Bao giờ điện hết “mù
mờ”?
Ngành điện mang lại
ánh sáng cho hàng triệu gia đình nhưng mấy năm qua liên tục xảy ra những
chuyện “mù mờ” khiến dư luận ngày càng nghi ngờ khi nghe giải thích “sự cố”
về hóa đơn tiền điện.
Trong tháng 4, một
khách hàng tại quận Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh) bị tính tiền điện cao hơn so với
chỉ số đồng hồ thực tế. Chỉ số mới và cũ ghi trong hóa đơn tiền điện là
10.483 kWh/10.046 kWh, với 437 kWh sử dụng, phải trả 1,1 triệu đồng. Sau khi
nhận được hóa đơn, khách hàng kiểm tra công tơ thì thấy chỉ số tại đồng hồ là
10.452 kWh. Như vậy, từ ngày đơn vị chốt chỉ số đến ngày khách hàng kiểm tra
lại công tơ số điện vẫn thấp hơn số ghi trên hóa đơn, chênh lệch tới 31 kWh.
Hiểu nôm na là khách hàng đã được “ứng trước” một số kWh điện chưa dùng để
đóng tiền!
Việc hóa đơn
tiền điện tăng vọt trong tháng 5/2020 khiến nhiều khách hàng sử dụng điện
hoài nghi công tơ điện tử và cách ghi hóa đơn của EVN.
Mấy sự cố hóa đơn
điện tháng 6 tăng cao gấp hàng chục, hàng trăm lần bình thường của khách hàng
tại Quảng Bình, Quảng Ninh và Nghệ An gần đây thực sự gây sốc: Khách hàng
T.V.D (ở Đồng Hới, Quảng Bình) có hóa đơn tiền điện lên tới hơn 58.000.000
đồng; khách hàng Đ.T.G (ở Vân Đồn, Quảng Ninh) hóa đơn gần 90 triệu đồng;
khách hàng Đ.Q.A (Quế Phong, Nghệ An) hóa đơn 16 triệu đồng… Tất nhiên, những
sự cố hi hữu này chỉ là nhầm lẫn, đã được giải quyết, một số cán bộ bị xử lí.
Thế nhưng, nếu những hóa đơn điện chỉ nhầm tăng dăm ba chục hoặc thậm chí đôi
ba trăm nghìn liệu có ai cũng biết và khiếu nại, hoặc dù nghi ngờ nhưng tặc
lưỡi cho qua? Và cũng ít khi thấy sự nhầm lẫn có lợi cho khách hàng, thiệt
hại cho ngành điện!
Năm nào cũng vậy, vào
dịp cao điểm mùa hè mọi người thường được “nhà đèn” thông tin những kỉ lục
mới về lượng điện tiêu thu trên cả nước trong tháng. Chẳng hạn vào 14h ngày
23/6/2020, EVN cho biết công suất tiêu thụ hệ thống điện toàn quốc đạt mức
cao nhất từ trước đến nay với con số kỉ lục là 38.300 MW. Đây như một lời
“cảnh báo” rằng, nếu hóa đơn tiền điện nhà bạn bỗng tăng vọt thì cũng đừng
quá ngạc nhiên! Tuy nhiên, người tinh ý sẽ biết đây cũng là một thông tin “mù
mờ”. Ta biết rằng tốc độ phát triển nền kinh tế Việt Nam luôn cao, trong đó
tỉ lệ tăng bất động sản còn cao hơn nhiều để đáp ứng nhu cầu dân cư tăng. Chẳng
hạn, mỗi căn hộ xây mới được bán gần như tương ứng với tăng thêm một hộ gia
đình sử dụng điện. Rồi việc tăng đầu tư sản xuất kinh doanh... Do đó, sản
lượng tiêu thụ điện tăng lên đỉnh mới là đương nhiên nhưng nó không đồng
nghĩa với hóa đơn tiền điện một hộ gia đình sử dụng ổn định hằng năm cũng
phải tăng theo!
Biểu giá điện sinh
hoạt bậc thang của ngành điện hiện nay đang duy trì 6 bậc, thấp nhất là 1.678
đồng, cao nhất 2.927 đồng/kWh. Khoảng cách tăng từ bậc 2 tới bậc 6 so với bậc
liền trước là 56 đồng, 280 đồng, 522 đồng, 298 đồng và 93 đồng. Người dân thực
sự “mù mờ”, không hiểu tại sao lại có những khoảng tăng khác nhau như vậy?
Chỉ có những chuyên
gia kinh tế mới biết nó là “phép tính” lợi nhuận phức tạp của ngành điện dựa
trên thống kê lượng khách hàng sử dụng ở từng khoảng chỉ số tiêu thụ!/.
Đinh
Hoàng
Bài bình luận đăng Tạp
chí Người cao tuổi ngày 30 tháng 6 năm 2020
|
Thứ Ba, 30 tháng 6, 2020
Thứ Năm, 25 tháng 6, 2020
Tôn
cao thế lực!
Cụm từ “thế lực thù
địch” được dùng phổ biến sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Khi đó một số người bỏ Tổ quốc, sống lưu vong hải ngoại nuôi hi vọng ngày nào
đó phục dựng chế độ cũ và được một số nước không thân thiện với Việt Nam nuôi
dưỡng, cổ súy.
Với chủ trương Việt
Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới cùng thành tựu của hơn 30
năm đổi mới, hiện nay có thể khẳng định không còn quốc gia nào coi Việt Nam
là thù địch. Hiện Việt Nam đang có quan hệ kinh tế, chính trị, văn hóa, ngoại
giao với hầu hết các quốc gia và có uy tín rất cao trong cộng đồng quốc tế.
Vậy thì cụm từ “thế
lực thù địch” nay có còn phù hợp để sử dụng?
Cụm từ bao hàm hai ý
thế và lực. Thử xem cái thế và lực của một vài nhóm chống đối ở nước ngoài
hiện nay thế nào?
Sau thất bại của nhóm
lưu vong Hoàng Cơ Minh với Mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam
tại hải ngoại, ngày càng nhiều người trong chế độ cũ nhận thức được tình hình
trong nước trái với những tuyên truyền xuyên tạc ở nước ngoài. Nhiều nhân vật
chống cộng nổi tiếng như Nguyễn Cao Kỳ, Hoàng Duy Hùng… cũng đã thay đổi quan
điểm, cách nhìn về Nhà nước Việt Nam. Một số quốc gia từng thù địch, định
kiến với Việt Nam nay đều đã thay đổi quan điểm, không còn nước nào công khai
ủng hộ các nhóm chống đối ở hải ngoại.
Việt Tân là tàn dư của
đảng do Hoàng Cơ Minh lập ra đang lay lắt hoạt động nhưng nhiều người Việt
hải ngoại đã nhận ra động cơ chính chỉ là trục lợi tiền tài trợ, ủng hộ từ số
người còn định kiến thù hận, thiếu thông tin về đất nước.
Thực chất các nhóm
chống đối nay đã “thế suy”, “lực kiệt”, không còn là mối đe dọa lớn đối với
an ninh, chính trị đất nước. Lúc này nếu vẫn coi chúng là “thế lực” chẳng
khác nào giúp tôn cao vị thế giả tạo của nhóm thù địch mà thôi.
Các nhóm chống đối nhà nước ta tại hải ngoại nay đã lộ chân tướng trục lợi tiền là mục tiêu chính
Lâu nay, mỗi khi dư
luận báo chí, nhất là mạng xã hội phản ánh bức xúc, bất bình của người dân
trước những khuyết điểm, sai lầm của một vài cá nhân, tổ chức là lại có ý
kiến quy chụp đó là âm mưu chống phá của “thế lực thù địch”!
Tại diễn đàn kì họp thứ
9 của Quốc hội vừa qua, khi đại biểu có ý kiến phản ánh dư luận người dân
chưa “tâm phục khẩu phục” việc xét xử một số vụ án trong đó có vụ tử hình bị
can Hồ Duy Hải, vị Phó chánh án TAND TP Hồ Chí Minh đã nêu cụm từ “thế lực
thù địch”, cho rằng “hiện nay có nhiều thế lực thù địch chống phá, cần hết
sức cảnh giác”! Lời phát biểu này đã gây phản ứng không đồng tình của một số
đại biểu Quốc hội và dư luận. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa thẳng thắn chia sẻ
“trong hội trường Diên Hồng này, nếu có thế lực thù địch thì nó chỉ tồn tại
trong suy nghĩ của những người quy chụp mà thôi”!
Trước khi cảnh giác
với “thế lực thù địch” có lẽ ta cần cảnh giác việc lạm dụng cụm từ này làm
bình phong che đậy sai lầm, khuyết điểm. Khuyết điểm, tồn tại bị che đậy
chính là những ung nhọt tàn phá thể chế, nay được đặt tên chính xác “tự diễn
biến, tự chuyển hóa” vô cùng nguy hiểm!/.
Đinh
Hoàng
Bài
bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 25 tháng 6 năm 2020
|
Thứ Ba, 23 tháng 6, 2020
Bao
giờ sẽ “làm chuồng”?
Câu “mất bò mới lo làm chuồng” là chê nhắc người ta
làm một việc quá muộn màng. Tuy nhiên, dù mất bò rồi người ta vẫn phải tiếp
tục nuôi bò cho nên dù muộn thì vẫn cứ phải làm chuồng.
Câu chuyện em bé bị bỏ quên trên xe ô tô đưa đón của
trường Gateway năm trước là bài học đau xót, những tưởng lãnh đạo các nhà
trường cả nước nói chung, Hà Nội nói riêng cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có
động thái tích cực, khẩn trương để không còn chuyện đáng tiếc xảy ra trong
việc đưa đón học sinh.
Vậy mà có nơi người ta đã mau quên đi bài học đắt
giá, dù đã “mất bò” vẫn không chịu “làm chuồng”!
Hôm 10/6, một học sinh lớp 4 của Trường Tiểu học Nam Từ Liêm (quận
Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) lại bị bỏ quên trên xe đưa đón. Nhà trường chỉ biết
khi nhận được tin báo của người dân phát hiện một nam học sinh bị tài xế bỏ
quên trên xe ô tô. Lúc đó nhà trường
mới cử bảo vệ đi tìm vị trí xe ô tô đang đỗ vì xe này không thuộc quản lí của trường. Lí do được biết là
cậu bé đã ngủ quên nhưng không thấy ai gọi dậy. Em đã tự đập cửa, nhờ người
dân gần đó phát hiện hỗ trợ mới thoát được ra ngoài.
Chiếc ô tô đưa đón học sinh của Trường
Tiểu học Nam Từ Liêm do
phụ huynh tự thuê
Có thể nói, chỉ may mắn mới không xảy ra vụ việc tương tự trường Gateway! Nếu xe này đỗ tại nơi
vắng người qua tại thì không biết sinh mệnh em học sinh trên sẽ thế nào giữa
mùa hè nắng cháy?
Sau khi xảy ra vụ việc trường Gateway, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tế nhị “tranh thủ
ý kiến” Bộ Giao thông Vận tải về việc cần có quy định luật pháp về giao thông
trong lĩnh vực này (đưa đón học sinh). Tuy nhiên, qua “trao đi đổi lại” thì mới
biết, luật, nghị định đã có quy định cụ thể (trong Luật Giao thông đường bộ
và Nghị định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô). Luật giao thông
không thể cụ thể hóa cho từng lĩnh vực như chuyện đưa đón học sinh, vấn đề là
trách nhiệm triển khai thực hiện cụ thể thế nào mà thôi.
Hiện nay nhu cầu đưa đón học sinh cấp tiểu học, THCS là một thực tiễn.
Tuy nhiên, hoạt động này còn mang tính tự phát, chưa có sự quản lí thống
nhất, mỗi trường làm một cách và còn không ít bất cập, sai sót.
Lẽ ra, trên cơ sở luật pháp, ngành giáo dục cần đề ra tiêu chuẩn, quy
chuẩn cụ thể với phương tiện và quy trình đưa đón học sinh để bảo đảm quản lí
thống nhất, chặt chẽ hoạt động này trong hệ thống nhà trường bằng một văn bản
có tính pháp lí. Tuy nhiên, được biết Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng mới chỉ có
một văn bản chỉ đạo về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn cho học
sinh khi sử dụng dịch vụ đưa đón bằng xe ô tô (Văn bản số 3523/BGDĐT-GDCTHSSV vào ngày 16/8/2019). Như vậy, “quả bóng” trách nhiệm đã được chuyển
xuống cho các nhà trường!
Với cách làm và trách nhiệm như vậy, chuyện bỏ quên học sinh trên xe
ô tô mới đây là chuyện khó tránh./.
Đinh
Hoàng
|
Thứ Tư, 17 tháng 6, 2020
Cực
chẳng đã!
Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
từ ngày 12/6 doanh nghiệp được phép nhập khẩu thịt lợn sống từ Thái Lan về
giết mổ, tiêu thụ trong nước.
Giữa lúc người tiêu dùng đang chuyển từ “ưu tiên” sang
tự hào dùng hàng Việt, thông tin này như một dòng nước ngược, song đây là
việc “cực chẳng đã”!
Giá thịt lợn đã cao xấp xỉ thịt bò!
Cuối tháng 4/2020 Thủ tướng chính phủ từng chỉ đạo
cơ quan quản lí và các doanh nghiệp chăn nuôi lớn cần hạ giá thịt lợn xuống
60.000đồng/kg để giảm bớt khó khăn cho người dân giữa lúc dịch bệnh căng
thẳng. Đã qua 2 tháng, không những giá thịt lợn hơi chẳng giảm như kì vọng mà
nó liên tục “leo thang”, có lúc lên hơn 100.000đồng/kg rồi mới hạ nhiệt xuống
88.000- 93.000đ/kg vào ngày 16/6 khi có thông tin nhập thịt từ Thái Lan.
Người tiêu dùng Việt đang được dùng thịt lợn với giá… thịt bò!
Việt Nam là nước sản xuất nông nghiệp nên đầu vào cho
sản xuất thức ăn chăn nuôi luôn ở thế chủ động. Mấy tháng qua nguyên liệu đầu
vào sản xuất thức ăn chăn nuôi không có gì tăng đột biến, vậy mà giá lợn hơi
như “một mình một chợ”, phi mã thả phanh!
Nền văn hóa lúa nước, hạt gạo, con gà, con lợn là
những thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn hằng ngày của mỗi gia đình Việt.
Chỉ tính sơ sơ mỗi gia đình một ngày tiêu thụ 0,5-0,8kg thịt lợn khi giá
80.000-90.000đồng/kg so với giá 150.000-170.000đồng/kg hiện thời thì con số
“phụ trội” tiền túi cho bữa ăn đã tăng lên gấp đôi. Giá chi phí đầu vào không
tăng hoặc tăng ít nên sự chênh lệch giá khủng trên sẽ vào trọn túi doanh
nghiệp chăn nuôi!
Khi dư luận bức xúc vì giá lợn neo cao, có doanh
nghiệp thanh minh rằng khâu thương lái trung gian hưởng lợi! Tuy nhiên,
thương lái hiện nay cũng phải nhập từ những doanh nghiệp chăn nuôi lớn, khi
mà chăn nuôi hộ gia đình sau dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa hồi phục. Nhiều
chuyên gia đã chỉ ra rằng, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn hiện đã chiếm tới
hơn 35% thị phần thịt lợn, một tỉ lệ hoàn toàn có thể chi phối thị trường nếu
họ “bắt tay nhau”! Hiện cả nước có chừng 20 doanh nghiệp chăn nuôi lớn trong
đó top đầu phải kể đến Công ty CP Việt Nam,
Dabaco, Mavin, Masan, GreenFeed… Trước
khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hồi cuối tháng Ba, 15 doanh nghiệp đã
cam kết trước Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ hạ giá thịt xuống mức
70.000đồng/kg. Thế nhưng thực tiễn luôn ngược dòng với những cam kết, đồng
thời lợi nhuận cũng tăng vọt, có doanh nghiệp như Dabaco lợi nhuận quý
I tăng gấp 17 lần so với cùng kì năm trước. Hiểu nôm na, những đồng tiền lợi
nhuận khủng này “rút” từ túi hàng triệu gia đình qua mỗi bữa ăn!
Quý 1/2020, toàn Tập đoàn Dabaco đạt doanh thu 3.248 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng gấp 17 lần cùng kì
Việc cho nhập lợn sống về giết mổ
là động thái không mong muốn của cơ quan quản lí nhưng vì quyền lợi người
tiêu dùng, không thể để tình trạng giá thịt cao bất thường quá dài.
Nền kinh tế thị trường đòi hỏi mọi
thành tố cần kinh doanh bình đẳng và nêu cao tiêu chí đạo đức để phát triển
bền vững.
Khi hiệp định EVFTA có hiệu lực, sự
cạnh tranh tại thị trường trong nước sẽ ngày càng khốc liệt. Một trong những
yếu tố quyết định cho tồn tại của doanh nghiệp là uy tín, chất lượng và trách
nhiệm xã hội chứ không phải ưu thế độc quyền!/.
Đinh
Hoàng
Bài bình luận đăng Tạp
chí Người cao tuổi ngày 17 tháng 6 năm 2020
|
Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2020
Đốn chặt… nhân văn!
Với cái tên phượng vĩ, ít ai nghĩ đây lại là giống
cây đến từ châu Phi. Thực tế nó như đã được “Việt hóa”, trở thành loài cây
bản địa thân thiện có lá đẹp tựa đuôi chim công và hoa đỏ rực rỡ báo hiệu mùa
Hạ đã về.
Năm 1906, Toàn quyền Đông Dương Paul Beau khi đó cho nhập phượng về trồng
tại các trường học xứ thuộc địa với mục tiêu nhân văn là tạo cảnh quan và che
mát cho học sinh trước cái nắng Hè nhiệt đới.
Trải hơn thế kỉ, phượng vĩ với màu hoa đỏ mỗi khi Hè
về xốn xang báo hiệu cho học sinh bước vào kì nghỉ hè vui trong bịn rịn chia
tay. Cùng chở che râm mát, cây phượng gắn bó và mang lại những kí ức đẹp cho
các thế hệ học sinh suốt hơn thế kỉ qua. Vậy mà chỉ vì một cây phượng gẫy đổ
(tại Trường THCS Bạch Đằng, Quận 3, TP Hồ
Chí Minh) khiến một học sinh thiệt mạng, cây phượng vĩ như trở thành “tội
đồ”, đang bị không ít nhà trường “triệt hạ”!
Sau khi xảy ra vụ việc, ông Nguyễn Văn Phúc hiệu
trưởng trường Bạch Đằng đã thẳng thắn thừa nhận trách nhiệm. Dư luận rất hoan
nghênh vị hiệu trưởng không né tránh, biện minh như thường thấy ở một số công
chức lâu nay khi cơ quan, đơn vị mình có vấn đề gì đó. Nhưng cũng có lẽ nhận
thức được hiện đang có rất nhiều “nguy cơ” về trách nhiệm từ những cây xanh
trong khuôn viên trường học nên trào lưu đốn chặt, tỉa trụi cây xanh bỗng rộ
lên. Cứ đà này, các sân trường chỉ còn một màu… bê tông!
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn “vì lợi ích
10 năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.
Mỗi cây được trồng xuống, muốn có ngày hưởng hoa
thơm, trái ngọt hoặc đơn giản chỉ che mát thì cũng phải dày công chăm bón,
bảo vệ, giữ gìn. Người trồng phải bỏ ra công sức, mồ hôi, trí tuệ… những thứ
đó chung quy có thể gọi là trách nhiệm. Khi thiếu cái đó, cây sẽ cằn cỗi,
bệnh tật, khô héo và hư hỏng là điều tất yếu.
Nhiều trường đang đốn chặt cây phượng để phòng cây gẫy đổ
Cây phượng đâu có lỗi gì, nó vẫn lên xanh, đứng vững
hàng thế kỉ trong hầu hết các sân trường, gắn với kỉ niệm đẹp của bao thế hệ
học sinh. Thậm chí phượng vĩ còn trở thành “quốc cây” của thành phố biển Hải
Phòng với ca khúc sống mãi cùng năm tháng.
Chặt hạ hết cây phượng (hoặc các cây khác) nơi sân
trường có thể né được rủi ro trách nhiệm. Nếu trồng giữ được một cây (lợi ích
10 năm) cần một trách nhiệm thì “trồng” được một con người cần bỏ ra hàng
trăm lần trách nhiệm. Đốn chặt cây sân trường cũng chính là “đốn chặt” đi
những nét nhân văn, triệt tiêu trách nhiệm!
Ở môi trường cần nhiều tình thương và trách nhiệm
như thế mà lại luôn lo sợ trách nhiệm thì những chủ nhân tương lai của đất
nước sẽ được chăm lo và phát triển thế nào?/.
Đinh
Hoàng
Bài
bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 13 tháng 6 năm 2020
|
Thứ Tư, 10 tháng 6, 2020
Vi rút “xã hội
đen”
Trong cuộc sống, con người luôn phải
sống chung với nhiều loại vi rút. Có loại khi nhiễm nó chỉ nằm đấy mai phục
chờ thời. Có loại khi đã nhiễm chắc chắn mắc bệnh, như con vi rút Corona
chủng mới mà cả thế giới đang cam go chống chọi.
Trong đời sống xã hội còn có một loại vi
rút nguy hiểm, không mới đã tồn tại dai dẳng và đây đó đang xâm nhập vào đội
ngũ công quyền, đó là vi rút “xã hội đen”.
Cách đây hơn hai chục năm, vụ án Năm Cam
và đồng bọn gây chấn động mạnh xã hội không chỉ bởi sự ngông nghênh coi
thường pháp luật, sự tàn độc của tội phạm mà còn vì một số người có chức
quyền và ảnh hưởng không nhỏ với xã hội cũng “dính” vào guồng máy của chúng.
Tuy liên tục gây ra tội ác trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và
nhiều tỉnh thành một thời gian dài nhưng do chúng được bảo kê của công chức
có quyền, mua chuộc người có ảnh hưởng nên việc triệt phá vô cùng khó khăn.
Vụ án vợ chồng Đường Nhuệ ở Thái Bình đang
được điều tra khiến nhiều người liên tưởng lại vụ án trên vì cũng do một cặp
vợ chồng điều hành (Năm Cam và Phan Thị Trúc). Thật khó tin tội phạm lộng hành
ngay trong trụ sở tiếp công dân, công an viên, phó công an phường có mặt nhìn
thấy lại ngoảnh đi. Rồi, một thời gian sau cơ quan công an ra quyết định tạm
đình chỉ vụ án với lí do “chưa xác minh được bị can; hết thời hạn điều tra”!?
Từ khống chế, đe dọa trong đấu giá đất đai đến “thu thuế mai táng”… ở đâu có
thể kiếm tiền là chúng thò vào bàn tay tội ác, làm mưa làm gió!
Đường "Nhuệ" nắm trong tay rất nhiều bất động sản và những
khu đất "vàng" trong thành phố Thái Bình. Ảnh: TN
Ai theo dõi chương trình Hành trình phá
án trên kênh ANTV sẽ thấy đội ngũ hình sự của ta quá giỏi. Biết bao vụ án vô
cùng phức tạp, lắt léo, chứng cứ rất ít hoặc như con số 0 nhưng lực lượng
điều tra hình sự của với trình độ nghiệp vụ điêu luyện, không sớm thì muộn,
luôn có được “đáp án”. Hoặc những vụ đại án giết người dã man mấy năm gần đây
đều được điều tra khá nhanh chóng, thủ phạm khó thoát “lưới trời”. Thế nhưng
có những vụ tưởng đơn giản thì lại khá “bùng nhùng” và dư luận luôn nghi ngờ rằng
có kẻ “chống lưng” hoặc “ăn tiền” nằm trong bộ máy công quyền. Công chức, cán
bộ bắt tay hoặc bảo kê cho kẻ làm ăn bất chính có thể ví như họ đã nhiễm “vi
rút” xã hội đen.
Tội phạm dạng như Năm Cam trước kia hay
Đường “nhuệ” hiện nay thực sự là một loại vi rút xâm nhập vào “cơ thể” công
quyền, phá hủy sức khỏe nền hành pháp, gây hậu họa cho người dân, doanh
nghiệp, gây bất an xã hội và nguy hiểm hơn là giảm sút niềm tin của Nhân dân
vào thể chế.
Khi “vi rút” xã hội đen xâm nhập vào
công chức, lúc đó tội phạm như được chắp thêm nanh vuốt và sẽ rất “khó điều
trị”./.
Đinh
Hoàng
Bài bình luận
đăng Tạp chí Người cao tuổi tháng 6 năm 2020
|
Thứ Hai, 8 tháng 6, 2020
13,5; 9; 4; 99; 50 và… vô định!
Đó không phải giả thiết
cho một phép tính đại số phức tạp. Đó là những con số vắn tắt về một dự án
nhiều “tiếng tăm” mang tên Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Dự án dài
13,5km, đã qua 9 năm, 4 đời Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, hoàn thành 99%
nhưng… chưa rõ ngày khai thác thương mại. Để vận hành thử, Tổng thầu EPC đang
đòi ứng trước 50 triệu đô la!
Dự án đường sắt đô thị
Cát Linh - Hà Đông được khởi công ngày 10/10/2011 - ngày Giải phóng Thủ đô.
Có lẽ khi đó nhiều người coi là một “ngày vui nhân đôi”! Sao có thể không vui
và kì vọng bởi đây là tuyến đường sắt trên cao đầu tiên của mảnh đất Hà thành
nghìn năm văn hiến và cũng là của cả nước?
Trải qua 9 năm (bằng
thời gian cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược 1945-1954). Có lẽ dự
án luôn được các lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cũng như thành phố Hà Nội coi
là trọng điểm chỉ đạo thực hiện trong mỗi nhiệm kì của họ. Tuy nhiên, một dự
án giao thông chỉ dài hơn chục km mà biết bao gian nan trắc trở và tốn nhiều
giấy mực của các cơ quan truyền thông không chỉ trong nước.
Dự án quá nhiều lần lỗi hẹn, liên tục đội vốn và chưa
xác định ngày vận hành chính thức đã gây nên không ít bức xúc cho người dân và
xã hội.
Năm 2019 vừa qua, Bộ
trưởng giao thông đương nhiệm khẳng định dự án “đã hoàn thành trên 99%”. Nay
đã hết nửa năm 2020, “con rồng bê tông” vẫn đang nằm án binh bất động như
nhiều năm qua nó đã thế!
Có lẽ dư luận đã quá
chán chường khi nghe thông tin về dự án này nên đến nay nhiều người chẳng
muốn nhắc đến. Thế nhưng con số 50 triệu đô la là “điều kiện cần và đủ” để
chạy thử tuyến đường được đối tác Trung Quốc “ném ra” khiến dư luận đang mơ
màng như được dội một thùng nước lạnh!
Thực ra đó chỉ là số
tiền kiến nghị của Tổng thầu EPC nhằm thanh toán cho họ trước khi thực hiện
vận hành thử toàn hệ thống. Tuy nhiên, giữa lúc còn “nhùng nhằng” chửa biết
khi nào dự án sẽ được hoàn thành thì chuyện đòi tiền được đưa ra đã như “hâm
nóng lại” sự bức xúc của dư luận. Có cảm giác như chủ đầu tư của ta đang bị
bắt làm “con tin kinh tế”!
Ngày vận hành đã mù
mịt. Rồi đây vận hành khai thác thương mại liệu còn chuyện gì trắc trở không
khi mà các đoàn tàu, trang thiết bị, kĩ thuật, phương thức vận hành… đều thuộc
“bản quyền” của phía đối tác?
Năm trước khi phong
thanh thông tin khả năng nhà thầu Trung Quốc sẽ tham gia xây dựng tuyến cao
tốc Bắc - Nam khiến không ít người “lạnh sống lưng”! Chỉ có hơn chục ki lô
mét mà đã biết bao nhiêu chuyện, từ đội vốn khủng, chậm trễ nhiều năm, dư luận
bất bình…, vậy hàng nghìn ki lô mét đường trải dọc chiều dài đất nước thì sẽ
thế nào? Liệu nền kinh tế của ta có trở thành “con tin”? May mà chuyện đó
không thành hiện thực!
Tuyến đường sắt trên
cao Cát Linh - Hà Đông vẫn đang trên chặng đường vô định…
Chẳng lẽ trách nhiệm
của ai đó về chuyện này cũng là… vô định!?/.
Đinh
Hoàng
Bài bình luận đăng Tạp
chí Người cao tuổi tháng 6 năm 2020
|
Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2020
Có dùng người “không
biết tại sao giàu”?
Trong một
bài viết gần đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu không
để lọt vào Trung ương khóa mới những người kê khai tài sản không trung thực,
có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không
giải trình rõ được nguồn gốc; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu
gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính.
Đó là
việc ở tầm trung ương.
Vậy còn ở
các cấp thì sao, kể từ chi bộ trở lên? Theo tôi, mọi cấp từ chi bộ cũng cần
thực hiện theo định hướng trên của Tổng Bí thư trong quá trình triển khai đại
hội nhiệm kì tiến tới Đại hội XIII. Chi bộ là tế bào của Đảng, từng tế bào
khỏe thì Đảng mới vững mạnh.
Ngôi biệt thự của một Bí thư Huyện ủy ở Hà Nam.
Mỗi đại
hội khi lựa chọn nhân sự để bầu người vào cấp ủy thì đó phải là những cá nhân
tiêu biểu nhất về đạo đức, trí tuệ, năng lực thực tiễn để đảm đương và có thể
hoàn thành nhiệm vụ trên cương vị được giao.
Một trong
những biện pháp kiểm chứng về nhân cách, đạo đức, đó là kê khai tài sản. Cán
bộ thiếu trung thực khi được giao trọng trách có nguy cơ cao sẽ lợi dụng vị
trí để tham nhũng, trục lợi.
Những năm
qua việc kê khai tài sản đã được triển khai, dù hiệu quả chưa được như kì
vọng song đã phát lộ những cán bộ có chức quyền sở hữu nhiều tài sản lớn. Có
cán bộ không phát lộ tài sản nhưng dân đều biết và thường để lại dư luận
không tốt. Tại diễn đàn Quốc hội, các đại biểu cũng đã tranh luận sôi nổi
xung quanh việc xử lí với những cán bộ “không rõ vì sao giàu”. Họ không chứng
minh được nguồn gốc tài sản song tổ chức không thể xử lí trách nhiệm khi chưa
chứng minh được hành vi sai phạm.
Biệt phủ của một cán bộ ở Yên Bái được cho là do buôn đót, nuôi lợn…
mà có.
Có thể
quy chế, quy định của tổ chức, điều luật của Nhà nước chưa có nội dung xử lí
với cán bộ giàu nhanh “không rõ lí do”. Tuy nhiên, đại hội đảng các cấp hoàn
toàn có thể sàng lọc những cán bộ này, không để họ chui vào vị trí cấp ủy
thông qua lá phiếu bầu cử tại đại hội. Cần làm như vậy bởi mấy lí do: Thứ
nhất, nếu những cán bộ đó thực sự trong sáng nhưng không thể biết vì sao mình
giàu, như vậy đó là người quan liêu hoặc yếu kém về quản lí. Trong phạm vi
gia đình mình mà không quản lí được thì với cương vị lãnh đạo họ khó hoàn
thành được trọng trách; Thứ hai, nếu họ biết rõ nguồn gốc tài sản nhưng cố
tình nói không biết thì đó là người không trung thực với tổ chức, sao có thể
bầu vào cơ quan lãnh đạo?
Do đó, Đảng, và cả chính quyền, tổ
chức, đoàn thể khác cũng vậy, không nên sử dụng những người “không biết vì sao
mình giàu” vào các vị trí quan trọng. Cùng với đó cần có quy định, chế tài và
biện pháp cụ thể để giúp những cán bộ này “biết được” vì sao họ giàu!/.
Đinh
Hoàng
Bài
bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi tháng 6 năm 2020
|
Chuyện
vui:
Cửa quy hoạch cán bộ
Bí thư Trực mới được luân chuyển về huyện X, cũng
tới dịp chuẩn bị cho đại hội nhiệm kì mới.
Một điều ông thấy rất lạ là cán bộ dưới quyền ai
cũng rất khúm núm, gặp bí thư cứ như thấy một con hổ to. Khi ông đưa tay ra
bắt, ai cũng cúi gập mình xuống, thành ra ông chỉ toàn nhìn thấy lưng, chẳng
mấy khi nhìn được mặt của thuộc cấp.
Sau thời gian tìm hiểu thực tế ông Trực nhận ra điều
không vui: Đa số cán bộ ở đây có tật nịnh nọt, luồn cúi trước cấp trên, người
có quyền. Dư luận còn đàm tiếu rằng hầu hết cán bộ huyện nhà có “gen gù” chưa
tìm được thuốc đặc hiệu. Có anh cán bộ đến nhà thăm ông cứ khom lưng ngay từ
cửa đi vào. Được ông chỉ dẫn ngồi xuống ghế cũng vẫn cúi gập người như thể lo
cao hơn chủ. Nhìn hình ảnh ấy, ông bỗng lóe lên một sáng kiến nhằm làm trong
sạch, lành mạnh đội ngũ cán bộ nhiệm kì tới.
Ông Trực gọi trưởng ban tổ chức cán bộ tới giao cho
đóng một khung cửa để kiểm tra sức khỏe cán bộ trước khi quy hoạch. Yêu cầu
thanh đỉnh của cửa phải điều chỉnh lên xuống được để cho vừa chiều cao của
từng người.
Kì kiểm tra sức khỏe cán bộ quy hoạch này yêu cầu
mỗi người đi qua “cửa quy hoạch” phải dừng lại, đứng thẳng trong vòng 10
phút.
Mấy người đầu tiên vào cửa chỉ vài giây đã bị loại.
Lí do bởi vào đứng tại cửa, sau khi trưởng ban tổ chức cán bộ chỉnh xong
thanh gỗ đỉnh đầu cho vừa chiều cao rồi tránh sang bên cho vào thì họ liền
nhìn thấy ông bí thư trước mặt. Như phản xạ tự nhiên, nhanh như chớp anh nào
cũng cúi gập thân xuống! Thời gian đứng thẳng quy định 10 phút nhưng có anh
chỉ có mấy giây đã phạm quy. Về sau, biết lí do những người trước bị loại, nhiều
anh đã “rút kinh nghiệm” cố đứng thẳng. Tuy nhiên việc gù cúi lâu ngày đã
thành tật nên anh nào cố lắm cũng chỉ 5-6 phút là mỏi không chịu nổi. Mà chỉ chùng
thân xuống vài centimet cũng được coi là phạm quy.
Mới qua vòng kiểm tra sức khỏe đã có tới hơn 90% cán
bộ “trượt” quy hoạch!
Kì đại hội năm ấy huyện X phải xin các huyện bạn, tỉnh
và trung ương rất nhiều cán bộ nguồn, những người không bị “tật gù lưng”.
Nhờ có sáng kiến “cửa quy hoạnh” mà những cán bộ có
“gen gù” cơ bản được loại khỏi các vị trí lãnh đạo chủ chốt của huyện nhà./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi tháng 6 năm 2020
|
Thứ Ba, 2 tháng 6, 2020
Lỗi kĩ thuật hay pháp
luật?
Năm trước Bộ Giao
thông Vận tải (GTVT) lấy ý kiến dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi có
đề xuất một số phương tiện phải bật đèn cả ban ngày khi lưu thông khiến dư
luận sôi nổi bàn tán.
Tại Điểm
3, Điều 27 của dự thảo quy định, trong suốt cả ngày, xe mô tô, xe máy, xe đạp
điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn nhận diện được
trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất, hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn
chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau…
Thì ra
chuyện “thắp đèn ban ngày” cho xe cộ cũng quá quan trọng. Như vậy, Bộ GTVT đã
phát hiện ra một “lỗi kĩ thuật” lớn của các nhà sản xuất phương tiện giao thông
lâu nay: Đã thiết kế một chi tiết thừa là chiếc công tắc tắt mở đèn xe! Lẽ ra
chẳng cần chi tiết này, mọi chiếc xe khi nổ máy là đèn sáng liền, có chăng
chỉ cần bộ phận gạt pha, cốt (chiếu xa, gần - phiên âm tiếng Pháp từ phare, code) là
đủ.
Đèn xe dùng
khi sương mù được thiết kế riêng, có màu vàng
Không
biết đã có thống kê hay nghiên cứu nào cho thấy rằng, tai nạn giao thông ban
ngày có cái lỗi của việc đèn xe không bật sáng mà Bộ phải điều chỉnh điểm này?
Được
biết, tại một số nước bên châu Âu (như nước Anh) do điều kiện thời tiết sương
mù quanh năm nên một số phương tiện giao thông được thiết kế đèn sáng thường
xuyên nhằm hạn chế việc người điều khiển quên bật đèn, gây mất an toàn. Có lẽ
Bộ GTVT học theo nước này. Nhưng Việt Nam là nước nhiệt đới, chỉ mấy tháng
mùa Đông, Xuân và thi thoảng mới có sương mù chứ đâu phải quanh năm mà học
theo nước Anh?
Ngoài
cái “lợi” như mong muốn của người sửa luật, vậy việc chiếc xe sáng đèn mọi
lúc liệu có tác dụng gì không mong đợi?
Tôi cho
rằng có mấy cái “hại”.
Thứ
nhất, khi xe hoạt động bật đèn sẽ tiêu tốn thêm năng lượng, dù là nhỏ (với
hàng chục triệu chiếc xe hoạt động mỗi ngày thì nó không còn nhỏ). Việc tiêu
tốn năng lượng làm thiệt hại về chi phí trực tiếp cho người sử dụng (thêm tiền
xăng dầu), ngoài ra với cộng đồng nó sẽ làm gia tăng ô nhiễm môi trường, góp
phần đẩy nhanh biến đổi khí hậu.
Thứ
hai, chính đèn xe chiếu ban ngày nếu người lái để quên ở chế độ chiếu xa sẽ
gây chói mắt cho người đi ngược chiều và nguy cơ gây tai nạn. Bạn hãy thử
nhìn vào một chiếc đèn pha xe máy chiếu vào mắt mình ban ngày thì rõ, nó vẫn
có thể gây lóa mắt. Còn nếu nói ban ngày mà vẫn cần ánh đèn để người khác lưu
thông nhận diện liệu có đúng? Một phương tiện như chiếc xe máy, xe điện lưu
thông mà người đi ngược chiều không nhận diện được giữa ban ngày thì xem ra
thị lực của người đó có vấn đề. Mà thị lực kém thì không thể cấp bằng lái!
Đèn pha
chiếu ban ngày cũng gây lóa mắt
Xây
dựng pháp luật cần nghiên cữu kĩ lưỡng, trên cơ sở khoa học và thực tiễn chứ
không phải tùy hứng hay bắt chước. Nếu điều luật về chiếc đèn xe như kể trên
được đưa vào luật, rất có thể nó sẽ “lỗi” từ khi chưa đi vào cuộc sống!/.
Đinh
Hoàng
Bài bình luận đăng Tạp
chí Người cao tuổi ngày 3 tháng 6 năm 2020
|
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)