Thứ Tư, 15 tháng 7, 2020

 Lại “sản xuất” tượng đài  

Nhiều nước trên thế giới có những tượng đài đẹp, nổi tiếng như tượng Nữ thần Tự Do (Mỹ); tượng Chúa Kito cứu thế tại Rio de Janeiro (Brazil); tượng Nhân sư ở tỉnh Giza (Ai Cập); tượng David tại Firenze (Italia); tượng mẹ Nga ở thành phố Volgograd (Liên bang Nga)… Những bức tượng trên chỉ cần được nhìn ngắm một lần sau đó người ta có thể mường tượng lại rõ nét mỗi khi nhắc đến. Được như vậy vì đó là những tác phẩm hội tụ từ giá trị nghệ thuật, kiến trúc đến chiều sâu tư tưởng.


Tượng Thánh Gióng tại khu di tích đền Sóc (Hà Nội).

Có lẽ Việt Nam ta đang “phấn đấu” trở thành đất nước của những tượng đài? Rất nhiều tượng đài đã được dựng lên tại các tỉnh thành trong những năm qua. Tuy nhiên, số tượng đài đạt giá trị nghệ thuật, mĩ thuật, kiến trúc, có chiều sâu tư tưởng chỉ đếm trên đầu ngón tay và còn xa mới vươn tầm thế giới. Tâm lí “con gà tức nhau tiếng gáy” khiến một số địa phương chưa có tượng đài “hoành tráng” đang tìm cách xây dựng cho được để “ghi dấu ấn”. Mấy năm trước tại một số địa phương dự định xây dựng tượng đài hàng nghìn tỉ đồng nhưng do dư luận không đồng thuận đã phải tạm dừng.
Gần đây lại rộ lên trào lưu xây dựng tượng đài xuống tới… cấp huyện trong khi cả nước đang nỗ lực vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19: UBND huyện Yên Định (Thanh Hóa) dự định xây dựng tượng đài Bà Triệu với tổng mức đầu tư 20 tỉ đồng trong khi Huyện ủy, UBND huyện này đang nợ tiền tiếp khách lên đến 52 tỉ đồng; tượng đài khởi nghĩa Vĩnh Thạnh, (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) chi phí 48 tỉ đồng đang gây tranh cãi về tính chính xác về lịch sử (đồng bào dân tộc Ba Na cầm giáo, mác tham gia khởi nghĩa thì tượng cầm rìu; phụ nữ Ba Na mặc váy hở, tượng lại váy kín; người Ba Na bắn nỏ, bắn ná thì tượng lại bắn súng); huyện miền núi nghèo Phước Sơn (Quảng Nam) cũng “mạnh tay” chi 14 tỉ đồng để xây tượng đài chiến thắng Khâm Đức v.v.


Tượng đài khởi nghĩa Vĩnh Thạnh nhiều chi tiết chưa phù hợp, không phải của người Ba Na.

Mục tiêu xây dựng tác phẩm tượng đài là giáo dục truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau thông qua hình tượng nghệ thuật, giá trị thẩm mĩ, tư liệu lịch sử. Tuy nhiên, những tượng đài được xây dựng thời gian qua có lẽ chỉ quan tâm tới mức độ hoành tráng, chưa đầu tư kĩ lưỡng để đạt giá trị nghệ thuật, thẩm mĩ, thậm chí còn có những sai sót về lịch sử, vậy tượng đài ấy đi vào lòng người theo con đường nào?
Theo nhiều chuyên gia văn hóa, mĩ thuật, việc xây dựng tượng đài ở Việt Nam “chẳng giống ai” khi Nhà nước bỏ ngân sách ra để làm và dễ dãi chấp nhận những tác phẩm chất lượng hạn chế. Lẽ ra phải từ tác phẩm để lại dấu ấn hoặc dự án đạt giải được đông đảo dư luận ghi nhận, giới chuyên môn đánh giá cao mới tính đến hiện thực hóa bằng tượng đài thì nay nhiều nơi như làm ngược lại, tìm được nguồn tiền rồi đặt hàng “sản xuất” tác phẩm để giải ngân!
Tượng đài là tác phẩm nghệ thuật nhằm khắc họa lịch sử, truyền thống vẻ vang của dân tộc và nét đẹp con người Việt Nam. Muốn có tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa, không thể làm tượng đài theo cách “sản xuất” hay xây dựng một công trình đơn thuần!/. 
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 15 tháng 7 năm 2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét