Thứ Ba, 26 tháng 10, 2021

Chính sách và kinh doanh

 

Câu chuyện bình ổn giá  

Hiếm có loại hàng hóa nào mà lại được hình thành một loại quỹ bình ổn giá như mặt hàng xăng dầu. Quỹ này huy động từ túi tiền người dân, doanh nghiệp, “người bán” tuy không đóng góp nhưng đang được giao “giữ hộ” tiền quỹ.

Chính sách đặc thù này xuất phát từ vai trò vô cùng quan trọng của một loại nguyên liệu đầu vào của rất nhiều ngành sản xuất và cả đời sống dân sinh. Chỉ cần sự lưu chuyển có chút ách tắc là lập tức tạo nên cuộc khủng hoảng (như tại nước Anh hiện nay), mà lí do chỉ tại thiếu lái xe container vận chuyển xăng dầu!

Giá xăng dầu đi lên lập tức kéo sự tăng trưởng kinh tế đi xuống và ngược lại. Việt Nam là nước chủ yếu nhập khẩu xăng dầu về tiêu thụ song đây lại là mặt hàng đóng góp không nhỏ cho ngân sách Nhà nước thông qua chính sách thuế, phí. Theo quy định hiện hành, xăng đang chịu 3 sắc thuế gồm thuế nhập khẩu (10%), thuế tiêu thụ đặc biệt (10%) và thuế giá trị gia tăng (10%), cùng với thuế bảo vệ môi trường theo giá trị tuyệt đối là 3.800 - 4.000 đồng/lít. Năm 2020 khi giá xăng dầu thế giới giảm sâu, đã có lúc các loại thuế, phí xăng dầu chiếm đến 64%.


Giá xăng dầu ảnh hưởng lớn tới phát triển kinh tế, an sinh xã hội

Sau thời gian đình đốn vì cách li phòng dịch, những doanh nghiệp còn trụ được thì sức khỏe cũng giảm nhiều, đặc biệt doanh nghiệp có sử dụng nguyên liệu xăng dầu lúc này lại càng khó khăn hơn do giá xăng dầu đã và đang tăng cao. Có dự đoán “đáng sợ” là giá xăng dầu có thể lên mức 200USD/thùng (hiện nay đang là 83-86USD/thùng). Với doanh nghiệp vận tải thì phí BOT và giá xăng dầu đang thực sự là một gánh nặng đè xuống, “ép mỏng” lợi nhuận.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm 2020 và năm 2021 Chính phủ đã có các nghị định về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất. Tuy nhiên, do độ phủ chưa rộng và điều kiện đáp ứng chính sách không đơn giản nên tỉ lệ doanh nghiệp thụ hưởng sẽ rất hạn chế. Chính phủ cũng đã chi hàng chục nghìn tỉ cho các gói giải cứu, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phục hồi nền kinh tế sau đại dịch.

          Tuy nhiên, thay vì sử dụng ngân sách thêm cho các gói hỗ trợ, đã đến lúc Nhà nước cần tính đến giải pháp mạnh dạn hạ sâu các mức thuế, phí với mặt hàng xăng dầu. Một giải pháp chính sách mà không ràng buộc điều kiện gì cũng có khả năng phủ rộng, trực tiếp, trúng đích, tác động tích cực đến sản xuất, kinh doanh và túi tiền người tiêu dùng.

Giá xăng dầu đã được ưu ái bình ổn nhiều năm qua. Doanh nghiệp buôn bán xăng dầu cũng luôn được “bình ổn” bằng lợi nhuận định mức. Đã đến lúc nền kinh tế và đời sống dân sinh cũng cần được bình ổn từ việc hạ giá mặt hàng xăng dầu./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 26 tháng 10 năm 2021

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét