Thứ Tư, 29 tháng 8, 2018

“Lưỡi gươm” kề bên…

Một quần thể di sản văn hóa được cấu thành bao gồm nhiều công trình tồn tại trong một không gian, một bề dày thời gian cùng những giá trị tinh thần tiêu biểu mà nó để lại.

Vẻ đẹp thơ mộng của hồ Gươm

Hồ Gươm (hồ Hoàn Kiếm) là một di sản đặc sắc, linh thiêng và tôn nghiêm đã trở thành biểu tượng, hồn cốt văn hóa của người dân đất Hà thành. Ngày 9/12/2013, Thủ tướng Chính phủ kí Quyết định về việc xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt đối với 5 di tích của Hà Nội trong đó di tích lịch sử, danh thắng hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn. Cùng các công trình đã tồn tại hàng trăm năm như Khu Di tích tượng đài Vua Lê, tháp Bút (tháp Báo Thiên), đền Bà Kiệu, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, tháp Rùa, ẩn dấu bên trong của quần thể di sản này còn là truyền thuyết vua Lê “trả lại gươm Thuận Thiên cho Rùa thần” khi đất nước thanh bình, là linh vật hiện thực Cụ Rùa thân thiết một thời… như niềm tự hào của người dân Thủ đô, một thành phố vì hòa bình.

Hồ Hòan kiếm gắn với truyền thuyết vua Lê trả lại lại gươm thần

Nhận rõ vị trí quan trọng của di sản này nên Nhà nước, UBND thành phố Hà Nội luôn rất cân nhắc khi xây dựng bất kì công trình mới nào trong phạm vi không gia di sản văn hóa, lịch sử hồ Gươm. Những năm trước một tập đoàn kinh tế Nhà nước từng có đề xuất xây dựng công trình cao tầng hoành tráng cạnh quần thể này nhưng không được dư luận đồng thuận nên chính quyền không cấp phép.

Cầu Thê Húc

Cách đây mấy tháng, Ban Quản lí đường sắt đô thị Hà Nội trưng bày phương án vị trí và tổng mặt bằng ga ngầm C9, tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo được dư luận quan tâm. Đáng chú ý là vị trí ga C9 được bố trí ngầm tại phố Đinh Tiên Hoàng và phần dưới vườn hoa hồ Hoàn Kiếm, kề sát các công trình, nằm gọn trong không gian di sản. Dự án này đang gây những dư luận trái chiều, nhất là sự lo ngại của nhiều chuyên gia, nhà khoa học về tác động tiêu cực tới một di sản quý của Thủ đô.
Bến xe, nhà ga… những công trình đầu mối giao thông cũng như nơi bến thuyền, chợ búa thường là chốn ồn ã, xô bồ và phức tạp. Đặt những thứ này cạnh di sản văn hóa có tính tôn nghiêm xem ra thật khó tương hỗ, ăn nhập mà trái lại ẩn chứa nguy cơ hủy hoại lẫn nhau.

Ga C9 dự kiến nằm cạnh hồ Gươm

Có những biện minh rằng nhà ga còn cách công trình này, di tích kia cả trăm mét. Rằng, thiết kế và thi công sẽ không gây lún nứt công trình di sản... Thật lạ khi họ lấy tư duy của người xây dựng công trình để luận giải, cam kết sự an toàn của một quần thể di tích văn hóa! Bề dày, chiều sâu lịch sử, văn hóa hàng nghìn năm sao có thể toan tính giữ gìn an toàn bằng cự li mét dài hay độ cứng bê tông?
        Tuyến đường với nhà ga thọc vào tận trung tâm di sản hồ Hoàn Kiếm chẳng khác nào một lưỡi gươm nhọn!/.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới online ngày 29 tháng 8 năm 2018  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét