Mong
có nhiều “trái táo rơi”
Anh nông dân học lớp 7 Phạm Văn Hát (thôn Kim Đôi, xã Ngọc Kỳ, huyện Tứ Kỳ,
tỉnh Hải Dương) có những sáng chế “made in Việt Nam” xuất khẩu đi 14
quốc gia và tiêu thụ ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước.
"Kĩ sư miệt
vườn" Lê Phước Lộc (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) sáng chế ra máy cắt
tỉa và vòi phun nước, được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp
bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp.
Nông dân Nguyễn Nam Quân
(xã Tân Dĩnh, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) chế tạo thành công chiếc
lò đốt rác chỉ với 14 triệu đồng.
Anh Nguyễn Hồng Chương (xã Lạc Lâm,
huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) sáng chế ra máy gieo các loạt hạt giống tích
hợp “6 trong 1”.
Anh Nguyễn Hồng Chương bên chiếc máy gieo hạt
Ông Nguyễn Văn Hoàn, (thôn
Tiền Phong, xã Phú Lâm, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang), nhà sáng chế “chân
đất” với chiếc máy hút sâu chè cho sản phẩm chè sạch, không cần phun thuốc
trừ sâu...
Việt Nam có hơn 24.000
tiến sĩ, gấp 5 lần Nhật Bản, 10 lần Israel. Số lượng giáo sư, tiến sĩ đứng
đầu nhưng số lượng bài báo khoa học của ta thua xa so với ba nước hàng đầu
khu vực Đông Nam Á là Singapore, Malaysia, Thái Lan...
Những số liệu
thống kê trên như một sự mâu thuẫn, một “nghịch cảnh” khiến người ta phải suy
nghĩ. Tại sao với một đội ngũ nhà khoa học hùng hậu như vậy mà người nông dân
của một nước nông nghiệp truyền thống lại chưa cậy nhờ được ở họ bao nhiêu?
Những nông dân tài năng nêu trên dù học vấn chẳng mấy cao siêu nhưng lại có
những phát minh vô cùng hữu ích, thiết thực, giúp giảm nhẹ sức lực, nâng cao
năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.
Chợt tôi nghĩ tới câu chuyện thú vị về
nhà khoa học vĩ đại Newton. Nhà bác học vật lí lí thuyết này có thể chưa phát
hiện ra lực hấp dẫn vì ông thiếu đi yếu tố quan trọng, đó là thực tiễn cuộc
sống. Chỉ khi bị trái táo chín rơi trúng đầu như một thực tiễn sinh động đã
gợi mở để ông cho ra một phát minh khoa học vĩ đại của thế kỉ thứ XVIII - định luật vạn vật hấp dẫn.
Có lẽ nhiều tiến sĩ, kĩ sư của ta đang “say”
nghiên cứu những vấn đề cao siêu trong phòng lạnh có quá thừa tiện nghi nhưng
lại thiếu thốn thực tiễn. Họ chưa đau đáu nỗi niềm cho những vướng mắc đặt ra
trong lao động sản xuất, chưa đổ những giọt mồ hôi mặn mòi như người nông dân
trên những cánh đồng, trong những trang trại. Các nhà khoa học lớn như Tạ
Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Lương Định Của, Nguyễn Văn Hiệu... đều là những
người thực sự lăn lộn trong thực tiễn lao động và chiến đấu mới có được nhiều
đóng góp to lớn như vậy cho đất nước.
Chắc chắn
ngồi trong phòng tiện nghi thì rất khó có chuyện “táo rơi” để bật ra ý tưởng
khoa học. Mong sao các nhà khoa học nước nhà hãy để cho những “trái táo” có
cơ hội… rơi trúng đầu!./.
Đinh
Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi và Báo điện tử
Ngày mới online ngày 28 tháng 8 năm 2018
|
Thứ Ba, 28 tháng 8, 2018
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét