Thứ Năm, 23 tháng 5, 2019

Cẩn trọng khi sử dụng tư liệu lịch sử

Trong thế kỉ XX, cả thế giới biết đến và khâm phục dân tộc Việt Nam sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Cùng với những trang viết phản ánh chi tiết cuộc kháng chiến 9 năm và gần 2 tháng chiến đấu ngoan cường, dũng cảm của bộ đội ta tại chiến trường Điện Biên còn có những thước phim màu quý giá ghi lại thực tiễn sống động của chiến dịch vĩ đại này.


Ngày nay, vào những dịp kỉ niệm chiến thắng mọi người thường được xem lại giây phút huy hoàng đó. Ấn tượng nhất là cảnh bộ đội ta ào ạt xông lên chiếm lĩnh chốt cuối cùng, đầu não quân sự của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, nơi có tướng Đờ Cát cùng Bộ Chỉ huy của ông ta.
Tuy nhiên, những người am hiểu về quân sự, người từng tham gia chiến đấu tại chiến trường này sẽ nhận ra, đó không phải là hình ảnh thật của giây phút lịch sử chiều 7/5/1954. Đó chỉ là những hình ảnh được diễn lại để ghi hình mà thôi!
Chiến trường Điện Biên được nhà thơ Tố Hữu miêu tả vô cùng ác liệt, đó là “56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/máu trộn bùn non…”. Đất đai tại đây bị bom đạn cày xới tơi tả. Khi xem hình ảnh tư liệu, người tinh ý sẽ nhận ra nơi bộ đội ta xung phong cỏ đã mọc, cây lá dần xanh màu trở lại, còn bộ đội thì áo quần mới, gọn gàng, sạch sẽ dù vẫn có bom pháo nổ mù mịt. Về mặt chiến thuật, nếu bộ đội xuất phát từ cự li xa như thế và dàn hàng ngang xông lên thì thương vong sẽ vô cùng lớn bởi hỏa lực của quân Pháp vẫn còn. Thứ nữa, chiến thuật của ta đánh địch phòng ngự bằng đào hào vây lấn, “đánh chắc, tiến chắc” chứ không phải đánh nhanh, thắng nhanh. Hình ảnh bộ đội xung phong vượt qua nhiều lớp hào vây lấn do mình đào khoét bao ngày đêm mới có, là thiếu logic... Đây là những sơ suất của người làm phim tài liệu khi đó.


Tôi và có lẽ nhiều người xem Đài truyền hình Việt Nam đã được nghe kể về việc mua, sở hữu bản quyền những thước phim lịch sử từ kho tư liệu điện ảnh của Liên Xô (nay là Liên bang Nga). Theo phóng sự này thì năm 1954 đoàn làm phim của nước bạn sang nước ta tác nghiệp nhưng rất tiếc, đoàn chưa kịp lên Điện Biên thì cuộc chiến tại đây đã kết thúc. Tuy không kịp ghi lại được thời khắc lịch sử song bạn đã đề nghị và được ta chấp nhận là sử dụng lực lượng bộ đội chưa rút về xuôi tái hiện giờ phút chiến thắng vĩ đại tại chiến trường Điện Biên Phủ. Những hình ảnh đó, ngày nay mọi người được xem đi xem lại như một biểu tượng của chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Việc tái hiện sự kiện bằng hình ảnh là việc làm bình thường trong hoạt động báo chí bởi nó phần nào giúp độc giả hình dung được quy mô, chính chất của sự kiện đã diễn ra. Tuy nhiên, mỗi khi sử dụng tư liệu rất cần ghi rõ nguồn gốc. Trong trường hợp trên thì đài truyền hình khi trích dẫn phát sóng cần ghi chú rõ đây là “hình ảnh tái hiện”.
Nếu “lập lờ” khi sử dụng tư liệu dễ dẫn đến sự hiểu thiếu chính xác về lịch sử, thậm chí khiến độc giả nghi ngờ tính trung thực vì phát hiện ra những chi tiết bất hợp lí như kể ở trên./.   
 Đinh Hoàng
 Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 23 tháng 5 năm 2019

Thứ Tư, 22 tháng 5, 2019

 Pháp luật có “ưu ái”?

Nói pháp luật có sự ưu ái là điều phi lí. Pháp luật đề ra là để định hướng hoạt động xã hội, bảo vệ quyền lợi và sự công bằng cho mọi cá nhân, tổ chức, không thể ưu ái, thiên vị.
Thế nhưng thực tiễn đôi khi vẫn có sự phi lí ấy. Dù người ta nhận ra nhưng sửa chữa, khắc phục lại không thể một sớm một chiều. Xin kể vài câu chuyện mà dư luận, báo chí thời gian qua đã tốn không ít giấy mực.
Chuyện thứ nhất là cái quỹ bảo trì chung cư. Rất nhiều chung cư xảy ra tranh chấp xung quanh việc sở hữu, quản lí và sử dụng quỹ này. Đủ các hình thức đấu tranh, khiếu kiện, phản đối chủ đầu tư (CĐT) của cư dân nhưng vẫn chẳng đi đến đâu. Đồng tiền người mua nhà bỏ ra bị CĐT dùng dằng nắm giữ. Mua căn hộ hàng tỉ đồng, đã ở nhiều năm song ban quản lí vẫn không được giữ quỹ để bảo trì. CĐT có đủ “chiêu” đề trì hoãn bàn giao quỹ, như gây khó dễ việc thành lập ban quản trị, cho rằng ban quản trị chưa đủ điều kiện, năng lực quản lí quỹ... Quy định pháp luật hiện hành cho phép CĐT thu tiền quỹ của người mua nhà dù họ không có trách nhiệm quản lí, sử dụng quỹ này. Với số tiền nhiều tỉ đồng được phép thu rồi “để đấy”, “ôm” càng lâu càng có lợi… rõ ràng CĐT đang được pháp luật “ưu ái” và họ không có nhu cầu thay đổi quy định này.

Phản đối chủ đầu tư chiếm dụng quỹ bảo trì tại một dự án chung cư

Chuyện thứ hai là việc bảo đảm tính pháp lí căn hộ chung cư. Người mua chung cư chỉ được coi là sở hữu hợp pháp khi có giấy chứng nhận (sổ hồng) căn hộ đó. Thế nhưng tại không ít dự án, người mua nộp tiền đầy đủ, ở nhiều năm song khi đề nghị được cấp sổ hồng căn hộ, CĐT vẫn cố tình trốn tránh, thoái thác. Chính vì vậy, khi chủ căn hộ muốn sang nhượng, thế chấp ngân hàng để vay vốn làm ăn đều không thể được. Trong tình cảnh ấy, dù đã bỏ cả tỉ đồng mua căn hộ nhưng thực tế chủ sở hữu chỉ như người đi ở nhờ. Đó là chưa kể tại một số khu chung cư, người mua nhà có nguy cơ bị đuổi ra đường bởi dự án đã bị CĐT thế chấp ngân hàng để vay tiền.


Chất lượng công trình thấp, phí gửi xe quá cao, chậm bàn giao sổ hồng... là những bức xúc của cư dân tại chung cư The Garden Hill (99 Trần Bình, Mỹ Đình, Hà Nội)

Tất cả những vướng mắc, bất cập trên đều đã có pháp luật điều chỉnh, quy định cụ thể trong Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản (cùng năm 2014). Rõ ràng CĐT đã vi phạm các điều luật trong hoạt động kinh doanh, còn người mua chung cư đã tuân thủ đúng pháp luật. Thế nhưng, pháp luật lại chưa có những chế tài xử lí cụ thể vi phạm như nêu trên và quá trình thực thi của cơ quan quản lí hình như người ta cũng “ưu ái” hơn với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Vi phạm diễn ra khá phổ biến, gây bức xúc dư luận song chưa có CĐT nào bị xử lí và cơ quan quản lí chuyên ngành cũng chưa sốt sắng điều chỉnh quy định trước đòi hỏi của thực tiễn. Cuối cùng, người chịu thiệt chính là những khách hàng mua nhà, đối tượng mà thiếu họ, doanh nghiệp chẳng thể tìm kiếm được lợi lộc!
Nếu không có sự điều chỉnh, sửa đổi điều luật cùng trách nhiệm, biện pháp thực thi nghiêm minh của cơ quan chức năng thì pháp luật sẽ mãi dành sự ưu ái cho doanh nghiệp bất động sản và quên đi quyền lợi chính đáng của người dân./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày  22 tháng 5 năm 2019

Thứ Năm, 16 tháng 5, 2019

FDI “giá rẻ”?

Tại cuộc gặp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với các nhà đầu tư (NĐT) Trung Quốc trong chuyến thăm chính thức nước này vừa qua, có NĐT bày tỏ quan tâm dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam và nói đại ý họ sẽ bỏ thầu giá rẻ nhất.  
Người ta thường nói “tiền nào của nấy”, “của rẻ là của ôi”. Thực tiễn nhiều năm qua không ít công trình đầu tư bằng vốn FDI đã và đang bị “ôi” và nền kinh tế đang phải gánh chịu. Thử điểm mặt vài dự án như thế:
Nhà máy Đạm Ninh Bình có tổng mức đầu tư trên 11.000 tỉ đồng, hoàn thành vào giữa năm 2011. Dự án do Tập đoàn hóa chất Việt Nam làm chủ đầu tư. Tổng thầu EPC thực hiện là Tổng công ty Tư vấn và thầu khoán Hoàn Cầu (Trung Quốc). Những năm qua Đạm Ninh Bình bị lỗ triền miên, năm 2018 lỗ 926 tỉ, tương đương với năm 2017. Cứ đà này chẳng mấy nữa tiền lỗ sẽ bằng tổng mức đầu tư…
Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 khởi công vào năm 2007. Tổng thầu dự án là Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC). Tổng vốn đầu tư khi đó là 3.800 tỉ đồng. Sau nhiều năm “lùng nhùng”, đầu năm nay dự án đã được Thanh tra Chính phủ vào cuộc làm rõ. Đến thời điểm thanh tra, tổng giá trị Công ty gang thép Thái Nguyên đã thanh toán cho Dự án 4,4 nghìn tỉ đồng. Tổng dư nợ gốc, lãi vay ngân hàng phải trả là 3,8 nghìn tỉ đồng (hiện lãi vay phải trả trên 40 tỉ đồng/tháng), trong đó thanh toán cho tổng thầu MCC trên 92% giá trị hợp đồng nhưng các hạng mục của Dự án đều chưa hoàn thành. Từ năm 2013 đến nay, MCC và các nhà thầu đã dừng thi công. Dự án đứng trước nguy cơ phá sản…


Một góc Nhà máy gang thép Thái Nguyên đang "đắp chiếu"

Dự án Đường sắt trên cao Tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông dài 13,1 km, được khởi công xây dựng vào ngày 10/10/2011, dự kiến hoàn thành đưa vào vận hành thương mại trong Quý I/2018. Dự án có tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD vào năm 2008, trong đó vốn vay ưu đãi của Trung Quốc 419 triệu USD. Tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 891,9 triệu USD, đội vốn khoảng 339,1 triệu USD. Với điều kiện các nhà thầu tư vấn, thi công, cung cấp vật liệu thiết bị chủ yếu phải là từ nước tài trợ vốn nên Việt Nam phải mua 13 đoàn tàu của Trung Quốc. Sau nhiều lần trì hoãn đưa vào khai thác, gần đây nhất cuối tháng 4/2019 dự án tiếp tục trì hoãn lần thứ 8 và chưa biết khi nào sẽ vận hành thương mại…

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông thêm lần nữa trễ hẹn.

Điểm tên vài dự án có thể thấy liệu có dự án vốn FDI “giá rẻ” hay không. Sự “bất tín” của những NĐT từ cùng một quốc gia đã được minh chứng, nhưng xem ra vẫn còn một số lãnh đạo bộ ngành rất “tin tưởng”.
Phát biểu tại phiên thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội về dự án đường cao tốc Bắc - Nam vừa qua, ông Nguyễn Nhật (Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải) cho rằng “NĐT tư nhân trong nước không đủ năng lực tham gia theo quy định, còn các NĐT từ Nhật, Mỹ, Anh, Pháp không mặn mà, chỉ có nhiều NĐT Trung Quốc quan tâm”!
Nếu những NĐT “giá rẻ” lại trúng thầu một dự án có tầm quan trọng chiến lược là đường bộ cao tốc Bắc - Nam, liệu có ai bảo đảm rằng nó sẽ không đội vốn và chậm tiến độ?
 Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày  16 tháng 5 năm 2019

Thứ Ba, 14 tháng 5, 2019

Thờ ơ “chống giặc”

Người ta thường nói chống dịch phải như “chống giặc” để thấy sự cấp bách, quan trọng đặc biệt của công tác này.
Dịch tả lợn châu Phi xâm nhập vào nước ta mấy tháng qua, nay đã lan nhanh ra hàng chục tỉnh thành, gây hậu quả nghiêm trong cho ngành chăn nuôi và ảnh hưởng lớn đến đời sống dân sinh. Đến nay dịch đã lan truyền đến các tỉnh Trung bộ, Nam bộ và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Lợn chết do dịch tả lợn Châu Phi 

Ngay từ đầu, nhiều địa phương đã coi chống dịch tả lợn châu Phi như “chống giặc”, tập trung mọi nguồn lực để ngăn chặn, đẩy lùi, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho sản xuất, ổn định sinh hoạt và giá cả thực phẩm trên thị trường. Các địa phương như Hà Nội, Hòa Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Ninh Bình… sau khi có một số ổ dịch đã chủ động và quyết liệt vào cuộc nên đã nhanh chóng ngăn chặn thành công sự lây lan dịch bệnh nguy hiểm này. Tại các địa phương trên, từng ổ dịch được khoanh vùng nhanh, triển khai thu gom, xử lí triệt để đúng hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn nên dịch bệnh không bị lan rộng và đã tuyên bố hết dịch.
Mấy ngày nay, thật bất ngờ khi truyền hình và một số tờ báo đưa những hình ảnh kinh ngạc về việc hàng chục con lợn chết được “tự do tiêu hủy” trong tự nhiên tại các huyện Hiệp Hòa và Việt Yên của tỉnh Bắc Giang. Lợn chết được người dân vứt la liệt, nổi lềnh phềnh tại ao hồ, kênh mương làm mồi cho ruồi nhặng và bốc mùi hôi thối. Dịch tả lợn châu Phi là loại bệnh dù có xử lí rất công phu vẫn có nguy cơ lây lan thì việc lợn bệnh được người dân tự vứt ra môi trường sẽ khiến dịch bệnh phát tán rộng là điều khó tránh khỏi.

Người dân vứt lợn chết ra môi trường ở Hiệp Hòa, Bắc Giang. 

Không biết lực lượng chức năng ở địa phương này đang ở đâu và bận làm gì mà lại để người dân tự “bơi” trong việc “chống giặc”?
Trả lời việc có địa phương để xảy ra tình trạng trên, một cán bộ ngành nông nghiệp phát biểu trên VTV1 cho rằng có nhiều lí do trong đó có nguyên nhân “do lực lượng cán bộ còn mỏng nên có thời điểm không đáp ứng được yêu cầu chống dịch”. Đây là cách bao biện khó thuyết phục vì nhiều địa phương đã ngăn chặn dịch bệnh thành công và đặc biệt hệ thống công chức tại các địa phương hiện nay đều đang “rất đông”, không thể nói là “lực lượng mỏng” được. Có chăng là trách nhiệm chỉ đạo, điều hành của người chủ trì và những cán bộ chuyên môn có thể đang “quá mỏng”, họ hưởng lương từ thuế của dân nhưng đã không hoàn thành trách nhiệm được giao.
Việc để xảy ra tình trạng lợn bệnh vứt tràn lan không được thu gom, xử lí tại Bắc Giang cần được xử lí nghiêm túc trách nhiệm cán bộ chính quyền sở tại và cơ quan chuyên ngành địa phương./.
 Đinh Hoàng
 Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 14 tháng 5 năm 2019

Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2019

Nhìn sang Đệ nhất thôn nghĩ về đơn vị hành chính của ta


Hoa Tây - ngôi làng được mệnh danh "Ðệ nhất thôn" thuộc huyện Giang Âm, tỉnh Giang Tô của Trung Quốc. Đây thật sự là một kì tích về xây dựng, phát triển khu vực nông thôn của đất nước có số dân đông nhất thế giới này.
Vào thời điểm cuối những năm 60 thế kỉ trước, Hoa Tây là một ngôi làng nhỏ, hẻo lánh, bần hàn với dân số 576 nhân khẩu, tài sản chung có khoảng 1.800 tệ (tương đương 240 USD). Ðến nay, sau hơn 50 năm phát triển, Hoa Tây trở thành một "làng tỉ phú" với nhân khẩu lên tới 36 nghìn người và tổng tài sản chung hơn 2 tỉ USD. Từ những người nông dân nghèo khổ, chân lấm tay bùn, nhà cửa tạm bợ, ngày nay, mỗi gia đình Hoa Tây sở hữu ít nhất một ngôi biệt thự sang trọng nằm trong khuôn viên cây xanh, hai chiếc xe hơi và 250 nghìn USD trong ngân hàng. Từ một ngôi làng hạt nhân, Hoa Tây đã hút thêm 16 làng vệ tinh nhập vào. Đệ Nhất Thôn từ một hợp tác xã, nay thực sự là một đô thị hiện đại, có tòa nhà cao 74 tầng, nhiều siêu thị, đơn vị kinh tế, doanh nghiệp… song vẫn giữ mô hình đơn vị hành chính là làng Hoa Tây.

Một góc Đệ Nhất thôn (Trung Quốc)

Mô hình đơn vị hành chính của Việt Nam ta hiện đang có những bất cập theo xu hướng vừa muốn chia nhỏ, vừa muốn “to tầm”. Thời Pháp, cả nước được chia thành 55 tỉnh, sau khi đất nước thống nhất cả nước có 38 tỉnh thành, hiện nay tăng lên 63 tỉnh thành. Như vậy, mô hình cấp tỉnh đã được chia nhỏ nhiều nhất có thể và “đồng điệu” với đó là một đội ngũ công chức tăng lên với số lượng đông nhất có thể. Khi đã không thể tăng lên mãi thì các cấp hành chính lại muốn được điều chỉnh để được “to tầm”. Các tỉnh phát triển kinh tế trở nên giàu hơn, đời sống thu nhập người dân cao hơn một chút là muốn tỉnh mình có thành phố trực thuộc trung ương và xu hướng cả tỉnh sẽ trở thành một thành phố trực thuộc trung ương. Cũng như vậy, ở cấp nào cũng muốn nâng tầm. Thị tứ phát triển lên thành thị trấn, thị trấn nâng lên thị xã, thị xã lên thành phố, thành phố loại 2 phấn đấu để được lên loại 1…
Thực hiện chủ trương của Đảng, quá trình tinh giản biên chế bộ máy đã được thực hiện nhiều năm qua song kết quả chưa được như mục tiêu đề ra, thậm chí hiện vẫn chưa kìm hãm được “đà” tăng biên chế và bộ máy hành chính.
Thi thoảng vẫn thấy thông tin thành lập thị trấn mới này, thị xã, thành phố nọ… Khi một cấp hành chính được “nâng tầm” đồng nghĩa cũng kéo theo tổ chức, biên chế. Ví như cấp xã lên phường thì riêng lực lượng công an từ 1 người đã có thể tăng lên cả chục. Một chủ tịch thành phố việc bảo đảm chế độ, chính sách và những nhu cầu khác phải hơn chủ tịch thị xã… Hình như nhiều người có quan điểm cấp đơn vị hành chính phải “đúng tầm” mới tạo được sự phát triển.

Kết quả hình ảnh cho Chen chúc làm thủ tục hành chính
Công chức đông nhưng hành chính công vẫn tắc!

Cấp hành chính được nâng tầm nhưng chất lượng thủ tục hành chính góp phần phục vụ phát triển của doanh nghiệp và nhu cầu của người dân có vẻ chưa theo kịp. Nhìn vào thực trạng người dân đơn thư vượt cấp, khiếu kiện kéo dài đông như hiện nay có thể phần nào đánh giá về chất lượng của các cấp chính quyền trong giải quyết vấn đề cho người dân, cho sự phát triển.
          Triết lí hành động của ông cựu trưởng thôn Hoa Tây kể trên là “cá nhân giàu chưa phải là giàu, tập thể giàu mới là giàu; một thôn giàu chưa phải là giàu, cả nước giàu mới là giàu”. Đây thực sự là một tư duy vì cái chung, cái cao cả nhưng người dân lại chính là trung tâm, là mục tiêu cuối cùng được hướng tới.
Để thực hiện được triết lí như của ông cựu trưởng thôn kia thì cần có một tư duy mới, rất khác với nhiều lãnh đạo của ta hiện nay./.
Đinh Hoàng
Bài đăng Báo Người cao tuổi cuối tháng, số tháng 5 năm 2019

Thứ Năm, 9 tháng 5, 2019

Mật ngọt, mật đắng

Trong tiếng Việt từ mật có khá nhiều nghĩa. Khi là đồ ăn thì nó có thể ngọt hoặc đắng (như mật ong, mật cá…). Không hiểu vì sao từ mật lại được người ta áp cho lĩnh vực chẳng liên quan gì đến vị giác như tài liệu mật, bí mật…
Kết quả hình ảnh cho Đóng dấu mật làm gì
Tuy thế, cái “mật không ăn được” kể trên đôi khi cũng đưa đến sự ngọt ngào hoặc đắng chát. Chẳng hạn như thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG, do tùy tiện đóng dấu mật vào một tài liệu mua bán bình thường khiến một số cán bộ vi phạm luật pháp, vướng vòng lao lí. Trong trường hợp này, mật đã được người ta lấy làm bình phong che đậy sự khuất tất.
Cách đây hơn chục năm Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định ban hành Danh mục bí mật Nhà nước độ Tuyệt mật, Tối mật trong ngành Công Thương với 2 nội dung độ Tuyệt mật và 12 nội dung độ Tối mật. Các nội dung tại quyết định này cơ bản đã bao hàm đủ, sát thực tiễn giúp việc quản lí Nhà nước chặt chẽ, hiệu quả nhiều năm qua. Thế nhưng, Bộ Công Thương lại đang có dự thảo bổ sung vào danh mục bí mật Nhà nước trên. Cụ thể nội dung bổ sung gồm: Báo cáo điều hành kinh doanh và phương án chỉ đạo, điều chỉnh giá mặt hàng xăng dầu chưa công bố; phương án chỉ đạo điều chỉnh giá điện chưa công bố. Những thông tin này sẽ được đóng dấu mật và khi đó người dân, doanh nghiệp sẽ “miễn góp ý” trước khi quyết định điều hành giá được ban hành!
Để có một nền kinh tế thị trường thì mọi yếu tố chi phối tới nó đều phải hướng tới sự minh bạch, tránh sự tác động chủ quan làm méo mó. Riêng Việt Nam ta có sự quyết định giá bởi nền kinh tế bao hàm yếu tố định hướng của Nhà nước trong một thị trường nhiều thành phần. Tuy nhiên, quyết định của cơ quan quản lí sẽ đúng đắn nếu có nhiều ý kiến đóng góp, phản biện. Ngược lại khi nó là ý chí chủ quan của số ít người sẽ dễ bị chi phối bởi nhóm lợi ích. Quyết định giá với những mặt hàng thiết yếu, tác động rộng và rất lớn như xăng dầu, điện lực nếu không chuẩn xác sẽ ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế và sinh hoạt của tất cả người dân. Vậy, bí mật với việc quyết định giá những lĩnh vực trên sẽ lợi, hại cho ai?

Kết quả hình ảnh cho Đóng dấu mật làm gì
Dự thảo các phương án giá điện luôn được đóng dấu mật

Việc điều hành giá xăng dầu vừa qua đã từng bước tiệm cận minh bạch, bám sát thực tiễn giá thế giới, dù vẫn còn những “điểm mờ” như lợi nhuận định mức, quỹ bình ổn... Hiện nay các phương án giá điện vẫn được coi là tài liệu mật trước khi công bố. Thông thường, việc tăng giá điện chỉ được thông báo rộng rãi vào đúng thời điểm quyết định tăng giá có hiệu lực. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp sử dụng điện khó khăn trong việc lên kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính. Một số chuyên gia cho rằng, các phương án giá điện cũng cần được công khai ít nhất 10 ngày trước khi ban hành.

Những tưởng từ nhiều ý kiến của giới chuyên gia, doanh nghiệp và người dân sẽ được cơ quan quản lí tiếp thu để minh bạch hóa trong điều hành thị trường thì lại thấy một động thái ngược chiều đáng lo ngại. Với tư duy “che đậy”, sợ minh bạch rồi sẽ xảy ra tình trạng “kẻ ăn mật ngọt, người hưởng mật đắng”!./.
Đinh Hoàng
 Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới online ngày  09 tháng 5 năm 2019

Thứ Ba, 7 tháng 5, 2019

 Khó cầu thị  

Câu chuyện hóa đơn tiền điện sinh hoạt của khách hàng bỗng tăng vọt như điệp khúc “đến hẹn lại lên”. Còn cách giải thích của “nhà đèn” cũng quen thuộc: Do thời tiết vào Hè nóng nhiều, do tháng này nhiều ngày hơn tháng nọ v.v và v.v.
Kết quả hình ảnh cho Giá điện bậc thang bất hợp lý

Trong các lần giải thích, chưa lần nào EVN đề cập về sự hợp tình hợp lí hay chưa trong thiết kế bảng giá điện bậc thang hiện hành. Bảng giá này từng được đưa ra lấy ý kiến giới chuyên gia, người dân với vài phương án song về bản chất các phương án đều tồn tại bất cập.
Hơn 3 năm trước, Báo Người cao tuổi đã có bài đề cập bảng giá điện này và ví nó như chiếc thang hình ô van, phình ra ở giữa, thắt nhỏ 2 đầu. Cho đến nay vẫn bảng giá đó, hình thù không thay đổi, mức thấp nhất vẫn là 50kW/h, chỉ có giá điện các bậc được nâng lên và những bậc “cần phình ra” luôn được bảo lưu. Các bậc 2,3,4 có khoảng cách giá tăng cao nhất, chênh gấp hơn 4 đến 9 lần so với khoảng cách bậc đầu tiên.
Các chuyên gia từng đặt nhiều câu hỏi: Điều gì bó buộc EVN giới hạn 6 bậc thang, tại sao không là 12 hay 15 bậc hoặc nhiều hơn và mức thấp nhất sao không nâng lên mà hằng chục năm nay vẫn từ 0-50kW? Số tiền từng bước giá sao không chia đều các bậc mà lại để một vài bậc chênh quá lớn như vậy? Liệu có phải đây là khoảng giá có số lượng khách hàng dùng nhiều nhất và mang lại lợi nhuận cao nhất? Được biết biểu giá điện bậc thang này căn cứ Quyết định Số 28/2014/QĐ-TTg năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, luật chưa phù hợp còn có thể sửa thì một quyết định điều hành cũng không ngoại lệ.
Kết quả hình ảnh cho Giá điện bậc thang bất hợp lý
Nhiều chuyên gia không tin tưởng vào sự khách quan khi tính toàn cơ cấu giá điện và biểu giá bậc thang.

Một vấn đề mà doanh nghiệp, người dân rất trông chờ vào EVN là sự minh bạch trong cơ cấu giá thành mua bán điện. Đúng là giá một số nguyên liệu đầu vào sản xuất như xăng dầu, khí, than đã tăng nên giá điện từ nguồn sản xuất này sẽ tăng. Tuy nhiên nước ta có trữ lượng thủy điện khá dồi dào, ngoài các nhà máy thủy điện lớn Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Thác Bà, Trị An, Đồng Nai 2, 3… thì còn rất nhiều thủy điện nhỏ và vừa rải khắp từ Bắc vào Nam. Giá thành sản xuất thủy điện không thể cao sau nhiều năm khấu hao vốn đầu tư. Tuy nhiên, người dân không thể biết thủy điện chiếm bao nhiêu % trong tổng công suất điện hiện nay. Rồi chuyện quản lí cũng đang có những câu hỏi như tỉ lệ thất thoát điện năng, việc đầu tư thua lỗ lĩnh vực khác liệu có được hạch toán vào giá thành bán điện? Chỉ có minh bạch thì mới xóa đi được những nghi ngại như trên.
Vừa qua chính phủ Lào đã nhất trí xem xét lại kết cấu giá điện theo hướng thấp hơn và hợp lí nhằm tăng cường đầu tư sức sản xuất. Còn chính phủ Hàn Quốc vào Hè năm trước từng quyết định tạm thời giảm giá điện trong 2 tháng do thời tiết quá nóng nực. Ở Việt Nam chưa xuất hiện khái niệm giảm giá điện.
Trước đây, nhiều người rất lo cho an ninh quốc gia khi cổ phần hóa ngành viễn thông, nay thì đã rõ hiệu quả ngành này mang lại khi có sự cạnh tranh. Ngành điện còn độc quyền thì câu chuyện lùng nhùng sẽ vẫn “đến hẹn lại lên” bởi khi độc quyền rất khó tìm thấy sự cầu thị?/.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày  07 tháng 5 năm 2019