Hoa hậu làng ta Kể từ sau khi thống nhất đất nước, cuộc thi hoa hậu đầu tiên
tại Việt Nam được Báo Tiền Phong khai mở vào năm 1988 với cái tên Hoa hậu Hội
Báo Tiền Phong và định kì tổ chức hai năm một lần. Người đầu tiên giữ danh
hiệu, được trao vương miện tại cuộc thi này là Bùi Bích Phương. Đến năm 2002 cuộc thi chính thức
được đổi tên thành Hoa hậu Việt Nam. Hoa hậu Việt Nam được xem là một trong những cuộc thi sắc đẹp
uy tín và danh giá nhất, người dành vương miện thực sự là đại diện cho vẻ đẹp
của người phụ nữ Việt Nam ngày nay. Chất lượng, uy tín của các cuộc thi những
năm đầu đã thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng và là ước mơ của nhiều
thiếu nữ. Đó cũng là động lực tạo ra sự “tăng trưởng” mạnh mẽ của các cuộc
thi nhan sắc. Lúc này nhà tổ chức và thí sinh đã có những mục tiêu riêng, đó
là nguồn lợi mang lại và cơ hội đổi đời từ mỗi cuộc thi nhan sắc. Miss Grand Vietnam 2024 Quế Anh Sau 10 năm hoạt động thi hoa hậu, Bộ Văn hóa, Thể thao &
Du lịch ban hành Quyết định 87/2008/QĐ-BVHTTDL, theo đó chỉ có các cuộc thi
Hoa hậu toàn quốc và quốc tế. Cuộc thi vùng, ngành, đoàn thể chính trị - xã
hội trên phạm vi toàn quốc là thi Hoa khôi. Cấp tỉnh chỉ tổ chức các cuộc thi
Người đẹp. Thực tiễn tần suất các cuộc thi Hoa hậu đã tăng quá nhanh trong những
năm qua khiến nhiều người nói vui “ở Việt Nam ta nay ra ngõ là gặp hoa hậu”.
Ví như năm 2022 có tới 10 cuộc thi Hoa hậu (Hoa hậu Sinh thái Việt Nam, Hoa
hậu Du lịch Việt Nam Toàn cầu, Hoa hậu Môi trường Việt Nam, Hoa hậu Thể thao Việt Nam, Miss Peace Vietnam, Hoa hậu Trái Đất Việt Nam, Hoa hậu Hòa bình Việt Nam (khác với Miss Peace), Hoa hậu Biển đảo Việt Nam, Hoa
hậu Hoàn cầu Việt Nam, Hoa hậu Du lịch Biển Việt Nam). Vậy là từ khi 2 năm
mới có một người đăng quang Hoa hậu thì nay trong 1 năm đã có 10. Tất nhiên,
các cuộc thi Người đẹp, Hoa khôi cũng tăng nhanh tương ứng và nhiều cuộc thi
có những cái tên lập lờ khiến nhiều người nghĩ đó cũng là thi Hoa hậu. Ngay trong
10 cuộc thi Hoa hậu năm 2022 kể trên thực ra đa số chỉ là thi Hoa khôi cấp
ngành, vùng (môi trường, sinh thái, thể thao, du lịch, biển đảo…) nhưng vẫn
danh xưng Hoa hậu Việt Nam! Số lượng vương miện được trao càng nhiều nhưng xem ra chất
lượng Hoa hậu ngày càng bị dư luận hoài nghi. Các cuộc thi người đẹp thường
gây ra dư luận trái chiều từ khâu tổ chức đến đánh giá kết quả và không ít
Hoa hậu đã để lại tai tiếng sau khi được trao vương miện. Năm
2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định
144/2020/NĐ-CP về hoạt động nghệ thuật biểu diễn trong đó có quy định
điều kiện, thủ tục tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu. Khi đáp ứng các điều
kiện của nghị định này thì UBND cấp tỉnh có thẩm quyền cấp phép cho các cuộc
thi nhan sắc tại địa phương. Sẽ chẳng
có cuộc thi nhan sắc nào lại ghi cụ thể đó là Hoa khôi, Người đẹp cấp tỉnh, cấp
huyện... Nhà tổ chức không thiếu những cái tên đầy “sáng tạo” và không dễ suy
đoán cho mỗi cuộc thi nhan sắc./. Đinh
Hoàng Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao
tuổi ngày 15/8/2024 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét