Thứ Ba, 14 tháng 7, 2020

 Để sách… “dễ tiêu”

Hồi nhỏ, khi mới là học sinh cấp 1, tôi được ông bố mua cho 3 cuốn sách truyện và thơ. Đó là cuốn “Góc sân và khoảng trời” của tác giả đồng trang lứa Trần Đăng Khoa; cuốn “Truyện kiều” của đại thi hào Nguyễn Du và cuốn “Đội thiếu niên du kích Đình Bảng” của Xuân Sách. Sau thấy tôi cũng ham đọc sách nên thi thoảng ông lại mua về, nhưng chủ yếu là sách dành cho tuổi thiếu nhi.
Thời đó sách cực hiếm, thường thấy các anh chị thanh niên mượn truyền tay nhau đọc những cuốn truyện nhàu nhĩ, chẳng mấy ai mua được cuốn sách mới còn thơm mùi mực in. Vậy nên 3 cuốn sách trên, tôi đọc xong cuốn nào là có người “xếp hàng” chờ mượn lấy đi liền. Đã đôi lần tôi phải truy tìm để đòi lại sách (sợ nếu bố hỏi đến thì sách vẫn còn), nhưng rồi lại nhanh chóng phải đưa người khác mượn. Cứ thế, tay chuyền tay, sau đó 3 cuốn sách của tôi (và sau này còn một số cuốn khác) đều “mất tích”!


Một thời sách hiếm bởi có lẽ khi đó kinh tế khó khăn nên số đầu sách và số bản sách được phát hành không nhiều. Những cuốn sách được lựa chọn xuất bản đều là những tác phẩm chất lượng cao. Chính vì vậy những tên sách mới “ra lò” (cả tác phẩm trong nước và nước ngoài) đều được cánh trẻ săn lùng, tìm đọc bằng được. Những cuốn sách hay khi đã đến được vùng nông thôn đều đã ố bóng màu mồ hôi tay người chứ chẳng bao giờ thấy còn mới, thậm chí đã bong mất cả bìa, quăn nếp các trang.
Nhớ lại chuyện một thời “món ăn tinh thần” tuy thiếu thốn mà sao “ngon lành”. Ngày nay sách nhiều tựa “mùa bội thu” nhưng lại chịu cảnh “được mùa mất giá”! Nay nhà nhà làm sách, người người in sách, đủ các thể loại nhưng người đọc sách lại quá “thờ ơ”. Những “cơn sốt” sách hay chỉ còn là chuyện của một thời quá vãng.
Nay bất kì ai công tác, làm việc trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ mà trong nhà lại không có một giá sách nho nhỏ. Người chịu khó sưu tầm, lưu giữ thậm chí còn có một góc thư viện gia đình với những tủ chưng đầy sách quý. Hình như tủ sách cũng là “mốt” với một số cán bộ lãnh đạo để thể hiện tầm tri thức. Không ít cán bộ khi có dịp phỏng vấn báo chí thường thấy hình nền là chiếc tủ kính bày hàng hàng lớp lớp những cuốn sách dày cộp, mới toanh.

Thị trường sách xuất bản tràn lan nhưng ít có những đầu sách hay

Phải thừa nhận thị trường sách ế ẩm một phần do nay bùng nổ các kênh thông tin, nhiều phương tiện để tiếp cận tác phẩm văn học nghệ thuật. Tuy vậy, cũng phải thấy thực trạng in ấn, xuất bản quá dễ dãi hiện nay khiến “vàng thau lẫn lộn”. Thú thực ngay bản thân tôi cũng có tủ sách nho nhỏ song chưa có đủ thời gian đọc hết số sách trong đó, nhất là những sách tư liệu lịch sử truyền thống của các đơn vị, sách hồi kí, tổng tập… của cá nhân, bạn hữu tặng. Vì trân trọng người tặng, thông thường tôi đều gắng dành thời gian để đọc. Những cuốn thấy có chất liệu cuộc sống, thông tin mới, giá trị sáng tạo cá nhân… tôi đều đọc hết. Còn những cuốn mà người in sách ra “cốt để có sách” thì đọc mươi trang sẽ biết ngay là vô vị, không thể tốn thời gian vì nó chẳng để lại điều gì thiết thực.
Có thể nói, sách nay rất nhiều cuốn “khó tiêu” với độc giả. Một phần do sự thoái trào của văn hóa đọc, phần khác chính là chất lượng tác phẩm. Nếu các nhà xuất bản “khắt khe” hơn về chất lượng, có lẽ sẽ có những tác phẩm hay không bị “rừng sách” giá rẻ che lấp./.
Đinh Hoàng
Bài trao đổi đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 14 tháng 7 năm 2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét