“Quyền trợ giúp”
Chương trình giải trí “Ai là triệu phú”
của VTV3 Đài truyền hình Việt Nam có phần người chơi được sử dụng một số
quyền trợ giúp, nhất là “gọi điện thoại cho người thân” để giải đáp câu hỏi
đặt ra. Quyền trợ giúp có thể giúp người chơi vượt qua khó khăn, chinh phục
những câu hỏi hóc búa.
Với tiện dụng của công nghệ thông tin, trong
cuộc sống hiện nay nhiều người luôn tận dụng triệt để sự trợ giúp nhằm tư lợi
hoặc vượt qua những rắc rối khi vi phạm. Người trợ giúp ở đây không đơn thuần
vì sự hiểu biết hay thành thạo công nghệ thông tin mà do có ảnh hưởng, vị thế,
quyền lực trong những lĩnh vực cụ thể. Hình ảnh thường thấy nhất là trong
giao thông, người vi phạm bị cảnh sát dừng xe thường điện thoại cho người thân
để nhờ can thiệp để tránh bị xử lí. Chuyện này phổ biến đến mức một số cảnh
sát giao thông trước khi xử phạt còn gợi ý “có điện thoại cho ai thì gọi đi”!
Ảnh minh họa
Không chỉ người dân, thói quen ỷ vào sự
trợ giúp còn lan sang cả một số lãnh đạo, doanh nhân... Năm trước, do chấn
chỉnh, siết chặt hoạt động khai thác cát, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cùng
một số cán bộ đã bị gọi điện thoại, nhắn tin đe dọa. Lãnh đạo tỉnh này đã
“cầu cứu”, đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an vào cuộc điều tra! Dư luận rất
ngạc nhiên vì chính quyền một tỉnh với bộ máy quyền lực trong tay mà lại bất
lực trước tội phạm, cần sự “trợ giúp” của cấp trên, vậy người dân sẽ trông
cậy vào ai? Gần đây nhất có việc lãnh đạo Công ty Ba Huân gửi đơn tới Thủ tướng, nhờ can thiệp để hủy thỏa thuận
hợp tác đã kí với quỹ đầu tư VinaCapital sau gần nửa năm nhận
khoản đầu tư 32 triệu USD từ quỹ này. Những tưởng tranh chấp hoạt động kinh
doanh đã có trọng tài kinh tế hoặc cao hơn là tòa án. Phải chăng lãnh đạo
công ty trên cho rằng Thủ tướng có thể làm thay các cơ quan chức năng?
Việt Nam ta đang nỗ lực xây dựng thể chế
dân chủ dựa trên nền pháp quyền và văn minh. Muốn xây dựng được một nền tảng
pháp quyền vững mạnh thì mỗi cá nhân phải như một “viên gạch” tạo nên nền
tảng đó. Qua vài ví dụ trên cho thấy, không ít người dân và cả cán bộ vẫn
chưa có ý thức thượng tôn pháp luật, còn thói quen trông chờ vào quyền lực
hành chính, uy quyền cấp trên. Chính vì vậy khi xảy ra bất kì vướng mắc pháp
lí nào, điều trước tiên họ nghĩ tới là nhờ vào cá nhân quyền lực hoặc cơ quan
chức năng để “hóa giải” mà không quan tâm suy xét sự việc trên cơ sở quy định
của luật pháp.
Sản xuất ở Công ty Ba Huân
Hiện nay, Chính phủ đang tập trung xây
dựng đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã đến năm
2021 theo chủ trương của Đảng về tinh giản biên chế bộ máy hành chính Nhà
nước. Sẽ có nhiều cá nhân, tổ chức bị ảnh hưởng quyền lợi khi thực hiện chủ
trương này. Nếu ai cũng tìm cách để mong được “trợ giúp” và chạy chọt thì khó
thực hiện thành công chủ trương của Đảng.
Những
người có tư duy ỷ lại sự trợ giúp liệu có khi nào nghĩ rằng người nhận lời
giúp mình đã vô tình bị lôi cuốn, trở thành “đồng phạm” làm trái quy định,
thậm chí vi phạm pháp luật?/.
Đinh Hoàng
Bài bình
luận đăng Báo Người cao tuổi
và Báo điện
tử Ngày mới online ngày 20 tháng 8 năm 2018
|
Thứ Ba, 21 tháng 8, 2018
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét