Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2024

Cần duy trì mức sinh thay thế

 

 Nền tảng của nguồn nhân lực

Con người là nền tảng của nguồn nhân lực. Với dân số 100 triệu người hiện nay, Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn dân số vàng (dân số trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi) nhiều gấp 2 lần dân số phụ thuộc), đây là hội tuyệt vời cho tiến trình tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Vào năm 1960 mức sinh ở miền Bắc là trên 6 con, đến năm 1975 giảm xuống còn khoảng 5,2 con/phụ nữ. Những năm sau chiến tranh, nền kinh tế đất nước gặp vô vàn khó khăn, thiếu thốn nên mức sinh cao là gánh nặng cho mỗi gia đình và toàn xã hội. Từ thực trạng đó, Đảng và Nhà nước đã chủ trương tăng cường tuyên truyền vận động kết hợp với các giải pháp hành chính mạnh nhằm hạn chế mức sinh. Đến giai đoạn 1986 còn 4,08 và 1994 giảm còn 2,92 số lần sinh trên mỗi phụ nữ.

Thực hiện mục tiêu Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Đảng, Chính phủ triển khai chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình với chính sách “1 đến 2 con” được áp dụng trong hơn hai thập kỉ. Đến nay Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế và liên tục giữ vững tỉ suất sinh (số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) ở mức 2,1 trong hơn 10 năm qua.


        Mức sinh thay thế giúp giảm đà tăng nhanh già hóa dân số

Không thể phủ nhận giai đoạn có tỉ suất sinh “hơi cao” so với mục tiêu (cách đây 25-40 năm) lại đang cho kết quả một giai đoạn dân số vàng hiện nay.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tỉ lệ sinh toàn quốc năm 2023 là khoảng 1,96 con/phụ nữ và là mức thấp nhất từ trước đến nay. Tổng tỉ suất sinh của Việt Nam cũng đang ở mức thấp nhất khu vực Đông Nam Á (2 con/phụ nữ). Vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long mức sinh giảm sâu (khoảng 1,5 con/phụ nữ), đặc biệt mức sinh của TP Hồ Chí Minh chỉ còn 1,27 con/phụ nữ (gần thấp bằng mức sinh tại Nhật Bản, Trung Quốc).

Tại Đề cương dự thảo Luật Dân số, Bộ Y tế đề xuất cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh; được cung cấp thông tin, tiếp cận, lựa chọn, sử dụng các biện pháp kế hoạch hoá gia đình. Đây là quan điểm và cách tiếp cận mới trước đà giảm sinh của cả nước song hành tiến trình già hóa dân số đang tăng nhanh.

Dù kinh tế phát triển song xu hướng các gia đình trẻ, nhất là tại đô thị ngày càng ngại sinh con do áp lực công việc và chi phí nuôi dạy trẻ. Chính vì vậy, cùng với quan điểm “thông thoáng” trong quản lí mức sinh thì cũng rất cần có những giải pháp khuyến khích mạnh mẽ về kinh tế, an sinh. Nhiều nước như Hàn Quốc, Singapore, Pháp, Úc, Canada đều thưởng tiền cho các gia đình sinh con. Gia đình có con thứ 2 trở đi tại Nga được hỗ trợ một lần với số tiền 466.617 rúp (tương đương 147,5 triệu đồng)…

Tăng, giảm tỉ suất sinh là một chu trình kéo dài hàng thập kỉ. Tỉ suất sinh 1,96 tuy chỉ thấp hơn mục tiêu tỉ suất thay thế chừng 0,14 nhưng không còn sớm để chính sách dân số có các giải pháp mạnh mẽ, kịp thời.

Giữ được tỉ suất sinh thay thế sẽ góp phần kéo dài hơn giai đoạn dân số vàng, nền tảng cho tiến trình vươn tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 20/7/2024  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét