Thứ Tư, 19 tháng 2, 2020

 Quyền lực của “Thượng đế”

Những năm thời bao cấp, người nắm giữ, phân phối hàng hóa, từ giám đốc công ty tới nhân viên mậu dịch quốc doanh có quyền rất lớn. Ỷ thế, một số nhân viên hành xử như thể “cha mẹ” thiên hạ. Khi ấy, khách hàng vừa mua hàng vừa nghe mậu dịch viên chửi mát. Chen chúc nhau xếp hàng nhưng vẫn phải đưa ánh mắt “trìu mến” hướng về mậu dịch viên dù thường được nhận lại những ánh nhìn khó đăm đăm.
Bước sang nền kinh tế thị trường vị thế dần đảo ngược, doanh nghiệp, người bán hàng trở về vị trí “đầy tớ”, còn khách hàng lên ngôi “Thượng đế”!
Những doanh nghiệp, chủ cơ sở dịch vụ, nhà hàng… làm ăn phát đạt, tạo được uy tín đều do chất lượng sản phẩm tốt cùng sự quan tâm tới lợi ích khách hàng. Nhiều doanh nghiệp nay đã có riêng bộ phận chăm sóc khách hàng, thường xuyên tham khảo ý kiến, thăm dò thái độ người tiêu dùng để phục vụ tốt hơn và coi đây là kênh quan trọng cho định hướng phát triển.


Cảnh tượng chen lấn, tranh giành nhau mua hộp khẩu trang ở chợ thuốc Hapulico, Thanh Xuân, Hà Nội.

Tuy nhiên, đây đó vì lợi nhuận một vài chủ doanh nghiệp, dịch vụ, nhà hàng vẫn mờ mắt, coi tình thế khó khăn chung của xã hội là cơ hội kiếm tiền, bất chấp đạo đức kinh doanh để thu lợi riêng. Cách hành xử của một số chủ cửa hàng tại chợ thuốc Hapulico (Hà Nội) vừa qua là một điển hình. Họ tăng giá khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn vì nghĩ nhu cầu tăng vọt, mặt hàng họ đang sở hữu có cơ mang lại nhiều lợi nhuận. Khi bị dư luận mạng xã hội chỉ trích, cơ quan chức năng vào cuộc xử lí thì họ lại tỏ thái độ thách thức, cùng nhau căng biển “không bán” những loại hàng trên! Có lẽ họ nghĩ đó là “đòn” trừng phạt khách hàng và quên rằng chỉ riêng Hà Nội đã có cả nghìn nhà thuốc chứ đâu chỉ có chợ Hapulico!


Các quầy thuốc tại chợ Hapulico đều đồng loạt treo biển không bán khẩu trang.

Nền kinh tế của ta hiện nay đang tăng trưởng tốt, chẳng có mặt hàng nào là quá hiếm hoi, kể cả khẩu trang, nước rửa tay sát trùng - thứ đang có nhu cầu cao hiện nay. Trong một nền kinh tế thị trường, sự cạnh tranh để có lợi nhuận bền vững là ở chất lượng, giá cả và uy tín phục vụ khách hàng chứ không thể lợi dụng thế yếu của khách hàng để trục lợi.
Thời gian qua đã có doanh nghiệp đưa ra mặt hàng bị nghi ngờ về độ an toàn, chất lượng hay cách phục vụ kém khiến người tiêu dùng quay lưng. Doanh nghiệp lao đao, mất rất nhiều thời gian, công sức mới lấy lại được niềm tin. Những chủ nhà thuốc ở chợ Hapulico có vẻ quên đi những bài học sơ đẳng trong kinh doanh: Khách hàng cần gì chứ không phải mình có cái gì.
“Thượng đế” có quyền lực rất lớn. Nếu mọi người cùng quay lưng với những cửa hàng kinh doanh bất lương, lợi dụng dịch bệnh để kiếm tiền vừa qua thì chủ những địa chỉ này sẽ thấm thía thế nào là quyền lực của người tiêu dùng. “Thượng đế” phải được tôn trọng, dù trong bất kì tình huống nào!/.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 20 tháng 02 năm 2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét