Thứ Tư, 1 tháng 7, 2020

 Phương pháp và kết quả

Hồi còn đi học tôi nhớ mãi kỉ niệm một đứa bạn gian lận quay cóp bài bị thầy giáo phát hiện.
Chả là khi làm toán, bí quá anh bạn này liền quay sang nhìn bài người bên cạnh, do vội nên chỉ kịp chép được cái đáp án đúng vào phần lời giải của mình. Khi chấm bài thầy giáo đã phát hiện bài của học sinh này dù cách giải sai lè nhưng kết quả lại đúng. Hôm sau trả bài thầy yêu cầu học sinh này giải thích làm thế nào ra đáp án như vậy, anh bạn đỏ mặt ngượng ngùng đành thú nhận gian lận.
Trong cuộc sống, những cách làm sai lầm rất khó cho ra kết quả đúng. Cách dạy dỗ, giáo dục sai không thể có được những con ngoan, trò giỏi. Cách hành xử sai chuẩn mực, phi đạo đức không thể nhận được sự đồng thuận của số đông…
Câu chuyện các vụ án oan sai được dư luận đặc biệt quan tâm gần đây đều cho thấy căn nguyên từ những “cách giải” sai lầm (vô tình hoặc chủ ý). 

Ông Nguyễn Thanh Chấn trở về gia đình ngày 4-11-2013 sau hơn 10 năm tù oan 

Trong vụ án oan ông Nguyễn Thanh Chấn, cơ quan điều tra đã không giám định vân tay dính máu, bắt người chỉ căn cứ dấu chân “gần đúng” và lờ đi chứng cứ ngoại phạm (thời điểm xảy ra án mạng ông đang ở tại quán của gia đình, có người làm chứng). Nếu cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao không vào cuộc điều tra lại cùng việc bị can giết người ra tự thú thì ông Chấn sẽ mãi mang tiếng oan giết người!
Còn vụ án Hàn Đức Long, chỉ từ đơn tố cáo của một phụ nữ cho rằng ông Long từng hiếp dâm mình, cơ quan điều tra đã bắt và bằng “biện pháp nghiệp vụ” buộc nghi can nhận tội, lại còn thú nhận thêm là hung thủ vụ giết hại cháu bé khác! Khi ra tòa, bị cáo này kêu oan, khai rằng đã bị đánh đập, nhục hình buộc phải nhận tội. Tuy vậy, hội đồng xét xử các cấp chỉ tin vào những trang biên bản ghi lời khai trong hồ sơ. Hội đồng xét xử đã tuyên bị cáo Hàn Đức Long mức án tử hình dù không tìm được chứng cứ cụ thể nào ngoài các lời khai.
Vụ án ông Huỳnh Văn Nén còn hi hữu hơn khi án oan “đè” án oan, cả hai bản án giết người đều oan sai. Cán bộ điều tra đã bức cung, nhục hình để cho ra “đáp án” người lương thiện biến thành kẻ giết người!
Vụ án tử tù Hồ Duy Hải đang gây tranh cãi và dư luận chưa “tâm phục khẩu phục” có lẽ cũng bởi “cách giải” có vấn đề, thậm chí sai sót đến khó tin (tiêu hủy cái thớt đẫm máu và con dao). Dù có những lời nhận tội của bị can này song chứng cứ cụ thể còn đang thiếu và nhiều câu hỏi dư luận đặt ra chưa có câu trả lời thuyết phục. Căn cứ kết tội Hồ Duy Hải suy cho cùng vẫn hoàn toàn dựa vào lời khai cùng những suy luận có tội!


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói về vụ án Hồ Duy Hải tại buổi tiếp xúc cử tri Cần Thơ. 

Trong các cuộc tiếp xúc cử tri của lãnh đạo Đảng, Nhà nước sau kì họp Quốc hội vừa qua, vụ án Hồ Duy Hải luôn được đặt câu hỏi, điều đó chứng tỏ người dân còn rất nhiều băn khoăn, chưa đồng thuận.
Việc quyết định một sinh mạng con người cần có cách làm không chấp nhận sai sót và phải dựa trên căn cứ vững chắc, thuyết phục./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 01 tháng 7 năm 2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét