Cực
chẳng đã!
Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
từ ngày 12/6 doanh nghiệp được phép nhập khẩu thịt lợn sống từ Thái Lan về
giết mổ, tiêu thụ trong nước.
Giữa lúc người tiêu dùng đang chuyển từ “ưu tiên” sang
tự hào dùng hàng Việt, thông tin này như một dòng nước ngược, song đây là
việc “cực chẳng đã”!
Giá thịt lợn đã cao xấp xỉ thịt bò!
Cuối tháng 4/2020 Thủ tướng chính phủ từng chỉ đạo
cơ quan quản lí và các doanh nghiệp chăn nuôi lớn cần hạ giá thịt lợn xuống
60.000đồng/kg để giảm bớt khó khăn cho người dân giữa lúc dịch bệnh căng
thẳng. Đã qua 2 tháng, không những giá thịt lợn hơi chẳng giảm như kì vọng mà
nó liên tục “leo thang”, có lúc lên hơn 100.000đồng/kg rồi mới hạ nhiệt xuống
88.000- 93.000đ/kg vào ngày 16/6 khi có thông tin nhập thịt từ Thái Lan.
Người tiêu dùng Việt đang được dùng thịt lợn với giá… thịt bò!
Việt Nam là nước sản xuất nông nghiệp nên đầu vào cho
sản xuất thức ăn chăn nuôi luôn ở thế chủ động. Mấy tháng qua nguyên liệu đầu
vào sản xuất thức ăn chăn nuôi không có gì tăng đột biến, vậy mà giá lợn hơi
như “một mình một chợ”, phi mã thả phanh!
Nền văn hóa lúa nước, hạt gạo, con gà, con lợn là
những thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn hằng ngày của mỗi gia đình Việt.
Chỉ tính sơ sơ mỗi gia đình một ngày tiêu thụ 0,5-0,8kg thịt lợn khi giá
80.000-90.000đồng/kg so với giá 150.000-170.000đồng/kg hiện thời thì con số
“phụ trội” tiền túi cho bữa ăn đã tăng lên gấp đôi. Giá chi phí đầu vào không
tăng hoặc tăng ít nên sự chênh lệch giá khủng trên sẽ vào trọn túi doanh
nghiệp chăn nuôi!
Khi dư luận bức xúc vì giá lợn neo cao, có doanh
nghiệp thanh minh rằng khâu thương lái trung gian hưởng lợi! Tuy nhiên,
thương lái hiện nay cũng phải nhập từ những doanh nghiệp chăn nuôi lớn, khi
mà chăn nuôi hộ gia đình sau dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa hồi phục. Nhiều
chuyên gia đã chỉ ra rằng, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn hiện đã chiếm tới
hơn 35% thị phần thịt lợn, một tỉ lệ hoàn toàn có thể chi phối thị trường nếu
họ “bắt tay nhau”! Hiện cả nước có chừng 20 doanh nghiệp chăn nuôi lớn trong
đó top đầu phải kể đến Công ty CP Việt Nam,
Dabaco, Mavin, Masan, GreenFeed… Trước
khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hồi cuối tháng Ba, 15 doanh nghiệp đã
cam kết trước Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ hạ giá thịt xuống mức
70.000đồng/kg. Thế nhưng thực tiễn luôn ngược dòng với những cam kết, đồng
thời lợi nhuận cũng tăng vọt, có doanh nghiệp như Dabaco lợi nhuận quý
I tăng gấp 17 lần so với cùng kì năm trước. Hiểu nôm na, những đồng tiền lợi
nhuận khủng này “rút” từ túi hàng triệu gia đình qua mỗi bữa ăn!
Quý 1/2020, toàn Tập đoàn Dabaco đạt doanh thu 3.248 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng gấp 17 lần cùng kì
Việc cho nhập lợn sống về giết mổ
là động thái không mong muốn của cơ quan quản lí nhưng vì quyền lợi người
tiêu dùng, không thể để tình trạng giá thịt cao bất thường quá dài.
Nền kinh tế thị trường đòi hỏi mọi
thành tố cần kinh doanh bình đẳng và nêu cao tiêu chí đạo đức để phát triển
bền vững.
Khi hiệp định EVFTA có hiệu lực, sự
cạnh tranh tại thị trường trong nước sẽ ngày càng khốc liệt. Một trong những
yếu tố quyết định cho tồn tại của doanh nghiệp là uy tín, chất lượng và trách
nhiệm xã hội chứ không phải ưu thế độc quyền!/.
Đinh
Hoàng
Bài bình luận đăng Tạp
chí Người cao tuổi ngày 17 tháng 6 năm 2020
|
Thứ Tư, 17 tháng 6, 2020
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét