ty CP Yên Phước và Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương bắt tay nhau tổ chức đường dây khai thác, tiêu thụ hàng triệu tấn than trái phép tại Mỏ than Minh Tiến (xã Minh Tiến và xã Na Mao, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) trong nhiều năm thu lợi bất hợp pháp tổng số lên tới 121 tỉ đồng. Sau bao lần được địa phương xử lí vi phạm hành chính “nhẹ nhàng”, gần đây vụ việc mới bị cơ quan công an điều tra phanh phui và khởi tố.

Đặc biệt, vấn nạn khai thác cát trái phép diễn ra ròng rã bao năm qua khắp nhiều dòng sông trên cả nước, có những doanh nghiệp thu lợi hàng tỉ đồng mỗi ngày. Song hành vi này cũng chỉ đơn giản là các vụ vi phạm hành chính, bị phạt mấy chục triệu, cao nhất cũng 150 triệu đồng và đều được doanh nghiệp “vui vẻ” nộp phạt để rồi… tiếp tục vi phạm! Vì vậy mà hầu hết các dòng sông đang bị đào móc vô tội vạ, bờ bãi dần trôi xuống nước, đe dọa cả sinh kế của người dân và sự an toàn phòng chống lũ lụt.

Khai thác cát trái phép trên sông Hồng

Các hành vi trên suy cho cùng đều là ăn trộm, lẽ ra nó phải bị nhìn nhận xấu xa hơn nhiều những vụ trộm cắp vặt vài triệu đồng. Với mức phạt tiền triệu, thu lợi tiền tỉ mà vẫn được coi là vi phạm hành chính thì người vi phạm không tái phạm mới là chuyện lạ.

Lợi nhuận khủng từ hành vi “trộm cắp” thu được, họ có thể trích ra một phần nhỏ để “vô hiệu hóa” đội ngũ quản lí. Đó có thể là nguyên nhân chính hành vi trái phép diễn ra rầm rộ ngày này qua tháng khác mà vẫn “chẳng ai biết”. Rồi họ thuê xã hội đen “chấn chỉnh” những người dân “rỗi chuyện” nhòm ngó, phản ánh hành vi bất chính tới chính quyền và cơ quan chức năng.

Tại sao không coi những hành vi trái phép như trên là trộm cắp? Nếu những hành vi trộm cắp trên ngoài bị xử lí là vi phạm hình sự đồng thời với tịch thu tang vật vi phạm sung công quỹ thì liệu có còn chuyện vi phạm dài kì mang tên khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép?/.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 14 tháng 10 năm 2021

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét