Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2024

Người tiêu dùng và cơ quan quản lí dễ dãi

 

 Thị trường dễ tính

Lâu nay các thị trường như châu Âu, Mỹ, Đông Bắc Á… thường được doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam coi là những “thị trường khó tính” bởi tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm khá cao. Để tiếp cận và làm ăn lâu dài các doanh nghiệp đã phải nỗ lực bằng nhiều giải pháp để đáp ứng được yêu cầu của nước nhập khẩu.

Dẫu vậy, nửa đầu năm nay, Việt Nam vẫn nhận 57 cảnh báo từ EU về tồn dư chất cấm, kháng sinh trong sản phẩm nông sản xuất sang thị trường này. Số lượng thông báo và dự thảo các biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS) của Liên minh châu Âu (EU) tăng nhiều nhất trong các đối tác thương mại nông sản của Việt Nam. Số này tăng hơn 80% so với cùng kì năm ngoái. TP HCMinh là địa phương nhận nhiều nhất, với 23 thông báo. Việc này đã làm tăng tần suất kiểm tra biên giới của nông sản Việt Nam. Hiện tại, 4 mặt hàng phải chịu tần suất kiểm tra cao, gồm thanh long 30%, ớt và đậu bắp là 50% và sầu riêng 10%.


Rau quả tại chợ dân sinh thường ít được kiểm soát vệ sinh an toàn

Nói  “thị trường khó tính” ch là quan điểm, cách nghĩ của những người vốn quen với tập quán nền sản xuất lạc hậu khi tiếp cận một thị trường hiện đại, chất lượng cao luôn coi trọng người tiêu dùng. Rất nhiều sản phẩm từ tươi sống đến chế biến sẵn của ta đang tiêu thụ trong nước hầu như không có những cảnh báo thường xuyên như các nước nhập khẩu tiên tiến đang làm. Có những hàng xách tay Việt Nam mang sang Nhật Bản mới bị phát hiện như vụ chai tương ớt mấy năm trước.

Ngày 6/8 vừa qua tại Khánh Hòa, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh phối hợp cùng các đơn vị liên quan lấy mẫu các loại rau gồm dưa leo, hành ngò, xà lách… của các tiệm bánh mì tại 4 phường ở Nha Trang. Qua test nhanh, cơ quan chức năng đã xác định hàng loạt tiệm có kết quả dương tính với dư lượng thuốc trừ sâu. Ngoài ra, mẫu rau, sốt trứng, jambon, chả bò của 4 cơ sở có kết quả dương tính với vi khuẩn Salmonella và 1 cơ sở khác chứa hàn the (0,41% KL).

Nếu các địa phương khác cũng tổ chức lấy mẫu sản phẩm tươi sống và cả thực phẩm chế biến sẵn để test nhanh, tin rằng sẽ không ít “thực phẩm bẩn” lộ diện.

Nền sản xuất và tiêu dùng cuả ta quả đang đúng khi nói rằng đây là một thị trường dễ tính. Sự dễ dãi, buông lỏng trước tiên đến từ cơ quan quản lí chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Với mục tiêu tối ưu hóa lợi nhuận, doanh nghiệp, người sản xuất chẳng dại gì tự nguyện “khó tính” trong sản xuất kinh doanh khi ít bị kiểm tra giám sát của nhà quản lí. Sự dễ tính còn đến từ chính người tiêu dùng, chấp nhận hàng hóa giá rẻ không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Những vụ ngộ độc thực phẩm liên tục xảy ra thời gian qua với hàng chục người nhiễm chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. Nguy hại tiềm ẩn hủy hoại sức khỏe người tiêu dùng thực phẩm bẩn với những căn bệnh nguy hiểm như ung thư đâu phải đến ngay ngày một ngày hai? Đã đến lúc người tiêu dùng trong nước cũng cần được hưởng hàng tiêu dùng chất lượng cao, an toàn cho sức khỏe chứ không chỉ riêng hàng xuất khẩu./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 10/8/2024

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét