Thứ Năm, 29 tháng 8, 2024

Nặng nề khai giảng

 

Nhẹ nhàng vui tươi ngày khai giảng

Chỉ ba ngày sau khi đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, giữa bộn bề việc nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành thời gian quý báu của mình để viết “Thư gửi cho các học sinh” nhân ngày khai giảng năm học đầu tiên của nước Việt Nam độc lập với tất cả tình yêu thương và kì vọng. Kể từ đó, ngày 5/9 trở thành ngày khai giảng năm học mới trên khắp mọi miền Tổ quốc, trở thành dấu mốc quan trọng cho hành trình giáo dục của đất nước ta.

Trong nhiều năm trước, đây khi đất nước còn khó khăn, buổi khai giảng năm học mới được tổ chức đơn sơ, nhẹ nhàng. Sau khi chào cờ khai giảng là học sinh về lớp dành chút ít thời gian làm quen bạn bè, nghe giới thiệu thầy cô rồi vào buổi học đầu tiên. Các nước trên thế giới hiện nay cũng tổ chức khai giảng khá đơn giản, thiết thực.


Màn biểu diễn khai giảng năm học 2023-2024 tại Trường tiểu học Dịch Vọng B Hà Nội

Ở Mỹ, người ta tổ chức khai giảng nhưng không nặng về phần nghi thức, chủ yếu để cho trẻ con được phấn khởi, hân hoan, vui chơi. Ở Nhật Bản, lễ khai giảng cũng được tổ chức không nặng nghi lễ và cũng không nghiêng về phần hội. Vào ngày này, học sinh đến gặp gỡ các bạn, sau đó giáo viên đưa về lớp và căn dặn các em nội quy. Tại Đức, lễ khai giảng chỉ được tổ chức một lần duy nhất khi học sinh vào lớp 1. Trung Quốc tổ chức khai giảng vào ngày 1/9, học sinh mặc đồng phục đến trường, hiệu trưởng nói lời khai giảng, sau đó các thầy cô tặng cho học sinh một cuốn từ điển - tượng trưng việc trao cho các em nguồn tri thức, sau đó các em cùng thầy cô về nhận lớp…

Có lẽ do phú quý sinh lễ nghĩa, ở nước ta những năm gần đây ngày khai giảng đã thực sự trở thành một ngày lễ lớn mà phần Lễ ngày càng nặng nề, cầu kì và thậm chí tốn kém. Một số địa phương, cơ sở giáo dục quá đề cao vấn đề hình thức, quan hệ đối ngoại mà xem nhẹ cảm xúc của học sinh và phụ huynh. Các trường đều cố gắng mời được lãnh đạo chức vụ càng cao càng tốt, tới dự phát biểu chỉ đạo hoặc chỉ là để đánh trống khai trường. Việc chuẩn bị cho lễ khai giảng công phu, mất nhiều thời gian công sức, tốn kém chi phí, sức lực học sinh chỉ để khoa trương, để một số lãnh đạo nhà trường quảng cáo công lao thành tích của mình. Các bài diễn văn, giới thiệu, phát biểu chỉ đạo dài dòng có khi các em chẳng hiểu mấy về ý nghĩa. Để có buổi lễ với những kì vọng của lãnh đạo, các em học sinh dù nhỏ tuổi vẫn mất nhiều thời gian tập dượt công phu trước ngày khai trường, có nơi còn tổ chức các tiết mục đồng diễn, văn nghệ...

Đã có câu chuyện vui, một em học sinh tiểu học đi khai giảng về khi ông hỏi lễ khai giảng có gì vui không, cháu khoe “hôm này trường có bác bảo vệ mới to béo mặc com lê ca la vát đánh trống ông ạ”!

Những buổi lễ khai giảng cầu kì thường khiến học sinh và phụ huynh mệt mỏi và phiền hà, chưa chắc đã mang lại những giá trị tích cực, nhân văn trong hoạt động giáo dục./.

  Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 29/8/2024

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét