Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2024

Sống trong xã hội mạng

 

Cần kĩ năng, kiến thức khi sống trong xã hội… mạng

Do máy tính hỏng, một lần tôi có việc cần nhờ chiếc latop của ông bạn. Khi mở máy ra tôi đã thấy trang facebook cá nhân của ông đang mở sẵn. Khi trả máy, tôi góp ý: “Dùng facebook xong ông nên thoát ra, nếu không người khác có thể vào trang cá nhân, sử dụng hoặc chiếm mất facebook đấy”. Ông bạn tặc lưỡi: “Ôi dào, máy của riêng, dùng chung với ai đâu, lo gì!”.

Chỉ không lâu sau đó gặp lại tôi, ông bạn vẻ mặt buồn buồn chia sẻ: Đúng là dại không nghe ông, hôm đứa cháu vào máy tính của tôi nghịch đã thả “mặt phẫn nộ” vào bài trạng thái trên trang facebook một bà bạn khiến bà ấy trách giận làm tôi xấu hổ phải thanh minh, xin lỗi mãi. 

Mạng Internet như một xã hội toàn cầu trên đó tồn tại cả cái thiện, cái ác, người tốt, người xấu. Hòa nhập vào xã hội ấy người ta cần cẩn trọng từ giao tiếp xã giao đến tìm hiểu, kết bạn.


Khi dùng tài khoản facebook ta thường thấy các địa chỉ cửa sổ https://facebook.com hoặc https://vi-vn.facebook.com. Địa chỉ https://facebook.com chính là tên miền máy chủ Facebook. Địa chỉ có cụm từ vi-vn đứng trước là trang phái sinh vẫn có thể vào sử dụng được bình thường. Người dùng có kinh nghiệm thường chỉ sử dụng https://facebook.com như một địa chỉ “danh chính”.

Khi ta tìm kiếm trên trang Google thường thì thấy địa chỉ https:// song đôi khi chỉ thấy http://, (không có chữ s). Chữ s sau cụm http là viết tắt tiếng Anh security (bảo mật).

Khi vào mạng qua địa chỉ này sẽ an toàn hơn vì được sự bảo mật của nhà mạng cung cấp dịch vụ tìm kiếm. Nếu máy tính, điện thoại sử dụng mạng wifi ta sẽ chỉ thấy địa chỉ đăng nhập chữ http://, không có chữ s. Lí do bởi khi đó mạng đã được sử dụng thông qua một thiết bị trung gian là wifi, không còn được Google bảo đảm an toàn bảo mật. Đa số các máy phát sóng wifi đều có lỗ hổng bảo mật, không an toàn. Chính vì vậy các máy tính kết nối thực hiện nội dung cần bảo mật người ta không dùng qua wifi thông thường.

Khi vào các trang điện tử, báo mạng ta thường thấy có những cụm từ đặt sẵn đường link (chữ màu xanh), chỉ cần nhấp chuột vào đó là sẽ được dẫn đến một nguồn cung cấp thông tin bổ sung. Những link đó rất thuận tiện cho việc tra cứu gốc gác thông tin song đó phải là các trang báo chính thống, nghiêm túc, địa chỉ có thể kiểm chứng. Nếu những trang không rõ chủ quản, nhất là trang do kẻ xấu, tội phạm sở hữu thì đường link tiềm ẩn mất an toàn khi đăng nhập. Thậm chí đường link của các trang chính thống đôi khi cũng chưa hẳn an toàn nếu người đưa đường link đó vào trang viết song không kiểm chứng nguồn một cách cẩn trọng.

Không ít trường hợp đăng nhập vào link của kẻ xấu khiến mất quyền kiểm soát phương tiện (điện thoại, máy tính) và lộ thông tin cá nhân rồi bị tội phạm sử dụng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Vào mạng Internet cũng tựa khi ta ra đường, trên đó đa số là người tốt song cũng cũng không thiếu kẻ bất lương. Ngoài đời, trong quan hệ xã hội người ta thường rất cảnh giác với người lạ. Tuy nhiên hiện không ít người lại đang khá đơn giản, dễ dãi trong tiếp xúc, kết nối mối quan hệ trên mạng xã hội./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  08/8/2024  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét