Cần những sáng kiến hỗ trợ
Là một đất nước khí hậu nhiệt đới, hầu hết sản phẩm nông
nghiệp của ta đều có chất lượng, đặc trưng riêng và có ưu thế khi xuất khẩu
ra thị trường thế giới.
Thế mạnh là vậy nhưng nhiều năm qua nông sản Việt vẫn khá
chật vật khi vươn ra những thị trường có yêu cầu cao. Người nông dân thì luôn
chịu cảnh được mùa mất giá, được giá lại mất mùa. Câu chuyện giải cứu nông
sản “xuân thu nhị kì” hầu như năm nào cũng diễn ra một vài bận.
Giữa lúc nhiều nông sản như dưa hấu, thanh long “lao đao”
vì không thể xuất khẩu bỗng xuất hiện một sáng kiến vô cùng thiết thực và
hiệu quả, đó là chiếc bánh mì thanh long. “Cha đẻ” của sản phẩm này là ông
Kao Siêu Lực, Tổng Giám đốc Công ty bánh kẹo Á Châu - ABC. Được biết, khi đi
miền Tây ông thấy thanh long chín đầy ruộng, hỏi chuyện, nghe nông dân than
không bán được do ảnh hưởng của dịch Covid- 19 nên ông đã nảy ra ý nghĩ làm
bánh mì từ những trái cây này. Sau nhiều thử nghiệm, nay ông đã tạo ra được
một sản phẩm bánh mì ngon, độc đáo. Bánh mì thanh long của ông Kao Siêu Lực hiện
đang hút khách, không đủ bán, giúp tiêu thụ hàng chục tấn thanh long mỗi
ngày. Công thức làm loại bánh mì này đã được ông Lực chia sẻ công khai, chắc
chắn sẽ có những lò bánh khác góp phần tạo đầu ra cho trái thanh long.
Cha đẻ
bánh mì thanh long - ông Kao Siêu Lực
Lâu nay mọi người được biết đến những “kĩ sư chân đất”
sáng chế ra nhiều công cụ thiết thực giúp người nông dân giảm nhẹ sức lao
động, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Và lần này lại thêm một “sáng
chế” hữu ích cho nhà nông, không phải từ kĩ sư nông học, thực phẩm mà từ một
nhà khoa học… trong bếp!
Các hành động, trào lưu giải cứu nông sản nhiều năm qua
chủ yếu vẫn là tăng mua, “tăng ăn” để tiêu thụ nông sản ứ thừa. Tuy nhiên
“sức ăn” của người tiêu dùng có hạn và đây không phải là cách tốt nhất. Bản
thân người làm ra sản phẩm cũng không muốn chỉ trông cậy vào sự ứng cứu của lòng
thương.
Bánh mì thanh long đã được các nữ sinh ở Dương Đông (Phú Quốc, Kiên
Giang) chế biến theo công thức của ông Lực
Hầu hết nông sản Việt Nam hiện nay được xuất khẩu dạng
nguyên liệu thô. Nhiều nông sản như cà phê, hồ tiêu, điều… khi xuất ra nước
ngoài họ chế biến tạo ra những mặt hàng có giá trị cao gấp hàng chục lần so
với giá nguyên liệu. Thực trạng này là một sự lãng phí rất lớn nguồn tài
nguyên của đất nước. Tuy nhiên, lỗi không phải do người nông dân.
Người viết bài này tin rằng, sáng kiến giải cứu bằng bánh
mì thanh long của ông Kao Siêu Lực sẽ là một gợi ý cho việc giải cứu nông
sản, đồng thời cũng nhắc nhở trách nhiệm của những nhà khoa học, nhất là lĩnh
vực nông nghiệp, thực phẩm. Đội ngũ kĩ sư, giáo sư, tiến sĩ hùng hậu nên
chăng cũng cần có thời gian thoát li phòng nghiên cứu, đến gần hơn với người
nông dân, gần hơn những trang trại, cánh đồng... Chỉ có thực tiễn cuộc sống
sinh động mới tạo ra “chất liệu” cho những sáng tạo khoa học thiết thực và
hiệu quả.
Người nông dân cần những sáng kiến hỗ trợ cho sinh kế bền
vững chứ không phải những đợt giải cứu./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo
Người cao tuổi ngày 28 tháng 02 năm 2020
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét