Thứ Hai, 8 tháng 7, 2024

Chốn Tự nhiễu nhương

 

 Cần lập lại tôn nghiêm chốn Tự

Phật giáo sơ khởi là duy lí và có tính vô thần, hướng con người đến nhận thức chân lí, tỉnh thức và giác ngộ. Theo ý niệm nguyên thủy của phật giáo, phật là một con người đã giác ngộ, nghĩa là đạt được sự nhận thức đúng đắn về bản ngã và thế giới xung quanh nên được giải thoát. Giáo lí, giáo luật ngày nay của đạo phật vẫn hướng theo những quan điểm sơ khai giúp tăng ni, phật tử giác ngộ, sống hướng thiện, từ bi, loại bỏ tham, sân, si.

Thời gian gần đây, nhất là từ đầu năm 2024 liên tục xảy ra những vụ lùm xùm liên quan đến một số nhà tu hành đạo phật gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng đến uy tín của phật giáo nói chung và Giáo hội phật giáo Việt Nam (GHPGVN) nói riêng.

Đầu năm là vụ Đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng tổ chức chiêm bái và truyền thông “xá lợi tóc Đức Phật” mang màu sắc mê tín dị đoan gây tranh luận trái chiều, bị dư luận xã hội phê phán, ảnh hưởng nghiêm trọng tới niềm tin phật giáo. GHPGVN đã cảnh cáo vị trụ trì chùa và UBND thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh cũng ra quyết định xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng với Đại đức Thích Trúc Thái Minh.


Đại đức Thích Trúc Thái Minh đón nhận hiện vật được cho là "xá lợi tóc Đức Phật"


Chùa Ba Vàng tổ chức trưng bày vật gọi là "xá lợi tóc Đức Phật" cho người dân chiêm bái

Ngày 19/6, Thượng tọa Thích Chân Quang (trụ trì Thiền Tôn Phật Quang, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) có những bài giảng gây hoang mang trong xã hội với thuyết pháp kì dị, đậm tính mê tín dị đoan, võ đoán... Ngoài phát ngôn đi ngược với giáo lí, thiếu cơ sở khoa học, vị thượng tọa này còn cổ xúy cho việc giải hạn, cầu tài lộc bằng cách cúng dường, khích lệ phật tử quyên góp tiền của cho nhà chùa.

Đại đức Thích Nhuận Đức (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cũng có các bài thuyết giảng trên mạng xã hội sai với tôn chỉ, giáo lí, giáo luật phật giáo, vi phạm các quy tắc thuyết giảng của Ban Hoằng pháp Trung ương GHPGVN. Đầu tháng 6/2024, GHPGVN đã nghiêm cấm Đại đức Thích Nhuận Đức thuyết giảng dưới mọi hình thức trong một năm…

Ngoài ra, trên các mạng xã hội còn tràn lan nhiều hình ảnh phản cảm khác như nhà sư đi khất thực nhận tiền, ăn uống tiệc tùng, đánh lộn lẫn nhau… khiến dư luận nghi ngờ, mất niềm tin vào giới tu hành.

Đức Phật dạy “Nguồn cội của mọi khổ đau trên đời đều từ 3 việc mà ra là tham, sân, si. Từ tham nổi lên sân hận, khiến con người si mê u tối, từ đó gây nên nghiệp ác”. Thế nhưng chuyện vận động từ thiện, cúng dường, dâng sao giải hạn thu tiền tại một số chùa mang đậm tính tham lam, si mê, điều đại kị, trái với tôn chỉ, giáo lí, giáo luật.

Những sai phạm của một số cá nhân kể trên chính là biểu hiện sự tha hóa, vi phạm đạo đức nghiêm trọng, họ không còn đủ tư cách thuyết giảng đạo lí trước tăng ni, phật tử, càng không thể giác ngộ người khác. Việc xử lí một số nhà sư vi phạm bằng các hình thức như cấm thuyết giảng có thời hạn, cảnh cáo, xử lí hành chính, cho sám hối v.v… xem ra khá “nhẹ nhàng”, chưa đủ làm họ “giác ngộ, tỉnh thức” và răn đe chung. Bằng chứng là có vị sư trụ trì từng để lại nhiều tai tiếng mà vẫn tại vị, để rồi vi phạm cứ nối dài như tại chùa Ba Vàng.

Chốn Tự rất cần lấy lại niềm tin bằng sự tôn nghiêm như từng có./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  06/7/2024

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét