Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2024

Tiếc bát bỏ mâm trong chăn nuôi

 

Nghề chăn nuôi và kinh tế nông nghiệp

Cách đây hai năm, vào đầu tháng 6 năm 2022 Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông tổ chức họp báo thông tin về việc Việt Nam sản xuất thành công vaccine thương mại dịch tả lợn châu Phi - loại vaccine đầu tiên trên thế giới về một loại bệnh nguy hiểm của gia súc. Vaccine có tên thương mại NAVET-ASFVAC do Công ty Cổ phần thuốc thú y Trung ương Navetco và Công ty TNHH MTV AVAC, Công ty Cổ phần tập đoàn Dabaco sản xuất.

Tháng 5 năm 2023 ta chính thức xuất khẩu vaccine phòng bệnh tả lợn châu Phi AVAC ASF LIVE của Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam sang 5 nước, bao gồm Philippines, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, Myanmar…

Cứ ngỡ chẳng mấy chốc ngành chăn nuôi trong nước sẽ quên đi thứ dịch bệnh tai hại và đáng sợ vì nó có tỉ lệ chết 100% lợn nhiễm. Vậy mà cho đến nay dịch tả lợn châu Phi lại tái bùng phát và đang lan rộng tại nhiều địa phương như Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hòa Bình, Quảng Ninh, Long An, Hải Phòng, Quảng Nam, Đồng Nai…


Dịch tả lợn châu Phi đang bùng
phát dù ta đã có vaccine

Tại địa bàn Bắc Kạn đã xảy ra 81 ổ dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi ở 77 xã của 8 huyện làm 4.724 con lợn mắc bệnh và phải tiêu hủy. Tại Lạng Sơn xảy ra 55 ổ dịch bệnh dịch ở 53 xã của 10/11 huyện, thành phố làm 2.374 con lợn mắc bệnh và tiêu hủy... Tất cả các ổ dịch tả lợn này đều chưa tiêm vaccine phòng dịch. Trong khi đó chưa ghi nhận cơ sở chăn nuôi tiêm phòng dịch tả có lợn nhiễm bệnh.

Ước tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 6 năm 2024 là 25,549 triệu con. Với số lượng này, vaccine dịch tả lợn có thể được hai doanh nghiệp sản xuất cung ứng đủ cho nhu cầu thị trường trong nước. Năm nay, chỉ riêng Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam đã dự kiến sản xuất khoảng 10 triệu liều để xuất khẩu. Vậy mà vaccine vẫn chưa thể là “cứu cánh” cho ngành chăn nuôi lợn trong nước!

Bên cạnh sự thiếu quyết liệt của chính quyền nhiều địa phương, một trong những nguyên nhân khiến vaccine tả lợn chưa được nhiều chủ hộ chăn nuôi mặn mà sử dụng bởi giá cả. Với khoảng hơn 60.000 đồng/liều, mỗi con lợn từ 30 ngày tuổi sẽ tiêm mũi 1, sau 2 tuần tiêm mũi 2 và tiêm nhắc lại sau 6 tháng nên mỗi đầu lợn hết gần 200.000đ vaccine, nhiều người cho là giá hơi cao. Các hộ chăn nuôi lớn hàng nghìn con lợn thì đây cũng là một khoản tiền lớn.

Hiện giá lợn hơi trên thị trường vào khoảng từ 64.000,đ- 66.000,đ/kg và mỗi con lợn từ 80-100kg có giá trị chừng 5-6 triệu đồng. Chỉ làm một phép so sánh đơn giản cũng thấy được cái giá khi bỏ ra 200.000 đồng để không mất trắng 5-6 triệu đồng là có đáng hay không!

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan từng nhiều lần nhắc tới việc cần chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp để tạo giá trị gia tăng cho người nông dân.

Có lẽ tinh thần này của vị tư lệnh ngành vẫn chưa lan tỏa tới nhiều nông dân nên họ đang còn mang nặng tư duy kinh tế tiểu nông, tiếc cái nhỏ và bỏ mất cái lớn mà câu chuyện tái bùng phát dịch tả lợn châu Phi là một ví dụ./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 08/8/2024

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét