Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2020

Đốn chặt… nhân văn!

Với cái tên phượng vĩ, ít ai nghĩ đây lại là giống cây đến từ châu Phi. Thực tế nó như đã được “Việt hóa”, trở thành loài cây bản địa thân thiện có lá đẹp tựa đuôi chim công và hoa đỏ rực rỡ báo hiệu mùa Hạ đã về.


Năm 1906, Toàn quyền Đông Dương Paul Beau khi đó cho nhập phượng về trồng tại các trường học xứ thuộc địa với mục tiêu nhân văn là tạo cảnh quan và che mát cho học sinh trước cái nắng Hè nhiệt đới.
Trải hơn thế kỉ, phượng vĩ với màu hoa đỏ mỗi khi Hè về xốn xang báo hiệu cho học sinh bước vào kì nghỉ hè vui trong bịn rịn chia tay. Cùng chở che râm mát, cây phượng gắn bó và mang lại những kí ức đẹp cho các thế hệ học sinh suốt hơn thế kỉ qua. Vậy mà chỉ vì một cây phượng gẫy đổ (tại Trường THCS Bạch Đằng, Quận 3, TP Hồ Chí Minh) khiến một học sinh thiệt mạng, cây phượng vĩ như trở thành “tội đồ”, đang bị không ít nhà trường “triệt hạ”!
Sau khi xảy ra vụ việc, ông Nguyễn Văn Phúc hiệu trưởng trường Bạch Đằng đã thẳng thắn thừa nhận trách nhiệm. Dư luận rất hoan nghênh vị hiệu trưởng không né tránh, biện minh như thường thấy ở một số công chức lâu nay khi cơ quan, đơn vị mình có vấn đề gì đó. Nhưng cũng có lẽ nhận thức được hiện đang có rất nhiều “nguy cơ” về trách nhiệm từ những cây xanh trong khuôn viên trường học nên trào lưu đốn chặt, tỉa trụi cây xanh bỗng rộ lên. Cứ đà này, các sân trường chỉ còn một màu… bê tông!
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn “vì lợi ích 10 năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.
Mỗi cây được trồng xuống, muốn có ngày hưởng hoa thơm, trái ngọt hoặc đơn giản chỉ che mát thì cũng phải dày công chăm bón, bảo vệ, giữ gìn. Người trồng phải bỏ ra công sức, mồ hôi, trí tuệ… những thứ đó chung quy có thể gọi là trách nhiệm. Khi thiếu cái đó, cây sẽ cằn cỗi, bệnh tật, khô héo và hư hỏng là điều tất yếu.


Nhiều trường đang đốn chặt cây phượng để phòng cây gẫy đổ

Cây phượng đâu có lỗi gì, nó vẫn lên xanh, đứng vững hàng thế kỉ trong hầu hết các sân trường, gắn với kỉ niệm đẹp của bao thế hệ học sinh. Thậm chí phượng vĩ còn trở thành “quốc cây” của thành phố biển Hải Phòng với ca khúc sống mãi cùng năm tháng.
Chặt hạ hết cây phượng (hoặc các cây khác) nơi sân trường có thể né được rủi ro trách nhiệm. Nếu trồng giữ được một cây (lợi ích 10 năm) cần một trách nhiệm thì “trồng” được một con người cần bỏ ra hàng trăm lần trách nhiệm. Đốn chặt cây sân trường cũng chính là “đốn chặt” đi những nét nhân văn, triệt tiêu trách nhiệm!
Ở môi trường cần nhiều tình thương và trách nhiệm như thế mà lại luôn lo sợ trách nhiệm thì những chủ nhân tương lai của đất nước sẽ được chăm lo và phát triển thế nào?/.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 13 tháng 6 năm 2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét