Chốn mê?
Từ thế kỉ XI dưới thời nhà Lý, hệ thống chùa chiền bắt đầu
phát triển mạnh, được xây dựng khắp các địa phương, nhất là phía Bắc. Cùng
với đó, số người sùng tín, theo đạo phật cũng tăng nhanh và chiếm đa số so với
các tôn giáo khác.
Sau những năm chiến tranh, nhất là khi kinh tế đã khởi sắc
thì hệ thống chùa chiền ngày càng được tu bổ và xây dựng mới khang trang, có
nhiều chùa lớn nhất nhì khu vực.
Vậy chùa chiền, cửa phật mang lại cho người ta điều gì?
Người xưa dạy, chốn thiền môn là nơi nghiêm tịnh, người
đến đó để quy ngưỡng, sửa mình, “làm mới” mình bằng những lời Phật dạy, ứng
dụng vào đời sống, làm an lạc cho mình và người. Người ta tụng kinh là để tự nhắc nhở mình
không làm việc ác, hãy làm việc thiện lành và tự thanh lọc tâm ý chứ không
phải tụng kinh là để Phật nghe.
Cảnh thanh
tịnh ở chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang)
Ngày nay người đến cửa phật đông như trẩy hội nhưng không
nhiều trong số đó suy nghĩ và hành động theo ý Phật, họ đến chủ yếu để cầu
xin, đến do tò mò hoặc theo phong trào.
Có thể do nhu cầu thực tiễn mà nhiều chùa đang chạy theo
những người sùng tín. Việc cúng sao giải hạn đầu năm dù không phải là nghi lễ
đạo phật nay thâm nhập cửa thiền làm biến tướng hoạt động tín ngưỡng. Đây là
một hoạt động mê tín nhưng một số nhà chùa đã tiếp tay và trục lợi. Phật
không dạy người ta phải tốn kém tiền của để “dâng sao giải hạn”. Phật cũng
không thể biết những “oan gia trái chủ” (nếu có) và có thể “thỉnh vong giải
nghiệp”. Những biến tướng này không có mục tiêu gì khác ngoài động cơ kim
tiền, trái với điều Phật dạy là phải tránh tham lam, sân hận, si mê.
Chùa Ba Vàng năm trước
từng truyền bá “vong báo oán” thu tiền bất chính
Đức Phật đã dạy, “hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình,
hãy y tựa chính mình, không y tựa một ai khác…”. Trước khi tới cửa phật người
ta cần “tu tại tâm”.
Những tưởng nhà chùa là phải đưa người ta từ bóng tối ra
chốn quang minh nhưng không ít nơi đang lôi cuốn phật tử vào sự mê muội.
Những ngày qua khi thế giới đang hoang mang vì đại dịch viêm phổi cấp tại Vũ
Hán (Trung Quốc) thì dư luận bất ngờ thấy trên trang fanpage của chùa Ba Vàng
(Quảng Ninh), sư thầy Thích Trúc Thái Minh - trụ trì chùa thông tin về việc chùa
tổ chức tu tập hồi hướng hóa giải nạn dịch virus corona! Vị sư thầy này cho
rằng: “Mọi thiên tai, dịch bệnh gốc là do ác nghiệp của chúng sinh…”, và
“chùa Ba Vàng tổ chức chương trình tu tập tại chùa và phát động nhân dân,
phật tử tinh tấn tu tập 49 ngày để hồi hướng cho nạn dịch sớm được tiêu trì”!
Thật lạ, thời đại khoa học công nghệ có thể đưa con người
tới những vì sao xa xôi mà một vị sư trụ trì như vẫn u mê và còn lôi kéo mọi
người cùng theo. Giả sử hàng vạn tín đồ phật tử từ Vũ Hán nghe theo và đổ hết
về chùa Ba Vàng thì sẽ thế nào?
Đã đến lúc Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần có cuộc “thanh
tẩy” là sạch chốn thiền cả trong tư duy và thực hành phật pháp. Không thể nơi
tôn nghiêm thành chỗ cầu lợi, trục lợi. Nếu cứ để tiếp diễn thực trạng như
những năm qua, cửa thiền sẽ trở thành “chốn mê”!./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi tháng 01 năm 2020
|
Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2020
Tham
mưu
Trong kì họp lần thứ 8 Quốc hội khóa XIV,
một vấn đề nóng được tranh luận tại diễn đàn nghị trường là cho phép hay cấm
mô hình doanh nghiệp đòi nợ. Hai luồng ý kiến vẫn chưa ngã ngũ vì không có
bên nào đưa ra được những lí lẽ thuyết phục.
Bên đề xuất cho phép thì nói rằng nhu cầu
đòi nợ là có thực và quốc tế (không rõ nước nào) cũng đã làm. Bên muốn cấm lại
cho rằng mô hình này đang bị xã hội đen lợi dụng, sử dụng các hình thức khủng
bố, bạo lực gây bất an trật tự xã hội... Tuy nhiên, cả hai luồng ý kiến đều
chưa đưa ra được con số thực tiễn chứng minh. Nếu nói cần, vậy những năm qua
hiệu quả hoạt động (đúng pháp luật) của loại hình doanh nghiệp này như thế
nào? Không có một con số cụ thể được đưa ra để khẳng định cần duy trì doanh
nghiệp đòi nợ. Bên đề xuất cấm cũng chỉ nêu chung chung, dù thực tiễn có
nhiều vụ khủng bố tinh thần, dùng bạo lực đòi nợ trái pháp luật. Xem ra cơ
quan tham mưu vẫn chưa có tổng kết, đánh giá về mô hình doanh nghiệp đòi nợ. Và
như vậy có thể nói, các ý kiến vẫn chỉ dừng ở mức… cảm tính.
Hình ảnh minh họa.
Các bộ sách giáo khoa lớp 1 vừa được thẩm
định xong, một số đang được đưa vào phục vụ năm học 2020-2021 nhưng đến nay
vẫn còn các ý kiến trái chiều về cả sách được phê duyệt lẫn sách bị loại. Ý
kiến bảo vệ cho các bộ sách được thông qua, sách bị loại đều không đưa ra được
căn cứ, minh chứng thực sự thuyết phục. Từ khi công bố kết quả thẩm định và
nay chuẩn bị đưa bộ sách lớp 1 mới vào lựa chọn để giảng dạy vẫn còn nhiều ý
kiến trái chiều và băn khoăn của đội ngũ giáo viên…
Cơ quan tham mưu xây dựng luật pháp,
chính sách khi làm tốt trách nhiệm, có những đề xuất trúng sẽ giúp Quốc hội,
Chính phủ, Bộ ngành ban hành được những chính sách, luật pháp bắt kịp, nhắm
trúng yêu cầu cuộc sống và sẽ được thực tiễn thừa nhận. Trong hai trường hợp
trên, các bộ phận tham mưu có thể coi là chưa hoàn thành nhiệm vụ.
Năm 2017 Thủ tướng Chính phủ quyết định
thành lập Tổ Tư vấn kinh tế để tư vấn về các vấn đề phát triển kinh tế gồm 16
thành viên. Với những chuyên gia kinh tế giỏi, có thể coi đây như một “bộ
tham mưu” đắc lực của Thủ tướng trong lãnh đạo, điều hành nền kinh tế đất
nước. Hai năm qua cũng là thời gian nền kinh tế nước ta tăng trưởng ấn tượng,
vươn lên dẫn đầu khu vực và thế giới về tốc độ dù tình hình rất nhiều khó
khăn, thách thức. Có nhiều nguyên nhân thành tựu trên nhưng không thể không
kể đến sự góp sức đắc lực của đội ngũ tham mưu này.
Từ cấp Bộ, ngành cho đến cơ quan quyền
lực cao nhất là Quốc hội, chỉ khi nào tập trung được lực lượng tham mưu có
bản lĩnh, trí tuệ, công tâm thì mọi vấn đề khó khăn, bức xúc của cuộc sống mới
có những chính sách, pháp luật phù hợp để hóa giải, đưa đất nước phát
triển./.
Đinh
Hoàng
Bài bình luận đăng Báo
Người cao tuổi ngày 31 tháng 01 năm 2020
|
Thứ Năm, 30 tháng 1, 2020
Mùa Xuân trường tồn
Những năm dân tộc ta chìm trong nô lệ, lầm than thì không thể có
mùa Xuân của những kiếp người.
Ngày 3/2/1930 “Vừng Đông” của dân tộc bừng lên sau đêm dài nô lệ
- ngày Đảng ta ra đời mang đến niềm hi vọng lớn lao cho dân tộc.
Thực tiễn 90 năm qua đã minh chứng cho điều đó, Đảng mang về cho
dân tộc ta những mùa Xuân ngày càng đẹp đẽ và trọn vẹn.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sự tất yếu trên con đường đi lên
của lòng yêu nước, yêu dân tộc. Đảng đã, đang và sẽ còn thể hiện vai trò tất
yếu trong công cuộc dựng xây đất nước phồn vinh. Tuy vậy vẫn còn những tiếng
nói lạc lõng, đơn độc rằng cần phải đa đảng thì đất nước mới phát triển. Vậy
ra theo họ đất nước ta hiện vẫn không phát triển!
Xin không nói về những kì tích trong các cuộc kháng chiến chống
ngoại xâm thế kỉ XX, chỉ điểm qua những kì tích xây dựng hòa bình.
Sau khi dành độc lập hơn một thập niên, từ khi dứt bỏ được cơ chế
tập trung quan liêu, bao cấp, Đảng ta đã tìm ra con đường đổi mới, tạo sự đột
phá giải phóng sức lao động, đưa đất nước lập nên những điều kì diệu. Từng là
một nước phải nhập khẩu lương thực về cứu đói, Việt Nam đã bước lên vũ đài
những nước hàng đầu về xuất khẩu gạo. Đến nay ta đã là một quốc gia có nhiều
loại hàng hóa nông, lâm, thủy sản xuất khẩu hàng đầu thế giới. Trong các vấn
đề chính trị, văn hóa, xã hội, nước ta cũng là điểm sáng. Việt Nam dẫn đầu
trong thực hiện Mục tiêu thiên niên kỉ của Liên Hợp Quốc về xóa đói giảm
nghèo. Đến nay thu nhập bình quân đầu người đã đạt 3800 USD, gần bằng mức của
quốc gia thu nhập trung bình cao. Kinh tế liên tục tăng trưởng trong những
năm qua, riêng 2 năm 2018, 2019 trên 7%, khi cả thế giới sụt giảm. Vị thế
Việt Nam trên trường quốc tế minh chứng bằng sự tín nhiệm cao khi bầu vào các
cơ quan quan trọng hàng đầu của LHQ (trúng cử Hội đồng Nhân quyền LHQ
với 184/192 phiếu, Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kì 2020-2021 với
192/193 phiếu).
Kinh tế Việt Nam liên tục tăng trưởng, hiện đạt mức cao nhất thế giới
Bất kì quốc gia nào trong tiến trình phát
triển cũng không tránh khỏi tồn tại, va vấp. Đảng ta cũng có khuyết điểm, sai
lầm. Tuy nhiên nó đều được Đảng thẳng thắn nhìn nhận, cương quyết sửa chữa. Các
thế lực phản động không ngừng chống phá Đảng và Nhà nước ta từ sau năm 1975
đến nay. Những sai lầm, yếu kém luôn được chúng khoét sâu, coi đó là bản chất
của thể chế, của mô hình một đảng cầm quyền. Tham nhũng là căn bệnh có từ xa
xưa trong mọi chế độ lại được coi là hệ quả của CNXH. Khi Đảng ta đẩy mạnh
đấu tranh chống tệ nạn này và đạt được nhiều kết quả nức lòng Nhân dân thì
chúng cho chỉ là thanh trừng nội bộ v.v và v.v.
Biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa đã
và đang “ngấm vào” một số cán bộ đảng viên. Có người thậm chí nghi ngờ thể
chế, chỉ tin vào “chiếc ghế” họ đang ngồi. Có những đảng viên lu mờ lí tưởng
Đảng, thậm chí chống phá Đảng nhưng vẫn giữ rịt chiếc thẻ để đến mức Đảng
phải khai trừ họ. Đó chính là biểu hiện đặc trưng của kẻ cơ hội chính trị.
Rất may những suy thoái, diễn biến,
chuyển hóa đó chưa đủ sức làm băng hoại nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Nhân
dân vẫn tin vào Đảng như sự trường tồn của mùa Xuân bởi cuộc sống tươi đẹp đã
và đang như ánh bình minh tỏa nắng!/.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 30 tháng 01 năm 2020
|
Thứ Năm, 16 tháng 1, 2020
Ngư
dân thời 4.0
Tôi còn nhớ
câu chuyện không vui của một anh bạn làm lái xe cho thủ trưởng.
Dịp ấy do
đưa thủ trưởng đi công tác gần quê, trên đường về anh đã mời thủ trưởng ghé
thăm “để biết nhà biết cửa cửa”. Vốn quý anh lái xe thật thà, cần mẫn nên vị
thủ trưởng vui lòng ghé thăm và dùng bữa cơm cùng vợ con anh.
Cảnh quê
thời bao cấp nghèo khó, chẳng sẵn mọi thứ như bây giờ nên có khách quý đến
chơi, vợ anh lái xe khá lúng túng khi sửa soạn mâm cơm khách. Thật may thấy anh
hàng xóm đi ngang cổng ôm một con gà mái tơ, vợ anh đã nài nỉ mua và được anh
ta để lại. Vậy là vợ chồng đã có được bữa cơm không quá đạm bạc để thết đãi
thủ trưởng.
Khi chủ
khách đang ăn cơm bỗng thấy một bà (cũng là hàng xóm) dáo dác tìm con gà mái
chưa thấy về chuồng. Vừa lùng tìm bà vừa oang oang: “Giờ này mà gà chưa về
thì chắc là bị đứa nào bắt trộm thịt mất rồi”!
Đang ngồi
ăn cơm vui vẻ nghe thấy mấy câu nói của bà hàng xóm khiến cả chủ và khách chững
lại, sượng sùng. Bữa ăn nhanh chóng kết thúc trong sự lặng im của mọi người…
Tiêu thụ
hàng không rõ nguồn gốc nay đã được liệt vào hành vi phạm tội. Tuy nhiên,
nhiều khi người tiêu dùng quên đi việc đó, chẳng hạn như mua hải sản của
những ngư dân đánh bắt bất hợp pháp tại các vùng biển của nước khác cũng
giống tiêu thụ hàng ăn trộm. Có lẽ châu Âu họ văn minh hơn ta nên thường xử
rất nặng với hàng hóa không rõ nguồn gốc, gian lận hoặc hàng hóa sản xuất hủy
hoại môi trường, bóc lột sức lao động trẻ em v.v.
Xưa nay ngư
dân của ta và một số nước trong khu vực khá coi nhẹ hành vi đánh bắt cá tại
vùng biển nước khác. Cơ quan quản lí cũng chưa có giải pháp quyết liệt ngăn
chặn tình trạng này. Chỉ tới khi châu Âu ra quyết định áp thẻ vàng với hải
sản xuất khẩu của Việt Nam thì cả ngư dân và cơ quan quản lí mới như giật
mình, bừng tỉnh. Sau đợt kiểm tra của Đoàn kiểm tra EC vừa qua, một lãnh đạo
Tổng Cục thủy sản đã khuyến nghị rằng chừng nào còn một tàu cá đánh bắt bất
hợp pháp, vi phạm thì EC sẽ không rút thẻ vàng.
Tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Quảng Nam
Châu Âu là
một trong 3 thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam với thị phần
chiếm 25,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Khi bị cảnh báo thẻ vàng, sản phẩm thủy
sản từ khai thác của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường châu Âu bị kiểm tra toàn
bộ lô hàng. Trường hợp bị áp dụng biện pháp thẻ đỏ, tất cả sản phẩm thủy sản
từ khai thác của ta sẽ bị cấm xuất khẩu vào EU. Khi đó thực sự là “tai họa”
lớn giáng xuống ngư dân và thiệt hại cho nhiều doanh nghiệp!
Thế giới đã
bước sang thời công nghệ 4.0, mọi hoạt động dù trên biển khơi bao la nhưng hành
vi vi phạm chủ quyền kinh tế nước khác rất khó che giấu. Tuy nhiên, công nghệ
cũng là công cụ để cơ quan quản lí và cả ngư dân biết rằng chúng ta có vi
phạm luật pháp quốc tế hay không. Ngư dân cũng cần nhận thức được việc làm
này là nhằm bảo vệ “miếng cơm manh sáo” của chính mình./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo
Người cao tuổi
|
Thứ Tư, 15 tháng 1, 2020
Trục lợi
hình ảnh
Tôi từng biết một người rất thích sưu
tập ảnh chụp chung với lãnh đạo hay người nổi tiếng. Trong nhà ông treo la
liệt không phải là bằng, giấy khen mà toàn là ảnh lãnh đạo, có cả một vài tấm
ảnh lãnh đạo cấp thứ trưởng, bộ trưởng, đại tướng… Ai cũng biết mục đích việc
làm này là để ông ta khoe với họ hàng, dân làng, khách đến chơi. Không ít
người nghĩ rằng ông có quan hệ với những người tầm cỡ, thậm chí như người
dưới quyền, dù thực ra ông chỉ là chân trợ lí làng nhàng, năng lực không có
gì nổi bật…
Dựa dẫm
vào hình ảnh của người khác đôi khi cũng vô hại. Thế nhưng nay chuyện dựa
hình ảnh nổi tiếng đã gây ra hệ quả thậm chí gây bức xúc dư luận.
Vừa qua
Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) tổ chức lễ trao thưởng từ các doanh nghiệp
cho Đội tuyển bóng đá nữ quốc gia, trong số đó có Công ty cổ phần tập đoàn
hóa chất Đ.G (doanh nghiệp một thời nổi tiếng với các sản phẩm bột giặt, hóa
chất nay như đi vào quá vãng). Trong khi các doanh nghiệp đã nhanh chóng
chuyển hàng tỉ đồng để động viên đội tuyển như cam kết thì thật bất ngờ Công
ty Đ.G nói trên lại yêu cầu phải cung cấp danh sách chia thưởng cụ thể từng
người. Lãnh đạo công ty còn trả lời báo chí: “Tôi là người cho tiền, tôi có
quyền quyết định. Tôi đề nghị công khai, anh Chung bao nhiêu, các VĐV bao
nhiêu… Tôi là người bỏ tiền ra, tôi có quyền yêu cầu, thế thôi. Còn muốn báo
nào đăng thì đăng. Đ.G không phải thiếu gì 500 triệu đấy, thế thôi”!
HLV
Mai Đức Chung nâng biển trao thưởng sẽ không nghĩ đây chỉ là một vụ "cho tiền". Ảnh: TN
Vậy là
rõ, Công ty Đ.G định cho tiền chứ không phải là tặng thưởng! Dân ta chỉ quý
đồng tiền thưởng (vì bằng cả trăm tiền công) chứ không hẳn quý kẻ cho tiền,
bố thí. Vị thế của những người hùng SEA Games 30 sao phải ngửa tay xin tiền,
dù có là hàng tỉ chứ không chỉ là mấy trăm triệu đồng.
Nạn lợi
dụng sự kiện lớn hoặc người nổi tiếng để đánh bóng thương hiệu, tranh thủ
quảng cáo đã diễn ra lâu nay nhưng vì chưa có quy chế, quy định cụ thể nên đã
bị lợi dụng. Khi đội tuyển nam U23 mang vinh quang về từ Thường Châu đầu năm
2018 đã có tình trạng này, bị dư luận phản ứng những tưởng đã hết, vậy mà sự
việc tái diễn. Những phát ngôn của vị lãnh đạo Công ty Đ.G là sự xúc phạm lớn
với một tập thể và những cá nhân đã nỗ lực đổ mồ hôi và cả máu để mang vinh
quang về cho Tổ quốc.
Niềm
vinh quang của đội bóng đá nữ Việt Nam đem lại không chỉ là tấm HC Vàng SEA
Games. Ảnh TN
Thiết
nghĩ, cơ quan quản lí về văn hóa cần có cách tiếp nhận sự hảo tâm, tài trợ
một cách chặt chẽ, phù hợp hơn để ngăn chăn sự trục lợi. Ví như chỉ công bố
danh tính sau khi Ban tổ chức đã nhận được tiền vào tài khoản. Nếu cần công
bố sớm thì chỉ nêu số tiền để động viên người được thưởng, không nên nêu danh
tính.
Với cách
làm hiện nay, bất kì ai cũng có thể nhảy lên bục vinh danh mang theo tấm bìa
carton ghi những con số nhiều tỉ đồng rồi hô to rằng mình tài trợ, tặng
thưởng... Những sự kiện thu hút hàng triệu khán giả, người hâm mộ cả nước vô
hình trung đã giúp kẻ thiếu thiện tâm quảng cáo thương hiệu, đánh bóng tên
tuổi không tốn một xu!/.
Đinh
Hoàng
Bài bình luận đăng Báo
Người cao tuổi ngày 16/1/2020
|
Thứ Ba, 7 tháng 1, 2020
“Thẻ đi nhanh”
Vừa ra đầu phố tôi gặp ông Hoạt mặt đỏ
phừng phừng khật khưỡng đi về nhà. Đoán chừng ông vừa đi giao lưu bia bọt với
mấy bạn tổ hưu trí, tôi đùa:
- Hôm nay bác Hoạt được mấy vại mà tưng
bừng thế?
- Chẳng nhớ nữa, mà bia khuyến mại, quan
tâm làm gì uống bao nhiêu cốc! À mà ông không làm thẻ câu lạc bộ bia hơi à?
Hay vợ cấm không cho tham gia? - Ông Hoạt nói giọng lè nhè hơi men. Đoán
chừng ông đã ngấm say, tôi trả lời qua quýt rồi bước đi.
Sống gần Nhà máy bia Hà Nội tôi biết từ
mấy năm trước về chương trình làm thẻ CLB cho các cựu chiến binh có nhu cầu
và “yêu mến” hương vị của bia hơi Hà thành. Chỉ cần có tấm thẻ hội viên cựu
chiến binh là sẽ làm được thẻ hội viên bia hơi với “quyền lợi” là được uống
bia khuyến mại vào cuối tuần, cuối tháng và cuối năm còn được dự lễ hội bia
rất lớn ở sân Quần Ngựa.
Lễ ra mắt một CLB bia Hà Nội
Hồi mới có chương trình này mấy ông ở tổ
hưu khu phố chúng tôi đã bàn tán, đùa vui với nhau rằng thẻ hội viên bia hơi
với người tuổi đã cao chẳng khác nào “tấm thẻ đi nhanh” tới ga Văn Điển! Có
ông còn tếu táo cho rằng hình như tay nào đó bên bảo hiểm xã hội đã “móc” với
công ty bia để “hai bên cùng có lợi”. Nói như vậy bởi tuyên truyền, thu hút
được nhiều hội viên bia hơi, tạo được phong trào uống bia rầm rộ sẽ giúp công
ty bia tăng được lượng hàng tiêu thụ. Còn bên bảo hiểm xã hội đang lo vỡ quỹ,
nhất là khi tuổi thọ người nghỉ hưu ngày càng cao, do vậy uống nhiều bia rượu
là một tác nhân làm suy giảm tuổi thọ, rút ngắn thời gian hưởng lương bảo
hiểm xã hội!
Dù là chuyện nửa đùa nửa thật nhưng nói
cái thẻ hội viên bia hơi như cái “thẻ đi nhanh” không hẳn đã sai!/.
Đinh
Hoàng
Bài trong mục chuyện làng phố, Báo Người cao tuổi |
Nghỉ
hưu sống bằng đồng tiền năm nào?
Hỏi như thế có người sẽ nghĩ chỉ là đùa vui vì ai chẳng biết hưu
hay chưa đều sống bằng đồng tiền thời hiện tại với mức lương cao nhất 75% của
khi đang làm việc. Nghỉ hưu sớm thì mức lương thấp do số năm đóng bảo hiểm xã
hội (BHXH) ít.
Cách tính lương hưu những năm qua lấy bình quân 60 tháng (5 năm)
cuối cùng trước khi nghỉ rồi nhân tỉ lệ, cao nhất là 75%. Tuy nhiên, từ năm
2020 trở đi cách tích lương hưu sẽ có thay đổi theo lộ trình, mức lương là tỉ
lệ % của bình quân thu nhập của số tháng đóng bảo hiểm. Tuy nhiên, lấy bình
quân 5 năm, 18 năm hay cả quá trình… đều có sự bất cập nếu không xử lí linh
hoạt giữa đồng tiền và đồng lương!
Lương hưu thực chất là đồng tiền người đóng BHXH tích cóp được
trong quá trình làm việc. Lấy bình quân của cả quá trình đó để hưởng, về
nguyên tắc là chính xác. Một người thợ khi lương bậc 1 đóng BHXH số tiền khác
với khi họ đã lên bậc 7. Lương hưu không thể lấy bình quân của bậc 7 cho toàn
bộ thời gian đóng BHXH nếu 5 năm cuối ở bậc này.
Còn nhớ cách đây hơn 30 năm, cuối những năm 80 thế kỉ trước, lúc
ấy lương tối thiểu 220 đồng, lương thợ bậc 7 có hệ số cao nhất là 1,45 nên tờ
500 đồng (mệnh giá rất lớn khi ấy) cao hơn cả tháng lương. Nay thì tờ 500
đồng đã biến mất khỏi các cuộc giao dịch mua bán hằng ngày, có chăng chỉ thấy
người ta dùng cúng viếng thần linh thay tiền âm phủ.
Tờ 500 đồng có mệnh giá lớn năm 1989 đã biến mất khỏi các cuộc giao dịch mua bán hiện nay
Giá trị đồng tiền trong nền kinh tế luôn biến động theo chiều
hướng giảm dần. Nếu lạm phát 10% trong 10 năm thì giá trị đồng tiền chỉ còn
½. Nước ta từng có thời kì lạm phát 3 con số. Do vậy, chính sách tiền lương
cũng luôn được điều chỉnh tăng lên để bảo đảm an sinh xã hội.
Cùng xóm phố nơi tôi sống có gia đình hai vợ chồng là nhân viên,
công nhân nghỉ hưu, lương cả hai cộng vào mỗi tháng cũng chỉ chừng hơn 5
triệu đồng nên chi tiêu khá chật vật, nhất là vào các mùa nhiều đám xá, hiếu
hỉ…
Không tính số cán bộ, công chức cao cấp trở lên hay sĩ quan quân
đội, công an có mức lương hưu tương đối cao, còn đa số công nhân, nhân viên,
viên chức bình thường có mức lương khá “khiêm tốn”, nếu sống tại đô thị thì
việc chi tiêu phải rất tằn tiện. Phải chăng do quỹ BHXH có nguy cơ thiếu hụt
nên người ta tính đến giải pháp hạ bớt mức lương hưu?
Trở lại câu chuyện đồng tiền hơn ba chục năm trước, với mức lương
mấy trăm đồng, nếu đóng BHXH 21,5% (chỉ khoảng năm, sáu mươi đồng) nhưng mỗi
năm cũng là “để dành” chừng 2,5 tháng lương cho tương lai. Vậy 2,5 tháng
lương (mấy trăm đồng) năm ấy nay ra chợ có mua được mớ rau? Cách tính bình
quân đơn thuần số tháng của toàn bộ quá trình đóng BHXH chẳng khác nào “triệt
tiêu” giá trị đồng tiền người lao động đã tích cóp trong quá khứ.
Người nghỉ hưu sống bằng đồng tiền hiện tại chứ không phải của 30 năm trước
Trong lịch sử, do sự biến động của tiền giấy, có giai đoạn người
ta sử dụng định chế đồng tiền bản vị vàng, tức là lấy vàng làm thước đo giá
trị. Nay không còn nước nào sử dụng định chế này nhưng do đồng tiền biến
động, khi vận dụng chính sách họ có tính đến giá trị tương đương. Ví như tính
bình quân lương người thợ từ bậc 1 đến bậc 7 khi nghỉ hưu phải lấy mức lương
bậc 1, bậc 2… của người thợ hiện tại chứ không thể lấy mức lương bậc 1, 2 của
18, 20 hay 30 năm trước.
Nhà nước ta đang chủ trương khuyến khích người dân tham gia BHXH
tự nguyện khi không làm việc trong tổ chức, doanh nghiệp. Nếu biết rằng đưa
số tiền mấy tháng lương mỗi năm cho BHXH giữ hộ y hệt đút vào hũ chôn xuống
đất, mấy chục năm sau đào lên nó còn giá trị tựa vài tờ tiền âm phủ thì ai
dám tham gia?/.
Đinh
Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 7 tháng
01 năm 2020
|
Thứ Năm, 2 tháng 1, 2020
Những
“con đường dài” ngành giao thông
Ngành giao thông đang có những “con đường dài” cả theo nghĩa đen
và nghĩa bóng.
Đó là tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã “dài thêm” sang năm
2020; là tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân “đắp chiếu”
đã 15 năm chưa rõ ngày “mở chiếu”; là “đường dài” một văn bản pháp quy mang
tên sửa đổi Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng
xe ô tô với hơn chục lần sửa đổi vẫn đang nằm trên bàn nghị sự, chưa rõ ngày
“lưu thông”.
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông dự kiến khai
thác thương mại trong năm 2019 nhưng lại lỡ hẹn.
Tuyến đường sắt trên cao giữa Thủ đô như đã “thách thức” dư luận
quá đủ đến mức khi có những thông tin mới cũng chẳng mấy người quan tâm. Gần
đây nhất, sau khi chạy thử đoàn tàu được 5 ngày, Ban quản lí dự án đường sắt
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã phải yêu cầu tạm dừng do tổng thầu chưa đáp
ứng được các điều kiện cần thiết. Và khi tuyến đường này được vận hành,
chuyện kinh doanh đủ chi phí, nuôi được bộ máy, có lãi để trả nợ vay sẽ là
câu chuyện dài mà dư luận còn bàn tới.
Tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân được khởi
công từ năm 2004. Với chừng 4.000 tỉ đồng chi phí đầu tư, hình hài con đường
đã “thấp thoáng”. Thật không may, đầu năm 2011 thực hiện nghị quyết của Chính
phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế
vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, dự án phải tạm dừng. Vừa qua, trả lời cử tri,
Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết: “Bộ đã triển khai rà soát, đánh giá tổng thể cho
thấy dự án sẽ không phát huy được hiệu quả nguồn vốn đã được đầu tư và tiếp
tục có những thiệt hại nhất định…”. Được biết, dự án này cần tới 6.000 tỉ nữa
trong khi chưa thể bố trí được nguồn vốn, Bộ GTVT đề xuất xã hội hóa những
hạng mục còn lại! Liệu có ai dám mạo hiểm đầu tư một dự án “sẽ không phát huy
được hiệu quả”?
Đường sắt Yên Viên - Cái Lân đã đắp chiếu 15 năm vẫn chưa thể triển khai tiếp
Nhớ chuyện gần đây Bộ này đề xuất xây dựng tuyến đường sắt mới
Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng với tổng vốn khoảng 100 nghìn tỉ mà “lạnh sống
lưng”! Nếu được triển khai liệu nó có chiều dài thời gian bằng dự án đang đắp
chiếu 15 năm? Có vẻ mỗi khi đề xuất một dự án lớn người ta không cần tính
toán khả năng đáp ứng nguồn vốn, hiệu quả kinh tế mà đó là chuyện của… “kì
sau”!
Cách đây hơn 3 năm, Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 86/2014 về
điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô được Bộ GTVT soạn thảo bản sửa đổi
nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo luận lợi cho doanh nghiệp. Đến nay đã là
lần soạn thảo thứ 12 nhưng văn bản vẫn chưa được ban hành. Nổi cộm là vấn đề
định danh, quản lí các hình thức kinh doanh vận tải mới trên nền tảng công
nghệ. Doanh nghiệp vào thử nghiệm mấy năm, kiếm “bộn tiền” rồi “bán cái” rút
đi mà văn bản pháp luật quản lí vẫn đang… soạn thảo. “Chặng đường” từ bàn
giấy ra cuộc sống của một văn bản xem ra chẳng kém những dự án “đắp chiếu”!
Không biết “tác giả” bản quyền của những “tác phẩm đường dài”
trên là ai? Liệu họ có được xử lí trách nhiệm vì những thiệt hại đã gây ra?
Đây là những vấn đề dư luận quan tâm mong có câu trả lời thỏa đáng./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 02 tháng
01 năm 2020
|
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)