Đừng “điên” theo giá vàng!
Giá vàng thế giới hôm
28/7 tăng sốc lên mức 1.977,2 USD/ounce, giá vàng trong nước cũng lên cao kỉ
lục: 58,1 triệu đồng/lượng.
Vàng vốn được xem là
kênh đầu tư an toàn, là “vịnh tránh bão” cho dòng tiền để chống lại khủng
hoảng, lạm phát cũng như sự mất giá của tiền tệ. Chính vì thế, khi giá vàng
tăng càng mạnh, người ta thường nghĩ đến một kịch bản kém lạc quan của nền
kinh tế.
Giá vàng thế giới và trong nước tăng mạnh những ngày qua
Trong thời gian qua,
bên cạnh yếu tố dịch bệnh COVID-19, thế giới còn chứng kiến các vấn đề về
chính trị như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, căng thẳng trên bán đảo
Triều Tiên, Brexit, nội bộ Mỹ bất ổn trong cuộc đua bầu cử Tổng thống… Và khi
mà những dự đoán về khủng hoảng, suy thoái, lạm phát… vẫn còn phủ bóng đen
trên nền kinh tế toàn cầu thì vàng vẫn còn nhận được sự hỗ trợ tăng giá.
Phía sau đà tăng mạnh
của giá vàng, giới chuyên gia dự đoán, kinh tế thế giới cần một lượng tiền
khổng lồ để giải quyết các vấn đề bất ổn và cái giá phải trả là lạm phát tăng
vọt. Nhất là trong bối cảnh USD - đồng tiền định giá vàng trên thị trường tài
chính thế giới liên tục suy yếu.
Tuy giá thế giới tăng
“điên loạn” nhưng đối với Việt Nam, vàng không có vai trò quá quan trọng
trong các hoạt động của nền kinh tế. Mức độ lạm phát đồng tiền những năm qua
luôn trong tầm kiểm soát vĩ mô và ở mức thấp. Vì thế, dù giá vàng trên thế
giới vừa qua có những thời điểm nhảy lên rất cao, tại Việt Nam giá vàng tăng
có sự độc lập tương đối.
Theo phân tích của
các chuyên gia kinh tế, cung cầu thị trường vàng trong nước tương đối ổn
định, nhu cầu không tăng cao, nguồn cung cũng khá dồi dào. Giá vàng bị đẩy
lên là do yếu tố tâm lí trước biến động tình hình thế giới. Dù tác động của
dịch bệnh và chuỗi cung ứng toàn cầu song nền kinh tế Việt Nam vẫn giữ được
sự độc lập nhất định trong sự tăng trưởng và được dự báo nằm trong số ít quốc
gia tăng trưởng dương. Điều này đã hạn chế tác động đến sự lạm phát, đồng
tiền tiếp tục được giữ ổn định giá trị và lãi suất cho vay vẫn đang trong xu
hướng giảm.
Sau một thời gian
khách hàng đầu cơ “phớt lờ” sự tăng giá của vàng, khi giá vượt lên trên 50
triệu/lượng và cứ thế tăng cao thì mấy ngày qua, đây đó đã xuất hiện những
người “sốt ruột”. Bắt đầu thấy cảnh mua bán tăng lên ở một số cửa hàng vàng.
Cảnh mua bán vàng ngày 22/7 khi giá vàng trong nước vượt ngưỡng 53 triệu đồng mỗi lượng.
Nếu ai từng mua vàng
giá 49,15 triệu đồng/lượng cách đây 9 năm có lẽ sẽ không còn tâm lí “sốt
ruột”, nhất là đã phải bán ra khi vàng tụt xuống 32 triệu đồng/lượng mấy năm
sau đó. Dù giá vàng thế giới nay đang cao nhưng cũng chỉ nhỉnh hơn mức giá
vào tháng 9/2011 (1.920 USD/oz).
Ai có vàng mang bán
lúc này thì không có vấn đề gì, nhưng nếu để đầu tư mong hưởng “trái ngọt”
thì hãy cân nhắc.
Vàng lúc này là cuộc
chơi của những người trường vốn, tính toán cho kì vọng lợi nhuận sau nhiều
năm, chẳng hạn với người đã đầu tư cách đây 9 năm thì đây là thời điểm gặt
hái lợi nhuận. Còn với những ai muốn “ăn xổi” ngắn hạn bằng chiêu “lướt sóng”
thì sẽ là sự điên rồ!/.
Đinh
Hoàng
Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 31 tháng
7 năm 2020
|
Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2020
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét