Cắt giảm và tăng cường
Giới trẻ thường có câu “nhà có điều kiện”
ý nói về những người mà gia đình khá giả, giàu có, muốn gì có nấy, không cần
lo nghĩ khi chi tiêu. Cái “điều kiện” ở đây chính là tiền của và đôi khi cả
quyền lực, địa vị trong xã hội.
Thực hiện mục tiêu xây dựng chính phủ
kiến tạo cho sự phát triển, lực cản lớn nhất lại là những điều kiện phi lí
quy định trong các văn bản pháp luật. Ai cũng biết, điều kiện trong các hoạt
động của guồng máy xã hội là không thể thiếu, nó tạo hành lang an toàn cho an
ninh chính trị, trật tự xã hội, là công cụ quản lí của cơ quan công quyền.
Tuy nhiên trong một thời gian dài với mục tiêu tối ưu tạo thuận lợi cho nhà
quản lí mà người ta như quên đi một điều là sự thuận lợi của người dân, doanh
nghiệp cũng vô cùng quan trọng, nó tạo cho sự phát triển được cởi trói và bứt
phá.
Thấy được vấn đề này, những năm qua Chính
phủ đã và đang quyết liệt yêu cầu các Bộ, ngành rà soát hệ thống văn bản pháp
quy nhằm cắt bỏ những điều kiện không cần thiết, những quy định “thuận” cho
quản lí nhưng lại cản trở sản xuất kinh doanh. Mục tiêu Chính phủ đề ra năm
2018 cắt giảm, đơn giản hóa 50% các điều kiện kinh doanh nhưng đến hết quý II
năm nay, trong tổng số hơn 5.700 điều kiện kinh doanh cần cắt bỏ thì các Bộ
mới cắt được 738 điều kiện kinh doanh, tức là mới chỉ được khoảng 12%. Xem ra,
tuy Chính phủ rất quyết liệt nhưng các Bộ, ngành vẫn đang khá “đủng đỉnh”! Mặt
khác, đây là mới nói tới con số tuyệt đối, về bản chất không ít điều kiện cắt
mà như không, “từ 3 nay là trong 1” thì cắt giảm chẳng có ý nghĩa.
Nhiều DN gas nguy cơ phá sản vì điều kiện kinh doanh phi lí
Mỗi điều kiện đặt ra trong sản xuất kinh
doanh là một khâu mà người dân, doanh nghiệp phải tốn công sức, thời gian và chi
phí. Nhất là những điều kiện mà khái niệm không rõ ràng, hiểu thế này cũng
đúng, hiểu thế kia cũng không sai thì quyền cho “bước qua” điều kiện đó chủ
yếu lại do người “giám sát” điều kiện quyết định. Từ đây tệ phiền hà, nhũng
nhiễu nảy sinh để trục lợi cá nhân. Phí bôi trơn có đất phát triển cũng chính
từ chuyện gây khó, vòi vĩnh của cán bộ, công chức quản lí.
Chính vì thực trang trên, việc cắt giảm
điều kiện rất cần đi đôi với tăng cường. Đó là tăng cường kỉ luật, kỉ cương
hành chính; tăng cường giáo dục, nâng cao đạo đức của lực lượng thừa hành
công vụ. Mười điều kiện hay chỉ 1 điều kiện cũng không dễ bước qua nếu người
quản lí có động cơ vụ lợi cá nhân. Vụ việc một số cán bộ Cục Hải quan cửa
khẩu Cảng Đình Vũ (Hải Phòng) nhận tiền “lót tay” để thông quan hàng hóa gây
xôn xao dư luận là một ví dụ. Cứ tưởng
việc này sẽ được cơ quan chức năng xử lí nghiêm minh để chấn chỉnh kỉ cương,
đạo đức công vụ nhưng cuối cùng cũng chỉ có 5 người bị cảnh cáo, 5 người bị
khiển trách… một hình thức mà nhiều người cho rằng “kỉ luật cho có”!
Nỗ lực
cắt giảm là rất rất cần thiết nhưng nếu không tăng cường đạo đức, kỉ luật
công vụ thì rào cản của phát triển cũng chỉ như được dỡ bỏ một nửa./.
Đinh
Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới online ngày 07 tháng 8 năm 2018
|
Thứ Ba, 7 tháng 8, 2018
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét