Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2024

Cần duy trì mức sinh thay thế

 

 Nền tảng của nguồn nhân lực

Con người là nền tảng của nguồn nhân lực. Với dân số 100 triệu người hiện nay, Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn dân số vàng (dân số trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi) nhiều gấp 2 lần dân số phụ thuộc), đây là hội tuyệt vời cho tiến trình tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Vào năm 1960 mức sinh ở miền Bắc là trên 6 con, đến năm 1975 giảm xuống còn khoảng 5,2 con/phụ nữ. Những năm sau chiến tranh, nền kinh tế đất nước gặp vô vàn khó khăn, thiếu thốn nên mức sinh cao là gánh nặng cho mỗi gia đình và toàn xã hội. Từ thực trạng đó, Đảng và Nhà nước đã chủ trương tăng cường tuyên truyền vận động kết hợp với các giải pháp hành chính mạnh nhằm hạn chế mức sinh. Đến giai đoạn 1986 còn 4,08 và 1994 giảm còn 2,92 số lần sinh trên mỗi phụ nữ.

Thực hiện mục tiêu Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Đảng, Chính phủ triển khai chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình với chính sách “1 đến 2 con” được áp dụng trong hơn hai thập kỉ. Đến nay Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế và liên tục giữ vững tỉ suất sinh (số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) ở mức 2,1 trong hơn 10 năm qua.


        Mức sinh thay thế giúp giảm đà tăng nhanh già hóa dân số

Không thể phủ nhận giai đoạn có tỉ suất sinh “hơi cao” so với mục tiêu (cách đây 25-40 năm) lại đang cho kết quả một giai đoạn dân số vàng hiện nay.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tỉ lệ sinh toàn quốc năm 2023 là khoảng 1,96 con/phụ nữ và là mức thấp nhất từ trước đến nay. Tổng tỉ suất sinh của Việt Nam cũng đang ở mức thấp nhất khu vực Đông Nam Á (2 con/phụ nữ). Vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long mức sinh giảm sâu (khoảng 1,5 con/phụ nữ), đặc biệt mức sinh của TP Hồ Chí Minh chỉ còn 1,27 con/phụ nữ (gần thấp bằng mức sinh tại Nhật Bản, Trung Quốc).

Tại Đề cương dự thảo Luật Dân số, Bộ Y tế đề xuất cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh; được cung cấp thông tin, tiếp cận, lựa chọn, sử dụng các biện pháp kế hoạch hoá gia đình. Đây là quan điểm và cách tiếp cận mới trước đà giảm sinh của cả nước song hành tiến trình già hóa dân số đang tăng nhanh.

Dù kinh tế phát triển song xu hướng các gia đình trẻ, nhất là tại đô thị ngày càng ngại sinh con do áp lực công việc và chi phí nuôi dạy trẻ. Chính vì vậy, cùng với quan điểm “thông thoáng” trong quản lí mức sinh thì cũng rất cần có những giải pháp khuyến khích mạnh mẽ về kinh tế, an sinh. Nhiều nước như Hàn Quốc, Singapore, Pháp, Úc, Canada đều thưởng tiền cho các gia đình sinh con. Gia đình có con thứ 2 trở đi tại Nga được hỗ trợ một lần với số tiền 466.617 rúp (tương đương 147,5 triệu đồng)…

Tăng, giảm tỉ suất sinh là một chu trình kéo dài hàng thập kỉ. Tỉ suất sinh 1,96 tuy chỉ thấp hơn mục tiêu tỉ suất thay thế chừng 0,14 nhưng không còn sớm để chính sách dân số có các giải pháp mạnh mẽ, kịp thời.

Giữ được tỉ suất sinh thay thế sẽ góp phần kéo dài hơn giai đoạn dân số vàng, nền tảng cho tiến trình vươn tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 20/7/2024  

Thứ Tư, 17 tháng 7, 2024

Dụng nhân như dụng mộc

 

 Dụng nhân

Cha ông ta thường dặn “dụng nhân như dụng mộc”. Mỗi cây gỗ tùy theo hình dáng, chất lượng, chủng loại nên sử dụng vào từng việc, từng vị trí khác nhau. Gỗ lim bền chắc, chịu được nắng mưa nên dùng được tại nhiều nơi; gỗ nghiến cũng cứng bền như lim song phơi mưa nắng dễ nứt hỏng thường làm trong nhà; loại gỗ thẳng, cứng cáp thì làm nơi chịu lực như cột, xà, hoành; chỗ cong thì gạn cắt dùng làm kèo, mè, đấu…

Việc dùng người cũng vậy, tùy theo phẩm chất, tính cách, sở trường, sở đoản… của cá nhân để đặt vào các vị trí, công việc phù hợp nhằm phát huy mặt mạnh, tránh điểm yếu.

Tuy nhiên lâu nay trong công tác cán bộ đây đó có cách nhìn nhận không đúng khiến việc dùng người rơi vào cảm tính, định kiến. Thông thường một người có thành tích tốt, xuất sắc là đưa vào quy hoạch phát triển thành nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lí. Song trong đội ngũ nhân lực lại được đào tạo nhiều chuyên môn khác nhau. Một người được đào tạo bài bản, có nhiều kinh nghiệm, giỏi, hiểu sâu một chuyên ngành hẹp nếu đưa vào cương vị quản lí, lãnh đạo chuyên ngành đó cũng chưa hẳn đã hoàn thành trách nhiệm vì quản lí, lãnh đạo cần những tố chất năng lực riêng. Trong quân đội thì hệ cán bộ lãnh đạo, quản lí có bốn lĩnh vực lớn là chính trị, tham mưu, kĩ thuật, hậu cần… Ngành chính trị, tham mưu thường được phát triển lên vị trí lãnh đạo, chỉ huy; ngành kĩ thuật, hậu cần, khoa học công nghệ… thông thường phát triển lên cấp phó chuyên ngành để tham mưu cho người lãnh đạo, chỉ huy về ngành mình phụ trách. Tất nhiên thực tiễn vẫn có những cán bộ kĩ thuật, hậu cần lên vị trí lãnh đạo, chỉ huy đơn vị khi bản lĩnh, năng lực vượt trội, được thực tiễn kiểm nghiệm.

Việc sử dụng cán bộ không đúng sở trường, sở đoản đôi khi làm người được bổ nhiệm ngộ nhận về năng lực của mình, chủ quan tưởng rằng mọi chuyện cũng thuận lợi như khi thực hiện chuyên môn hẹp và dẫn đến sai lầm. Thời gian qua không ít chủ doanh nghiệp, tổng công ty, tập đoàn và cán bộ chuyên môn giỏi, thậm chí xuất sắc, được dư luận tin tưởng, Nhà nước tôn vinh nhưng khi bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, quản lí vĩ mô đã xảy ra sai phạm gây tiếc nuối cho nhiều người. Gần đây nhất có thể kể đến trường hợp GS, TS Nguyễn Quang Tuấn, từng là giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, giám đốc Bệnh viện Bạch Mai và là bác sĩ hàng đầu ngành tim mạch can thiệp đã vướng vòng lao lí khi sang đảm nhiệm cương vị lãnh đạo, quản lí.


                      GS-TS Nguyễn Quang Tuấn, cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai

Gỗ tốt, gỗ quý thường không mục. Sử dụng sai thì cuối cùng gỗ tốt vẫn không thể và không ai có quyền bỏ đi.

Trở lại trong vị trí một bác sĩ thực hành trong 12 tháng trước khi được xem xét cấp lại chứng chỉ hành nghề, chia sẻ với báo chí GS, TS Nguyễn Quang Tuấn cho rằng ‘mình ngã ở đâu thì đứng dậy ở đó’. Đúng là ông đã “ngã” vì làm lãnh đạo, quản lí, còn chuyên môn tim mạch không nhiều người có thể vượt qua.

Tin rằng với nhân cách và năng lực của mình, ông lại sẽ mang tới niềm vui và hạnh phúc cho nhiều người bệnh./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 17/7/2024  

Thứ Ba, 16 tháng 7, 2024

Tầm văn hóa đáng lo của một số nghệ sĩ

 

Làm văn hóa và kiến thức văn hóa

Cách đây chừng 2 tháng tại một chương trình biểu diễn có tên gọi Ngày em thắp sao trời  do Công ty Tiếng hát Việt tổ chức, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã mặc bộ trang phục kì lạ khiến nhiều người liên tưởng tới bộ quân phục cùng phụ kiện tuyên dương của chế độ cũ.

Một ca sĩ có sức ảnh hưởng đến công chúng lựa chọn trang phục không phù hợp lập tức gây tác động tiêu cực đến dư luận và xã hội với nhiều bình luận, phản ứng và bức xúc của công luận. Các nhà hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, đại biểu Quốc hội, nhà quản lí, các cán bộ lão thành, cựu chiến binh... đã nêu nhiều ý kiến về sự phản cảm trong hoạt động biểu diễn tại chương trình này xung quanh trang phục biểu diễn của Đàm Vĩnh Hưng.


Bộ trang phục được Đàm Vĩnh Hưng trình diễn tại live-concert tối 4/5/2024 tại TP.HCM

Những ngày qua lại thêm một ca sĩ có hành xử và phát tán hình ảnh phản cảm tại di tích phố cổ Hội An. Đó là hình ảnh ca sĩ Đức Tuấn tạo dáng chụp hình trên nóc một ngôi nhà tại phố cổ Hội An. Khi bị công đồng mạng phản ứng ca sĩ này chia sẻ trên Fanpage (có 44.000 lượt theo dõi) rằng “Không phải nhà nào trong phố cổ cũng thuộc di tích…”!

Ngôi nhà tại thành phố Hội An có thể không phải là nhà cổ, chỉ “giả cổ”, được xây dựng để kinh doanh song người từng đến thành phố này khi nhìn hình ảnh ca sĩ Đức Tuấn tạo dáng chắc chắn nghĩ rằng đó là là một trong những ngôi nhà của phố cổ Hội An. Năm 1999 Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã công nhận đô thị cổ Hội An là một di sản văn hóa thế giới. Vậy di sản văn hóa lịch sử tầm thế giới mà người Việt có thể hành xử như vậy sao?

Cũng tương tự, trường hợp trang phục ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng mặc tại show Ngày em thắp sao trời có thể không phải quân phục, huân huy chương của quân đội ngụy quyền nhưng những người từng sống trong giai đoạn lịch sử này không có suy nghĩ nào khác, đó là trang phục nhái quân phục của chế độ cũ!

Văn nghệ sĩ nói chung, ca sĩ nói riêng đều là những người làm công tác trên mặt trận tư tưởng văn hóa, từ nghệ thuật đến ứng xử của họ đều trực tiếp tác động lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng. Kiến thức, nhận thức đúng đắn về chính trị, lịch sử, văn hóa là những thứ không thể thiếu của một người làm việc trong lĩnh vực này. Quan điểm nghệ thuật vị nghệ thuật đã bị phê phán, tẩy chay từ cách đây hàng thế kỉ nhưng đây đó vẫn manh nha trong tư tưởng một số “người của công chúng”. Nếu không đủ bản lĩnh và hiểu biết về văn hóa, lịch sử rất dễ khiến người ta sa vào sai lầm mà không hề nhận ra./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 16/7/2024

Chủ Nhật, 14 tháng 7, 2024

Ngành giao thông nên quan tâm việc khác

 

 Do đèn hay ý thức con người?

Việc TP Hồ Chí Minh đang thí điểm bỏ đếm giây đèn tín hiệu ở 4 giao lộ trung tâm đã gây ra nhiều ý kiến tranh luận trái chiều.

Số người muốn bỏ đèn giao thông đếm ngược lập luận rằng khi biết còn những giây đèn xanh cuối cùng sẽ cố vượt lên cho kịp, thậm chí vượt đèn đỏ để không phải chờ đợi lâu, hành vi này rất dễ xảy ra va chạm, gây tai nạn.

Đa số quan điểm khác thì cho rằng tin hiệu đèn giao thông đếm giây là văn minh, tiến bộ, không nên bỏ bởi sự tồn tại của nó đang rất hợp lí, giúp giảm nguy cơ tai nạn, ùn tắc giao thông. Nó giúp người lái xe được chủ động, nhận biết được tình huống để sẵn sàng xử lí phù hợp.

Cá nhân người viết bài này cũng ủng hộ phương án duy trì tin hiệu đèn giao thông đếm giây như hiện nay.


                         Tín hiệu đèn giao thông hiện đại, văn minh giúp minh bạch thông tin

Ngày nay, mọi hoạt động có ý thức của con người ngày càng trở nên chủ động và hiệu quả nhờ có thể dự đoán, nắm được diễn biến của không gian, thời gian, kế hoạch… Tín hiệu đèn là giải pháp kĩ thuật hiện đại giúp người tham gia giao thông chủ động xử lí trong hành trình di chuyển. Khi chờ đèn đỏ, biết được thời gian, người điều khiển phương tiện có thể tắt máy để tiết kiệm nhiên liệu, giảm ô nhiễm môi trường. Không có bộ đếm ngược, các phương tiện đến ngã tư thường phải phanh gấp khi đèn đột ngột chuyển đỏ, với các xe trọng tải lớn xử lí như vậy sẽ rất nguy hiểm kể cả có giai đoạn đèn vàng.

Khi đề xuất giải pháp bỏ đèn đếm ngược, cơ quan chức năng cũng chưa có bất cứ khảo sát, tài liệu nào chứng minh tình trạng vi phạm giao thông, tai nạn giao thông tăng hay giảm tại các giao lộ có đèn tín hiệu. Trong khi đó việc bỏ đếm giây có thể làm giảm hiệu quả của hệ thống đèn giao thông thông minh vốn dựa trên dữ liệu lưu lượng giao thông để điều chỉnh thời gian đèn đỏ, đèn xanh phù hợp. Việc bỏ đếm giây có thể ảnh hưởng đến tính chính xác của dữ liệu, dẫn đến việc điều chỉnh đèn không hiệu quả.

Thực tiễn đã chứng minh, các vụ tai nạn giao thông xảy ra phần lớn là do ý thức của người điều khiển phương tiện. Các hành vi thiếu ý thức, vi phạm quy tắc giao thông như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, chạy xe quá tốc độ hoặc không giữ khoảng cách an toàn khi điều khiển phương tiện đều là những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông. Với những người thiếu ý thức chấp hành pháp luật thì dù ngã tư có đèn đếm ngược hay không đếm, chỉ cần vắng bóng cảnh sát giao thông là họ sẵn sàng vi phạm.

Tín hiêu đèn giao thông có đếm là thiết kế kĩ thuật nhằm dự báo tình huống một cách minh bạch rõ ràng, nó không có lỗi bởi hành vi của người tham gia giao thông./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  13/7/2024

Thứ Năm, 11 tháng 7, 2024

Lỗ hỏng duyệt nội dung học kì tại chùa

 

 Học kì 3

Thời xưa dưới chế độ học hành khoa cử phong kiến thì sĩ tử chưa có khái niệm nghỉ Hè hằng năm. Tiếp cận hoạt động giáo dục hiện đại theo khung thời gian 9 tháng học, 3 tháng nghỉ Hè xuất phát từ châu Âu, bắt đầu có tại nước ta từ thời Pháp thuộc. Ngày nay hầu hết các quốc gia trên thế giới thực hiện theo mô hình giáo dục này.

Kì nghỉ Hè là thời gian để con “sạc” lại năng lượng cho năm học mới bởi với hầu hết các học sinh, năm học đã diễn ra quá vất vả, bận rộn nên tổn hao rất nhiều năng lượng tinh thần. Việc nghỉ Hè giúp các em thư giãn hệ thần kinh bằng các hoạt động vui chơi, gia đình có thể bố trí lịch luyện tập thể dục thể thao cho con em nhằm cải thiện thể chất, sức khỏe.

Thời gian nghỉ Hè dài cũng là cơ hội cho các thành viên trong gia đình gần nhau về mặt cảm xúc, tương tác chất lượng hơn, cha mẹ chú ý nhiều hơn đến những điểm mạnh của trẻ để phát huy, hạn chế mặt yếu.


                                  Nội dung Khóa tu tại chùa Ba Vàng có ai thẩm duyệt?

Tuy nhiên, với sự kì vọng của phụ huynh về con em, ngày càng nhiều người ít quan tâm về kì nghỉ, thường tranh thủ đưa con em vào các chương trình học tập, rèn luyện ngoại khóa nặng nề. Xu hướng đăng kí vào các học kì rèn kĩ năng như học kì quân đội, công an, khóa tu mùa Hè… ngày càng được nhiều phụ huynh quan tâm. Bên cạnh đó không ít gia đình trẻ thiếu người chăm nom con khi cả hai cùng đi làm buộc phải gửi tại các cơ sở dịch vụ hay cho trẻ dự các khóa học thêm… Như vậy, không ít trẻ em phải tiếp tục một học kì thứ 3.

Nhu cầu hoạt động cho trẻ trong kì nghỉ Hè là thực tiễn song chưa được sự quan tâm của nhà trường, chính quyền trong việc tổ chức các mô hình phù hợp tại chỗ. Không phủ nhận khi tham gia rèn luyện ngoại khóa sẽ giúp các em một số kĩ năng sống, nhất là nếp sống, phong cách và kỉ luật trong môi trường đặc thù. Học kì do các đơn vị quân đội, công an tổ chức thì gia đình có thể yên tâm về môi trường và nội dung khóa học, song với các tổ chức khác thì ai là người duyệt nội dung, liệu có bảo đảm chất lượng và an toàn về thể chất, tinh thần cho trẻ? Vừa qua dư luận xôn xao khi trên mạng lan truyền clip một bé gái bị vong nhập khi nghe thuyết giảng được cho là trong một khóa tu mùa Hè tại chùa Ba Vàng… 

Dù dưới hình thức nào thì nội dung “học kì 3” cũng cần hướng tới mục tiêu giúp trẻ có những ngày hè vui tươi, bổ ích “học mà chơi, chơi mà học” chứ không nên quá kì vọng, tạo nên áp lực cho học sinh, nhất là các em lứa tuổi tiểu học, trung học cơ sở./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  10/7/2024

Thứ Hai, 8 tháng 7, 2024

Chốn Tự nhiễu nhương

 

 Cần lập lại tôn nghiêm chốn Tự

Phật giáo sơ khởi là duy lí và có tính vô thần, hướng con người đến nhận thức chân lí, tỉnh thức và giác ngộ. Theo ý niệm nguyên thủy của phật giáo, phật là một con người đã giác ngộ, nghĩa là đạt được sự nhận thức đúng đắn về bản ngã và thế giới xung quanh nên được giải thoát. Giáo lí, giáo luật ngày nay của đạo phật vẫn hướng theo những quan điểm sơ khai giúp tăng ni, phật tử giác ngộ, sống hướng thiện, từ bi, loại bỏ tham, sân, si.

Thời gian gần đây, nhất là từ đầu năm 2024 liên tục xảy ra những vụ lùm xùm liên quan đến một số nhà tu hành đạo phật gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng đến uy tín của phật giáo nói chung và Giáo hội phật giáo Việt Nam (GHPGVN) nói riêng.

Đầu năm là vụ Đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng tổ chức chiêm bái và truyền thông “xá lợi tóc Đức Phật” mang màu sắc mê tín dị đoan gây tranh luận trái chiều, bị dư luận xã hội phê phán, ảnh hưởng nghiêm trọng tới niềm tin phật giáo. GHPGVN đã cảnh cáo vị trụ trì chùa và UBND thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh cũng ra quyết định xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng với Đại đức Thích Trúc Thái Minh.


Đại đức Thích Trúc Thái Minh đón nhận hiện vật được cho là "xá lợi tóc Đức Phật"


Chùa Ba Vàng tổ chức trưng bày vật gọi là "xá lợi tóc Đức Phật" cho người dân chiêm bái

Ngày 19/6, Thượng tọa Thích Chân Quang (trụ trì Thiền Tôn Phật Quang, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) có những bài giảng gây hoang mang trong xã hội với thuyết pháp kì dị, đậm tính mê tín dị đoan, võ đoán... Ngoài phát ngôn đi ngược với giáo lí, thiếu cơ sở khoa học, vị thượng tọa này còn cổ xúy cho việc giải hạn, cầu tài lộc bằng cách cúng dường, khích lệ phật tử quyên góp tiền của cho nhà chùa.

Đại đức Thích Nhuận Đức (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cũng có các bài thuyết giảng trên mạng xã hội sai với tôn chỉ, giáo lí, giáo luật phật giáo, vi phạm các quy tắc thuyết giảng của Ban Hoằng pháp Trung ương GHPGVN. Đầu tháng 6/2024, GHPGVN đã nghiêm cấm Đại đức Thích Nhuận Đức thuyết giảng dưới mọi hình thức trong một năm…

Ngoài ra, trên các mạng xã hội còn tràn lan nhiều hình ảnh phản cảm khác như nhà sư đi khất thực nhận tiền, ăn uống tiệc tùng, đánh lộn lẫn nhau… khiến dư luận nghi ngờ, mất niềm tin vào giới tu hành.

Đức Phật dạy “Nguồn cội của mọi khổ đau trên đời đều từ 3 việc mà ra là tham, sân, si. Từ tham nổi lên sân hận, khiến con người si mê u tối, từ đó gây nên nghiệp ác”. Thế nhưng chuyện vận động từ thiện, cúng dường, dâng sao giải hạn thu tiền tại một số chùa mang đậm tính tham lam, si mê, điều đại kị, trái với tôn chỉ, giáo lí, giáo luật.

Những sai phạm của một số cá nhân kể trên chính là biểu hiện sự tha hóa, vi phạm đạo đức nghiêm trọng, họ không còn đủ tư cách thuyết giảng đạo lí trước tăng ni, phật tử, càng không thể giác ngộ người khác. Việc xử lí một số nhà sư vi phạm bằng các hình thức như cấm thuyết giảng có thời hạn, cảnh cáo, xử lí hành chính, cho sám hối v.v… xem ra khá “nhẹ nhàng”, chưa đủ làm họ “giác ngộ, tỉnh thức” và răn đe chung. Bằng chứng là có vị sư trụ trì từng để lại nhiều tai tiếng mà vẫn tại vị, để rồi vi phạm cứ nối dài như tại chùa Ba Vàng.

Chốn Tự rất cần lấy lại niềm tin bằng sự tôn nghiêm như từng có./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  06/7/2024

Thứ Năm, 4 tháng 7, 2024

Lỏng leo quản lí lập doanh nghiệp

 

 Cấp phép không quản lí

Doanh nghiệp kinh doanh muốn hoạt động trước tiên cần được cấp có thẩm quyền cho phép bằng văn bản. Quá trình hoạt động kinh doanh của mỗi doanh nghiệp cũng không nằm ngoài sự quản lí của cơ quan có thẩm quyền. Quản lí và kinh doanh là hai mặt không thể tách rời của một sự vật, hiện tượng. Vậy mà trong thực tiễn nền kinh tế của ta hiện đang xảy ra câu chuyện quản lí và kinh doanh như chẳng liên quan đến nhau.

Vừa qua lãnh đạo Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đã thông tin với báo chí về trường hợp có một cá nhân lập tới 116 doanh nghiệp chỉ trong một thời gian ngắn (từ tháng 12/2023 đến tháng 3/2024). Thông thường một người quản lí vận hành một doanh nghiệp kinh doanh đạt hiệu quả đã là tốt, cùng lúc quản lí 2 doanh nghiệp có thể coi là năng lực xuất sắc, còn vận hành cùng lúc 116 doanh nghiệp thì đúng là “siêu doanh nhân” mà tổ chức kỉ lục Thế giới Guinness đã bỏ quên! Nếu cơ quan cấp phép nắm được hoạt động của doanh nghiệp thì đã không có chuyện cho phép một cá nhân thành lập tới 116 doanh nghiệp.


Công an TP HCM đã khởi tố 13 người trong vụ lập 116 doanh nghiệp.

Theo Luật Doanh nghiệp, hiện nay việc cấp phép thành lập và hoạt động doanh nghiệp khá “thông thoáng”, được triển khai theo nguyên tắc “tiền đăng, hậu kiểm”. Khâu “tiền đăng” xem ra đang được cơ quan kế hoạch đầu tư tại TP Hồ Chí Minh và các địa phương làm khá tốt, giả sử có vài trăm cá nhân khác mỗi người cũng thành lập cả trăm doanh nghiệp vẫn có thể đáp ứng! Tuy nhiên từ nhiều năm qua đã bộc lộ lỗ hổng khâu “hậu kiểm” tại nhiều địa phương, tạo điều kiện cho các đối tượng trục lợi thông qua việc buôn bán hóa đơn, rút hàng nghìn tỉ đồng tiền thuế giá trị gia tăng, gây thiệt hại không nhỏ cho ngân sách nhà nước. Tại vụ việc trên nay còn bộc lộ lỗ hổng nữa, đó là đối tượng lập 116 doanh nghiệp đã bị bắt nằm trong đường dây tội phạm có tổ chức hoạt động “rửa tiền”, “vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”. Các doanh nghiệp được thành lập trên hầu như không có hoạt động sản xuất kinh doanh, chỉ là công cụ để các đối tượng tổ chức các hoạt động phi pháp, lừa đảo.

Việc quản lí doanh nghiệp hiện đang có “độ vênh” giữa hai cơ quan quản lí nhà nước là Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch & Đầu tư. Ngoài chuyện “hậu kiểm” lỏng lẻo ra thì giữa bên cấp phép và bên thu thuế như đang thiếu sự gắn kết, việc ai nấy làm.

Phải chăng cần có một văn bản pháp quy dạng thông tư liên bộ để “ráp nối” công tác quản lí kinh doanh giữa hai Bộ chuyên về kinh tế?

Cách đây hơn 6 năm từng có đại biểu Quốc hội cho rằng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính có chức năng, nhiệm vụ tương đồng nhưng khi làm chính sách thường hay vênh nhau cần nhập lại để thống nhất, tinh gọn đầu mối.

Nên chăng, đã đến lúc cần nghiêm túc xem xét ý kiến này, nhất là hiện Đảng và Nhà nước ta đang chủ trương tinh gọn đầu mối quản lí cấp vĩ mô./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  03/7/2024

Thứ Tư, 3 tháng 7, 2024

Văn hóa và tiền

 

Tiền nhiều hay năng lực tiêu tiền?

Tại kì họp lần thứ 7 Quốc hội khóa XV, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đề xuất dành 256.250 tỉ đồng cho Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

Trong phiên thảo luận về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, khi con số trên được đưa ra, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng đây là một số tiền “quá lớn”.  

Nền kinh tế Việt Nam với tổng GDP hằng năm chừng hơn 1,6 triệu tỉ đồng thì con số 256.250 tỉ đồng (khoảng 10 tỉ đô la) quả thực không phải là số tiền nhỏ so với khả năng cân đối và đáp ứng của ngân sách.

Song vấn đề không chỉ là số tiền lớn hay nhỏ mà cách tính toán để ra con số trên cùng “cách tiêu tiền” mới là chuyện cần bàn.

Được biết Chương trình gồm 9 nhóm mục tiêu: Phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống tốt đẹp; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh; phát triển hệ thống hạ tầng, cảnh quan, thiết chế văn hóa đồng bộ; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc; phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực văn hóa. Có thể thấy, mục tiêu của chương trình bao hàm hầu hết các lĩnh vực của ngành văn hóa nhưng lại chưa có các nhiệm vụ cụ thể.

 


                       Đình Lương Xá (Hà Nội)  được trùng tu kiểu bê tông hóa

Sản phẩm văn hóa mang tính đặc thù, không phải cứ nhiều tiền sẽ mang lại giá trị văn hóa cao và ngược lại. Ví như chuyện trùng tu di tích những năm qua, dù bỏ ra tiền tỉ nhưng không ít di tích lịch sử văn hóa từ hàng trăm tuổi bỗng trở thành công trình một tuổi, chẳng còn mấy giá trị di sản, di tích! Hoặc câu chuyện được Quốc hội duyệt chi 300 tỉ đồng ngân sách cho Quỹ hỗ trợ phát triển, phục hồi du lịch sau đại dịch Covid-19 song Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch lại chuyển thành vốn điều lệ, dùng tiền lãi gửi ngân hàng để nuôi bộ máy quản lí quỹ. Có 300 tỉ đồng trong tay mà còn lúng túng, chưa biết chi tiêu ra sao trong khi du lịch đã được phục hồi, chẳng cần dùng đồng nào từ quỹ. Vậy hàng trăm nghìn tỉ đồng nếu được Quốc hội chấp nhận liệu bộ máy có đủ năng lực “chuyển hóa đồng tiền” thành sản phẩm văn hóa hay không?

Trước con số “khái toán” trên, chính Hội đồng thẩm định nhà nước cũng khẳng định là “chưa đủ cơ sở để thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho chương trình trong giai đoạn 2026-2030”. Kiểm toán nhà nước cũng nêu “chưa rõ cơ sở, chưa rõ khả năng cân đối nguồn vốn khi đề xuất nguồn lực quá lớn” của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.

Giả định số tiền trên được chi tiêu kiểu chia đều cho ngành văn hóa 63 tỉnh thành (đến cả cấp xã, cấp huyện) trong vòng 10 năm thì có lẽ nó sẽ trở thành một con số… tương đối nhỏ mà thôi!/.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  02/7/2024

Trọc phú giàu nhưng không sang

 

Giàu và sang

Ngôn ngữ tiếng Việt có từ giàu và từ sang. Tục ngữ thì có câu “giàu vì bạn, sang vì vợ”. Bạn tốt có thể giúp ta cơ hội, cách thức làm giàu, nhiều người đã giàu từ đây. Vợ giỏi, đảm đang, nhân hậu, có phẩm hạnh giúp chồng trong ứng xử, giải quyết các mối quan hệ thuận hòa từ gia đình đến xã hội, vậy là sang.

Có ông nhà giàu “nứt đố, đổ vách”, tủ rượu tại phòng khách trưng toàn rượu ngoại đắt tiền nhưng có khách đến lại chỉ thấy mời đãi bằng chai “quốc lủi”. Khoe có loại trà hàng triệu đồng một lạng của nước ngoài song mời khách chỉ thấy pha trà mạn Thái Nguyên. Có thể coi đây là những người giàu nhưng không sang. Đó là những người mà xưa hay được gọi chung cái tên “trọc phú”.


                                    Biệt phủ mọc giữa quê nghèo không phải là sang

Từ xưa cha ông chúng ta hiểu từ sang theo nghĩa sang trọng, sang trong nết ăn nét ở, trong phép ứng xử giữa người với người. Người sang trọng luôn tôn trọng người khác để người khác cũng tôn trọng mình. Muốn trở thành một người sang không dễ và không phải ai cũng có thể làm được vì nó phụ thuộc vào tính cách, nhân phẩm cùng sự hiểu biết lí lẽ cuộc sống.

Còn giàu thì thời nay rất nhiều người có thể làm được bằng sự cần cù, khôn ngoan, có tri thức, biết tận dụng cơ hội và cả sự may mắn... Không ít người làm giàu bằng mọi giá, bất chấp đúng sai, chà đạp đạo lí, vi phạm pháp luật nên rất khó thấy ở họ sự sang trọng.

Như vậy giữa giàu và sang là hai phạm trù riêng, tách bạch, đôi khi nó chẳng liên quan hay ràng buộc song người ta hay quen miệng khi nói cụm từ giàu sang. Giàu là phạm trù vật chất còn sang là phạm trù văn hóa tinh thần. Nhiều người chưa giàu, cuộc sống đạm bạc nhưng qua cách ứng xử người ta vẫn thấy toát lên nét thanh bạch, cao sang đáng kính, trong khi không ít người giàu có, tiền của chất đầy song lại chẳng được nhiều người nể trọng, thậm chí còn bị coi khinh. 

Gắn giàu với sang dần nghe quen dễ ngộ nhận rằng đã giàu là sang, muốn sang thì phải giàu. Đây là nhận thức không đúng dẫn đến có những hệ lụy trong ứng xử, tệ trọng vật chất, xem nhẹ giá trị văn hóa tinh thần, nhất là trong thể chế kinh tế thị trường hiện nay./.

 Đinh Hoàng

Bài suy ngẫm đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  02/7/2024