|
Thứ Năm, 27 tháng 2, 2020
Thứ Ba, 25 tháng 2, 2020
Đường
làng ra cao tốc
Sự phát triển nhanh
chóng của hệ thống giao thông cả nước tạo thuận lợi cho lưu thông và phát
triển kinh tế. Tuy nhiên, tư duy giao thông đường làng vẫn tồn tại ở không ít
người khi ra tham gia lưu hành trên những tuyến đường to đẹp, kể cả đường cao
tốc. Nhiều vụ do người tham gia giao thông tùy tiện như đường làng, bất chấp
pháp luật đã gây ra tai nạn nghiêm trọng, thiệt hại về tài sản và tính mạng.
Đó là câu chuyện giao
thông. Trong lĩnh vực kinh tế cũng có câu chuyện tương tự.
Hiệp định thương mại
tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư
(IPA) vừa được Nghị viện châu Âu (EP) bỏ phiếu phê chuẩn khả năng sẽ có hiệu
lực ngay từ tháng 7/2020. Hai Hiệp định này từng được Thủ tướng Chính phủ
Nguyễn Xuân Phúc ví như “hai tuyến cao tốc quy mô lớn, hiện đại nối gần hơn
EU và Việt Nam”.
Tuyến “cao tốc” này là
cơ hội tuyệt vời để “cỗ xe” kinh tế Việt Nam tăng tốc. Tuy nhiên, bên cạnh cơ
hội là những thách thức không nhỏ, khi mà quy mô, trình độ và kĩ thuật “cỗ
xe” kinh tế của ta cách châu Âu… hàng trăm năm! Nền kinh tế và thị trường
châu Âu ở trình độ hàng đầu thế giới với hệ thống luật pháp, quy chuẩn, tiêu
chuẩn vô cùng khắt khe, chặt chẽ và văn minh. Phát triển xanh, bền vững và
nhân văn đang là những tiêu chí hàng đầu của nền sản xuất và tiêu dùng châu
Âu, trong khi đây lại là điểm yếu của doanh nghiệp Việt. Hàng hóa thâm nhập
thị trường này không đơn giản anh làm ra cái gì, có loại hàng nào mà phải trả
lời câu hỏi là nó được làm ra như thế nào. Chất lượng sản phẩm, an toàn (cho
cả người dùng và môi trường), xuất xứ nguyên liệu, điều kiện lao động làm ra
sản phẩm… đều phải minh bạch, có thể kiểm chứng.
Ti vi của
Asanzo nhập linh kiện Trung Quốc
về lắp ráp dán nhãn Mad in Vietnam
Dù đã qua hàng chục
năm công nghiệp hóa nhưng tư duy kinh doanh của không ít chủ doanh nghiệp
Việt vẫn như thời đầu của kinh tế tư bản. Hiện tượng kinh doanh chụp giật,
dựa dẫm vào tài nguyên sẵn có, chỉ nhìn thấy lợi nhuận, không quan tâm bảo vệ
môi trường sống diễn ra không ít…
Những vụ việc như hãng
Khaisil, Asanzo, SEVEN.am hay vụ hàng triệu tấn tôn Trung Quốc của Công ty TNHH
Nhôm Toàn Cầu VN nhập nhèm nguồn gốc xuất xứ Việt Nam là điển hình của cách
kinh doanh bất chấp pháp luật và khó có thể thể tiếp cận thị trường châu Âu.
Để “nhập làn” tuyến
cao tốc kinh tế được an toàn, hiệu quả sẽ còn không ít việc cần làm với nhà
quản lí và doanh nghiệp. Cơ quan quản lí cần khẩn trương hoàn thiện để hệ
thống pháp luật đồng bộ, tương thích, đáp ứng yêu cầu của đối tác và nhanh
chóng hỗ trợ doanh nghiệp, đưa hiệp định vào cuộc sống. Còn doanh nghiệp cần
nhanh chóng nắm bắt không chỉ tiềm năng, nhu cầu thị trường mà trước tiên là
nhận thức, hiểu biết những điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn, của hiệp định,
pháp luật của EU cũng như 27 nước thành viên. Có như vậy “cỗ xe” kinh tế mới
tránh được những “tai nạn” không đáng có khi tham gia “lưu thông”./.
Đinh
Hoàng
Bài bình luận đăng Báo
Người cao tuổi tháng 02 năm 2020
|
Thứ Hai, 24 tháng 2, 2020
Mong kê khai tài sản không còn là hình thức
Việc
kê khai tài sản, kiểm soát thu nhập là biện pháp phòng ngừa tham nhũng rất
quan trọng đã được Nhà nước ta thực hiện với cán bộ, công chức từ năm 1998.
Tuy nhiên, sau hơn 20 năm thực hiện chủ trương lớn này cho thấy hiệu quả chưa
được như kì vọng.
Không
kể nơi đô thị, tại không ít làng quê mọc lên những công trình quá hoành tráng
của người có chức vụ, quyền hạn cao nay đã nghỉ. Những công trình kiến trúc
đẹp, trị giá nhiều tỉ đồng ai cũng biết nếu bằng thu nhập từ lương khó có thể
làm được. Liệu những người đó đã trung thực kê khai tài sản, thu nhập khi còn
công tác?
Ảnh minh họa.
Cách
đây hơn 1 năm Chủ tịch UBND TP Hà
Nội có một bản báo cáo kết quả công tác phòng, chống tham nhũng tại kì họp
thứ 7 HĐND thành phố đưa ra con số: kiểm tra gần 650 cơ quan, tổ chức, đơn vị
về việc thực hiện quy định công khai, minh bạch trong hoạt động, trong hơn
34.340 người phải kê khai tài sản, thu nhập chỉ có 1 người không kê khai
trung thực! Con số này đã khiến dư luận xôn xao, nếu đó là sự thật thì quá “tuyệt
vời”, song nhiều người lại cho đây như một chuyện hài hước!
Tại
một báo cáo của Thanh tra Chính phủ năm 2018 trước Ủy ban Tư pháp của Quốc
hội, trong tổng số hơn 1,1 triệu người đã kê khai, kết quả xác minh chỉ với
44 trường hợp đã phát hiện 6 trường hợp vi phạm, chiếm tỉ lệ 13,6%, một con
số không nhỏ.
Hiện Thanh tra Chính
phủ đang công bố dự thảo nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người
có chức vụ, quyền hạn để lấy ý kiến. Bản dự thảo đã bổ sung cụ thể hơn danh
mục 10 loại tài sản cần kê khai cùng nhiều biện pháp kiểm soát. Đáng chú ý là
mục công khai bản kê khai đã yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị
niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người có nghĩa vụ
kê khai thường xuyên làm việc trong 30 ngày.
Cổng chính công trình trái phép của một cán bộ Công.an huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Ảnh Dân trí
Trong nhiều vụ tham
nhũng, tiêu cực được phát hiện những năm qua rất hiếm khi được phát hiện từ
nội bộ cơ quan, tổ chức. Hầu hết vụ việc do khiếu kiện, phát giác của người
dân và báo chí… rồi cơ quan chức năng mới vào cuộc. Tại các cơ quan, tổ chức
có người đứng đầu vi phạm, tham nhũng bị phát hiện hầu hết không phải do đấu
tranh tự phê bình, phê bình của chi bộ, cấp ủy đảng... Vậy thì việc niêm yết
công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại trụ sở cơ quan, đơn vị (tuy đã mở
rộng hơn trước) liệu có phát huy tốt nhất tác dụng?
Đảng ta chủ trương
“dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”, nếu việc công khai chỉ bó hẹp trong thành
phần “dân nội bộ” liệu có lặp lại tính hình thức lâu nay? Người trong cùng cơ
quan, đơn vị, về quyền lợi kinh tế, sinh mệnh chính trị của họ luôn có thể bị
chi phối bởi người đứng đầu.
Do vậy, việc công
khai bản kê khai tài sản, thu nhập cần thực hiện cả ở nơi người phải kê khai
cư trú, sinh sống. Cán bộ, công chức và vợ, con, gia đình sinh hoạt hằng ngày
tại cộng đồng dân cư rất khó che dấu nhiều chuyện, kể cả thu nhập, tài sản./.
Đinh
Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 25 tháng 02 năm
2020
|
Thứ Tư, 19 tháng 2, 2020
|
Thứ Năm, 13 tháng 2, 2020
Luật
pháp là văn minh
Khi xã hội con người phát triển lên một
tầm mức nhất định mới hình thành được luật pháp, từ sơ khai, đơn giản đến
ngày càng hoàn thiện. Luật pháp phát triển thể hiện nền văn minh của con
người.
Chính vì lẽ đó, khi xây dựng luật pháp,
mọi quốc gia đều hướng tới một nền pháp quyền nhân văn, công bằng cho mọi cá
nhân, tổ chức, cộng đồng. Các chế tài bảo đảm cho thực thi luật pháp cũng
theo xu hướng đó để cá nhân, tổ chức tâm phục khẩu phục khi thực thi.
Mấy năm trước từng xảy ra chuyện cán bộ ở
một số xã dùng chế tài xử phạt vi phạm hành chính đã lạm quyền, không thuyết
phục bị dư luận lên án. Có một vài hộ dân không thực hiện quy định nào đó
(nhất là việc đóng góp các quỹ), cán bộ xã đã tùy tiện nhận xét vào hồ sơ lí
lịch của thành viên trong gia đình khi tới xác nhận là “gia đình không chấp
hành chủ trương chính sách của địa phương”. Đây thực sự là một hành vi “cưỡng
chế” cho một sai phạm khác và có thể coi là xử “không đúng người, đúng tội”.
Bản sơ yếu
lý lịch có bút phê tùy tiện của cán bộ một xã ở Thanh Hóa
Những tưởng cán bộ cấp xã mới có nhận
thức và hành xử vô lí như vậy, nhưng không.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều
của Luật Xử lí vi phạm hành chính do Bộ Tư pháp tham mưu cho Chính phủ trình
lấy ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nội dung bổ sung biện pháp cưỡng
chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính “ngừng cung cấp các dịch
vụ điện, nước”.
Có thể hiểu, nếu cá nhân, tổ chức có bất
kì vi phạm gì (không liên quan đến dịch vụ cung cấp điện nước) cũng có thể
bị… cắt! Ví như không đóng hay đóng chậm một trong nhiều loại quỹ của phường
xã; con em vi phạm hành chính nội dung gì đó ngoài xã hội; doanh nghiệp chậm
đóng thuế, bảo hiểm… tất thảy có thể bị cắt điện hay cắt nước! Vậy là “hai
anh” điện, nước bỗng dưng như bị vạ lây, doanh nghiệp trở thành công cụ cho
những việc quản lí khác chẳng “họ hàng hang hốc” gì với mình.
Ta biết dịch vụ điện, nước là hai thứ
thiết yếu nhất, không thể thiếu trong đời sống hằng ngày. Người dân sử dụng
các dịch vụ này có quyền lợi và nghĩa vụ được quy định cụ thể trong một bản
hợp đồng dân sự, thậm chí với điện thì còn có Luật Điện lực. Khi người dân
không vi phạm điều gì trong hợp đồng thì họ đương nhiên được hưởng dịch vụ đó
và được pháp luật bảo vệ (cụ thể trong Điều 46 và 47 của Luật Điện lực năm
2004 quy định về quyền, nghĩa vụ của khách hàng). Nay nếu sửa luật theo đúng
đề xuất trên của cơ quan chức năng thì sẽ dẫn tới tình trạng “luật đá luật”
và chẳng khác nào đề ra một điều luật “lấy việc này để xử tội kia”.
Trong quản lí nhà nước rất cần có những
điều luật và chế tài cứng rắn, nghiêm minh và hệ thống luật pháp được xây
dựng đầy đủ, hoàn thiện. Tuy nhiên, mọi điều luật khi được xây dựng cần hướng
tới sự văn minh, nhân văn và công bằng, không thể áp đặt, tùy tiện. Có như
vậy chủ thể vi phạm mới “tâm phục, khẩu phục” khi bị xử lí./.
Đinh
Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi tháng 02 năm
2020
|
Thứ Ba, 11 tháng 2, 2020
Hâm
mộ… chiến thắng!
Có lẽ cho đến nay chưa thấy HLV bóng đá
nào của châu lục duy trì được chuỗi bất bại 27 trận đấu như HLV Park Hang Seo
trong suốt 2 năm cầm quân cho các đội tuyển quốc gia Việt Nam.
Ông đã có công lớn kéo hàng triệu người
hâm mộ trở lại, quan tâm tới nền bóng đá nước nhà sau nhiều năm thờ ơ vì các
đội tuyển mờ nhạt thành tích. Ông mang tới niềm tự hào, động lực cho hàng
triệu con tim để từ đó lan tỏa, tạo nên sức mạnh dân tộc trong dựng xây đất
nước. Rõ ràng bóng đá không đơn thuần chỉ là bóng đá, nó còn cao đẹp hơn thế.
HLV Park Hang Seo mang đến năng lượng mới cho đội tuyển nam VN
Có lẽ thời gian vui mừng, hạnh phúc suốt
2 năm liền đã khiến một số người hâm mộ như uống phải liều thuốc “nghiện
chiến thắng” nên tới nay không thể “nuốt được” liều thuốc mang tên “thất bại”!
Trận U23 Việt Nam thua U23 Triều Tiên tại
vòng bảng U23 châu Á 2020 khiến nhiều người không chấp nhận nổi, dù biết khi
bước vào giải này ông Park đã không thể có đội hình mong muốn. Chỉ chưa thành
công tại một giải trẻ châu lục sau hàng loạt thành tựu mà đã có những phê
phán, mổ xẻ, thậm chí còn có ý kiến cho rằng HLV Park nên rời ghế nóng! Đây
là sự không công bằng, thậm chí là thái độ vô ơn với một HLV đã hết mình vì bóng
đá Việt Nam.
Trước một số ý kiến phê phán nặng nề, HLV
Park đã phải cay đắng thốt lên rằng “cổ động viên yêu bóng đá, nhưng là yêu
chiến thắng”!
Cần biết rằng cả những “gã khổng lồ” bóng
đá thế giới như Real Madrid, Barcelona, Arsenal, Liverpool… cũng không tránh
khỏi những thất bại nặng nề huống chi với chúng ta, một nền bóng đá chưa nổi
bật trong một khu vực “trũng” của bóng đá thế giới. Người ta cố quên rằng
chính tại giải U23 châu Á lần này, các đội mạnh như Iran, Irắc, Nhật Bản…
cũng bị loại từ vòng bảng.
Đội bóng đá U22 Việt Nam ăn mừng vô địch SEA Games 30
Nhiều người, cả chuyên gia bóng đá cũng
cho rằng, nếu đội tuyển Việt Nam của ông Park Hang Seo cứ thắng mãi hoặc
không thua trận nào, đó mới là sự bất thường, còn thua là điều bình thường
trong bóng đá. Nếu các đội tuyển nước khác cứ mãi thua hoặc hòa khi gặp Việt
Nam trong khi đội tuyển của ta chưa thật hoàn hảo, đó mới là điều đáng suy
nghĩ. Bởi vì như vậy nó chỉ chứng minh rằng nền bóng đá châu lục sa sút mà
thôi.
Điều mà HLV Park Hang Seo đã làm được là
quá phi thường và khó ai có thể lặp lại khi cầm quân cho đội tuyển một quốc
gia. Người hâm mộ Việt Nam cần trân trọng, ghi nhận công lao đóng góp của ông
Park với lịch sử bóng đá nước nhà dù sau này các đội tuyển do ông cầm quân có
thể chịu thêm những thất bại.
Người hâm mộ chân chính phải biết chia
sẻ, ủng hộ đội tuyển mình lựa chọn, đồng hành cả khi họ thành công và thất
bại chứ không chỉ hâm mộ, tung hô khi họ chiến thắng. Ai không làm được điều
đó, chính họ là những người thất bại vì sự hâm mộ!/.
Đinh
Hoàng
Bài bình luận đăng Báo
Người cao tuổi ngày 12 tháng 02 năm 2020
|
Thứ Hai, 10 tháng 2, 2020
Không thể mở rộng… thua lỗ
Cách nửa vòng trái đất mà họ liên tục mở rộng đầu tư vào
Việt Nam. Đầu tư hoài vẫn lỗ, sau 20 năm, đến 2015 mới “có lãi chút đỉnh”. Nhiều
cái nhìn lạ lùng, ngờ vực: “Chẳng nhẽ doanh nghiệp này sống bằng không khí và
nước lã!?”. Chắc chủ doanh nghiệp phải yêu Việt Nam lắm lắm nên cứ mải miết
rót tiền vào đầu tư cốt chỉ để tạo công ăn việc làm và mang đến một thứ đồ
uống lạ cho dân Việt... Họ là Coca-Cola Việt Nam!
Gần đây, khi Tổng Cục Thuế công bố Coca-Cola Việt Nam bị
truy thu và phạt hơn 821 tỉ đồng tiền thuế thì mọi người mới “ngã ngửa”. Hoá
ra không phải họ tốt quá mà ta đã “quá tốt” với họ hàng chục năm ròng!
Nhà máy của Coca-Cola Việt Nam
Từ lâu ngành thuế có câu khẩu hiệu “nộp thuế là yêu nước”.
Tuy nhiên đó là với người Việt, người nước ngoài đến đây trước tiên là tìm
lợi nhuận, không ai có thể bắt họ phải yêu nước ta. Nhưng nếu kinh tế nước
chủ nhà tăng trưởng tốt thì họ cũng sẽ có lợi lâu bền trong kinh doanh, chắc
các doanh nghiệp FDI cũng hiểu điều đó.
Một điểm yếu của cơ quan quản lí thuế của ta là chưa nắm
hết được các công đoạn đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp FDI, nhất
là chi phí đầu vào. Chỉ cần một vài nguyên liệu, công nghệ phải nhập từ nước
ngoài ta chưa rõ giá cả, chi phí là không thể biết họ kinh doanh lãi hay lỗ.
Khi lỗ triền miên, lẽ thường với mọi doanh nghiệp đều đau đầu, “méo mặt”!
Nhưng đây thì không, họ vẫn “hồ hởi” tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh như
nhằm mục tiêu… lỗ nhiều hơn nữa! Điều bất thường ấy chắc chắn ngành thuế phải
biết. Và dư luận không khỏi nghi ngờ cả cơ quan quản lí khi điều bất thường
này cứ kéo dài.
Phải đến năm 2017, ngành thuế mới tham mưu để Chính phủ
ban hành Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lí thuế đối với doanh
nghiệp có giao dịch liên kết, góp phần bịt bớt “lỗ hổng” chính sách sau nhiều
năm bị doanh nghiệp FDI lợi dụng. Tiếc rằng nghị định này cũng chưa thật hoàn
hảo, đã đánh đồng nhiều doanh nghiệp nội có quan hệ “mẹ con” giống như FDI
khiến một vài công ty lớn của ta cũng lao đao.
Formosa từng gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường biển
Một thời gian dài Việt Nam thu hút đầu tư bằng mọi giá, ưu
đãi về thuế là điểm hấp dẫn nhất cùng với nguồn nhân công giá rẻ. Đến nay ta
đã nhận ra cần nâng cao tiêu chí thu hút đầu tư nhằm có được những công nghệ
hiện đại, hạn chế gây hại môi trường sống đồng thời quan tâm hơn tới quyền
lợi của người lao động. Thực trạng ô nhiễm môi trường đã đến mức báo động bởi
nền công nghiệp của ta đang sở hữu quá nhiều công nghệ lạc hậu. Sẽ có lúc ta
phải “ngã ngửa ra” với con số chi phí xử lí môi trường sau những năm dài dễ
dãi FDI!
Cần
sớm thay đổi cách nghĩ, thay đổi kịp thời về chính sách, luật pháp để dòng
vốn FDI chảy vào Việt Nam thực sự “trong lành”, mang lại hiệu quả cho cả hai
bên. Không thể để những doanh nghiệp kinh doanh mãi thua lỗ tồn tại trong nền
kinh tế, mà tệ hại hơn khi họ lại tiếp tục mở rộng… “thua lỗ”./.
Đinh
Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 11 tháng 02 năm 2020
|
Thứ Ba, 4 tháng 2, 2020
Tư duy “bóc ngắn”
“Bóc ngắn cắn dài” là lối tư duy kinh doanh, làm ăn tạm bợ, không
cần tính chuyện lâu dài vốn chỉ xuất hiện những năm khó khăn túng thiếu, khi
người ta không thể có phương cách tốt hơn.
Một trong những sản phẩm luôn đòi hỏi sự tính toán căn cơ, lâu
dài nhất trong gìn giữ, đầu tư phát triển chính là văn hóa. Các di tích lịch
sử văn hóa, di sản thiên nhiên là vốn quý được cha ông dành dụm, tạo dựng qua
hàng nghìn năm nay đang bị khai thác theo kiểu “bóc nắn, cắn dài”.
Những tưởng công trình bê tông hóa tại núi Cái Hạ (xã Trường Yên,
huyện Hoa Lư, Ninh Bình) thuộc danh thắng Tràng An là bài học sẽ được các địa
phương rút kinh nghiệm, không để xảy ra việc “xây rồi phải đập” thì năm trước
tại Hà Giang lại mọc lên khối bê tông sừng sững bên dòng Nho Quế và một dự án
khác “gặm” sát cột cờ Lũng Cú. Gần đây lại chính tại Tràng An, thêm một lần
danh thắng bị đe dọa khi vùng lõi quần thể danh thắng cần phải bảo vệ nghiêm
ngặt đang có nhiều doanh nghiệp, cá nhân ngang nhiên xây dựng công trình sai
phép, lấn chiếm. Hàng chục căn nhà (dạng homestay) được xây dựng đua ra dòng
sông vốn là tuyến lưu thông của khách du lịch trên những chuyến đò để ngắm
cảnh thiên nhiên hoang sơ… Cứ tốc độ lấn chiếm này, chẳng bao lâu nơi đây sẽ
giống hình ảnh nhà chòi xập xệ bên con kênh Nhiêu Lộc, Thị Nghè của Sài Gòn
một thời!
Công trình bê tông 7 tầng án ngữ trên đỉnh Mã Pì Lèng
Với tốc độ phát triển nhanh của du lịch những năm qua, nhiều địa
phương đã “chớp thời cơ” xây dựng công trình tại các danh thắng, di sản văn
hóa cốt để thu về lợi nhuận từ các dịch vụ “ăn theo”. Tư duy “bóc ngắn” khiến
người ta quên đi rằng khách du lịch, nhất là nước ngoài đến Việt Nam bởi ta
có những cảnh quan thiên nhiên hoang sơ đẹp đẽ, bởi nền văn hóa còn được lưu
giữ tại các công trình tuổi đời hàng nghìn năm cùng các di sản tinh thần
phong phú… chứ đâu phải những khối bê tông được xây đắp vội vàng.
Hàng chục homestay được dựng ngay trong vùng lõi di sản Tràng An. Ảnh: Tiền phong
Hiện nay hệ thống luật pháp chuyên ngành về du lịch, văn hóa, xây
dựng và luật quy hoạch đã khá đầy đủ. Tuy nhiên, để pháp luật đi vào cuộc
sống thì tầm nhìn, vai trò của cơ quan quản lí là hết sức quan trọng. Các di
sản văn hóa, danh thắng nếu đã được quy hoạch thì cần thực hiện nghiêm minh,
gắn việc thực thi với trách nhiệm của cơ quan chức năng, không để tình trạng
tự phát, “trăm hoa đua nở”, chạy theo cái lợi trước mắt.
Nếu chỉ nhìn thấy lợi nhuận, các di sản nghìn năm sẽ đứng trước
nguy cơ bị tàn phá./.
Đinh
Hoàng
Bài bình luận đăng Báo
Người cao tuổi ngày 5 tháng 01 năm 2020
|
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)