“Lưỡi
gươm” kề bên…
Một quần thể di sản văn hóa được cấu
thành bao gồm nhiều công trình tồn tại trong một không gian, một bề dày thời
gian cùng những giá trị tinh thần tiêu biểu mà nó để lại.
Vẻ đẹp thơ mộng của hồ Gươm
Hồ Gươm (hồ Hoàn Kiếm) là một di sản đặc
sắc, linh thiêng và tôn nghiêm đã trở thành biểu tượng, hồn cốt văn hóa của người
dân đất Hà thành. Ngày 9/12/2013, Thủ tướng Chính phủ kí Quyết định về việc
xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt đối với 5 di tích của Hà Nội trong đó di
tích lịch sử, danh thắng hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn. Cùng các công trình đã
tồn tại hàng trăm năm như Khu Di
tích tượng đài Vua Lê, tháp Bút (tháp Báo Thiên), đền Bà Kiệu, đền
Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, tháp Rùa, ẩn dấu bên trong của quần thể di sản này còn
là truyền thuyết vua Lê “trả lại gươm Thuận Thiên cho Rùa thần” khi đất nước
thanh bình, là linh vật hiện thực Cụ Rùa thân thiết một thời… như niềm
tự hào của người dân Thủ đô, một thành phố vì hòa bình.
Hồ Hòan kiếm gắn với truyền thuyết vua Lê trả lại lại gươm thần
Nhận rõ vị trí quan trọng của di sản này
nên Nhà nước, UBND thành phố Hà Nội luôn rất cân nhắc khi xây dựng bất kì
công trình mới nào trong phạm vi không gia di sản văn hóa, lịch sử hồ Gươm.
Những năm trước một tập đoàn kinh tế Nhà nước từng có đề xuất xây dựng công
trình cao tầng hoành tráng cạnh quần thể này nhưng không được dư luận đồng
thuận nên chính quyền không cấp phép.
Cầu Thê Húc
Cách đây mấy tháng, Ban Quản lí đường sắt
đô thị Hà Nội trưng bày phương án vị trí và tổng mặt bằng ga ngầm C9, tuyến
đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo được dư luận quan
tâm. Đáng chú ý là vị trí ga C9 được bố trí ngầm tại phố Đinh Tiên Hoàng và
phần dưới vườn hoa hồ Hoàn Kiếm, kề sát các công trình, nằm gọn trong không
gian di sản. Dự án này đang gây những dư luận trái chiều, nhất là sự lo ngại
của nhiều chuyên gia, nhà khoa học về tác động tiêu cực tới một di sản quý
của Thủ đô.
Bến xe, nhà ga… những công trình đầu mối
giao thông cũng như nơi bến thuyền, chợ búa thường là chốn ồn ã, xô bồ và
phức tạp. Đặt những thứ này cạnh di sản văn hóa có tính tôn nghiêm xem ra
thật khó tương hỗ, ăn nhập mà trái lại ẩn chứa nguy cơ hủy hoại lẫn nhau.
Ga C9 dự kiến nằm cạnh hồ Gươm
Có những biện minh rằng nhà ga còn cách
công trình này, di tích kia cả trăm mét. Rằng, thiết kế và thi công sẽ không
gây lún nứt công trình di sản... Thật lạ khi họ lấy tư duy của người xây dựng
công trình để luận giải, cam kết sự an toàn của một quần thể di tích văn hóa!
Bề dày, chiều sâu lịch sử, văn hóa hàng nghìn năm sao có thể toan tính giữ
gìn an toàn bằng cự li mét dài hay độ cứng bê tông?
Tuyến đường với
nhà ga thọc vào tận trung tâm di sản hồ Hoàn Kiếm chẳng khác nào một lưỡi
gươm nhọn!/.
Đinh Hoàng
Bài
bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và
Báo điện tử Ngày mới online ngày 29 tháng 8 năm 2018
|
Thứ Tư, 29 tháng 8, 2018
Thứ Ba, 28 tháng 8, 2018
Mong
có nhiều “trái táo rơi”
Anh nông dân học lớp 7 Phạm Văn Hát (thôn Kim Đôi, xã Ngọc Kỳ, huyện Tứ Kỳ,
tỉnh Hải Dương) có những sáng chế “made in Việt Nam” xuất khẩu đi 14
quốc gia và tiêu thụ ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước.
"Kĩ sư miệt
vườn" Lê Phước Lộc (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) sáng chế ra máy cắt
tỉa và vòi phun nước, được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp
bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp.
Nông dân Nguyễn Nam Quân
(xã Tân Dĩnh, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) chế tạo thành công chiếc
lò đốt rác chỉ với 14 triệu đồng.
Anh Nguyễn Hồng Chương (xã Lạc Lâm,
huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) sáng chế ra máy gieo các loạt hạt giống tích
hợp “6 trong 1”.
Anh Nguyễn Hồng Chương bên chiếc máy gieo hạt
Ông Nguyễn Văn Hoàn, (thôn
Tiền Phong, xã Phú Lâm, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang), nhà sáng chế “chân
đất” với chiếc máy hút sâu chè cho sản phẩm chè sạch, không cần phun thuốc
trừ sâu...
Việt Nam có hơn 24.000
tiến sĩ, gấp 5 lần Nhật Bản, 10 lần Israel. Số lượng giáo sư, tiến sĩ đứng
đầu nhưng số lượng bài báo khoa học của ta thua xa so với ba nước hàng đầu
khu vực Đông Nam Á là Singapore, Malaysia, Thái Lan...
Những số liệu
thống kê trên như một sự mâu thuẫn, một “nghịch cảnh” khiến người ta phải suy
nghĩ. Tại sao với một đội ngũ nhà khoa học hùng hậu như vậy mà người nông dân
của một nước nông nghiệp truyền thống lại chưa cậy nhờ được ở họ bao nhiêu?
Những nông dân tài năng nêu trên dù học vấn chẳng mấy cao siêu nhưng lại có
những phát minh vô cùng hữu ích, thiết thực, giúp giảm nhẹ sức lực, nâng cao
năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.
Chợt tôi nghĩ tới câu chuyện thú vị về
nhà khoa học vĩ đại Newton. Nhà bác học vật lí lí thuyết này có thể chưa phát
hiện ra lực hấp dẫn vì ông thiếu đi yếu tố quan trọng, đó là thực tiễn cuộc
sống. Chỉ khi bị trái táo chín rơi trúng đầu như một thực tiễn sinh động đã
gợi mở để ông cho ra một phát minh khoa học vĩ đại của thế kỉ thứ XVIII - định luật vạn vật hấp dẫn.
Có lẽ nhiều tiến sĩ, kĩ sư của ta đang “say”
nghiên cứu những vấn đề cao siêu trong phòng lạnh có quá thừa tiện nghi nhưng
lại thiếu thốn thực tiễn. Họ chưa đau đáu nỗi niềm cho những vướng mắc đặt ra
trong lao động sản xuất, chưa đổ những giọt mồ hôi mặn mòi như người nông dân
trên những cánh đồng, trong những trang trại. Các nhà khoa học lớn như Tạ
Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Lương Định Của, Nguyễn Văn Hiệu... đều là những
người thực sự lăn lộn trong thực tiễn lao động và chiến đấu mới có được nhiều
đóng góp to lớn như vậy cho đất nước.
Chắc chắn
ngồi trong phòng tiện nghi thì rất khó có chuyện “táo rơi” để bật ra ý tưởng
khoa học. Mong sao các nhà khoa học nước nhà hãy để cho những “trái táo” có
cơ hội… rơi trúng đầu!./.
Đinh
Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi và Báo điện tử
Ngày mới online ngày 28 tháng 8 năm 2018
|
Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2018
Tăng giờ
làm thêm vui hay buồn?
Ngày
1/5/1886, do yêu cầu không được đáp ứng một cách đầy đủ, giới công nhân trên
toàn nước Mỹ đã tham gia bãi công nhằm gây áp lực buộc giới chủ thực hiện yêu
sách của mình với khẩu hiệu "Từ hôm nay, không người thợ nào làm việc
quá 8 giờ một ngày! Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui
chơi!".
Tăng lương,
giảm giờ làm luôn là mục tiêu để cuộc sống người lao động (NLĐ) được cải
thiện một cách thực chất. Chế độ 8 giờ làm việc/ngày, 5 ngày/tuần hiện nay là
thành quả thắng lợi của công nhân lao động giành được trong hơn 100 năm qua.
Đời sống vật chất, tinh thần của NLĐ luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm
chăm lo và đã có những cải thiện đáng kể. Tuy nhiên ,với thu nhập mới bảo đảm
80-90% mức sống tối thiểu nên thực tiễn nhiều NLĐ vẫn phải gắng làm thêm giờ
để bù đắp cho chi phí cuộc sống đòi hỏi ngày càng cao.
Mức lương người lao động mới chỉ đáp ứng 80-90% mức sống tối thiểu. Ảnh minh họa.
Theo quy định tại Điều 106 Bộ luật Lao động năm 2012 thì trong 1
ngày tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ;
thời gian tăng ca, làm thêm giờ không quá 30 giờ/tháng và không quá 200 giờ/1
năm, trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì
được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 1 năm. Hiện Bộ Lao
động - Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa
đổi Luật Lao động, trong đó có nội dung điều chỉnh thời gian làm thêm giờ tối
đa của NLĐ từ 300 lên 400 giờ/năm (tương đương thời gian làm việc thêm hơn 2
tháng trong 1 năm). Như vậy cũng đồng nghĩa thời gian “8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ
vui chơi” sẽ bị cắt giảm.
Việc nới khung
trần tối đa thời gian làm thêm giờ về bản chất là nâng tần suất thu lợi nhuận
cho chủ sử dụng lao động. Người lao động tuy có thêm thu nhập nhưng họ lại
mất đi những thứ khác, đó là thời gian chăm lo cho gia đình, người thân và
tái tạo sức khỏe của chính mình. Mặt khác, việc NLĐ có thêm thu nhập lại như
“giúp” giảm áp lực tăng lương, thưởng cho chủ sử dụng lao động.
Phúc lợi người lao động chưa được giới chủ quan tâm
Hiện nay
phúc lợi của NLĐ tại các khu công nghiệp tập trung hình như ít được người sử
dụng lao động và chính quyền địa phương quan tâm. Ngoài đồng lương trần trụi,
NLĐ hầu như không được thêm những quyền lợi khác về vật chất, văn hóa, tinh
thần. Tại hầu hết các khu công nghiệp người ta chỉ thấy nhà xưởng, không có không
gian cho các công trình phúc lợi xã hội như nhà trẻ, khu thể thao, văn hóa…
những công trình mà trong thời bao cấp là một phần không thể thiếu. Tại nhiều
doanh nghiệp FDI, người lao động sau tuổi 35 khó trụ lại bởi những lí do hợp
lí, khách quan, không phạm luật, việc này chẳng khác gì “vắt chanh, bỏ vỏ”!
Việc nợ tiền BHXH cũng là một tồn tại tựa căn bệnh kinh niên vẫn chưa có giải
pháp khắc phục đang vi phạm nghiêm trọng quyền lợi của NLĐ...
Bộ Luật Lao động
đi vào thực tiễn những năm qua đang bộc lộ nhiều bất cập cần điều chỉnh. Tuy
nhiên những điều chỉnh, sửa đổi cần thực sự mang lại và bảo vệ quyền lợi
thiết thực cho NLĐ hơn là mở cánh cửa để họ vắt hết sức lực cho một mức sống
tối thiểu!./.
Đinh Hoàng
Bài
bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và
Báo điện tử Ngày mới online ngày 24 tháng 8 năm 2018
|
Thứ Ba, 21 tháng 8, 2018
“Quyền trợ giúp”
Chương trình giải trí “Ai là triệu phú”
của VTV3 Đài truyền hình Việt Nam có phần người chơi được sử dụng một số
quyền trợ giúp, nhất là “gọi điện thoại cho người thân” để giải đáp câu hỏi
đặt ra. Quyền trợ giúp có thể giúp người chơi vượt qua khó khăn, chinh phục
những câu hỏi hóc búa.
Với tiện dụng của công nghệ thông tin, trong
cuộc sống hiện nay nhiều người luôn tận dụng triệt để sự trợ giúp nhằm tư lợi
hoặc vượt qua những rắc rối khi vi phạm. Người trợ giúp ở đây không đơn thuần
vì sự hiểu biết hay thành thạo công nghệ thông tin mà do có ảnh hưởng, vị thế,
quyền lực trong những lĩnh vực cụ thể. Hình ảnh thường thấy nhất là trong
giao thông, người vi phạm bị cảnh sát dừng xe thường điện thoại cho người thân
để nhờ can thiệp để tránh bị xử lí. Chuyện này phổ biến đến mức một số cảnh
sát giao thông trước khi xử phạt còn gợi ý “có điện thoại cho ai thì gọi đi”!
Ảnh minh họa
Không chỉ người dân, thói quen ỷ vào sự
trợ giúp còn lan sang cả một số lãnh đạo, doanh nhân... Năm trước, do chấn
chỉnh, siết chặt hoạt động khai thác cát, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cùng
một số cán bộ đã bị gọi điện thoại, nhắn tin đe dọa. Lãnh đạo tỉnh này đã
“cầu cứu”, đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an vào cuộc điều tra! Dư luận rất
ngạc nhiên vì chính quyền một tỉnh với bộ máy quyền lực trong tay mà lại bất
lực trước tội phạm, cần sự “trợ giúp” của cấp trên, vậy người dân sẽ trông
cậy vào ai? Gần đây nhất có việc lãnh đạo Công ty Ba Huân gửi đơn tới Thủ tướng, nhờ can thiệp để hủy thỏa thuận
hợp tác đã kí với quỹ đầu tư VinaCapital sau gần nửa năm nhận
khoản đầu tư 32 triệu USD từ quỹ này. Những tưởng tranh chấp hoạt động kinh
doanh đã có trọng tài kinh tế hoặc cao hơn là tòa án. Phải chăng lãnh đạo
công ty trên cho rằng Thủ tướng có thể làm thay các cơ quan chức năng?
Việt Nam ta đang nỗ lực xây dựng thể chế
dân chủ dựa trên nền pháp quyền và văn minh. Muốn xây dựng được một nền tảng
pháp quyền vững mạnh thì mỗi cá nhân phải như một “viên gạch” tạo nên nền
tảng đó. Qua vài ví dụ trên cho thấy, không ít người dân và cả cán bộ vẫn
chưa có ý thức thượng tôn pháp luật, còn thói quen trông chờ vào quyền lực
hành chính, uy quyền cấp trên. Chính vì vậy khi xảy ra bất kì vướng mắc pháp
lí nào, điều trước tiên họ nghĩ tới là nhờ vào cá nhân quyền lực hoặc cơ quan
chức năng để “hóa giải” mà không quan tâm suy xét sự việc trên cơ sở quy định
của luật pháp.
Sản xuất ở Công ty Ba Huân
Hiện nay, Chính phủ đang tập trung xây
dựng đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã đến năm
2021 theo chủ trương của Đảng về tinh giản biên chế bộ máy hành chính Nhà
nước. Sẽ có nhiều cá nhân, tổ chức bị ảnh hưởng quyền lợi khi thực hiện chủ
trương này. Nếu ai cũng tìm cách để mong được “trợ giúp” và chạy chọt thì khó
thực hiện thành công chủ trương của Đảng.
Những
người có tư duy ỷ lại sự trợ giúp liệu có khi nào nghĩ rằng người nhận lời
giúp mình đã vô tình bị lôi cuốn, trở thành “đồng phạm” làm trái quy định,
thậm chí vi phạm pháp luật?/.
Đinh Hoàng
Bài bình
luận đăng Báo Người cao tuổi
và Báo điện
tử Ngày mới online ngày 20 tháng 8 năm 2018
|
Thứ Năm, 16 tháng 8, 2018
Tiền ảo, lòng tham thật
Phát kiến
tiền ảo tưởng chỉ là sự đột phá trong phát triển công nghệ hứa hẹn mang lại
bùng nổ ứng dụng của nền kinh tế số. Tuy nhiên tại nước ta sự “ăn theo” tiền
ảo còn phát triển nhanh hơn “nấm sau mưa”.
Trong khi
công nghệ chuỗi khối blockchain mới manh nha được một vài doanh nghiệp ứng
dụng vào quản lí thì tiền ảo “made in Việt Nam” đã nhanh chóng được nhiều kẻ
lừa đảo “phát hành”. Điển hình kể đến vài vụ gần đây như Công ty CP Phương
Thái An lập trang web huy động vốn, kêu gọi đầu tư tiền vào hệ thống. Người
tham gia được cam kết sẽ hưởng tiền lãi 2,2 triệu đồng từ khoản đầu tư 10
triệu khiến nhiều người lao vào đầu tư; Công ty Modern Tech đứng sau dự
án phát hành tiền ảo iFan và Pincoin với hứa hẹn lãi suất 48%/tháng, dự án
phát hành tiền ảo này đã khiến hàng chục nghìn người mắc lừa tổng số tiền lên
đến 15.000 tỉ đồng; Vụ một số đối tượng lừa đảo đầu tư tiền ảo AOC tại Bắc
Giang với lãi suất 15%/tháng đã bị công an khởi tố bắt một số bị can; Gần đây
nhất, HTX Bầu Trời Công Nghệ (Sky Mining) ở quận Phú Nhuận (TP Hồ Chí Minh)
do Lê Minh Tâm - Tổng Giám đốc huy động vốn bằng mua mỗi máy đào bitcoin giá
5.000USD với cam kết hằng tháng được trả lãi 40-50USD. Vừa qua ông này bỗng
“mất tích” khiến hàng trăm nhà đầu tư hoảng hốt vì đã góp nhiều tỉ đồng, số
tiền này cũng đang có nguy cơ “mất tích”... Có thể nói, cho đến nay các vụ
đầu tư “ăn theo” tiền ảo đều chỉ nhận về những lãi ảo và mất tiền thật.
Nhà đầu tư tập trung tại trụ sở Công ty Cổ phần
Modern Tech tố cáo bị công ty này lừa đảo chiếm đoạt hơn 15.000 tỉ đồng. (Ảnh:
plo.vn)
Nếu ai để
tâm theo dõi hoạt động đầu tư tài chính ngầm dễ nhận ra rằng, từ sau khi các
công ty đa cấp bất chính bị cơ quan chức năng siết chặt quản lí, cùng lúc thế
giới nổi cơn sốt tiền ảo bitcoin thì các “ông trùm” đa cấp đã rất nhạy bén,
chuyển hướng sang đa cấp tiền ảo. Chính vì sự tăng giá chóng mặt của đồng
bitcoin mà các công ty đa cấp biến tướng có cơ hội thuyết phục nhà đầu tư
những mức lợi nhuận không tưởng, có khi đến hàng trăm % mỗi tháng. Tránh được
hai từ đa cấp với nhiều tai tiếng cùng
các tấm gương nhà đầu tư mất tiền huy động, đa cấp núp bóng tiền ảo nhanh
chóng “bội thu” do lòng tham của nhiều người.
Hình ảnh các nghệ sĩ nổi tiếng bị lợi dụng tại
các buổi hội thảo quảng bá và kêu gọi đầu tư tiền ảo. (Ảnh: Infonet).
Từ sau cú
lập đỉnh lên đến gần 20.000USD/1 bitcoin năm trước, đồng tiền ảo này đã tụt
dốc không phanh, nay chỉ loanh quanh 6.000-7.000USD và vẫn đang xu thế sụt
giảm. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư lại như không biết thực tiễn này, trong các
buổi hội thảo họ vẫn nghe như “nuốt từng lời” của các ông chủ huy động vốn.
Trong khi rất hiếm lĩnh vực đầu tư mang lại lợi nhuận 20-30%/năm thì họ vẫn
đinh ninh có chỗ đầu tư thu về lợi nhuận 48%/tháng!
Rõ ràng với
nhiều người, trí tuệ, sự minh mẫn vẫn chưa thắng nổi lòng tham. Đồng tiền ảo
cùng lãi suất của nó cũng luôn là ảo, chỉ có lòng tham cùng hàng tỉ đồng của
nhà đầu tư “ra đi không trở lại” là câu chuyện có thật!
Đinh Hoàng
Bài
bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và
Báo điện tử Ngày mới online ngày 16 tháng 8 năm 2018
|
Thứ Sáu, 10 tháng 8, 2018
Bất cập trong việc phong danh hiệu nghệ sĩ
Những năm
qua, hầu như lần nào việc phong danh hiệu nghệ sĩ cũng gây những dư luận trái
chiều, nhất là khi không ít nghệ sĩ tài năng, nhiều cống hiến, được sự yêu
mến của đông đảo công chúng lại không được tuyên phong.
Danh hiệu NSND
Năm 2014,
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 89/2014/NĐ-CP quy định cụ thể việc xét
tặng danh hiệu nghệ sĩ (gồm Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú). Một trong những
nội dung tiêu chuẩn mà vì nó nhiều nghệ sĩ tài năng bị đánh trượt ngay từ
“vòng gửi xe”, đó là quy định số lượng giải Vàng, giải Bạc quốc gia!
Công chúng
hâm mộ, yêu mến nghệ sĩ chủ yếu từ tài năng của họ thông qua hoạt động thực
tiễn cống hiến nghệ thuật chứ không chỉ từ những tấm huy chương tại các hội
diễn, liên hoan. Rất nhiều nghệ sĩ tài năng không muốn tham gia các hoạt động
tranh đua mang tính phong trào, chủ yếu là sân chơi của giới trẻ, mới vào
nghề. Có nghệ sĩ đã nói thẳng rằng, mình không muốn “tranh giành” huy chương
với lớp trẻ bởi biết rằng nếu tham gia nhiều khả năng sẽ dành phần thắng. Bên
cạnh đó, không ít người có đầy đủ tiêu chí huy chương nhưng lại nhạt nhòa
trong lòng công chúng, khi xướng tên nhiều người còn chẳng biết nghệ sĩ đó
hoạt động trong lĩnh vực gì! Trong khi đáng tiếc là không ít nghệ sĩ tài
năng, in đậm dấu ấn trong lòng nhiều thế hệ công chúng lại chỉ có được danh
hiệu khi đã từ giã cõi đời!
Nghệ sĩ Bùi Cường có tên trong đợt xét tặng danh hiệu NSND năm nay nhưng ông vừa qua đời ở tuổi 73.
Nên chăng
cần có sự điều chỉnh, sửa đổi quy định về tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu nghệ
sĩ cùng cách thẩm định, đánh giá tiêu chuẩn? Số lượng huy chương Vàng, Bạc
chỉ nên là tiêu chí tham khảo hoặc quy đổi cho tiêu chí thời gian cống hiến
khi họ chưa đủ năm tháng hoạt động chuyên nghiệp. Bắt buộc có tiêu chuẩn huy
chương dễ dẫn đến động cơ tiêu cực giống như hệ quả tư duy coi trọng bằng cấp
trong tuyển dụng, bổ nhiệm công chức. Một kênh rất quan trọng thẩm định tài
năng của nghệ sĩ chưa được tận dụng, đó là trưng cầu ý kiến của đồng nghiệp
nghệ sĩ và công chúng. Nhiều cuộc thi tài năng hiện đang rất chú trọng kênh
bình chọn của khán giả, tại sao không đưa hình thức thẩm định này vào quy
trình xét chọn?
6 tháng sau ngày qua đời, "trưởng thôn"
Văn Hiệp mới được truy tặng danh hiệu NSƯT.
Trong thủ
tục xét phong tặng cũng cần có phương pháp phù hợp, tránh làm tổn thương lòng
tự trọng của người được xét. Theo quy định hiện hành, trước tiên nghệ sĩ phải
có đơn tự nguyện đề nghị xét tặng danh hiệu và kê khai thành tích. Vì lòng tự
trọng, từng có nghệ sĩ từ chối viết đơn xin phong tặng danh hiệu bởi quan
niệm tài năng là do công chúng đánh giá, ghi nhận chứ không phải sự “xin cho”
của ai đó. Tại sao cơ quan quản lí không làm việc rà soát để đưa các nghệ sĩ
tiêu biểu vào danh sách xét tặng? Yếu tố tự nguyện chỉ nên để tham khảo, bổ
sung, khi có nghệ sĩ không muốn dự xét tặng danh hiệu. Hơn ai hết cơ quan
chức năng luôn nắm rõ chất lượng đội ngũ mà họ quản lí.
Hiện cơ quan
chức năng đang tiến hành các công việc cho xét tặng danh hiệu nghệ sĩ năm
2018, mong rằng sau khi các nghệ sĩ được tuyên phong sẽ không để lại sự “bùng
nhùng” dư luận./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi và Báo điện
tử Ngày mới online ngày 10 tháng 8 năm 2018
|
Thứ Ba, 7 tháng 8, 2018
Cắt giảm và tăng cường
Giới trẻ thường có câu “nhà có điều kiện”
ý nói về những người mà gia đình khá giả, giàu có, muốn gì có nấy, không cần
lo nghĩ khi chi tiêu. Cái “điều kiện” ở đây chính là tiền của và đôi khi cả
quyền lực, địa vị trong xã hội.
Thực hiện mục tiêu xây dựng chính phủ
kiến tạo cho sự phát triển, lực cản lớn nhất lại là những điều kiện phi lí
quy định trong các văn bản pháp luật. Ai cũng biết, điều kiện trong các hoạt
động của guồng máy xã hội là không thể thiếu, nó tạo hành lang an toàn cho an
ninh chính trị, trật tự xã hội, là công cụ quản lí của cơ quan công quyền.
Tuy nhiên trong một thời gian dài với mục tiêu tối ưu tạo thuận lợi cho nhà
quản lí mà người ta như quên đi một điều là sự thuận lợi của người dân, doanh
nghiệp cũng vô cùng quan trọng, nó tạo cho sự phát triển được cởi trói và bứt
phá.
Thấy được vấn đề này, những năm qua Chính
phủ đã và đang quyết liệt yêu cầu các Bộ, ngành rà soát hệ thống văn bản pháp
quy nhằm cắt bỏ những điều kiện không cần thiết, những quy định “thuận” cho
quản lí nhưng lại cản trở sản xuất kinh doanh. Mục tiêu Chính phủ đề ra năm
2018 cắt giảm, đơn giản hóa 50% các điều kiện kinh doanh nhưng đến hết quý II
năm nay, trong tổng số hơn 5.700 điều kiện kinh doanh cần cắt bỏ thì các Bộ
mới cắt được 738 điều kiện kinh doanh, tức là mới chỉ được khoảng 12%. Xem ra,
tuy Chính phủ rất quyết liệt nhưng các Bộ, ngành vẫn đang khá “đủng đỉnh”! Mặt
khác, đây là mới nói tới con số tuyệt đối, về bản chất không ít điều kiện cắt
mà như không, “từ 3 nay là trong 1” thì cắt giảm chẳng có ý nghĩa.
Nhiều DN gas nguy cơ phá sản vì điều kiện kinh doanh phi lí
Mỗi điều kiện đặt ra trong sản xuất kinh
doanh là một khâu mà người dân, doanh nghiệp phải tốn công sức, thời gian và chi
phí. Nhất là những điều kiện mà khái niệm không rõ ràng, hiểu thế này cũng
đúng, hiểu thế kia cũng không sai thì quyền cho “bước qua” điều kiện đó chủ
yếu lại do người “giám sát” điều kiện quyết định. Từ đây tệ phiền hà, nhũng
nhiễu nảy sinh để trục lợi cá nhân. Phí bôi trơn có đất phát triển cũng chính
từ chuyện gây khó, vòi vĩnh của cán bộ, công chức quản lí.
Chính vì thực trang trên, việc cắt giảm
điều kiện rất cần đi đôi với tăng cường. Đó là tăng cường kỉ luật, kỉ cương
hành chính; tăng cường giáo dục, nâng cao đạo đức của lực lượng thừa hành
công vụ. Mười điều kiện hay chỉ 1 điều kiện cũng không dễ bước qua nếu người
quản lí có động cơ vụ lợi cá nhân. Vụ việc một số cán bộ Cục Hải quan cửa
khẩu Cảng Đình Vũ (Hải Phòng) nhận tiền “lót tay” để thông quan hàng hóa gây
xôn xao dư luận là một ví dụ. Cứ tưởng
việc này sẽ được cơ quan chức năng xử lí nghiêm minh để chấn chỉnh kỉ cương,
đạo đức công vụ nhưng cuối cùng cũng chỉ có 5 người bị cảnh cáo, 5 người bị
khiển trách… một hình thức mà nhiều người cho rằng “kỉ luật cho có”!
Nỗ lực
cắt giảm là rất rất cần thiết nhưng nếu không tăng cường đạo đức, kỉ luật
công vụ thì rào cản của phát triển cũng chỉ như được dỡ bỏ một nửa./.
Đinh
Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới online ngày 07 tháng 8 năm 2018
|
Thứ Sáu, 3 tháng 8, 2018
Xả trộm!
Khu
dân cư nọ phấn đấu mãi chưa đạt tiêu chuẩn văn hóa chỉ tại chuyện xả rác trộm.
Hằng ngày đầu ngõ thường xuất hiện vài túi rác bẩn của người thiếu ý thức lén
vứt ra. Họp đã nhiều, nhắc nhở liên tục nhưng chuyện đâu hoàn đấy. Có người
còn bóng gió “lại mấy nhà quanh đâu đấy chứ ai!”.
Nhiều người dân kém ý thức luôn có tư duy "sạch nhà bẩn ngõ".
Ông
chủ nhà gần bãi rác tự phát bực lắm, bèn bí mật lắp chiếc camera theo dõi.
Ngay sau đó đã tìm được 2 “nghi can”, kẻ thì vứt lúc vắng, người lại dùng
chiêu đi xe máy rồi “thả bom” rất nhanh. Hình ảnh được lưu vào máy tính và
cuộc họp tố người xả rác được ông tổ trưởng triệu tập. Hình ảnh trình chiếu
từ chiếc latop khiến ai nấy ồ lên. Đại diện 2 gia đình tác giả những túi rác
cúi gằm mặt, mọi người chẳng nói chẳng rằng, lặng lẽ ra về! Từ đó ngõ phố sạch
sẽ, không thấy những túi rác bẩn.
Chuyện
người dân xả trộm rác chỉ là chuyện nhỏ. Xả trộm cả nghìn thùng container
chất thải mới là chuyện lớn. Cách đây mấy năm từng xôn xao vụ container chứa
dầu thải máy biến thế độc hại tựa chất dioxin nằm ườn vô chủ tại một cảng ở
Quảng Ninh. Tưởng bài học này đã cảnh tỉnh cơ quan chức năng, hóa ra không
phải. Theo báo cáo của Cục Hàng hải Việt Nam, tính đến ngày 31/5/2018, số
lượng hàng hóa chậm luân chuyển có nguy cơ tồn đọng hàng chục nghìn container
tại các cảng biển Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu... Hàng hóa
giá trị, quý thì chẳng ai bỏ phơi mưa nắng như vậy. Hầu như đây đều là chất
thải được nhập về sau đó chủ nhân của nó… “lặn” mất tăm! Cứ đà này chẳng mấy
các cảng biển của ta sẽ trở thành những bãi thải và Việt Nam có nguy cơ trở
thành một bãi rác lớn!
Cảng container tại Hải Phòng.
Mọi
người đều biết, chi phí xử lí chất thải rất cao, chính vì vậy tại nhiều nước
đã có những công ty mua gom chất thải nhưng lại xử lí bằng cách xuất khẩu như
“cho”, thậm chí “khuyến mại” thêm tiền. Công ty nước khác chỉ cần nhận vận
chuyển ra khỏi biên giới nước họ là đã hưởng lợi, chưa kể nếu nhập về lại
tiêu thụ trót lọt sẽ thu lợi kép. Đó là nguyên nhân chính đang hình thành
những bãi rác container.
Trong
thời đại công nghệ 4.0, việc quản lí, giám sát việc xuất nhập khẩu những
tưởng không phải chuyện quá khó. Vậy mà hết năm này qua năm khác, bãi rác container
đang ngày một to dần. Không biết cơ quan quản lí môi trường đang ở đâu?
Năm
trước từng xôn xao vụ việc vị Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ
môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) dẫn đoàn đi thanh tra môi trường tại
một số địa phương phía Nam bị mất trộm gần 400 triệu đồng. Việc cán bộ đi
thanh tra cơ sở mang theo nhiều tiền khiến dư luận không khỏi nghi ngờ. Được
biết, hằng năm việc thanh tra môi trường vẫn đều đặn diễn ra, nhưng việc xả
thải trộm cũng đang diễn ra như… “chuyện thường ngày ở huyện”.
Người dân ở mỗi ngõ xóm còn giám sát được để bảo vệ môi trường sống, có
lí gì cơ quan quản lí có “quân hùng, tướng mạnh” lại bó tay trước những bãi
thải trộm khổng lồ. Phải chăng ta đang bị xả trộm vào… lòng tham?
Đinh Hoàng
Bài
bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và
Báo điện tử Ngày mới online ngày 03 tháng 8 năm 2018
|
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)