Thứ Năm, 22 tháng 8, 2024

 

Giáo dục khai phóng và lịch sử, truyền thống dân tộc

Những ngày qua nhiều trang mạng chia sẻ lễ tốt nghiệp, diễu hành ăn mừng sau khi hoàn thành chương trình đại học của các tân cử nhân đại học Fulbright Việt Nam (Fulbright University Vietnam).

Mới xem tôi cứ ngỡ đó là sinh viên của một nước châu Á nào đó vì trang phục khá lạ lẫm. Rất nhiều cờ màu vàng, xanh được tung vẫy song tuyệt nhiên không có bóng dáng một lá cờ đỏ sao vàng, biểu tượng Tổ quốc của các em, niềm tự hào mà biết bao thế hệ từng đổ xương máu mới giành được. 


Các tân cử nhân đại học Fulbright Việt Nam

Được biết Trường Đại học Fulbright Việt Nam là một trường đại học độc lập với 100% vốn đầu tư nước ngoài dưới sự tài trợ của Chính phủ Hoa Kỳ, hoạt động không vì lợi nhuận. Trường được chính thức thành lập vào tháng 5 năm 2016, trụ sở chính đặt tại Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh. Theo kế hoạch, trong 5 năm đầu trường sẽ mở các cơ sở đào tạo tích hợp: Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright: đào tạo sau đại học trong lĩnh vực chính sách công, luật, tài chính và quản lí, các nghiên cứu và đối thoại chính sách; Trường Kỹ thuật và Khoa học ứng dụng Fulbright: cung cấp các chương trình đào tạo cử nhân và sau đại học trong lĩnh vực kĩ thuật, khoa học ứng dụng, toán học và khoa học máy tính; Đại học Fulbright: cung cấp các chương trình đào tạo cử nhân theo chương trình giáo dục khai phóng. Có lẽ trong các nội dung đào tạo không có nội dung về lịch sử truyền thống Việt Nam.

Trong hơn 8 năm từ khi có quyết định cấp phép và hình thành đại học Fulbright Việt Nam đã xảy ra một số chuyện không vui. Đầu tiên là việc chọn cựu Thượng Nghị sĩ Bob Kerrey, người từng “tham gia một vụ thảm sát” trong chiến tranh Việt Nam làm chủ tịch Đại học Fulbright. Do bị dư luận phản ứng, Thượng Nghị sĩ Bob Kerrey sau đó đã rút lui. Tiếp đến là việc tư vấn sai lầm trong việc chống dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh (tham mưu không cần áp dụng Chỉ thị 16 nghiêm ngặt hơn của Chính phủ). Khi tổ chức chương trình “Sáng kiến thủ lĩnh trẻ” (YSEALI) trong đó đã có một số học viên tham gia các hoạt động chống Nhà nước Việt Nam.

Hợp tác giáo dục với các quốc gia, nhất là với các nước tiên tiến, có nền giáo dục hàng đầu trên thế giới là tất yếu, một việc cần làm. Như vậy chúng ta mới có những thế hệ tài năng cống hiến cho xã hội, đất nước. Tuy nhiên, nguồn nhân lực đào tạo mà nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam hướng tới không chỉ có năng lực chuyên môn đơn thuần.

Một lễ tốt nghiệp ra trường với câu khẩu hiệu tựa phương châm hành động là Fearlees (Không sợ hãi)! Với kiến thức, năng lực được đào tạo tại một trường danh tiếng toàn cầu, đa phần sinh viên đạt xuất sắc và ưu, bước vào đời trên chính quê hương thanh bình đang đà tăng tốc phát triển, các em phải sợ hãi điều gì? Xưa kia cha ông lứa tuổi 18 đôi mươi hành quân vào chiến trường đầy mưa bom bão đạn đâu vì sợ hãi làm chùn chân, họ chỉ có hình ảnh Tổ quốc trong tim.

Sẽ thật đáng lo khi con em của chúng ta - những tài năng kiệt xuất song lại mù mờ về lịch sử, truyền thống của cha ông, lòng tự hào về một dân tộc mà không ít người nước ngoài từng mong “sau một giấc ngủ tỉnh dậy thấy mình là người Việt Nam”!/.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 22/8/2024

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét