Đường
làng ra cao tốc
Sự phát triển nhanh
chóng của hệ thống giao thông cả nước tạo thuận lợi cho lưu thông và phát
triển kinh tế. Tuy nhiên, tư duy giao thông đường làng vẫn tồn tại ở không ít
người khi ra tham gia lưu hành trên những tuyến đường to đẹp, kể cả đường cao
tốc. Nhiều vụ do người tham gia giao thông tùy tiện như đường làng, bất chấp
pháp luật đã gây ra tai nạn nghiêm trọng, thiệt hại về tài sản và tính mạng.
Đó là câu chuyện giao
thông. Trong lĩnh vực kinh tế cũng có câu chuyện tương tự.
Hiệp định thương mại
tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư
(IPA) vừa được Nghị viện châu Âu (EP) bỏ phiếu phê chuẩn khả năng sẽ có hiệu
lực ngay từ tháng 7/2020. Hai Hiệp định này từng được Thủ tướng Chính phủ
Nguyễn Xuân Phúc ví như “hai tuyến cao tốc quy mô lớn, hiện đại nối gần hơn
EU và Việt Nam”.
Tuyến “cao tốc” này là
cơ hội tuyệt vời để “cỗ xe” kinh tế Việt Nam tăng tốc. Tuy nhiên, bên cạnh cơ
hội là những thách thức không nhỏ, khi mà quy mô, trình độ và kĩ thuật “cỗ
xe” kinh tế của ta cách châu Âu… hàng trăm năm! Nền kinh tế và thị trường
châu Âu ở trình độ hàng đầu thế giới với hệ thống luật pháp, quy chuẩn, tiêu
chuẩn vô cùng khắt khe, chặt chẽ và văn minh. Phát triển xanh, bền vững và
nhân văn đang là những tiêu chí hàng đầu của nền sản xuất và tiêu dùng châu
Âu, trong khi đây lại là điểm yếu của doanh nghiệp Việt. Hàng hóa thâm nhập
thị trường này không đơn giản anh làm ra cái gì, có loại hàng nào mà phải trả
lời câu hỏi là nó được làm ra như thế nào. Chất lượng sản phẩm, an toàn (cho
cả người dùng và môi trường), xuất xứ nguyên liệu, điều kiện lao động làm ra
sản phẩm… đều phải minh bạch, có thể kiểm chứng.
Ti vi của
Asanzo nhập linh kiện Trung Quốc
về lắp ráp dán nhãn Mad in Vietnam
Dù đã qua hàng chục
năm công nghiệp hóa nhưng tư duy kinh doanh của không ít chủ doanh nghiệp
Việt vẫn như thời đầu của kinh tế tư bản. Hiện tượng kinh doanh chụp giật,
dựa dẫm vào tài nguyên sẵn có, chỉ nhìn thấy lợi nhuận, không quan tâm bảo vệ
môi trường sống diễn ra không ít…
Những vụ việc như hãng
Khaisil, Asanzo, SEVEN.am hay vụ hàng triệu tấn tôn Trung Quốc của Công ty TNHH
Nhôm Toàn Cầu VN nhập nhèm nguồn gốc xuất xứ Việt Nam là điển hình của cách
kinh doanh bất chấp pháp luật và khó có thể thể tiếp cận thị trường châu Âu.
Để “nhập làn” tuyến
cao tốc kinh tế được an toàn, hiệu quả sẽ còn không ít việc cần làm với nhà
quản lí và doanh nghiệp. Cơ quan quản lí cần khẩn trương hoàn thiện để hệ
thống pháp luật đồng bộ, tương thích, đáp ứng yêu cầu của đối tác và nhanh
chóng hỗ trợ doanh nghiệp, đưa hiệp định vào cuộc sống. Còn doanh nghiệp cần
nhanh chóng nắm bắt không chỉ tiềm năng, nhu cầu thị trường mà trước tiên là
nhận thức, hiểu biết những điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn, của hiệp định,
pháp luật của EU cũng như 27 nước thành viên. Có như vậy “cỗ xe” kinh tế mới
tránh được những “tai nạn” không đáng có khi tham gia “lưu thông”./.
Đinh
Hoàng
Bài bình luận đăng Báo
Người cao tuổi tháng 02 năm 2020
|
Thứ Ba, 25 tháng 2, 2020
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét