Thứ Ba, 4 tháng 2, 2020

 Tư duy “bóc ngắn”

“Bóc ngắn cắn dài” là lối tư duy kinh doanh, làm ăn tạm bợ, không cần tính chuyện lâu dài vốn chỉ xuất hiện những năm khó khăn túng thiếu, khi người ta không thể có phương cách tốt hơn.
Một trong những sản phẩm luôn đòi hỏi sự tính toán căn cơ, lâu dài nhất trong gìn giữ, đầu tư phát triển chính là văn hóa. Các di tích lịch sử văn hóa, di sản thiên nhiên là vốn quý được cha ông dành dụm, tạo dựng qua hàng nghìn năm nay đang bị khai thác theo kiểu “bóc nắn, cắn dài”.
Những tưởng công trình bê tông hóa tại núi Cái Hạ (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, Ninh Bình) thuộc danh thắng Tràng An là bài học sẽ được các địa phương rút kinh nghiệm, không để xảy ra việc “xây rồi phải đập” thì năm trước tại Hà Giang lại mọc lên khối bê tông sừng sững bên dòng Nho Quế và một dự án khác “gặm” sát cột cờ Lũng Cú. Gần đây lại chính tại Tràng An, thêm một lần danh thắng bị đe dọa khi vùng lõi quần thể danh thắng cần phải bảo vệ nghiêm ngặt đang có nhiều doanh nghiệp, cá nhân ngang nhiên xây dựng công trình sai phép, lấn chiếm. Hàng chục căn nhà (dạng homestay) được xây dựng đua ra dòng sông vốn là tuyến lưu thông của khách du lịch trên những chuyến đò để ngắm cảnh thiên nhiên hoang sơ… Cứ tốc độ lấn chiếm này, chẳng bao lâu nơi đây sẽ giống hình ảnh nhà chòi xập xệ bên con kênh Nhiêu Lộc, Thị Nghè của Sài Gòn một thời!

Công trình bê tông 7 tầng án ngữ trên đỉnh Mã Pì Lèng 

Với tốc độ phát triển nhanh của du lịch những năm qua, nhiều địa phương đã “chớp thời cơ” xây dựng công trình tại các danh thắng, di sản văn hóa cốt để thu về lợi nhuận từ các dịch vụ “ăn theo”. Tư duy “bóc ngắn” khiến người ta quên đi rằng khách du lịch, nhất là nước ngoài đến Việt Nam bởi ta có những cảnh quan thiên nhiên hoang sơ đẹp đẽ, bởi nền văn hóa còn được lưu giữ tại các công trình tuổi đời hàng nghìn năm cùng các di sản tinh thần phong phú… chứ đâu phải những khối bê tông được xây đắp vội vàng.


Hàng chục homestay được dựng ngay trong vùng lõi di sản Tràng An. Ảnh: Tiền phong

Hiện nay hệ thống luật pháp chuyên ngành về du lịch, văn hóa, xây dựng và luật quy hoạch đã khá đầy đủ. Tuy nhiên, để pháp luật đi vào cuộc sống thì tầm nhìn, vai trò của cơ quan quản lí là hết sức quan trọng. Các di sản văn hóa, danh thắng nếu đã được quy hoạch thì cần thực hiện nghiêm minh, gắn việc thực thi với trách nhiệm của cơ quan chức năng, không để tình trạng tự phát, “trăm hoa đua nở”, chạy theo cái lợi trước mắt.
Nếu chỉ nhìn thấy lợi nhuận, các di sản nghìn năm sẽ đứng trước nguy cơ bị tàn phá./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 5 tháng 01 năm 2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét