Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2024

Cần nhận thức đúng về chữ hiếu

 

 “Mẫu giáo” cuối đời

Với mỗi con người chúng ta có hai giai đoạn yếu thế cần nhận được sự yêu thương, chăm sóc đặc biệt của gia đình, cộng đồng, đó là lúc còn bé thơ và khi già yếu, bệnh tật.

Tuổi cao, sức yếu, trí tuệ kém minh mẫn, lúc nhớ khi quên, tính tình thay đổi, hay chấp nhặt, dễ dỗi hờn… đó là đặc trưng của nhiều NCT. Có thể ví vui là tuổi càng cao con người ta càng trở lại thời trẻ con và NCT giống những “trẻ mẫu giáo” cuối đời.

Với mô hình mỗi cặp vợ chồng chỉ có 1-2 con từ cách đây gần 50 năm, nhiều cặp vợ chồng khi hoàn thành việc nuôi dạy con cái trưởng thành thì cũng là lúc bắt đầu lo việc chăm sóc ông bà, cha mẹ.


Thời xa xưa, khi chưa có trường lớp mẫu giáo, việc chăm nom trẻ thơ chủ yếu là chị cõng em, cô trông cháu. Khi bố mẹ đi làm trẻ con tự trông nom nhau chơi bời vạ vật, mặt mày nhem nhuốc... Khi đất nước phát triển, hệ thống giáo dục mầm non đã phủ rộng đến những vùng quê khó khăn nhất. Thành quả này giúp trẻ thơ ngày một được chăm sóc tốt hơn, đồng thời giúp các gia đình trẻ nhiều thuận lợi trong công việc và cuộc sống. Nay giả sử thiếu vắng hệ thống trường mẫu giáo thì các gia đình trẻ sẽ thế nào? Nhìn vào mấy năm đại dịch Covid-19 cho thấy, khi các lớp tiểu học, mẫu giáo đóng cửa đã khiến nhiều gia đình đảo lộn nếp sinh hoạt và công việc.

Có thể khẳng định, cùng với môi trường gia đình, hệ thống trường mẫu giáo là nơi tốt nhất cho việc chăm sóc và giáo dục trẻ thơ. Vậy còn với thế hệ “mẫu giáo cuối đời” thì gia đình, xã hội đã và đang đáp ứng được những gì?

Với nhu cầu tất yếu của xã hội, các trung tâm chăm sóc NCT, nhà dưỡng lão đã được hình thành và đang đà phát triển. Đây cũng là những “trường mẫu giáo” của NCT trong một xã hội phát triển khi bước vào giai đoạn già hóa dân số. Tuy nhiên với nền văn hóa Á Đông, tư duy từ nghìn đời như đã mặc định, người già phải được con cháu trực tiếp chăm nom, nuôi dưỡng, nếu không làm được như vậy là bất hiếu! Có ý kiến còn cho rằng con cháu chi một khoản tiền dù không nhỏ gửi bố mẹ, ông bà vào trung tâm dưỡng lão cũng chỉ là “dùng tiền mua chữ hiếu”! Những cách nhìn cứng nhắc, đóng khuôn và bất biến như vậy chính là rào cản tư duy khiến nhiều NCT không được chăm sóc tốt nhất cả về vật chất và tinh thần.

Với những dịch vụ chuyên nghiệp của các trung tâm dưỡng lão; với một cộng đồng cùng trang lứa, tin rằng cuộc sống của NCT tại đây chắc chắn không kém môi trường gia đình. Với những gia đình mà con cái còn đang lo toan mưu sinh, chăm sóc con trẻ thì NCT còn chịu thiệt thòi và khó khăn hơn. 

Nếu cứ coi người thân phải trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng mới thể hiện hiếu thuận, mới là tốt nhất thì phải chăng các gia đình trẻ cũng cần trực tiếp nuôi dạy con mình khi tuổi thơ mà không nên gửi vào trường mẫu giáo?

Chăm sóc NCT hiện nay cần một cách nhìn cởi mở và nhận biết thực sự NCT đang muốn gì chứ không phải ta chăm sóc NCT bằng hình thức nào./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  26/4/2024

Thứ Ba, 23 tháng 4, 2024

Cần thay đổi cách thu bảo hiểm xã hội

 

Thu bảo hiểm như “thả gà ra đuổi”

Theo Điều 85 và Điều 86 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và hướng dẫn tại Nghị định 58/2020/NĐ-CPQuyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 thì mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc được tính trên cơ sở tiền lương tháng của người lao động (NLĐ). Trong đó bao gồm mức đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất; quỹ ốm đau, thai sản; quỹ tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp. Được biết mức đóng BHXH bắt buộc năm 2023 trên cơ sở lương của người lao động, tỉ lệ đóng BHXH bắt buộc là 32% (trong đó người lao động đóng 10,5% tiền lương, người sử dụng lao động đóng 21,5% quỹ tiền lương tháng đóng BHXH.


Cần thay đổi cách thu bảo hiểm xã hội để bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Tỉ lệ số tiền doanh nghiệp phải đóng cao hơn gấp đôi trong quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho NLĐ và tổng số tiền hằng tháng đóng BHXH của doanh nghiệp là khá lớn trong tổng quỹ tiền lương. Nguồn tiền dồi dào này khiến bất kì doanh nghiệp nào cũng muốn ôm giữ, chí ít là chậm nộp để đưa vào kinh doanh, tối ưu hóa lợi nhuận từ đồng tiền của NLĐ. Chính vì vậy mà câu chuyện doanh nghiệp nợ, chậm nộp, trốn, thậm chí chiếm đoạt tiền BHXH của NLĐ đã diễn ra nhiều năm qua (năm 2023 tổng số tiền nợ BHXH ước tính khoảng 13.000 tỉ đồng). Tình trạng này đã gây thiệt hại lớn tới quyền lợi của NLĐ song đến nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả. BHXH đang ở thế “nắm đằng chuôi”, trông chờ vào sự tự giác, “lòng tốt” của chủ doanh nghiệp! Việc để doanh nghiệp thu và đóng BHXH hộ NLĐ chẳng khác nào “thả gà ra để đuổi”! Nên chăng hãy để NLĐ trực tiếp đóng tiền bảo hiểm cho cơ quan BHXH?

Hiện nay tỉ lệ người dân tham gia BHXH tự nguyện ngày một tăng. Năm 2023, trong 18,26 triệu người tham gia BHXH đã có khoảng 1,83 triệu người tham gia BHXH tự nguyện đạt 3,92% lực lượng lao động trong độ tuổi (vượt 1,42% mục tiêu đến năm 2025. Con số này cho thấy mọi người đã ý thức được quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia BHXH. Vì vậy, thay vì để doanh nghiệp đóng hộ BHXH hãy cho NLĐ nhận toàn bộ số tiền bảo hiểm 32% rồi trực tiếp đóng cho cơ quan BHXH.

Cơ chế kiểm soát sẽ chẳng nhiêu khê, khó khăn gì, đó là khi NLĐ đã đóng đủ tiền bảo hiểm, cơ quan BHXH xác nhận thông báo cho doanh nghiệp biết và cấp lương tiếp tục tháng sau cho NLĐ. Người chưa đóng BHXH, chưa được xác nhận của cơ quan thu BHXH thì doanh nghiệp chưa tiếp tục cấp lương tháng. Tin rằng chẳng lao động nào dám nợ BHXH, bởi khi đó họ sẽ bị nợ lương!/.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  23/4/2024

Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2024

Công quyền sao không tin vào tòa?

 

 Lòng tin vào pháp đình

Khi cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng lãng phí ngày càng mạnh mẽ, mang lại nhiều kết quả thì cũng là lúc “cỗ máy” pháp đình cần tăng cao tần suất và hiệu quả hoạt động.

Pháp luật được thực thi, các hành vi phạm tội được xử lí nghiêm minh ngày càng mang lại niềm tin cho Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự vận hành của bộ máy công quyền trong đó nổi lên là hệ thống cơ quan điều tra, truy tố và xét xử. Viện kiểm sát, tòa án là hai cơ quan sau cùng xem xét, luận tội và kết án bảo đảm đúng người, đúng tội, góp phần hoàn thành một chu trình của cuộc đấu tranh loại trừ quốc nạn tham nhũng.


Đã qua một thời từng có những “án bỏ túi”, nay người dân ngày một tin tưởng hơn vào bộ máy thực thi pháp luật là tòa án các cấp. Khi người dân đã tin thì chắc chắn, các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể, nhất là cơ quan quản lí nhà nước càng phải đặt niềm tin vào cơ quan này và định hướng cho dư luận toàn xã hội.

Tuy nhiên vừa qua có một việc “lạ” khiến dư luận băn khoăn. Trong phiên xét xử vụ án của Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Ninh với một bị can về tội chạy án, một loạt cơ quan như Uỷ ban MTTQ Việt Nam xã Kênh Giang, Ủy ban MTTQ huyện Thủy Nguyên, Hội Luật gia, Giáo hội Phật giáo, Công an TP Hải phòng đã có đơn gửi TAND tối cao, TAND tỉnh Quảng Ninh để xin giảm nhẹ tội cho cựu Giám đốc Công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca! Chưa biết tính hợp lí, hợp tình của những đơn đề nghị là thế nào nhưng một điều đã thể hiện ra là các cơ quan này chưa tin tưởng vào cơ quan hành pháp là Tòa án.

Năm 2022, tại Hội nghị Ban Chấp hành trung ương lần thứ 6 (khóa XIII) đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới. Nghị quyết đã xác định 8 đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong đó có một đặc trưng nêu rõ “Độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”.

Việc các tổ chức, nhất là cơ quan trong bộ máy Nhà nước gửi đơn thư đề nghị trong khi vụ án đang được xét xử không có cách hiểu nào khác hơn là sự tác động vào tính độc lập của tòa án, không theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Những năm qua đã có hàng loạt cán bộ cấp cao, kể cả Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị… vi phạm pháp luật được đưa ra truy tố, xét xử nghiêm minh. Ai cũng biết đó là những người có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp cách mạng. Trước tòa họ đều được định lượng giữa công và tội để có một bản án vừa nghiêm minh vừa thấu tình, đạt lí nhưng cũng đầy tính nhân văn. Tuy nhiên tất cả phải trên cơ sở tranh tụng và phán quyết tại tòa chứ không vì một lí do nào khác tác động từ bên ngoài./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  20/4/2024

Thứ Hai, 15 tháng 4, 2024

Phán xét quá đà

 

Thể thao hạnh phúc

Thể thao mang lại cho con người sức khỏe, điều đó đương nhiên rồi. Những môn thể thao đơn giản như đi bộ, đạp xe, tập các bài thể dục cá nhân… cũng có thể đáp ứng cho yêu cầu rèn luyện sức khỏe. Tuy nhiên các môn thể tao tập thể, đối kháng thi đấu còn mang lại cho chúng ta nhiều hơn thế, đó là niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống.

Bóng đá được ví là “môn thể thao vua” vì nó mang lại cảm xúc cho hàng triệu người cùng lúc thông qua phương tiện truyền thông. Cũng chính vì thế mà cảm xúc thất vọng kéo dài suốt hơn 1 năm luyện tập, thi đấu không thành công của đội tuyển quốc gia bị dồn nén tới đỉnh điểm khi đội tuyển quốc gia thất trận 3-0 ngay trên sân nhà Mỹ Đình. Xin không nói tới những phản ứng thái quá của một số người hâm mộ với HLV Philippe Troussier trên sân Mỹ Đình mà xin bàn về những dư âm tranh luận của một số chuyên gia, bình luận viên sau việc từ nhiệm của HLV này.


Phê phán, mổ xẻ những sai lầm chuyên môn, cách lựa chọn, sử dụng nhân sự của HLV người Pháp là điều quá dễ. Một số bình luận viên có vẻ thăng hoa hơn, mạnh dạn đánh giá nền bóng đá Việt Nam, cho rằng thực ra ta chưa có gì mang tính nền tảng cho bóng đá hiện đại. Họ cho rằng giai đoạn 5 năm thời HLV Park Hang Seo chỉ là “ăn may” do các yếu tố “thiên thời địa lợi, nhân hòa”. Có người còn phán rằng “di sản HLV Park để lại chỉ là con số 0”!?

Lạ quá! Phải chăng sau những thành công của đội tuyển đội tuyển U23 và tuyển quốc gia thì sức mạnh đó phải tồn tại và nâng lên cao mãi? Phải chăng giấc mơ World cup đã trong tầm tay?

Có lẽ ít quốc gia nào có được một HLV thành công kéo dài suốt 5 năm như Việt Nam dưới thời HLV Park Hang Seo. Người ta có thể may mắn 1, 2 trận chứ làm sao may trong 5 năm liền. Không thể phủ nhận thành tưu đào tạo trẻ của nền bóng đá nước nhà cùng với hệ thống thi đấu các giải hạng nhất, giải V-League đã tạo nền tảng lực lượng cho bóng đá. Từ đây mới có những nhân tài của bóng đá nước ta thời gian qua như Công Phượng, Văn Hậu, Quang Hải, Tiến Linh... Những nhân tài đó đã được bàn tay lựa chọn, sàng tuyển của vị HLV tài năng để có những đội tuyển thi đấu thành công.

Dưới thời HLV Park, mỗi trận đấu thành công hay chưa thật thành công cũng đều mang lại niềm vui cho hàng triệu người hâm mộ. Chiến thắng dù với vị trí Á quân U23 châu Á tại Thường Châu năm 2018 cũng khiến hàng triệu con tim người hâm mộ Việt Nam tràn đầy hạnh phúc. Hàng nghìn người cùng cờ đỏ sao vàng nối dài từ sân bay Nội Bài về nội đô Hà Nội để đón chào đội tuyển U23 là hình ảnh khó thấy ở bất kì quốc gia nào.

Hạnh phúc là ta biết trân trọng những gì đang có. Mục tiêu của thể thao giải trí còn đòi hỏi gì hơn ngoài niềm vui, hạnh phúc và gắn kết của hàng triệu con tim?/.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 13/4/2024

Thứ Hai, 8 tháng 4, 2024

Cao tốc dưới chuẩn

 

Cần hạ chuẩn cao tốc

Từ sau những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên tiếp, cơ quan quản lí đã nhận thấy cần có điều chỉnh để tránh những vụ tai nạn nghiêm trọng tiếp theo của tuyến cao tốc Cam Lộ-La Sơn.

Tác giả bài viết này đã có bài đề cập việc nhận thức chưa đúng về phân kì đầu tư khiến cơ quan quản lí đưa vào vận hành một tuyến cao tốc dưới chuẩn (thiếu hàng loạt hạng mục bảo đảm an toàn như làn đỗ xe khẩn cấp, trạm dừng nghỉ, camera giám sát… do chưa được xây dựng).

Và khi một tuyến cao tốc dưới chuẩn được khai thác theo tiêu chuẩn cao tốc thì nguy cơ tiếp tục xảy ra tai nạn giao thông là điều khó tránh. Sau vụ tai nạn thảm khốc với xe 7 chỗ thì đã liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn khác mà nguyên nhân đều do thiếu làn dừng đỗ khẩn cấp. Vụ tai nạn thứ 2 xảy ra ngày 10/3 xuất phát từ tình huống xe gặp sự cố kĩ thuật phải dừng đỗ nên đã xảy ra va quệt giữa xe khách và xe tải khiến khiến 2 người chết, 7 người bị thương. Ngày 30/3 tiếp tục xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa một xe tải với một xe rơ mooc đang dừng đỗ…


                     Vụ tai nạn trên cao tốc Cam Lộ-La Sơn

Trong khi chưa thể đáp ứng các điều kiện vận hành tuyến cao tốc này, ngày 28/3, Cục Đường bộ Việt Nam đã đưa ra thông báo xe khách trên 30 chỗ, xe giường nằm, xe đầu kéo, xe tải từ 6 trục (tải trọng trên 30 tấn) sẽ chuyển sang đi quốc lộ 1, chạy song song cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Theo đó, phương án này sẽ giúp phân luồng gần 3.500 lượt xe một ngày đêm từ cao tốc sang quốc lộ 1. Như vậy có thể hiểu, cơ quan quản lí ngành giao thông vẫn xác định vận hành tuyến này là đường cao tốc, chỉ điều chỉnh phân luồng một số loại phương tiện.

Tuy nhiên, nếu điều chỉnh một số phương tiện vận tải lớn sang quốc lộ 1 thì lại có nguy cơ quá tải và tăng tai nạn giao thông cho tuyến giao thông chính này. Ngay sau thông báo trên, Ban An toàn giao thông hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị đã lập tức phản hồi với quan điểm không đồng tình phương án cấm xe tải trên 30 tấn, xe khách trên 30 chỗ, xe giường nằm đi cao tốc Cam Lộ - La Sơn do Cục Đường bộ Việt Nam đưa ra.

Người viết bài này cũng đồng quan điểm không nên điều chỉnh phân luồng như trên mà cần nghiên cứu hạ chuẩn tuyến Cam Lộ-La Sơn thành một tuyến giao thông cấp bình thường, giảm tốc độ tối đa, không phân làn cứng. Khi nào tuyến đường này được xây dựng đầy đủ hạng mục của một tuyến cao tốc sẽ nâng lên là đường cao tốc. Chỉ có như vậy mới hạn chế tối đa các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên truyến Cam Lộ-La Sơn./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  06/4/2024

Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2024

Chăn nuôi sẽ thoái trào?

 

Bảo vệ người chăn nuôi

Tôi có anh bạn người hàng xóm chuyên nuôi trâu từ hàng chục năm qua, công việc tuy vất vả nhưng anh luôn “sống khỏe”. Khoảng 6 năm trước, khi giá bán trâu bò khá cao tôi thường đùa anh là “đại gia chân đất”, bởi anh sở hữu hàng chục con trâu trong chuồng.

Khi đó giá mỗi con trâu theo thị trường đến mấy chục triệu đồng. Buổi chiều hằng ngày anh thủng thẳng theo đàn trâu ra con đê làng ngồi ngắm cảnh, tối đến lùa chúng về chuồng, mỗi năm cũng có vài trăm triệu, hơn đứt lương mấy ông cán bộ cao cấp hưu trí.

Dịp sau Tết vừa qua, sang nhà anh chơi, thấy chuồng trâu rỗng không, chủ nhà ngồi trầm ngâm, hỏi ra mới biết anh đã bán hết đàn trâu, không tái đàn vì cả năm chăn nuôi cuối cùng cũng chỉ hòa vốn. Anh cho biết, như thế còn may vì không vướng dịch bệnh, nếu không thì “lỗ chổng vó”.


Tình trạng nhập lậu trâu bò không được kiểm soát

Mấy năm qua, giá trâu bò trong nước giảm mạnh bởi một số nguyên nhân: Buôn bán, vận chuyển trái phép trâu, bò qua biên giới tại các tỉnh miền Trung và miền Nam vào Việt Nam khá phổ biến, nhất là tại các tỉnh biên giới với Lào, Campuchia; các sản phẩm giết mổ từ trâu, bò cũng được nhập khẩu về Việt Nam với giá rẻ do thiếu sự kiểm soát chặt về an toàn chất lượng; Trung Quốc xây dựng hàng rào dọc biên giới, con đường tiểu ngạch cơ bản “đóng cửa” nên việc buôn bán tiểu ngạch bị giảm nhiều, nhất là nước bạn mua trâu bò từ Việt Nam…

Báo chí từng phản ánh việc trâu bò tại một số nước được chăn nuôi chạy theo sản lượng, bất chấp quy chuẩn về an toàn thực phẩm nên có năng suất cao rồi nhập lậu vào Việt Nam với giá rẻ khiến ngành chăn nuôi trong nước không thể cạnh tranh. Năm trước Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam từng có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo tình hình doanh nghiệp, người chăn nuôi trong nước gặp nhiều khó khăn vì sản phẩm nhập khẩu gia tăng. Theo số liệu thống kê, năm 2023 có trên 3,5 tỉ USD sản phẩm chăn nuôi được nhập về Việt Nam, trong khi xuất khẩu chỉ đạt hơn 0,5 tỉ USD.

Nếu tình trạng nhập khẩu trâu bò cứ như mấy năm qua, chắc chắn ngành chăn nuôi nông hộ sẽ thoái trào, nhường chỗ thị trường cho hàng nhập ngoại. Khi chăn nuôi trong nước suy giảm, không ai giám chắc giá cả sẽ còn ở mức thấp như hiện tại, khi đó người tiêu dùng có nguy cơ phải sử dụng thực phẩm ngoại chất lượng thấp, không an toàn với “giá ngoại”.

Đã đến lúc cơ quan chức năng quản lí về nhập khẩu cần quan tâm tới người chăn nuôi trong nước, có giải pháp bảo hộ người chăn nuôi gia súc, gia cầm để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, đó cũng là cách bảo vệ người tiêu dùng trong nước.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  05/4/2024

Thứ Năm, 4 tháng 4, 2024

Tham mưu thời 4.0

 

Kế sách hay… “hạ sách”?

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đề xuất xây dựng trước hai đập dâng trên sông Hồng tại khu vực Xuân Quan (Văn Giang - Hưng Yên) và khu vực cống Long Tửu (Đông Anh - Hà Nội), dự kiến khởi công vào giai đoạn từ năm 2026-2030 để phục vụ thủy lợi, kế hoạch phát triển đô thị ven sông và hồi sinh các sông chết.

Với kế sách này, viễn cảnh được nghĩ đến là nhiều dòng sông đang chết như Tô Lịch, Nhuệ, Đáy… sẽ hồi sinh, khi đó dòng sông đô thị trong xanh, cá tôm bơi lội tung tăng nhờ nguồn nước mát từ sông Hồng chuyển vào.


Hiện trạng sông Tô Lịch

Hiện trạng trên cả nước biết bao dòng sông từ Bắc vào Nam đang dần trơ đáy mà “thủ phạm” ai cũng có thể biết, đó là những con đập thủy điện phía thượng nguồn. Sông Hồng cũng là một dòng sông chịu hệ quả phục vụ phát triển thủy điện khiến hạ du “khát nước”. Lượng phù sa ngày một ít đi cùng lượng nước hạn hữu, nông dân chỉ còn trông chờ vào các đợt xả nước của đập thủy điện cho việc canh tác mùa vụ. Thiếu nước từ thượng nguồn cùng lượng nước xả thải hai bên gia tăng khiến các dòng sông ngày thêm ô nhiễm, ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng triệu cư dân bên các lưu vực đang phải sử dụng nguồn nước sinh hoạt từ dòng sông.

Giả sử hai đập dâng trên tại sông Hồng được phép triển khai thì sẽ lợi và hại thế nào?

Trước hết về “cái lợi”, cư dân hai bên sông phía thượng lưu (tính từ đập trở lên thượng nguồn” sẽ hưởng lợi vì có nguồn nước dồi dào. Các dòng sông đang ô nhiễm nặng nề sẽ được một lượng nước đưa vào pha loãng (chứ không thể làm sạch vì vốn dĩ nó chưa được xử lí).

Còn cái hại, chắc chắn cư dân phía hạ lưu sẽ chịu hệ quả vì nước sông vốn đã cạn kiệt nay sẽ cạn kiệt hơn, sông ô nhiễm càng ô nhiễm hơn. Điều đáng lo nhất là nguy cơ xâm nhập mặn cho khu vực đồng bằng châu thổ sông Hồng, vựa lúa lớn nhất miền Bắc, nơi từ bao đời chưa chịu tác động từ hình thái thủy văn khắc nghiệt này. Được biết những năm gần đây đã manh nha hiện tượng xâm nhập mặn tại sông Hồng, có thời điểm nước mặn từng dâng lên đến Thường Tín (Hà Nội). Khi lượng nước cạn kiệt thêm, chắc chắn sông Hồng phía hạ lưu đập dâng không thể phục vụ canh tác nông nghiệp và cung cấp nước sinh hoạt cho người dân vì xâm nhập mặn.

Mọi công trình tác động tới tự nhiên trước khi triển khai cần được đánh giá tác động môi trường một cách tổng thể, toàn diện. Không biết cơ quan tham mưu cho Chính phủ đã có đánh giá thế nào về tác động môi trường khi đề xuất xây hai đập dâng trên? Chưa cần tới nhà chuyên môn hay chuyên gia môi trường mà người dân bình thường cũng có thể hình dung ra hệ quả xấu khi các đập ngăn sông được xây dựng. Kế sách ngăn sông rất có thể sẽ là một… “hạ sách”!/.

  Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  04/4/2024

Thứ Hai, 1 tháng 4, 2024

Đang quá dễ dãi với thú dữ

 

 Thú cưng hay thú dữ?

Theo khái niệm của từ điển thì thú dữ là loài động vật hoang dã có bản tính hung dữ, chưa được con người thuần hóa, hoạt động mang tính bản năng cao, có thể chủ động tấn cônggiết chết, thậm chí ăn thịt con người.

Tuy nhiên, thực tiễn không hẳn thú hoang dã mới là thú dữ. Có loài thú đã thuần hóa từ lâu, thân thiện với con người thì có lúc nó vẫn trở thành thú dữ do bản năng vốn có của loài thú, đó là loài chó nhà. Chuyện chó nuôi tấn công gây thương tích cho người và cả gây tử vong từng xảy ra không hiếm trong những năm qua. Năm trước, cụ bà 82 tuổi ở phường Bình Thắng (Bình Dương) bị một con chó Pitbull bất ngờ tấn công gây tử vong. Trước đó mấy năm ở thị trấn Lương Bằng (tỉnh Hưng Yên) xảy ra vụ một bé trai 7 tuổi bị đàn chó 7 con hung dữ tấn công dã man gây tử vong v.v…


Chó hung dữ luôn gây nguy hiểm cho cộng đồng  

Theo thống kê của cơ quan chức năng thì năm 2023 đã có gần 700.000 người bị chó mèo cắn phải đi tiêm phòng, 82 người tử vong vì bệnh dại. Từ đầu năm 2024 đến nay đã có khoảng 100.000 người bị chó mèo cắn phải đi tiêm phòng và 27 người tử vong vì bệnh dại.

Những vụ việc và thực tiễn trên cho thấy một loài mà nhiều người coi là thú cưng song đã gây ra tai họa cho con người nhiều hơn cả thú dữ. Một số loài chó như Pitbull, chó lai thực sự là thú dữ, nó có thể tấn công con người bất cứ lúc nào. Còn chó nhà một khi mắc bệnh dại hoặc bị kích động, có bầy đàn thì cũng trở thành và có thể trở thành thú dữ.

Năm 2018 Quốc hội đã ban hành Luật chăn nuôi, tại Điều 66 của luật quy định chủ nuôi chó, mèo phải thực hiện các yêu cầu như: Thực hiện tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo; khi nghi ngờ có triệu chứng bệnh dại phải báo ngay cho UBND cấp xã hoặc cán bộ chăn nuôi, thú y cơ sở; có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và vật nuôi khác, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y; trường hợp chó, mèo tấn công, gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật…

Những điều luật trên tuy khá đầy đủ song tính khả thi lại hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức tự giác của con người, cụ thể là chủ nuôi. Thực tế cho thấy rất nhiều chủ nuôi thú coi thường quy định của pháp luật, bất chấp sự an toàn của cộng đồng bởi việc xử phạt còn quá ít ỏi và nhẹ tay.

Để giảm thiểu tai họa từ thú nuôi, thiết nghĩ cơ quan quản lí cần nghiên cứu đưa thú nuôi, nhất là chó nhà vào danh mục thú dữ, tuyệt đối cấm thả tự do ngoài khuôn viên nơi ở của chủ nuôi. Khi đã được coi là thú dữ, nếu chúng thoát ra cộng đồng thì cho phép mọi cá nhân, tổ chức được phép dùng các biện pháp cần thiết loại bỏ mối nguy hiểm, bảo đảm an toàn cho cộng đồng./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 30/3/2024