Thứ Năm, 7 tháng 10, 2021

Kinh tế thời hội nhập

 

Muốn gỡ thẻ cần mạnh tay phạt thẻ

Việc Uỷ ban Châu Âu (EC) đưa cảnh báo “thẻ vàng” với thuỷ sản Việt Nam gây ảnh hưởng đến ngành thuỷ sản nước ta và đời sống của bà con ngư dân, ảnh hưởng đến cả hình ảnh đất nước. Vì vậy, lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta đang nỗ lực các kênh ngoại giao mọi lúc mọi nơi để được EC gỡ “thẻ vàng” và tuyệt đối không để nguy cơ bị “thẻ đỏ”.

Thẻ vàng EC đang thực sự là vấn đề nóng ở tầm vĩ mô. Tuy nhiên, nếu chỉ trông chờ vào nỗ lực của các lãnh đạo cao nhất thì không đủ, bởi về nguyên tắc, EC sẽ không gỡ thẻ vàng dù chỉ một tàu cá Việt Nam đánh bắt bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài.

Từ Thủ tướng đến Chủ tịch Quốc hội liên tục bằng nhiều hình thức như điện đàm, gặp trực tiếp lãnh đạo các quốc gia châu Âu để đề nghị việc này. Tuy nhiên, trên đang “nóng” nhưng có vẻ dưới vẫn “lạnh” vì tại nhiều địa phương trong số 28 tỉnh thành ven biển vẫn có hàng nghìn tàu cá vi phạm đánh bắt trên vùng biển nước ngoài.

Ngư dân Việt Nam đánh bắt xa bờ

Việc tuyên truyền, vận động để ngư dân tự giác tuân thủ pháp luật khi đánh bắt hải sản trên biển là rất quan trọng, song các biện pháp quản lí và xử lí vi phạm kiên quyết, cứng rắn mới có thể loại bỏ được vi phạm.

Được biết đến nay, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá chiều dài từ 15m trở lên có tín hiệu trên hệ thống giám sát hành trình tàu cá mới đạt 87,45%. Như vậy, vẫn còn một tỉ lệ không nhỏ tàu cá hoạt động nằm ngoài sự giám sát của lực lượng quản lí, đồng nghĩa vi phạm xảy ra sẽ không thể nắm bắt. Theo số liệu từ một lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2020, các địa phương đã xử phạt 2.468 vụ; năm 2021, xử phạt 1.527 vụ. Chỉ một tàu cá vi phạm cũng đủ để châu Âu từ chối gỡ thẻ vàng thì với hàng nghìn vụ vi phạm mỗi năm như trên, hi vọng được gỡ thẻ vàng đang rất xa vời.

Trước khi thẻ vàng được áp dụng, EU là thị trường xuất khẩu hải sản lớn thứ hai của Việt Nam với giá trị khoảng 450 triệu USD. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm EC áp dụng thẻ vàng, đến nay mỗi năm Việt Nam chỉ xuất khẩu được khoảng 300 đến 350 triệu USD hải sản vào EU trong bối cảnh lợi thế về thuế theo hiệp định EVFTA. Nếu bị áp dụng thẻ đỏ thì thị trường châu Âu sẽ đóng cửa hoàn toàn với hải sản nước ta, đây sẽ là thiệt hại lớn về tài chính và sinh kế của ngư dân. Song những thiệt hại đó có thể ngư dân chưa hiểu hết hoặc nó nhỏ hơn so với lợi ích của một số cá nhân vi phạm.

Về trách nhiệm chính quyền địa phương, cơ quan quản lí với các vi phạm của ngư dân cũng chưa được “cá thể hóa”, chỉ ở mức nhắc nhở, phê bình chung chung nên chưa có sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo cùng các mức xử lí kỉ luật đủ sức nặng.

Thiết nghĩ, để được EC gỡ thẻ, việc quản lí cũng cần có những tấm thẻ phạt với cả ngư dân, cơ quan quản lí các cấp và lãnh đạo địa phương./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 07 tháng 10 năm 2021

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét