Thứ Ba, 19 tháng 10, 2021

Một "sáng kiến" đổi mới giáo dục

 

“Rào cản” sinh viên  

Thời tôi còn nhỏ cả huyện chỉ có 1 trường cấp 3, mỗi thôn cũng chỉ có vài ba học sinh theo học được hết cấp. Vậy mà thôn tôi khi đó một gia đình bần cố nông có hai con đều vào hàng học sinh giỏi của huyện, cùng đỗ đại học. Sau này người anh là tiến sĩ chuyên ngành kĩ thuật điều khiển và tự động hóa, người em là tiến sĩ nông nghiệp.

Có lẽ thời đó, chỉ có Việt Nam ta mới có những chính sách ưu việt về học phí để học sinh gia đình nghèo nhất trong xã hội cũng có thể vào được trường đại học nếu thực sự học giỏi.


Vừ Bá Cu - một tấm gương học sinh nghèo vượt khócủa tỉnh Nghệ An

Hiện nay, đỗ vào một trường đại học là chuyện không khó với cả những sinh viên học lực khá, cái khó với một số em là vấn đề tiền. Thế mạnh để trụ và vượt qua chương trình đại học lại không thuộc về sinh hoàn cảnh khó khăn. Nhiều em đã vừa nỗ lực học tập vừa phải bươn chải làm thêm đủ nghề để kiếm tiền thêm vào chi phí học hành. Số em học lực tốt có được suất học bổng thực tế không nhiều.

Đến năm 2020 cả nước ta có 460 trường đại học và cao đẳng (224 trường đại học, 236 trường cao đẳng), tính bình quân mỗi tỉnh thành có hơn 7 trường. 

Với sự “bùng nổ” trường đại học, cao đẳng, học sinh trung học phổ thông tốt nghiệp xong như đang được “vơ vét” vào các trường đại học nên tốp dưới như trung cấp, trường nghề luôn “khát” sinh viên. Một trong những yếu tố để nâng chất lượng đào tạo là kiểm soát chặt đầu vào, nhưng điều này lại mâu thuẫn với nguồn lợi tài chính trong cơ chế tự chủ đại học. 

Cho rằng cần phải có sự thay đổi mạnh về tư duy trong tự chủ đại học, đại biểu đồng thời là giám đốc một trường đại học tại phiên họp thứ nhất Quốc hội khóa XV vừa qua đã có kiến nghị gây xôn xao, đó là “bảo đảm học phí phải là rào cản kĩ thuật để tránh việc học sinh lao vào đại học”, và “phải coi học phí đại học là một nguồn đầu tư…”.

Có lẽ đại biểu này đã nhầm lẫn khi chuyển vấn đề tài chính thành “rào cản kĩ thuật”. Rào cản kĩ thuật phải là không để lọt học sinh trong bình, yếu vào đại học, cũng không thể coi học phí “là một nguồn đầu tư”. Sẽ không khó để vượt qua rào cản kĩ thuật đúng nghĩa với các học sinh có năng lực học tập tốt. Nhưng để vượt qua “rào cản tài chính” sẽ là vấn đề nan giải thậm chí rất khó khăn với không ít học sinh vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu dù họ có học giỏi. Rào cản như đề xuất trên chỉ là cơ hội với học sinh học lực chưa tốt nhưng có điều kiện về tài chính dễ dàng vượt qua. Cái gọi là “rào cản kĩ thuật” này cũng là điều mong đợi của nhiều trường đại học, cao đẳng bởi đã không ít đề xuất tăng học phí sinh viên.

            Thực trạng sinh viên tốt nghiệp vẫn thất nghiệp, sinh viên đầu quân làm công nhân lẽ ra cần được quan tâm bàn luận nhiều hơn tại Quốc hội vì đó là bức tranh về chất lượng đào tạo đại học, cao đẳng hiện nay. Còn cơ chế tự chủ đại học là sự vận hành của nội bộ các trường theo quy định của pháp luật, không thể tạo ưu đãi riêng và tốt nhất hãy để “thị trường” sàng lọc./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 19 tháng 10 năm 2021

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét