Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2018

Tăng giờ làm thêm vui hay buồn?

Ngày 1/5/1886, do yêu cầu không được đáp ứng một cách đầy đủ, giới công nhân trên toàn nước Mỹ đã tham gia bãi công nhằm gây áp lực buộc giới chủ thực hiện yêu sách của mình với khẩu hiệu "Từ hôm nay, không người thợ nào làm việc quá 8 giờ một ngày! Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi!". 
Tăng lương, giảm giờ làm luôn là mục tiêu để cuộc sống người lao động (NLĐ) được cải thiện một cách thực chất. Chế độ 8 giờ làm việc/ngày, 5 ngày/tuần hiện nay là thành quả thắng lợi của công nhân lao động giành được trong hơn 100 năm qua. Đời sống vật chất, tinh thần của NLĐ luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm chăm lo và đã có những cải thiện đáng kể. Tuy nhiên ,với thu nhập mới bảo đảm 80-90% mức sống tối thiểu nên thực tiễn nhiều NLĐ vẫn phải gắng làm thêm giờ để bù đắp cho chi phí cuộc sống đòi hỏi ngày càng cao.
Mức lương người lao động mới chỉ đáp ứng 80-90% mức sống tối thiểu. Ảnh minh họa.

          Theo quy định tại Điều 106 Bộ luật Lao động năm 2012 thì trong 1 ngày tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ; thời gian tăng ca, làm thêm giờ không quá 30 giờ/tháng và không quá 200 giờ/1 năm, trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 1 năm. Hiện Bộ Lao động -  Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Luật Lao động, trong đó có nội dung điều chỉnh thời gian làm thêm giờ tối đa của NLĐ từ 300 lên 400 giờ/năm (tương đương thời gian làm việc thêm hơn 2 tháng trong 1 năm). Như vậy cũng đồng nghĩa thời gian “8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi” sẽ bị cắt giảm.
Việc nới khung trần tối đa thời gian làm thêm giờ về bản chất là nâng tần suất thu lợi nhuận cho chủ sử dụng lao động. Người lao động tuy có thêm thu nhập nhưng họ lại mất đi những thứ khác, đó là thời gian chăm lo cho gia đình, người thân và tái tạo sức khỏe của chính mình. Mặt khác, việc NLĐ có thêm thu nhập lại như “giúp” giảm áp lực tăng lương, thưởng cho chủ sử dụng lao động.

Phúc lợi người lao động chưa được giới chủ quan tâm

Hiện nay phúc lợi của NLĐ tại các khu công nghiệp tập trung hình như ít được người sử dụng lao động và chính quyền địa phương quan tâm. Ngoài đồng lương trần trụi, NLĐ hầu như không được thêm những quyền lợi khác về vật chất, văn hóa, tinh thần. Tại hầu hết các khu công nghiệp người ta chỉ thấy nhà xưởng, không có không gian cho các công trình phúc lợi xã hội như nhà trẻ, khu thể thao, văn hóa… những công trình mà trong thời bao cấp là một phần không thể thiếu. Tại nhiều doanh nghiệp FDI, người lao động sau tuổi 35 khó trụ lại bởi những lí do hợp lí, khách quan, không phạm luật, việc này chẳng khác gì “vắt chanh, bỏ vỏ”! Việc nợ tiền BHXH cũng là một tồn tại tựa căn bệnh kinh niên vẫn chưa có giải pháp khắc phục đang vi phạm nghiêm trọng quyền lợi của NLĐ...
Bộ Luật Lao động đi vào thực tiễn những năm qua đang bộc lộ nhiều bất cập cần điều chỉnh. Tuy nhiên những điều chỉnh, sửa đổi cần thực sự mang lại và bảo vệ quyền lợi thiết thực cho NLĐ hơn là mở cánh cửa để họ vắt hết sức lực cho một mức sống tối thiểu!./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới online ngày 24 tháng 8 năm 2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét