Thứ Sáu, 3 tháng 8, 2018

Xả trộm!

Khu dân cư nọ phấn đấu mãi chưa đạt tiêu chuẩn văn hóa chỉ tại chuyện xả rác trộm. Hằng ngày đầu ngõ thường xuất hiện vài túi rác bẩn của người thiếu ý thức lén vứt ra. Họp đã nhiều, nhắc nhở liên tục nhưng chuyện đâu hoàn đấy. Có người còn bóng gió “lại mấy nhà quanh đâu đấy chứ ai!”.

Nhiều người dân kém ý thức luôn có tư duy "sạch nhà bẩn ngõ".

Ông chủ nhà gần bãi rác tự phát bực lắm, bèn bí mật lắp chiếc camera theo dõi. Ngay sau đó đã tìm được 2 “nghi can”, kẻ thì vứt lúc vắng, người lại dùng chiêu đi xe máy rồi “thả bom” rất nhanh. Hình ảnh được lưu vào máy tính và cuộc họp tố người xả rác được ông tổ trưởng triệu tập. Hình ảnh trình chiếu từ chiếc latop khiến ai nấy ồ lên. Đại diện 2 gia đình tác giả những túi rác cúi gằm mặt, mọi người chẳng nói chẳng rằng, lặng lẽ ra về! Từ đó ngõ phố sạch sẽ, không thấy những túi rác bẩn.
Chuyện người dân xả trộm rác chỉ là chuyện nhỏ. Xả trộm cả nghìn thùng container chất thải mới là chuyện lớn. Cách đây mấy năm từng xôn xao vụ container chứa dầu thải máy biến thế độc hại tựa chất dioxin nằm ườn vô chủ tại một cảng ở Quảng Ninh. Tưởng bài học này đã cảnh tỉnh cơ quan chức năng, hóa ra không phải. Theo báo cáo của Cục Hàng hải Việt Nam, tính đến ngày 31/5/2018, số lượng hàng hóa chậm luân chuyển có nguy cơ tồn đọng hàng chục nghìn container tại các cảng biển Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu... Hàng hóa giá trị, quý thì chẳng ai bỏ phơi mưa nắng như vậy. Hầu như đây đều là chất thải được nhập về sau đó chủ nhân của nó… “lặn” mất tăm! Cứ đà này chẳng mấy các cảng biển của ta sẽ trở thành những bãi thải và Việt Nam có nguy cơ trở thành một bãi rác lớn!

Cảng container tại Hải Phòng.

Mọi người đều biết, chi phí xử lí chất thải rất cao, chính vì vậy tại nhiều nước đã có những công ty mua gom chất thải nhưng lại xử lí bằng cách xuất khẩu như “cho”, thậm chí “khuyến mại” thêm tiền. Công ty nước khác chỉ cần nhận vận chuyển ra khỏi biên giới nước họ là đã hưởng lợi, chưa kể nếu nhập về lại tiêu thụ trót lọt sẽ thu lợi kép. Đó là nguyên nhân chính đang hình thành những bãi rác container.
Trong thời đại công nghệ 4.0, việc quản lí, giám sát việc xuất nhập khẩu những tưởng không phải chuyện quá khó. Vậy mà hết năm này qua năm khác, bãi rác container đang ngày một to dần. Không biết cơ quan quản lí môi trường đang ở đâu?
Năm trước từng xôn xao vụ việc vị Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) dẫn đoàn đi thanh tra môi trường tại một số địa phương phía Nam bị mất trộm gần 400 triệu đồng. Việc cán bộ đi thanh tra cơ sở mang theo nhiều tiền khiến dư luận không khỏi nghi ngờ. Được biết, hằng năm việc thanh tra môi trường vẫn đều đặn diễn ra, nhưng việc xả thải trộm cũng đang diễn ra như… “chuyện thường ngày ở huyện”.
Người dân ở mỗi ngõ xóm còn giám sát được để bảo vệ môi trường sống, có lí gì cơ quan quản lí có “quân hùng, tướng mạnh” lại bó tay trước những bãi thải trộm khổng lồ. Phải chăng ta đang bị xả trộm vào… lòng tham?
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới online ngày 03 tháng 8 năm 2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét