Thứ Sáu, 10 tháng 8, 2018

Bất cập trong việc phong danh hiệu nghệ sĩ

Những năm qua, hầu như lần nào việc phong danh hiệu nghệ sĩ cũng gây những dư luận trái chiều, nhất là khi không ít nghệ sĩ tài năng, nhiều cống hiến, được sự yêu mến của đông đảo công chúng lại không được tuyên phong.
Danh hiệu NSND

Năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 89/2014/NĐ-CP quy định cụ thể việc xét tặng danh hiệu nghệ sĩ (gồm Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú). Một trong những nội dung tiêu chuẩn mà vì nó nhiều nghệ sĩ tài năng bị đánh trượt ngay từ “vòng gửi xe”, đó là quy định số lượng giải Vàng, giải Bạc quốc gia!
Công chúng hâm mộ, yêu mến nghệ sĩ chủ yếu từ tài năng của họ thông qua hoạt động thực tiễn cống hiến nghệ thuật chứ không chỉ từ những tấm huy chương tại các hội diễn, liên hoan. Rất nhiều nghệ sĩ tài năng không muốn tham gia các hoạt động tranh đua mang tính phong trào, chủ yếu là sân chơi của giới trẻ, mới vào nghề. Có nghệ sĩ đã nói thẳng rằng, mình không muốn “tranh giành” huy chương với lớp trẻ bởi biết rằng nếu tham gia nhiều khả năng sẽ dành phần thắng. Bên cạnh đó, không ít người có đầy đủ tiêu chí huy chương nhưng lại nhạt nhòa trong lòng công chúng, khi xướng tên nhiều người còn chẳng biết nghệ sĩ đó hoạt động trong lĩnh vực gì! Trong khi đáng tiếc là không ít nghệ sĩ tài năng, in đậm dấu ấn trong lòng nhiều thế hệ công chúng lại chỉ có được danh hiệu khi đã từ giã cõi đời!

Nghệ sĩ Bùi Cường có tên trong đợt xét tặng danh hiệu NSND năm nay nhưng ông vừa qua đời ở tuổi 73.

Nên chăng cần có sự điều chỉnh, sửa đổi quy định về tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu nghệ sĩ cùng cách thẩm định, đánh giá tiêu chuẩn? Số lượng huy chương Vàng, Bạc chỉ nên là tiêu chí tham khảo hoặc quy đổi cho tiêu chí thời gian cống hiến khi họ chưa đủ năm tháng hoạt động chuyên nghiệp. Bắt buộc có tiêu chuẩn huy chương dễ dẫn đến động cơ tiêu cực giống như hệ quả tư duy coi trọng bằng cấp trong tuyển dụng, bổ nhiệm công chức. Một kênh rất quan trọng thẩm định tài năng của nghệ sĩ chưa được tận dụng, đó là trưng cầu ý kiến của đồng nghiệp nghệ sĩ và công chúng. Nhiều cuộc thi tài năng hiện đang rất chú trọng kênh bình chọn của khán giả, tại sao không đưa hình thức thẩm định này vào quy trình xét chọn?

6 tháng sau ngày qua đời, "trưởng thôn" Văn Hiệp mới được truy tặng danh hiệu NSƯT.   

Trong thủ tục xét phong tặng cũng cần có phương pháp phù hợp, tránh làm tổn thương lòng tự trọng của người được xét. Theo quy định hiện hành, trước tiên nghệ sĩ phải có đơn tự nguyện đề nghị xét tặng danh hiệu và kê khai thành tích. Vì lòng tự trọng, từng có nghệ sĩ từ chối viết đơn xin phong tặng danh hiệu bởi quan niệm tài năng là do công chúng đánh giá, ghi nhận chứ không phải sự “xin cho” của ai đó. Tại sao cơ quan quản lí không làm việc rà soát để đưa các nghệ sĩ tiêu biểu vào danh sách xét tặng? Yếu tố tự nguyện chỉ nên để tham khảo, bổ sung, khi có nghệ sĩ không muốn dự xét tặng danh hiệu. Hơn ai hết cơ quan chức năng luôn nắm rõ chất lượng đội ngũ mà họ quản lí.
Hiện cơ quan chức năng đang tiến hành các công việc cho xét tặng danh hiệu nghệ sĩ năm 2018, mong rằng sau khi các nghệ sĩ được tuyên phong sẽ không để lại sự “bùng nhùng” dư luận./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi và Báo điện tử Ngày mới online ngày 10 tháng 8 năm 2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét