Thứ Ba, 30 tháng 6, 2020

 Bao giờ điện hết “mù mờ”?

Ngành điện mang lại ánh sáng cho hàng triệu gia đình nhưng mấy năm qua liên tục xảy ra những chuyện “mù mờ” khiến dư luận ngày càng nghi ngờ khi nghe giải thích “sự cố” về hóa đơn tiền điện.


Trong tháng 4, một khách hàng tại quận Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh) bị tính tiền điện cao hơn so với chỉ số đồng hồ thực tế. Chỉ số mới và cũ ghi trong hóa đơn tiền điện là 10.483 kWh/10.046 kWh, với 437 kWh sử dụng, phải trả 1,1 triệu đồng. Sau khi nhận được hóa đơn, khách hàng kiểm tra công tơ thì thấy chỉ số tại đồng hồ là 10.452 kWh. Như vậy, từ ngày đơn vị chốt chỉ số đến ngày khách hàng kiểm tra lại công tơ số điện vẫn thấp hơn số ghi trên hóa đơn, chênh lệch tới 31 kWh. Hiểu nôm na là khách hàng đã được “ứng trước” một số kWh điện chưa dùng để đóng tiền!


Việc hóa đơn tiền điện tăng vọt trong tháng 5/2020 khiến nhiều khách hàng sử dụng điện hoài nghi công tơ điện tử và cách ghi hóa đơn của EVN.

Mấy sự cố hóa đơn điện tháng 6 tăng cao gấp hàng chục, hàng trăm lần bình thường của khách hàng tại Quảng Bình, Quảng Ninh và Nghệ An gần đây thực sự gây sốc: Khách hàng T.V.D (ở Đồng Hới, Quảng Bình) có hóa đơn tiền điện lên tới hơn 58.000.000 đồng; khách hàng Đ.T.G (ở Vân Đồn, Quảng Ninh) hóa đơn gần 90 triệu đồng; khách hàng Đ.Q.A (Quế Phong, Nghệ An) hóa đơn 16 triệu đồng… Tất nhiên, những sự cố hi hữu này chỉ là nhầm lẫn, đã được giải quyết, một số cán bộ bị xử lí. Thế nhưng, nếu những hóa đơn điện chỉ nhầm tăng dăm ba chục hoặc thậm chí đôi ba trăm nghìn liệu có ai cũng biết và khiếu nại, hoặc dù nghi ngờ nhưng tặc lưỡi cho qua? Và cũng ít khi thấy sự nhầm lẫn có lợi cho khách hàng, thiệt hại cho ngành điện!
Năm nào cũng vậy, vào dịp cao điểm mùa hè mọi người thường được “nhà đèn” thông tin những kỉ lục mới về lượng điện tiêu thu trên cả nước trong tháng. Chẳng hạn vào 14h ngày 23/6/2020, EVN cho biết công suất tiêu thụ hệ thống điện toàn quốc đạt mức cao nhất từ trước đến nay với con số kỉ lục là 38.300 MW. Đây như một lời “cảnh báo” rằng, nếu hóa đơn tiền điện nhà bạn bỗng tăng vọt thì cũng đừng quá ngạc nhiên! Tuy nhiên, người tinh ý sẽ biết đây cũng là một thông tin “mù mờ”. Ta biết rằng tốc độ phát triển nền kinh tế Việt Nam luôn cao, trong đó tỉ lệ tăng bất động sản còn cao hơn nhiều để đáp ứng nhu cầu dân cư tăng. Chẳng hạn, mỗi căn hộ xây mới được bán gần như tương ứng với tăng thêm một hộ gia đình sử dụng điện. Rồi việc tăng đầu tư sản xuất kinh doanh... Do đó, sản lượng tiêu thụ điện tăng lên đỉnh mới là đương nhiên nhưng nó không đồng nghĩa với hóa đơn tiền điện một hộ gia đình sử dụng ổn định hằng năm cũng phải tăng theo!
Biểu giá điện sinh hoạt bậc thang của ngành điện hiện nay đang duy trì 6 bậc, thấp nhất là 1.678 đồng, cao nhất 2.927 đồng/kWh. Khoảng cách tăng từ bậc 2 tới bậc 6 so với bậc liền trước là 56 đồng, 280 đồng, 522 đồng, 298 đồng và 93 đồng. Người dân thực sự “mù mờ”, không hiểu tại sao lại có những khoảng tăng khác nhau như vậy?
Chỉ có những chuyên gia kinh tế mới biết nó là “phép tính” lợi nhuận phức tạp của ngành điện dựa trên thống kê lượng khách hàng sử dụng ở từng khoảng chỉ số tiêu thụ!/.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 30 tháng 6 năm 2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét