Áp thuế robot Khoa học công nghệ phát triển đang từng ngày biến những thứ không thể thành có thể. Nhiều chuyện viễn tưởng xưa nay trở thành bình thường, đó là robot và người máy. Từ một cỗ máy hoạt động đơn giản, nay trí tuệ nhân tạo (AI) đã giúp robot tiến nhanh và dần trở thành những “con người” không xương thịt. Cảnh những công xưởng, nhà máy vắng bóng công nhân nhưng có hàng trăm robot cần mẫn hoạt động nhịp nhàng 24/24h ngày một phổ biến. Đây thực sự là những “công nhân” chăm chỉ nhất, hiếm khi ốm đau, không đòi hỏi chế độ và đãi ngộ. Robot đơn giản cũng đã và đang cạnh tranh, tước đoạt công việc của con người. Nhưng khi AI được trang bị cho bộ não robot thì nguy cơ cạnh tranh, lấn át con người sẽ đáng sợ hơn. Sau công nhân đến lượt các nhân viên ngân hàng, tài chính và thậm chí cả lao động trí tuệ, nghệ thuật… cũng bị người máy đe dọa việc làm. Xưởng lắp ráp ô tô vắng bong công nhân Vậy robot lợi hại thế nào với cá nhân, cộng đồng? Một công xưởng tạo công ăn việc làm cho 1.000 lao động, tiền lương 1.000 người vừa là chi phí sản xuất tạo lợi nhuận cho chủ xưởng vừa là chu trình đưa đồng tiền vào lưu thông cho các mục tiêu kinh tế, xã hội. Từ tiền lương, người công nhân đóng thuế thu nhập, thuế phí khác, nuôi sống gia đình, chi tiêu tạo kích cầu cho các hoạt động vật chất và phi vật chất. Giả sử công xưởng trên nay nhờ trang bị robot tự động hóa chỉ cần sử dụng 500 lao động. Lúc này cái được là tiết giảm rất nhiều chi phí sản xuất, trừ tiền đầu tư một lần, còn lại chuyển thành lợi nhuận của chủ lao động. Đồng lương của 500 công nhân mất việc không còn, đồng nghĩa toàn bộ số tiền đó không có trong chu trình lưu thông bảo đảm đời sống các cá nhân, đóng thuế, kích cầu tiêu dùng... Từ cách đây hàng trăm năm, Các Mác đã đặt tên cho hiện tượng trên là siêu lợi nhuận (lợi nhuận siêu ngạch) trong thể chế kinh tế tư bản. Đây chính là phần giá trị thặng dư thu được trong một chu trình sản xuất do áp dụng công nghệ kĩ thuật mới vào sản xuất làm cho giá trị cá biệt của hàng hóa thấp hơn giá trị thị trường. Ai có nguồn tư bản (vốn) càng lớn thì lợi nhuận siêu ngạch càng cao. Lợi nhuận siêu ngạch trong nền kinh tế tư bản thế giới đang tạo ra những tỉ phú đô la mà số tiền bằng cả GDP của những quốc gia nhỏ hay nước nghèo. Một trong những nguyên nhân lợi nhuận không được điều tiết công bằng chính là chính sách cùng khe hở của nó và sự điều tiết Nhà nước. Bản thân các quốc gia phát triển cũng đã nhận ra điều này nhưng chưa có nhiều giải pháp khắc chế phù hợp, khi mà luật pháp là “con rùa”, còn doanh nghiệp tựa “bầy thỏ”. Động thái EU sẽ đánh thuế doanh thu tối thiểu 15% với các công ty công nghệ xuyên quốc gia là một tín hiệu đáng mừng, nhưng một cánh én khó làm nên mùa Xuân. Lợi nhuận siêu ngạch có ở mọi loại hình, quy mô doanh nghiệp chứ không chỉ các siêu tập đoàn. Cần áp thuế những robot với mức phù hợp theo tỉ lệ nhân công mất việc để tạo nguồn lực công điều tiết cho các mục tiêu xã hội và môi trường. Nguồn lực tập trung vào Nhà nước sẽ hiệu quả và chính đáng hơn là những đồng tiền từ thiện của các tỉ phú./. Đinh Hoàng Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 05 tháng 10 năm 2021 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét