Cấp phép không quản lí Doanh nghiệp kinh doanh muốn hoạt động trước tiên cần được cấp
có thẩm quyền cho phép bằng văn bản. Quá trình hoạt động kinh doanh của mỗi
doanh nghiệp cũng không nằm ngoài sự quản lí của cơ quan có thẩm quyền. Quản
lí và kinh doanh là hai mặt không thể tách rời của một sự vật, hiện tượng.
Vậy mà trong thực tiễn nền kinh tế của ta hiện đang xảy ra câu chuyện quản lí
và kinh doanh như chẳng liên quan đến nhau. Vừa qua lãnh đạo Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đã thông tin với báo
chí về trường hợp có một cá nhân lập tới 116 doanh nghiệp chỉ trong một thời
gian ngắn (từ tháng 12/2023 đến tháng 3/2024). Thông thường một người
quản lí vận hành một doanh nghiệp kinh doanh đạt hiệu quả đã là tốt, cùng lúc
quản lí 2 doanh nghiệp có thể coi là năng lực xuất sắc, còn vận hành cùng lúc
116 doanh nghiệp thì đúng là “siêu doanh nhân” mà tổ chức kỉ lục Thế giới Guinness đã bỏ
quên! Nếu cơ quan cấp phép nắm được hoạt động của doanh nghiệp thì đã không
có chuyện cho phép một cá nhân thành lập tới 116 doanh nghiệp. Công an TP HCM đã khởi tố 13 người trong vụ lập 116 doanh nghiệp. Theo Luật Doanh nghiệp, hiện nay việc cấp phép thành lập và
hoạt động doanh nghiệp khá “thông thoáng”, được triển khai theo nguyên tắc
“tiền đăng, hậu kiểm”. Khâu “tiền đăng” xem ra đang được cơ quan kế hoạch đầu
tư tại TP Hồ Chí Minh và các địa phương làm khá tốt, giả sử có vài trăm cá
nhân khác mỗi người cũng thành lập cả trăm doanh nghiệp vẫn có thể đáp ứng! Tuy
nhiên từ nhiều năm qua đã bộc lộ lỗ hổng khâu “hậu kiểm” tại nhiều địa
phương, tạo điều kiện cho các đối tượng trục lợi thông qua việc buôn bán hóa
đơn, rút hàng nghìn tỉ đồng tiền thuế giá trị gia tăng, gây thiệt hại không
nhỏ cho ngân sách nhà nước. Tại vụ việc trên nay còn bộc lộ lỗ hổng nữa, đó
là đối tượng lập 116 doanh nghiệp đã bị bắt nằm trong đường dây tội phạm có
tổ chức hoạt động “rửa tiền”, “vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.
Các doanh nghiệp được thành lập trên hầu như không có hoạt động sản xuất kinh
doanh, chỉ là công cụ để các đối tượng tổ chức các hoạt động phi pháp, lừa
đảo. Việc quản lí doanh nghiệp hiện đang có “độ vênh” giữa hai cơ
quan quản lí nhà nước là Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch & Đầu tư. Ngoài
chuyện “hậu kiểm” lỏng lẻo ra thì giữa bên cấp phép và bên thu thuế như đang
thiếu sự gắn kết, việc ai nấy làm. Phải chăng cần có một văn bản pháp quy dạng thông tư liên bộ
để “ráp nối” công tác quản lí kinh doanh giữa hai Bộ chuyên về kinh tế? Cách đây hơn 6 năm từng có đại biểu
Quốc hội cho rằng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính có chức năng, nhiệm
vụ tương đồng nhưng khi làm chính sách thường hay vênh nhau cần nhập lại để
thống nhất, tinh gọn đầu mối. Nên chăng, đã đến lúc cần nghiêm túc
xem xét ý kiến này, nhất là hiện Đảng và Nhà nước ta đang chủ trương tinh gọn
đầu mối quản lí cấp vĩ mô./. Đinh
Hoàng Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao
tuổi ngày 03/7/2024 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét