Dụng nhân Cha ông ta thường dặn “dụng nhân như dụng mộc”. Mỗi cây gỗ tùy
theo hình dáng, chất lượng, chủng loại nên sử dụng vào từng việc, từng vị trí
khác nhau. Gỗ lim bền chắc, chịu được nắng mưa nên dùng được tại nhiều nơi; gỗ
nghiến cũng cứng bền như lim song phơi mưa nắng dễ nứt hỏng thường làm trong
nhà; loại gỗ thẳng, cứng cáp thì làm nơi chịu lực như cột, xà, hoành; chỗ
cong thì gạn cắt dùng làm kèo, mè, đấu… Việc dùng người cũng vậy, tùy theo phẩm chất, tính cách, sở
trường, sở đoản… của cá nhân để đặt vào các vị trí, công việc phù hợp nhằm
phát huy mặt mạnh, tránh điểm yếu. Tuy nhiên lâu nay trong công tác cán bộ đây đó có cách nhìn
nhận không đúng khiến việc dùng người rơi vào cảm tính, định kiến. Thông thường
một người có thành tích tốt, xuất sắc là đưa vào quy hoạch phát triển thành
nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lí. Song trong đội ngũ nhân lực lại được đào tạo
nhiều chuyên môn khác nhau. Một người được đào tạo bài bản, có nhiều kinh
nghiệm, giỏi, hiểu sâu một chuyên ngành hẹp nếu đưa vào cương vị quản lí,
lãnh đạo chuyên ngành đó cũng chưa hẳn đã hoàn thành trách nhiệm vì quản lí,
lãnh đạo cần những tố chất năng lực riêng. Trong quân đội thì hệ cán bộ lãnh
đạo, quản lí có bốn lĩnh vực lớn là chính trị, tham mưu, kĩ thuật, hậu cần…
Ngành chính trị, tham mưu thường được phát triển lên vị trí lãnh đạo, chỉ
huy; ngành kĩ thuật, hậu cần, khoa học công nghệ… thông thường phát triển lên
cấp phó chuyên ngành để tham mưu cho người lãnh đạo, chỉ huy về ngành mình
phụ trách. Tất nhiên thực tiễn vẫn có những cán bộ kĩ thuật, hậu cần lên vị
trí lãnh đạo, chỉ huy đơn vị khi bản lĩnh, năng lực vượt trội, được thực tiễn
kiểm nghiệm. Việc sử dụng cán bộ không đúng sở trường, sở đoản đôi khi làm
người được bổ nhiệm ngộ nhận về năng lực của mình, chủ quan tưởng rằng mọi
chuyện cũng thuận lợi như khi thực hiện chuyên môn hẹp và dẫn đến sai lầm.
Thời gian qua không ít chủ doanh nghiệp, tổng công ty, tập đoàn và cán bộ
chuyên môn giỏi, thậm chí xuất sắc, được dư luận tin tưởng, Nhà nước tôn vinh
nhưng khi bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, quản lí vĩ mô đã xảy ra sai phạm gây
tiếc nuối cho nhiều người. Gần đây nhất có thể kể đến trường hợp GS, TS
Nguyễn Quang Tuấn, từng là giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, giám đốc Bệnh viện
Bạch Mai và là bác sĩ hàng đầu ngành tim mạch can thiệp đã vướng vòng lao lí
khi sang đảm nhiệm cương vị lãnh đạo, quản lí. GS-TS Nguyễn Quang Tuấn, cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Gỗ tốt, gỗ quý thường không mục. Sử dụng sai thì cuối cùng gỗ
tốt vẫn không thể và không ai có quyền bỏ đi. Trở lại trong vị
trí một bác sĩ thực hành trong 12 tháng trước khi được xem xét cấp lại chứng
chỉ hành nghề, chia sẻ với báo chí GS, TS Nguyễn Quang Tuấn cho rằng ‘mình
ngã ở đâu thì đứng dậy ở đó’. Đúng là ông đã “ngã” vì làm lãnh đạo, quản lí,
còn chuyên môn tim mạch không nhiều người có thể vượt qua. Tin rằng với
nhân cách và năng lực của mình, ông lại sẽ mang tới niềm vui và hạnh phúc cho
nhiều người bệnh./. Đinh
Hoàng Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao
tuổi ngày 17/7/2024 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét