Thứ Năm, 13 tháng 2, 2020

Luật pháp là văn minh

Khi xã hội con người phát triển lên một tầm mức nhất định mới hình thành được luật pháp, từ sơ khai, đơn giản đến ngày càng hoàn thiện. Luật pháp phát triển thể hiện nền văn minh của con người.

Chính vì lẽ đó, khi xây dựng luật pháp, mọi quốc gia đều hướng tới một nền pháp quyền nhân văn, công bằng cho mọi cá nhân, tổ chức, cộng đồng. Các chế tài bảo đảm cho thực thi luật pháp cũng theo xu hướng đó để cá nhân, tổ chức tâm phục khẩu phục khi thực thi.
Mấy năm trước từng xảy ra chuyện cán bộ ở một số xã dùng chế tài xử phạt vi phạm hành chính đã lạm quyền, không thuyết phục bị dư luận lên án. Có một vài hộ dân không thực hiện quy định nào đó (nhất là việc đóng góp các quỹ), cán bộ xã đã tùy tiện nhận xét vào hồ sơ lí lịch của thành viên trong gia đình khi tới xác nhận là “gia đình không chấp hành chủ trương chính sách của địa phương”. Đây thực sự là một hành vi “cưỡng chế” cho một sai phạm khác và có thể coi là xử “không đúng người, đúng tội”.


Bản sơ yếu lý lịch có bút phê tùy tiện của cán bộ một xã ở Thanh Hóa

Những tưởng cán bộ cấp xã mới có nhận thức và hành xử vô lí như vậy, nhưng không.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lí vi phạm hành chính do Bộ Tư pháp tham mưu cho Chính phủ trình lấy ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nội dung bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước”.
Có thể hiểu, nếu cá nhân, tổ chức có bất kì vi phạm gì (không liên quan đến dịch vụ cung cấp điện nước) cũng có thể bị… cắt! Ví như không đóng hay đóng chậm một trong nhiều loại quỹ của phường xã; con em vi phạm hành chính nội dung gì đó ngoài xã hội; doanh nghiệp chậm đóng thuế, bảo hiểm… tất thảy có thể bị cắt điện hay cắt nước! Vậy là “hai anh” điện, nước bỗng dưng như bị vạ lây, doanh nghiệp trở thành công cụ cho những việc quản lí khác chẳng “họ hàng hang hốc” gì với mình.
Ta biết dịch vụ điện, nước là hai thứ thiết yếu nhất, không thể thiếu trong đời sống hằng ngày. Người dân sử dụng các dịch vụ này có quyền lợi và nghĩa vụ được quy định cụ thể trong một bản hợp đồng dân sự, thậm chí với điện thì còn có Luật Điện lực. Khi người dân không vi phạm điều gì trong hợp đồng thì họ đương nhiên được hưởng dịch vụ đó và được pháp luật bảo vệ (cụ thể trong Điều 46 và 47 của Luật Điện lực năm 2004 quy định về quyền, nghĩa vụ của khách hàng). Nay nếu sửa luật theo đúng đề xuất trên của cơ quan chức năng thì sẽ dẫn tới tình trạng “luật đá luật” và chẳng khác nào đề ra một điều luật “lấy việc này để xử tội kia”.
Trong quản lí nhà nước rất cần có những điều luật và chế tài cứng rắn, nghiêm minh và hệ thống luật pháp được xây dựng đầy đủ, hoàn thiện. Tuy nhiên, mọi điều luật khi được xây dựng cần hướng tới sự văn minh, nhân văn và công bằng, không thể áp đặt, tùy tiện. Có như vậy chủ thể vi phạm mới “tâm phục, khẩu phục” khi bị xử lí./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi tháng 02 năm 2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét